THƯ NGỎ
PL.2554, Huế, ngày 12/9/2010
Kính bạch chư tôn trưởng lão,
Kính bạch chư tôn đại đức Tăng ni,
Kính thưa chư thiện nam tín nữ trong và ngoài nước,
Vào sáng ngày 23/7/2010 tại chùa Huyền Không, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra Lễ Khai giảng Khoá học Anh ngữ Miễn phí các khối lớp 6,7,8,9 theo chương trình giáo dục hiện hành để giúp học sinh các thôn xã lân cận nhà chùa có điều kiện học tiếng Anh tốt hơn. Do điều kiện hỗ trợ việc Dạy và Học của nhà chùa (phòng học, tiền lương giáo viên, bàn ghế …) bước đầu còn quá khiêm tốn nên chỉ có thể mở mỗi khối một lớp; mỗi lớp dự trù tối đa khoảng 36-38 học sinh. Thế nhưng tới nay tổng số các em ghi danh theo học đã gần 200 em. Các em ở xa hay tin muộn đến xin học thì có trường hợp được nhận, có trường hợp nhà chùa phải từ chối vì đã hết chỗ! Nhìn các em hoặc phụ huynh các em buồn bã thất vọng quay về; có em bật khóc ngay tại chỗ mà lòng tôi hết sức xót xa!
Kính bạch quí ngài,
Kính thưa liệt quí vị,
Khoá học Anh ngữ Miễn phí ở trên là một trong ba kế hoạch của chương trình Giáo dục - Từ thiện - Hoằng Pháp tương hỗ của chùa Huyền Không, đã và đang tiếp tục thực hiện trong Mùa Hè năm nay hướng về thế hệ trẻ - mầm non và tương lai của đất nước cũng như của Phật giáo Việt Nam. Hai kế hoạch kia là: Lớp Thiền Vipassanā sáng chủ nhật hằng tuần vừa được triển khai vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 8/2010 và xây dựng Liên đoàn Thanh Thiếu Đồng Nhi Phật tử Huyền Không. Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ của một số vị tôn đức và thiện nam tín nữ xa gần nên Lớp Thiền (tiền thân là các Khoá Thiền không thường xuyên) và Liên đoàn Phật tử đã bước đầu ổn định, có thể sinh hoạt đều. Chỉ duy Khoá học Anh ngữ Miễn phí đang rất cần sự ủng hộ nhiều mặt và thường xuyên của chư tôn đức Tăng ni và chư vị Phật tử hảo tâm các giới mới có thể duy trì và phát triển.
Xin được trình bày thêm đôi nét về tình hình xã hội, hoàn cảnh địa phương, môi trường sống và học hành của các cháu – các nhân tố thúc đẩy tôi đứng ra vận động, tổ chức Các lớp Anh ngữ Miễn phí nói trên:
Nằm cách trung tâm thành phố Huế từ 5-15 km (tuỳ thôn, xã), chủ yếu mưu sinh bằng nghề nông hoặc thủ công nghiệp như chằm nón, mộc, nề, đan lát… nên lợi tức kiếm được của người dân ở vùng này tương đối thấp đến rất thấp; tuy nhiên hầu hết cha mẹ của học sinh ở đây rất quan tâm tới việc học của con em nên thường cố gắng vượt bậc để có thể chu cấp chi phí học tập cho các cháu. Ngoài việc theo học chính khoá tại nhà trường (phải trả học phí, nhiều khoản phụ phí hằng tháng một số tiền không nhỏ so với thu nhập của người dân quê) hầu hết các em đều phải đi học thêm các môn học quan trọng - trong đó tiếng Anh là một trong các môn bắt buộc từ lớp 6 trở lên. Lý do phải học thêm xuất phát từ ít nhất 2 vấn đề sau:
- Chương trình giáo dục nặng mà thời lượng dành cho một số môn hơi ít nên giáo viên không thể dạy đủ, dạy kỹ.
- Nhiều giáo viên mở lớp phụ đạo (dạy thêm) tại nhà để tăng thu nhập nên giờ lên lớp ở trường chỉ dạy lướt qua.
