Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 16-07-2022
Câu hỏi:
Con chào Thầy.
Con là một công chức bình thường làm việc trong cơ quan nhà nước. Con cũng đã lập gia đình và có một em bé. Con không phải là một người kiếm tiền giỏi, cũng cảm thấy bản thân không có tham vọng đấu đá thương trường. Hai vợ chồng con hiện tại đang có một mức lương đủ sống, đang nợ mua nhà, mua xe, một năm thi thoảng biếu ba mẹ đôi bên được vài triệu và tiền thuốc men.
Mọi chuyện cứ êm ả như vậy cho đến khi ba con bắt đầu hùn tất cả số vốn hơn 500tr đã tích cóp hơn nửa đời người vào kinh doanh. Việc làm ăn không suôn sẻ, ba con còn phát bệnh và rụng tóc. Gia đình mọi thứ đảo lộn. Con đang là người vô tư vô lo, không kiếm được nhiều tiền bỗng dưng suy sụp. Trong đầu con luôn có suy nghĩ tiêu cực, là con thật kém cỏi, bao năm ba mẹ nuôi ăn học mà giờ đến lúc này không giúp nổi ba mẹ. Lúc này trong đầu con nghĩ con sẽ kinh doanh và kiếm thật nhiều tiền rồi trả nợ cho ba nhưng con luôn sợ sệt, con sợ mình thất bại, và chồng con thì không muốn con thay đổi cv vì nếu như vậy không có ai ở nhà chăm con, mọi thứ sẽ đảo lộn.
Con cứ sống như vậy một thời gian dài, con có triệu chứng trầm cảm đến phát phì người ra...
Bây giờ sau 3 năm tình trạng nợ nần vẫn chưa gỡ được do covid, ba con cũng đã thôi hi vọng và đau khổ quá nhiều vào mất mát. Con cũng đã nguôi ngoai không còn dằn vặt bản thân mình nữa.
Nhưng nhà con có chị họ bằng tuổi con, sau khi gặp may mắn trong kinh doanh thì mua được nhà, mua được xe, bố của chị là bác con rất hay khoe khoang. Vì thế mỗi lần về quê, ba mẹ con lại nói chị ấy chẳng học hành gì mà giờ đại gia, còn con vẫn chỉ là một công chức bình thường. Khi nghe như vậy con rất tủi thân, con lại so sánh con với chị và lại cảm thấy chán ghét bản thân, lại muốn kinh doanh kiếm thật nhiều tiền để lo được cho bố mẹ và không bị so sánh, thấp kém nữa. Nhiều lúc con thực sư rất mệt mỏi và con buông hết tất cả mọi thứ từ ham muốn, ước mơ. Con trở về trạng thái bình thường, con thấy không còn đau khổ, dằn vặt nữa.
Nhưng chỉ được vài hôm con quên đi, hiện thực nợ nần vẫn còn đó...
Thưa thầy, ước mơ của con còn nhiều lắm, con vẫn còn ham giàu sang, ham lo cho ba mẹ thực sự nhưng con chưa biết làm gì cho phải vào lúc như thế này...
Xin Thầy cho con câu trả lời. Con cảm ơn Thầy.
Ngày gửi: 30-06-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy,
Con có 3 năm làm việc tại nhà và làm việc một mình, 3 năm đó có những lúc con tưởng chừng như con không sống sót vì một mình mình lo hết mọi công việc, và chỉ ra ngoài khi làm việc với đối tác mà thôi. 2 năm còn lại thì rơi vào mùa Covid nên công việc đó lại là một phần rất may mắn đối với con, nhưng đến hiện tại, khi con đã nghỉ việc được nửa năm và bận bịu với việc học một chương trình thạc sĩ online kết hợp với dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ và dạy yoga vào cuối tuần, con khá là rảnh thời gian và thu nhập cũng bớt đi rất nhiều.
