Kết quả Tìm Kiếm: Có 9 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'tham thoại đầu'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Con kính lễ Thầy,
Thưa Thầy con xin hỏi là, con hiểu thiền tứ niệm xứ là sống với bốn oai nghi đều tự nhiên, vô tâm, chỉ nên biết tiến trình thân, tâm thực tại nơi mình và tương giao với pháp mà không có cái ta chọn lựa đề mục, tạo tác, phân biệt. Dần dần cái thấy trực tiếp (tuệ giác, chánh kiến) về sự thật, bản chất pháp sẽ tự xuất hiện và ngày càng rõ, sâu hơn. Mặt khác, kinh Phật cũng có những trường hợp đức Phật cho một đề mục thiền quán phù hợp để vị tỳ kheo suy ngẫm và chứng quả. Vậy con nên hiểu việc suy tư, nghiền ngẫm này (có đề mục, có suy nghĩ với chánh tư duy) nên được thực hành, phối hợp thế nào trong tương giao với tứ niệm xứ tự nhiên, vô tâm ạ? Con xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu con hiểu đề mục mà Phật dạy cho một người nào đó cũng như đề mục mà các thiền sư dạy hiện nay thì con đã hiểu sai rồi. Đức Phật dạy đề mục cho từng đối tượng duy nhất mà chỉ có người đó mới hiểu đức Phật dạy gì, chứ không như các thiền sư ngày nay dạy một đề mục duy nhất của mình cho mọi người! Do đó cách hành của người được Phật khai thị khác hẳn cách hành theo khuôn mẫu của các thiền sư ngày nay chế định sẵn.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, các vị thiền sư Trung Hoa tham thiền công án hoặc tham thiền thoại đầu khi đạt được định thì trạng thái định này có thoát ra khỏi tam giới hay không, kính xin Thầy khai thị. Con xin chân thành cảm ơn!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu là định vô vi vô ngã thì mới thoát tam giới, còn định nào còn hữu vi hữu ngã (do nỗ lực của bản ngã tạo thành) thì không thoát khỏi tam giới. Như vậy là còn tuỳ vào cách họ tham công án như thế nào mới được.
Câu hỏi:
Thưa thầy! Nghi trong nghi tình của Thiền Tông khác gì với nghi triền cái ạ?
Cảm ơn thầy! Chúc thầy sức khỏe ạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nghi triền cái là tâm trạng phân vân, lưỡng lự, do dự, bất an. Còn nghi tình trong tham thoại đầu là chỉ đưa ra nghi vấn rồi lặng lẽ kiên trì chờ đợi sự bùng vỡ bất ngờ chứ không được tìm cách lý giải. Thí dụ toàn tâm toàn lực tham thoại đầu "Ai niệm Phật" nhưng không được tự ý trả lời cho đến khi hoát nhiên liễu ngộ.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, ai cũng có sẵn tánh giác nhưng làm sao để sống trọn vẹn với tánh giác đó? Mặc dù biết mình có tánh giác nhưng không thể sống trọn vẹn trong tánh giác ấy vì chưa thực chứng mà chỉ là hiểu qua kiến thức thôi, nên khi gặp cảnh duyên khó mà dụng được... Xin thầy từ bi chỉ rõ cho con lối vào. <p>
Dạo trước con có hành pháp môn tham thoại đầu nhưng con chẳng thể đến chỗ chơn nghi, lại bị ý thức ngăn che, tại sao tâm đang rỗng rang như thế lại khởi lên cái nghi để làm gì, nên con bỏ không tham nữa, tâm con tạm an ổn nhưng cái thao thức đạt đến chỗ không sanh diệt ấy cứ trổi lên hoài khiến con cảm thấy luôn bất an, chỉ tự trách mình nghiệp tập sâu dày, nghe kinh tâm chẳng mở mang, chỉ biết trên kiến thức chừng nào mới thoát luân hồi sanh tử! Mong thầy từ bi chỉ điểm cho con! Trân trọng.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tánh giác vốn không sinh diệt nên không cần dụng công mà chính lúc tâm rỗng rang, lặng lẽ, hồn nhiên, không trước ý gì... thì nó liền tự chiếu. Nỗ lực của lý trí hay ý chí tạo ra vọng thức, tìm cầu với tà kiến và tham ái của cái "Ta" ảo tưởng nên mới lăng xăng tạo tác để trở thành. Đó chính là bất an và ngăn ngại. Chính vì muốn trừ vọng thức ngăn che ấy nên chư Tổ mới bày ra các pháp môn phương tiện như niệm Phât, trì chú, tham thoại đầu... hoặc vô số phương pháp hành thiền khác. Nhưng nếu ai ngay nơi mọi động tịnh, chơn giả của thân-thọ-tâm-pháp mà thấy biết hồn nhiên trong sáng thì đó chính là tánh giác đang tự chiếu rõ ràng (chánh niệm tỉnh giác, liễu liễu thường tri). Còn ai vẫn còn loay hoay trong quỹ đạo của lý trí thì đành phải dùng phương tiện, phương pháp để tìm cầu cho đến khi vỡ lẽ mới buông ra liền trở về mà thấy (Ehipassiko).