Hệ quả tất yếu là các học sinh không thể không học thêm nếu không muốn ở lại lớp.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinh bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông bỏ dở việc học vì khả năng tài chính của cha mẹ hoặc người giám hộ không đủ sức đảm đương. Có thể hình dung điều này một cách dễ dàng nếu ta làm một phép tính đơn giản như sau: Một gia đình nông dân hoặc công nhân hành nghề lao động chân tay đơn giản hay buôn thúng bán mẹt có thu nhập hằng tháng từ 1-2 triệu đồng, có 2 tới 4 con đang độ tuổi ăn học. Ngoài chi phí ăn uống, sinh hoạt… cha mẹ phải bỏ vào quĩ học tập cho mỗi cháu tối thiểu mỗi tháng từ 300.000đ đến 500.000đ tùy bậc học. Nếu công việc làm ăn suôn sẻ, gia đình không có người bệnh hoạn, tai ương; nền kinh tế xã hội không gặp biến động lớn khiến đồng bạc mất giá thì dù khó khăn (thường xuyên thiếu hụt) các gia đình nông dân, công nhân… này vẫn cố gắng lo được cho con em mình bởi vì tập tính truyền thống của dân ta vốn tôn trọng sự học! Lại nữa các bậc cha mẹ ở nông thôn hoặc giới lao động chân tay chỉ biết biện pháp duy nhất thoát khỏi đói nghèo và cuộc sống bần hàn chân lấm tay bùn, cơ cực là đầu tư cho con cái được ăn học tới nơi tới chốn.
Với những gia đình quá nghèo, lợi tức hằng ngày may lắm chỉ đủ ăn, không có tiền để cho con đi học thêm thì ngoài việc các cháu học tập thua sút bạn bè, có thể còn phải gánh thêm cái họa con cái hư hỏng vì lứa tuổi ham ăn ham chơi này chưa biết tự bảo vệ mình, sẽ bị nhiều thứ độc hại xung quanh cám dỗ, huỷ hoại!
Một môi trường tốt cho các cháu lui tới học thêm, vui chơi sau giờ đến trường học chính khoá sẽ giúp các cháu không những học tốt hơn mà ít nhiều còn góp phần hình thành nơi các cháu một nhân cách tốt sau này. Đó là suy nghĩ của tôi khi đứng ra tổ chức Các lớp Anh ngữ Miễn phí tại chùa Huyền Không.
Dưới đây xin liệt kê các chi phí hằng tháng của 4 lớp Anh ngữ (6, 7, 8, 9):
- Lương giáo viên: 1.100.000 đ/1 lớp (2 lần 1 tuần; 1 lần 2 tiết) x 4 lớp = 4.400.000 đ
- Điện (1 phòng học luân phiên dạy 4 lớp): 200.000 đ/tháng
Rất mong được chư tôn trưởng lão, chư Đại đức Tăng Ni và thiện nam tín nữ xa gần, trong nước và hải ngoại quan tâm hỗ trợ để nhà chùa có thể tiếp tục giúp đỡ thế hệ trẻ về mặt giáo dục.
Thành kính tri ân quí ngài và quí liệt vị.
Kính chúc quí ngài và quí liệt vị vô lượng an lành.
Chủ trì chùa Huyền Không
Bhikkhu Pháp Tông
Phone: (84)976.214.876
Email: dhammavamso@gmail.com
Địa chỉ: chùa Huyền Không
Hương Hồ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế
- Khóa Thiền Vipassāna 2 ngày dành cho Sinh viên - Học sinh
- Khai giảng Khóa học Anh Văn Miễn Phí tại chùa Huyền Không
- Khóa Thiền Vipassanā 3 Ngày Dành Cho Sinh Viên - Hoc Sinh
- Khóa Tu Học Mùa Hè Dành Cho Thanh Thiếu Nhi
- Trường Phật học tổ chức thi học kỳ II và thi tốt nghiệp
- Trích Báo Cáo Sơ Kết Hoạt Động 6 Tháng Đầu Năm 2007 Của Hệ Phái Nam Tông TT – Huế
- Lễ Tổng Kết và Phát Thưởng Năm Học 2006 - 2007 của Trường Trung Cấp Phật Học Nam Tông tại chùa Huyền Không
- TRIỂN LÃM CÚNG DƯỜNG MÙA HIẾU HẠNH
- HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH VÀ HỘI THẢO PHẬT HỌC CỦA HIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
- Hội Thảo Định Kỳ 2 Năm Của Hiệp Hội Các Đại Học Phật Giáo Theravāda tại Sagaing, Myanmar