Con quan sát trong con thì thấy mình có rất nhiều mâu thuẫn. Trước đây nếu nói làm việc online tại nhà một mình thì con sợ hãi, mà giờ nói làm việc một mình con lại thấy ổn. Tuy thích một mình như vậy nhưng khi đi xin việc và va chạm mọi người con lại phát hiện ra hình như mình yếu đuối nhiều hơn so với trước kia. Đụng chuyện một chút có thể khiến con mất cả ngày để thải độc năng lượng. Con trở nên thu mình và khép kín hơn, nhưng lại là người niềm nở khi đi dạy yoga và nói chuyện với học sinh vào cuối tuần. Con trở nên sợ sự cạnh tranh và môi trường làm việc nhiều mánh lới.
Con rất yêu thích việc dạy yoga và dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ, nhưng chính con cũng biết con không kiếm được nhiều tiền từ khoản thu nhập này, con chỉ làm vì con yêu thích chứ không hoàn toàn vì tiền, mà cuộc sống đòi hỏi con phải nỗ lực rất nhiều.
Ở lứa tuối 37 của con, tất cả bạn bè đều có gia đình và có con. Con chưa lập gia đình tuy nhiên con cũng muốn kết hôn và có con như một lẽ của tự nhiên vậy. Nhưng con không biết sao tất cả những người con yêu thương đều cuối cùng có 1 biến cố nào đó xảy ra để chia tay con. Chuyện này lặp lại rất nhiều lần. Con cứ đi tìm mãi sứ mệnh của mình là gì mà con đường tình duyên và sự nghiệp của con đi rất ngắn, mỗi chặng lại ngắn khác nhau khiến con băn khoăn con đã làm gì sai mà con không hay biết? Con cũng không biết mình có nên đi tu hay không? Và nhiều lúc con thấy con còn mẹ già cần chăm sóc và lại nghĩ tu tại gia chính là cách tu rốt ráo nhất rồi.
Con đã mất nhiều thời gian để quan sát chính mình, nhìn vào sự mâu thuẫn trong chính con, nhưng chắc vẫn là chưa đủ, con xin thầy khai thị thêm cho con thấy rõ.
Con cám ơn thầy!
Ngày gửi: 23-06-2022
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ Thầy!
Hôm nay con muốn hỏi Thầy một việc ạ. Từ ngày học và hành Phật pháp, tâm con khá yên bình và con cũng bớt mong cầu. Hiện tại, con đang làm 1 công việc liên quan đến dự án giáo dục hơn 10 năm tại một tổ chức rất nhân văn. Có thể do thời gian làm việc tốt, thoải mái và con cũng yêu thích công việc nên bản thân con cũng không có nhu cầu tìm việc khác. Tuy nhiên, khi thấy một số công việc tốt hơn và con nghĩ là sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn và cũng lợi ích cho con tốt hơn thì con lại hơi lung lay muốn sang chỗ mới. Nhưng tâm con cũng lo lắng không biết là môi trường mới thì con có làm tốt không và đặc biệt là con lo không có nhiều thời gian để học pháp, ngồi thiền như bây giờ hay không. Thầy ơi, Thầy cho con hỏi là nếu vậy thì tâm con có phải tham lam không? và liệu việc nghĩ ra đi tìm một nơi tốt hơn để phát triển bản thân là việc có nên làm không ạ?
Con cảm ơn Thầy rất nhiều ạ!
Chơn Phúc
Ngày gửi: 23-06-2022
Câu hỏi:
Dạ thưa Thầy!
Con đang muốn tham dự khoá tu dài ngày. Nhưng hiện tại con đang trông mẹ con đã 88 tuổi! Con mong Thầy cho con một lời khuyên để con có thể yên lòng, tâm bình an khi gửi mẹ con vô nhà dưỡng lão để tham dự khoá tu ạ! Dạ con cám ơn Thầy.
Ngày gửi: 12-06-2022
Câu hỏi:
Dạ thưa Sư Ông!