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! <p>
Con dùng câu: "Không nghĩ Thiện Không nghĩ Ác. Cái gì là Bản Lai Diện Mục?" của Ngài Lục Tổ khi khai thị cho Thượng toạ Minh làm câu Tham Thoại Đầu có được không? <p>
Vì sao con dùng câu này? Vì khi con nghe đến câu này, trong tâm con nghĩ: "Đây là câu Khai Thị nên ta cũng có thể được Khai Thị. Hơn nữa con nghĩ (Nghi?) "sở dĩ Thượng Toạ Minh được Minh Tâm là vì hiểu được nghĩa của câu Không nghĩ Thiện Không nghĩ Ác, vì thế con chuyên tâm tham". Con đã tham câu này được ba tháng, nay đã ngưng chừng một tháng. Vì khi tham, con thấy tâm con cứ lăng xăng muốn tìm ra mặt mũi của nó là gì. Rồi khi nghe Duy Lực Ngữ Lục, con nhận ra đây chỉ là Hồ Nghi chứ không phải Chân Nghi và muốn chuyển qua câu khác. <p>
Ngưỡng mong Thầy từ bi khai!
Con thành tâm tạ ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con đổi câu khác thì tình trạng cũng sẽ y như cũ, vì câu nói ấy chỉ khai thị cho Huệ Minh và chỉ hợp "cơ" của Huệ Minh thôi. Nếu con nghe mà ngộ nhập ngay thì con cùng "cơ" với Huệ Minh rồi, còn nếu không thì càng "tham" con càng bị câu nói ấy ám thị bởi khái niệm ảo hơn là thực sự khởi "nghi tình". Chân lý ở khắp mọi nơi, chỉ cần trọn vẹn tỉnh thức với thực tại là thấy ngay (sandiṭṭhiko), không thấy ngay mà phân vân suy nghĩ là sai rồi. Huống chi con tự phân cách với thực tại bởi một câu nói mà con gượng "tham" để cầu đắc pháp! Nơi con chân lý vốn đầy đủ, chỉ cần nhìn lại liền thấy (ehipassiko: hồi đầu là bến), không cần phương tiện, thời gian (akāliko) và nỗ lực của bản ngã.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, thời gian vừa qua, có người bạn giới thiệu con mới biết đến Thầy. <p>
Nghe các Pháp thoại và đọc các câu trả lời của Thầy, con đã phần nào hiểu về đường lối tu học của Thầy, con rất tâm đắc. Nhưng có điều, trước khi biết pháp tu học của Thầy, có người giới thiệu tu học theo phương pháp Tổ Sư Thiền. Vậy con xin phép Thầy được hỏi, lúc "tham" bên Tổ Sư Thiền có giống lúc "thận trọng-chú tâm-quan sát" bên pháp của Thầy hay không? <p>
Kính mong Thầy giải đáp giúp con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thiền Vipassanà và Tổ Sư Thiền giống nhau ở chỗ ngay nơi thực tại thấy thực tánh chân đế (kiến tánh), nhưng khác nhau ở cách thể hiện. Trong thiền Vipassanà tức thiền Minh Sát thì thận trọng, chú tâm, quan sát hay tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác là để tâm luôn trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân-thọ-tâm-pháp. Trọn vẹn trong sáng nghĩa là buông hết khái niệm, tư tưởng, quan niệm xen vào thực tại (điều này giống với "vô niệm" của Lục Tổ và "liễu liễu thường tri" của Nhị Tổ khi đã ngộ nhờ biết quay về nhìn lại tâm bất an). Như vậy, lúc đầu Tổ Sư Thiền từ Lục Tổ trở về trước giống với thiền Vipassanà ở chỗ trực tiếp nơi thực tại thân tâm mà thấy tánh. Nghĩa là tâm phải vô niệm (không khởi khái niệm, quan niệm) mới có thể chánh niệm hay liễu liễu thường tri trực tiếp thấy tánh nơi thực tại đang là.
