loading
Sinh Hoạt Tôn Giáo
Lễ viếng Cố Tu nữ Diệu Phước (Bà Năm Lò-veng)

Đông đảo chư Tăng, Tu nữ và Phật tử khắp nơi đã đễn viếng lễ tang của Cố Tu nữ Diệu Năm Preyveng. Mọi người đều thương tiếc nhắc lại đức hạnh tu tập cùng như những đóng góp to lớn của Cố Tu nữ trong buổi đầu xây dựng và phát triển các chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Công đức của Cố Tu nữ thật là cao quý.


         Một sô hình ảnh lễ viếng của các chùa và chư Phật tử khắp nơi:



 
Chư vị Trụ trì Thiền viện Phước Sơn, chùa Pháp Quang., chùa Kỳ Viên, chùa Tam Phước 

  


Chư Tăng và Phật tử chùa Thiền Quang I và II




Chư Tăng, Tu nữ và Phật tử Thiền viện Phước Sơn



Khóa kinh của chư Tăng Bửu Long

 


Chư Tăng chùa Xá Lợi Phật Đài

 


Thượng tọa trụ trì chùa Nam Tông

 


Chư Tăng chùa Quảng Nghiêm

 

 

 


 




Đặt bát cúng dường hồi hướng công đức đến Cố Tu nữ.



TÓM TẮT TIỂU SỬ
CỐ TU NỮ DIỆU PHƯỚC (BÀ NĂM LÒ-VENG)


Cố Tu nữ Đặng Thị Năm, Pháp danh Diệu Phước là một tu nữ thuần thành với 43 tuổi Đạo và một chiều dày đáng kể của những công trình tạo phước khắp các miền của đất nước Việt Nam.

Bà sinh năm 1922 tại thị xã Preyveng (Lò-veng), Campuchia, vì vậy cái tên “Bà Năm Lò-veng” đã trở nên thân thuộc với chư Tăng Ni và Phật tử Nam tông Việt Nam.

Lớn lên trong một gia đình thương mại, học hành thành đạt, sau khi lập gia đình, Bà đã có hai người con gái và có một đại lý gạo rất phát đạt ở Campuchia. Vốn là một gia đình theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, khi còn là cư sĩ, Bà đã làm phước cúng dường, hộ độ rất nhiều cho các chùa và chư Tăng ở địa phương.

Năm 1953, Bà trở về Việt Nam, vừa tiếp tục thương mại, vừa hành nghề y tá. Bà theo học Phật Pháp và hành thiền với Ngài Cố Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông. Việc tu tập của Bà rất tinh tấn và có kết quả tốt nên cuối cùng Bà đã quyết định xuất gia để dành hết thời gian đời mình cho việc hành trì.

Năm 1968, Bà xuất gia ở Tổ đình Bửu Long và được chính Ngài Cố Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông làm thầy tế độ. Từ đó Bà luôn cố gắng phấn đấu huân tập Ba-la-mật ngày thêm lớn mạnh. Mỗi ngày Bà dành nhiều thời gian cho việc hành thiền và đã có nhiều chứng nghiệm tâm linh. Bà siêng năng nghe pháp, đọc sách và còn chia sẻ giáo pháp cho những người trẻ tuổi mới vào Đạo.

Nhưng ưu điểm nổi bật nhất của Bà chính là sự sốt sắng, nhiệt thành trong việc cúng dường, làm phước. Các ngôi chùa của Phật Giáo Nguyên Thủy trong những ngày đầu tiên xây dựng và phát triển đều có sự đóng góp tịnh tài, tịnh vật và sự ủng hộ tinh thần của Bà. Gần như mỗi năm Bà đều làm thí chủ dâng y và dâng cúng tứ sự đến chư Tăng trong mùa nhập hạ. Từ miền Đông đất đỏ đến lục tỉnh miền Tây đều ghi đậm dấu ấn tấm lòng của người Tu nữ áo trắng. Chư Tăng các chùa Khmer miền Tây, các chùa ở thành phố như Siêu Lý, Thiền Quang 1-2, Tam Phước, Phước Sơn, Quảng Nghiêm, Giác Quang, Kỳ Viên, Nam Tông, Nguyên Thủy, Huyền Không, Viên Không, v.v… đều nhớ đến sự nhiệt thành cung kính của Bà trong những Phật sự Bà thường tham gia. Thấy chư Tăng thiếu cốc liêu để an trú thì Bà xây dựng trú xứ để cúng dường. Thấy chư Tăng viết sách, phiên dịch thì Bà phát tâm ấn tống kinh sách. Những ngôi chùa xa xôi thì Bà đúc tượng Phật, dâng cúng Xá-lợi. Những nơi thiếu thốn tứ sự thì Bà hoan hỷ cúng dường… Hầu như chỗ nào có dấu ấn của Phật Giáo Nguyên Thủy thì ở đó đều in dấu chân của Bà.

Bao nhiêu năm làm phước không mệt mỏi, đến khi tuổi già sức yếu, những năm cuối đời Bà về an dưỡng ở Tổ đình Bửu Long trong tình thương yêu đùm bọc của chư Tăng Ni Phật tử ở đây. Ngài Hòa thượng Viên Minh và Ngài Hòa thượng Hộ Pháp thường đến thăm hỏi và sách tấn Bà. Quý cô Diệu Thành, Diệu Hóa và quý tu nữ, Phật tử gần xa cũng hay viếng thăm vấn an sức khỏe Bà. Mặc dù già bệnh nhưng Bà vẫn hành trì miên mật những lời dạy của Thầy Tổ.

Chiều ngày 29 Âm lịch, Bà tự nhiên yếu đi nhưng vẫn rất tỉnh táo. Sáng 30 Tết, Ngài Hộ Pháp từ Viên Không đã trở về tụng Kinh an lành cho Bà. Sau đó Bà đã khỏe lại. Đến trưa mồng 3 Tết, Bà thỉnh chư Tăng về đặt bát tại cốc. Đến chiều, cô Diệu Thành sang thăm và đã kể tích chuyện ông phú hộ Dhammika (Kinh Pháp Cú) cho Bà nghe. Khoảng 17h, quý sư trong chùa đến thăm và Bà đã thanh thản nhẹ nhàng ra đi trong sự hộ niệm của chư Tăng.

Cho đến giờ phút cuối cùng Bà vẫn luôn sáng suốt, minh mẫn, giữ trọn niềm tin nơi Tam Bảo, thật xứng đáng là một người con chân chính của Đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni.

 
Trở lại     Đầu trang