Sinh Hoạt Tôn Giáo
ĐẠI LỄ KHÁNH THÀNH BẢO THÁP MAHA BODHI CHÙA HUYỀN KHÔNG
DIỄN VĂN CHÀO MỪNG
& LƯỢC THUẬT CÔNG TÁC XÂY DỰNG
BẢO THÁP ĐẠI GIÁC HUYỀN KHÔNG
Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
Kính bạch chư tôn Trưởng lão, chư tôn giáo phẩm, Đại đức Tăng Ni,
Kính thưa quý vị lãnh đạo Đảng, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận các cấp, các ban ngành hiện diện,
Kính thưa các vị khách quý,
Kính thưa toàn thể Phật tử các giới,
Hệ phái Nam tông Thừa Thiên Huế vô cùng hoan hỷ khi được cung nghinh chư tôn Trưởng lão, chư tôn giáo phẩm, Đại đức Tăng Ni Nam Bắc tông Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào; quý vị lãnh đạo Đảng, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế, thị xã Hương Trà, phường Hương Hồ, phường Hương An; các vị khách quý cùng toàn thể bà con Phật tử Việt, Thái, Campuchia, Lào đã quang lâm chứng minh, tham dự lễ Khánh thành Bảo tháp Đại Giác tại chùa Huyền Không sáng hôm nay. Sự hiện diện của quý ngài, liệt quý vị đã nói lên sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo các nước bạn Thái Lan, Lào đối với Hệ phái Nam tông Việt Nam và nâng tầm long trọng cho cuộc lễ này. Đây thực sự là vinh dự, là niềm vui lớn cho Tăng Ni Phật tử tại tỉnh nhà nói chung, Hệ phái Nam tông Thừa Thiên Huế nói riêng.
Chân thành kính lễ, cung tiếp chư tôn Trưởng lão, chư tôn giáo phẩm, chư tôn đức Tăng Ni Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào!
Hân hoan chào đón quý vị lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, các ban ngành, các vị khách quý và toàn thể bà con Phật tử Việt, Thái, Campuchia, Lào!
Kính bạch quý ngài,
Kính thưa liệt quý vị,
Trong nhận thức của người Việt hiện nay nói chung, khi nói đến việc thờ Phật nơi công cộng hầu hết đều liên tưởng đến một ngôi nhà được gọi là chùa hoặc gọi bằng từ kép là chùa chiền; và trong ngôi nhà ấy thường tôn trí một hay nhiều pho tượng Phật hoặc Bồ-tát tùy theo truyền thừa Phật giáo. Với những người có vốn hiểu biết về Hán ngữ thì khẳng định “chùa” hoặc “chùa chiền” không thuộc nhóm từ Hán-Việt. Với rất nhiều người thì rõ ràng xưa nay đó là các từ thuần Việt. Gần đây, với việc phát triển chuyên ngành Ngôn ngữ học so sánh, giới nghiên cứu biết “chiền” có gốc từ một chữ Pali là CETIYA, mà người Thái, Campuchia và Lào đọc trại thành “chê-đi” có nghĩa là cái tháp để thờ Xá-lợi Đức Phật, các vị Thánh tăng hoặc cao tăng đắc thiền, còn người Việt từ xưa đọc thành “chiền” do tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm tiết nên có khuynh hướng nhập chung các từ đa âm tiết của ngôn ngữ khác khi được du nhập và cộng sinh với tiếng Việt thành một âm tiết! Nhưng còn chữ “chùa” thì cho đến nay hầu như chưa có một công trình nghiên cứu nào làm sáng tỏ gốc