Sau Lục Tổ thì Thiền Trung Hoa chia làm 5 phái, từ đó mới có tham thoại đầu. Do hành giả tạp niệm quá nhiều nên phải vận dụng phương tiện gián tiếp "tham thoạt đầu" để tâm không còn bị khái niệm, tư tưởng, quan niệm xen vào thực tại. Tuy nhiên, đó là phương tiện gián tiếp nên cần phải khởi nghi tình cho đến khi nghi tình vỡ tung thì mới vào được thực tại mà kiến tánh. Chỉ khác nhau ở chỗ trực tiếp và gián tiếp như thế mà thôi.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! <p>
Như con được hiểu thì từ Phật đến các Tổ đều từ nghi mà đến ngộ. Đức Phật cũng từ khởi nghi sinh, già, bệnh, chết rồi tham cứu để được ngộ đạo. Khi xưa các bậc giác ngộ trên một cơ một cảnh mà làm cho môn sinh khởi nghi mà không biết, chứ không phải là không có nghi. Lại thêm Thiền Tông có nói tiểu tử tiểu hoạt, đại tử đại hoạt, chết rồi sống lại không dấu được ai. Như vậy nghĩa kiến tánh bên Thiền Tông là đã kiến tánh thì không bao giờ quay lại trạng thái phàm phu nữa, mặc dầu có 3 cửa để dứt dần tập khí. Như trong Thiên tông có nói cái biết vọng cũng là vọng, còn khởi cái biết vọng đó cũng còn là vọng. Vậy theo pháp hành như Thầy dạy có đúng với nghĩa trong kinh Kim Cang không ạ? <p>
Kính thưa Thầy! Ngài Triệu Châu, Hoàng Bá... cho đến Ngài Vĩnh Gia đều hoằng dương pháp Tham Thiền. Và cho đến ngày nay nhiều pháp môn khác đều có Thầy. Nhưng chẳng lẽ lời người xưa là hư dối. Phải chăng làm đúng như lời người xưa trong kinh luận là không thể thành công mà bắt buộc phải có Thầy hướng dẫn? <p>
Kính thưa Thầy! Thầy thông cảm cho con, cũng vì một lòng hướng về đạo mà con thì thấy mình hợp với tham thiền. Vì lòng từ bi, con kính xin thầy chỉ rõ mà đừng đem lòng ruồng bỏ con. Thực tình con không thấy pháp nào hợp hơn với con là Tham Thiền. Kính xin Thầy mở lòng.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Nếu con không thấy pháp nào hợp với con hơn là tham thoại đầu thì con cứ tham thoại đầu đi. Còn nếu con không khăng khăng cho mình là chỉ hợp với thoại đầu thôi mà cần xem có pháp nào thích hợp hơn thì con thử vào nghe những Pháp thoại sau đây trong trang web này, như "Không phương pháp thì tất cả đều là phương pháp", "Cốt lõi chung - Nhất hướng của sự tu tập", "Thiền đối trị - Thiền thấy ra sự thật" (nằm trong "Những bài pháp ngắn ở Adelaide/2013"). Và 2 bài mới đây ở Thụy Sĩ là: "Về bài Kinh 'Đặt sai hướng'" và "Hỏi đáp về Không, Vô tướng, Vô tác, Vô cầu - Nền tảng Giáo pháp của Đức Phật". Đừng vội khẳng định mình như thế, đó không phải là bản ngã sao?
2) Kinh Kim Cang chủ yếu là dạy "ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" nghĩa là khi mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh v.v... thì trong thấy chỉ là thấy, trong nghe chỉ là nghe... không có ta, của ta, tự ngã của ta trong đó. Thấy là mắt thấy sắc không phải "ta thấy", biết là tánh biết biết pháp không phải "ta biết". Đơn giản là thế, nhưng nếu con còn có "cái ta" muốn tham thoại đầu thì con nên tham câu "ai tham thoại đầu?" là tốt nhất.
3) Đừng nói là lời của Triệu Châu, Hoàng Bá, Vĩnh Gia... mà ngay cả lời Phật dạy cũng chỉ dạy cho mỗi căn cơ mỗi khác chứ không phải lời nào cũng đúng cho mọi người. Vì vậy đừng có bắt chước lời của các ngài mà tự khẳng định hay phân vân nghi hoặc. Ngài Xá-lợi-phất, bậc thượng thủ về trí tuệ, còn dạy sai đề mục thiền cho đệ tử bị Phật quở trách huống chi Triệu Châu, Hoàng Bá! Nếu con tin chắc vào thoại đầu, vào Triệu Châu, Hoàng Bá như vậy sao gọi là đại nghi đại ngộ? Tóm lại, đừng lý luận, tâm như hư không, như "diện bích" thì mới có thể "khởi nghi tình" và không khởi ý niệm xác quyết điều gì cả. Còn lý luận, còn xác quyết thì chẳng bao giờ hiểu chữ "nghi" trong thiền tông được. Cẩn trọng!
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Vậy con có thắc mắc Thiền Tông ngày xưa lấy Thoại đầu để Tham, có rất nhiều người ngộ đạo, theo các luận của Thiền Tông. Vậy như thầy nói khán thoại đầu là pháp nên dùng? Nó có bất trắc không Thầy? Nếu một người tham đúng như lời các vị giác ngộ bên Thiền Tông có đạt được như Pháp hành Thầy thường dạy không ạ? Kính xin Thầy mở lòng chỉ giúp. Con kính cám ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thoại đầu chỉ xuất hiện sau thời Lục Tổ Huệ Năng khi Thiền Tông đã chia thành 5 phái, lúc đó phần lớn căn cơ trình độ chưa thể thấy tánh được ngay nên phải dùng phương tiện thoại đầu để dẫn nhập. Từ Tổ Huệ Năng trở về trước không có tham thoại đầu chẳng lẽ không ngộ được? Một khi đã sử dụng phương tiện thì như dùng con dao hai lưỡi. Nếu có thiền sư chứng ngộ chỉ dẫn và hành giả hành đúng thì mới có cơ may ngộ được pháp tánh, bằng không thì không tẩu hỏa nhập ma cũng khó mà "bình thường tâm thị Đạo"! Người biết trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại - "liễu liễu thường tri" - có thể thấy mọi pháp như nó đang là thì không cần phải tham công án nào cả. Vì nói như Tổ Huệ Năng, ngay đó không nghĩ thiện nghĩ ác thì chính là bản lai diện mục rồi còn phải qua thoại đầu nào nữa! Người không thể thường tinh tấn chánh niệm tỉnh giác - với tâm rỗng lặng trong sáng - như thế mới phải dùng phương tiện hay phương pháp để vào. Nhưng thiền thì "vô môn" mới là "chánh pháp nhãn tạng Niết-bàn diệu tâm" vậy.
Câu hỏi:
Thưa thầy, năm mới con kính chúc Thầy cùng chư Tăng Ni được an lạc, tinh tấn trong tu tập. Bạch thầy, con nghĩ là thiền Vipassanà của Phật Giáo Nguyên Thủy với khán thoại đầu của Thiền Tông Trung Hoa có nhiều điểm giống nhau, nhưng con muốn hỏi là trong pháp hành thì "chánh niệm, tỉnh giác" và "khởi nghi tình" trong khán thoại đầu loại nào thù thắng hơn, mong Thầy chỉ dạy. Con kính lễ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mục đích của khán thoại đầu là dồn lý trí vọng thức (hữu ngã) vào ngõ cụt "bất khả tri" để tánh biết "tri bất tri thượng" (vô ngã) xuất hiện nguyên vẹn phản ánh trung thực toàn diện các pháp nên gọi là kiến tánh hay ngộ. Trong khi chánh niệm là tâm không vọng niệm, trọn vẹn với thực tại ở đây và bây giờ, nên tâm vô niệm, không lăng xăng tạo tác, rỗng lặng trong sáng, thấy rõ thực tánh pháp chân đế nên gọi là Vipassanà (minh kiến) hay thấy pháp (pháp nhãn). Đó là lý do tại sao Tổ Huệ Năng dạy lấy VÔ NIỆM để kiến tánh.
Vì tham công án là phương tiện thiện xảo đặt ra sau thời Tổ Huệ Năng nên không trực tiếp vô niệm mà lấy nghi tình làm "thời kỳ quá độ" để chuyển từ cái biết hữu ngã hữu niệm phân biệt của lý trí qua tánh biết vô ngã, vô niệm, vô phân biệt của tuệ giác mà hiệu ứng của nghi tình là sự bùng vỡ của ngộ. Còn chánh niệm tỉnh giác chính là vô niệm trực tiếp ứng ra từ tánh biết rỗng lặng trong sáng nên tự nó trọn vẹn với thực tánh chân đế.
Tóm lại, tham công án là phương tiện gián tiếp phải trải qua thời gian nghi tình đế kiến tánh, còn chánh niệm tỉnh giác là tự thân tánh giác thấy thực tánh chân đế không qua phương tiện nào. Tuy nhiên đó là nói chánh niệm tỉnh giác hay vô niệm đích thực thời kỳ tiền công án, còn hiện nay không ít trường phái thiền đã đưa chánh niệm tỉnh giác xuống mức độ nỗ lực tạo tác của bản ngã thì lại không bằng tham công án để loại cái ngã vọng niệm trước rồi mới thấy tánh sau, vì như vậy sẽ ít bị nguy cơ rơi vào sở đắc của bản ngã, khi chưa thực sự chánh niệm tỉnh giác.