gác ngôn ngữ của nó. Cách đây không lâu, đọc được thông tin về nguồn gốc chữ “chiền”, khi liên hệ đến chữ “chùa” tôi chợt nảy ra suy nghĩ, phải chăng “chùa” cũng xuất phát từ một chữ Pali nào đó như Bụt (Bud) và “chiền”? Dựa trên yếu tố đồng nghĩa hoặc cận nghĩa của từ ngữ, tôi tra cứu và phát hiện chữ STŪPA (Sanscrit) hoặc THŪPA (Pali) đều có nghĩa là cái tháp; đền thờ; đài tưởng niệm như chữ CETIYA. Trong hai từ này, U là trọng âm của từ, nguyên âm A ở cuối từ thường đọc nhẹ hoặc không đọc, phụ âm đầu (ST/TH) có khuynh hướng đọc trại thành CH trong tiếng Việt; đối chiếu với từ “chùa” trong phát âm tiếng Việt, mặc dầu “UA” là nguyên âm kép nhưng âm chính vẫn là U; . Vậy thì rất có thể, chữ “chùa” có nguồn gốc từ chữ STŪPA/THŪPA của cổ ngữ Ấn, do các vị sư Ấn sang Giao châu truyền bá Phật Pháp trước Công nguyên từ 2-3 thế kỷ, được Phật tử bản địa tiếp thu và đọc trại đi mà ra! Và điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nghĩa đầu tiên của cả hai chữ trên đều có nghĩa là cái tháp (ngôi mộ được cách điệu trong kiến trúc); thứ đến là nội dung thờ phụng: ưu tiên số một phải là Xá-lợi của vị được phụng thờ trong tháp; sau đó mới đến tượng, ảnh, vật lưu niệm của vị ấy. Xét theo ý nghĩa này thì trong tâm thức của tổ tiên người Việt ngày xưa, chùa chiền có nghĩa là bảo tháp thờ Xá-lợi Đức Phật hoặc Xá-lợi các vị Thánh tăng hay cao tăng đắc Đạo, đắc thiền. Điều này rất đúng với mục đích và nội dung xây dựng vô số tháp ở các quốc gia Phật giáo Nam tông ở Đông Nam Á và Nam Á. Các công trình dưới dạng nhà lớn nhỏ trong các tu viện Phật giáo Nam tông là cho các mục đích khác như: Để chư Tăng hành Tăng sự, sám hối, truyền giới, thường trú, lưu trú, giảng Pháp, học Pháp, hành thiền ...
Kính bạch quý ngài,
Kính thưa liệt quý vị,
Lạm bàn đôi chút về ngôn ngữ chỉ để làm rõ hơn mục đích của việc kiến tạo ngôi bảo tháp tại chùa Huyền Không này. Rất mong quý ngài và liệt quý vị thể tất cho! Bây giờ xin được tường trình vắn tắt quá trình xây dựng bảo tháp Đại Giác Huyền Không.
Năm 1993, điện Phật chùa Huyền Không được khởi công xây dựng, đến mùa Xuân năm 1995 hoàn thành và tổ chức Kiết giới, Khánh thành. Trong khoảng chưa đầy 2 năm này, nhà chùa có duyên lành được hai vị thí chủ dâng cúng Xá-lợi của Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni và đức Thánh tăng Sīvalī: lần đầu vào đầu năm 1994, lần tiếp theo vào dịp lễ Khánh thành điện Phật. Từ thời điểm ấy cho đến gần đây, thỉnh thoảng chư Tăng Ni, Phật tử Nam tông Việt Nam hoặc các nước Phật giáo Nguyên thủy trong vùng cung thỉnh Xá-lợi đến xin cúng dường vào chùa Huyền Không. Và cá nhân tôi cũng đôi lần sang Thái Lan, Myanmar thỉnh Xá-lợi về phụng thờ. Nhu cầu có nơi phụng thờ Xá-lợi đúng mức vì thế ngày càng lớn hơn.
Mùa Xuân năm 2005, sau khi đã chọn xong vị trí, lễ Đặt đá xây dựng bảo tháp thờ Xá-lợi tại chùa Huyền Không được tổ chức đơn giản trong nội bộ chư Tăng Phật giáo Nam tông Thừa Thiên Huế chỉ như một khẳng định về quyết tâm thực hiện vì vào thời điểm ấy, mô hình tháp dự kiến và kinh phí xây dựng đang ở thì tương lai! Đến cuối năm 2005, nhân chuyến hành hương Ấn Độ, được tận mắt chiêm quan bảo tháp Đại Giác ở Bodhi-Gāya, tôi bị thu hút bởi đường nét kiến trúc đặc biệt và tính biểu tượng tâm linh của nhóm tháp này (ngoài ý nghĩa là một trong 4 địa điểm hành hương hàng đầu của Phật giáo đồ khắp thế giới). Trở về nước, tôi suy nghĩ, đắn đo, cân nhắc giữa các mẫu tháp và khả năng tài chính dự liệu có thể quyên góp để kiến tạo. Đúng vào giai đoạn này, nhân duyên đưa đẩy, một đệ tử của tôi là sư Tường Phác, đang hướng dẫn cho ba gia đình cư sĩ Phật tử tu học là ông bà bác sĩ Hùng-Hiền, ông bà bác sĩ Hiếu-Hằng và ông bà bác sĩ Trọng-Nhi - rể và con gái của ông bà bác sĩ Hùng-Hiền hiện ở Hoa Kỳ, đã khiến họ phát tâm hoan hỷ cúng dường 60.000 USD để khởi công kiến tạo ngôi bảo tháp tại chùa Huyền Không. Ba gia đình cư sĩ này còn đề nghị tôi chọn kiểu tháp nào cho thật đẹp để xây cất. Và chính lời đề nghị này đã thúc đẩy tôi đi đến quyết định chọn mẫu tháp Đại Giác ở Bồ-Đề đạo tràng, quê hương của Đức Phật nhưng với quy mô vừa phải và phù hợp với không gian và mặt bằng nơi này.
Cuối Xuân năm 2007, sau khi hoàn tất thủ tục xin phép xây dựng, bảo tháp được khởi công , dự kiến sẽ thực hiện trong vòng 2-3 năm là hoàn tất. Thế nhưng “Người tính không bằng trời tính”! Thực tế phải sau 7 năm làm việc liên tục công trình mới hoàn thiện. Trong suốt thời gian ấy, không ít lần tưởng đâu phải tạm ngừng. Nguyên nhân chính là do sau khi công trình triển khai được hơn một năm thì kinh tế toàn cầu bị suy thoái nặng nề, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội như giá cả nguyên vật liệu tăng vọt, kéo theo lương công nhân nâng lên liên tục; trong khi đó giá trị đồng tiền tỷ lệ nghịch với đà tăng tốc của hàng hóa. Kinh phí dự trù cho công trình bị đội lên gấp mấy lần; thời gian thi công kéo dài do công trình có kết cấu phức tạp; biện pháp cơ giới không thể thực hiện vì mặt bằng hẹp nên tuy có độ cao như một tòa nhà 8-10 tầng mà phải sử dụng lao động thủ công hầu hết công đoạn. Chi tiết kiến trúc cầu kỳ, lạ buộc phải thử nghiệm từng hình mẫu trước khi sản xuất đồng loạt cũng góp phần kéo dài thời gian thực hiện. Thế nhưng, vào những lúc khó khăn nhất về tài chính, duyên may lại được các bậc quý nhân huynh đệ, Tăng Ni Phật tử “Cấp Cô Độc” hỗ trợ kịp thời giúp cho tiến độ thi công không bị dừng lại. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Một giọt nước trong cơn khát bỏng giữa sa mạc quý hơn cả lượng vàng” là những gì chúng tôi nghĩ có thể diễn tả được lòng quý mến, biết ơn của chúng tôi đối với sự ứng cứu đúng lúc của các vị ân nhân.
Ngôi bảo tháp này mô phỏng theo mẫu ngôi đại tháp Mahā Bodhi Gāya ở Ấn Độ nhưng kích cỡ thu nhỏ. Chiều cao của tháp chính là 37m; bốn tháp phụ xung quanh cao khoảng 24m. Chiều dài cạnh đáy ngang là 15,4m; cạnh đáy dọc là 9,4m. Bốn mặt tháp chính và tháp phụ mô phỏng khá chính xác và trung thành với đường nét kiến trúc đậm nét kỷ hà của đại tháp ở Ấn Độ. Tuy nhiên, do kích cỡ không lớn và mục đích sử dụng đa dạng hơn nên đường nét kiến trúc, phù điêu ở lan can của tầng tháp thứ nhất được lược giản tối đa; nhất là trên vách tường của tầng nền (tầng trệt) công trình này hoàn toàn khác hẳn.
Tháp được xây dựng bằng gạch đất sét nung với hệ dầm, cột bê-tông làm khung chịu lực. Bốn tháp phụ mang tính trang trí và đối trọng lực để tạo sự cân bằng cho tháp chính khi có bão lớn và biến động đất. Trung tâm của quần thể kiến trúc là ngôi tháp chính có tầm cao vượt khỏi 4 tháp phụ hơn 10m. Quần thể kiến trúc này thể hiện một phần vũ trụ quan của Phật giáo: Núi Tu-di (Sineru) và tứ đại châu (Đông Thắng thần châu, Tây Ngưu hóa châu, Nam Thiện bộ châu và Tây Ngưu hóa châu). Tháp có một tầng nền làm đế và phía trên là quần thể tháp 5 ngôi. Trong đó chỉ có ngôi tháp chính có không gian bên trong đủ rộng để sử dụng nên được bố trí thành 6 tầng. Hai tầng cao nhất để tôn trí xá-lợi của Đức Phật, xá-lợi chư Thánh Tăng và tượng Phật; hai tầng tiếp theo dùng làm nơi tàng trữ Tam tạng Pālī bằng văn tự các nước, chú giải và sách, tài liệu nghiên cứu Phật học. Hai tầng thấp nhất, một dùng làm Thiền phòng và phòng trưng bày các món quà lưu niệm đưa về sau những lần tham dự hội thảo quốc tế, đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc,... Tầng nền sẽ là phòng Khánh tiết và dùng để đón tiếp các vị khách, đoàn khách vãng lai quan trọng.
Sau 7 năm thi công, dự toán của công trình hoàn toàn phá sản vì suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng. Cho đến cuối năm 2014, thời điểm hoàn thiện các hạng mục cuối cùng của công trình, tổng chi phí tính theo thời giá hiện nay vào khoảng 9 tỷ đồng Việt Nam. Số tiền quả thực không lớn so với nhiều công trình tôn giáo được xây dựng gần đây nhưng cái hay cái đẹp, cái thành công, những bài học có được trong quá trình xây dựng tháp và sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng lại vượt ra ngoài dự kiến của chúng tôi. Đó là điều làm chúng tôi hết sức hoan hỷ, mừng vui. Xin được chân thành chia xẻ niềm vui và quả báo của phước sự này với chư tôn đức Tăng Ni và liệt quý vị. Ngưỡng mong chư tôn đức và toàn thể quý vị đồng khởi tâm tùy hỷ!
Ngưỡng nguyện hồng ân Tam Bảo thùy từ gia hộ cho toàn thế giới và đất nước Việt Nam luôn thái bình, thịnh vượng; Phật Pháp ngày càng mở rộng và tồn tại lâu dài mang lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh!
Namo Buddhāya!
Một số hình ảnh được ghi lại:
Các tin khác
- Đại lễ Vesak - Tam Hợp tại chùa Huyền Không
- Thọ đầu-đà đêm Rằm tháng Tư tại Tổ đình Bửu Long
- Ngài Đại sứ Thái Lan viếng thăm hai chùa: Huyền Không và Huyền Không Sơn Thượng
- THÔNG BÁO Khóa tu học mùa hè tháng 6/2015 tại Ni viện Viên Không
- PHƯƠNG DANH THÍ CHỦ HÙN PHƯỚC LỄ KHÁNH THÀNH BẢO THÁP ĐẠI GIÁC CHÙA HUYỀN KHÔNG
- CHƯƠNG TRÌNH LỄ KHÁNH THÀNH BẢO THÁP ĐẠI GIÁC CHÙA HUYỀN KHÔNG
- THÔNG BÁO:
- Lễ hội Huyền Không – Rằm Tháng Hai năm Ất Mùi
- Lịch trình của Thầy Viên Minh ở California
- Thông báo về việc tổ chức khánh thành Bảo Tháp Đại Giác và Khoá xuất gia gieo duyên tại chùa Huyền Không
- Hình ảnh buổi lễ mừng sinh nhật tại Ni viện Viên Không
- Thông báo về việc tổ chức mừng sinh nhật Thầy và Ni viện Viên Không
- Một số hình ảnh đêm Đầu-đà Rằm tháng Giêng tại Tổ đình Bửu Long
- Lễ Thánh Hội - Chùa Huyền Không
- Chương trình Đêm Đầu Đà Rằm Tháng Giêng tại Tổ đình Bửu Long