Con thường được nghe giảng là “cái thiện luôn luôn thắng cái ác”, “chánh luôn thắng tà”, “ở hiền sẽ gặp lành”,… nhưng sự thực cuộc đời có như vậy đâu! Nếu “luật nhân quả” được hiểu theo cách Sư Ông giảng dạy là ở mặt “tâm lý” chứ không phải mặt “vật lý” thì có lẽ đã không gây hiểu nhầm đối với đạo Phật. Ví dụ: Khi bị một ai đó làm tổn thương, sự việc đó đã diễn ra không thể nào quay lại. Nhưng lúc này nếu tâm mình khởi lên sân thì mình sẽ đau khổ, còn không khởi lên sân thì không đau khổ. Nhân: là tâm có khởi sân hay không sân. Còn Quả: chính là sự đau khổ hay không đau khổ. Và nó chính là luật nhân quả trên bề mặt “tâm lý”
Nhưng mọi người lại cứ hiểu nhầm để giảng “luật nhân quả” theo kiểu “vật lý” “hiện tượng”. Con muốn nói điều này vì ban đầu con rất tin vào “luật nhân quả” theo “vật lý - hiện tượng” từ Phật giáo. Nhưng khi mới va vấp với cuộc đời, hiểu thêm về cuộc sống. Con mới nhận ra, sự thực là “cái Ác đa phần sẽ luôn thắng cái Thiện”. Sự thực là dù Ác hay Thiện thì bên nào MẠNH HƠN, NHIỀU LỢI THẾ HƠN thì sẽ THẮNG. Mà Cái Ác đa phần sẽ luôn thắng, đó là vì Cái Thiện có những giá trị lương tâm, nhân bản, đạo đức mà không vượt qua được. Cũng như, chỉ có Ác xảy ra trước thì Thiện mới xuất hiện sau.
Khi nhận ra sự thực này, lúc đó niềm tin về đạo Phật trong con đã đổ vỡ rất nhiều, con đã phải rẩt rất rất đau khổ khi hiểu ra sự thực này. Tại sao lại có sự hiểu lầm lớn đến vậy, bản thân con cũng vì ban đầu tin vào “luật nhân quả” này nên luôn luôn nhường nhịn trong mọi chuyện. Đến một lúc con nhận ra mình trở nên bạc nhược, nhu nhược lúc nào không hay. Chẳng thà từ ban đầu con ko tin vào “luật nhân quả” thì con đã hành xử như một người bình thường và cũng ko bị đau khổ vì đổ vỡ niềm tin.
Đúng là Đức Phật có dạy “Đừng vội tin những tường thuật về lời Ngài”, nhưng thực sự được bao nhiêu người khi biết đến Đạo Phật mà có thể suy xét như vậy, đa phần đều từ Niềm Tin mà đến, chính con cũng từng như vậy. Dẫn đến khi đổ vỡ về tinh thần lớn như vậy, nhưng may mắn là con biết đến Sư Ông nhờ đó mà hiểu “luật nhân quả” mà Đức Phật thực sự muốn chỉ dạy chính là thái độ nội tâm của mỗi con người. Nếu con ko biết đến Sư Ông có lẽ sau sự đổ vỡ đó con sẽ không còn niềm tin vào Đạo Phật hay Đức Phật nữa.
Dù vậy hiện nay mỗi khi nghe ai nói những câu đại loại như “thiện luôn thắng ác”,… trong lòng con lại khởi lên cơn sân với chính những người nói câu đó, vì con cảm thấy như họ đang nói những điều ko đúng với sự thực của cuộc đời. Giờ trong lòng con đang bị cơn sân này đối với những câu đó không biết khi nào sẽ hết nữa.
Cám ơn Sư Ông đã lắng nghe câu hỏi và chia sẻ của con!
Ngày gửi: 28-05-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con xin chia sẻ về việc điểm số trong học hành từ nhỏ đến giờ ảnh hưởng thế nào đến con. Ba mẹ con rất đánh giá cao người học giỏi thành đạt, có địa vị. Từ nhỏ mấy chị em con đều biết, hai chị em gái con cố gắng rất nhiều, đi học thêm, thức từ ba giờ sáng để học bài, toàn là 9 với 10. Riêng con, thể dục con toàn 5. Có năm năn nỉ thầy thể dục được 6.5 (rất ít), toàn là bị khống chế không được loại giỏi, con khóc rất nhiều. Thi học sinh giỏi rớt vòng tỉnh, con cũng khóc. Đậu Đại học, với khối kiến thức học không hết, môn nào thích thì 9, 10; môn nào chán 5 với 6. Ra trường con viết CV thật hoàn hảo, vừa là lối nghĩ của mình và vừa của người khác, con biết con không được hết những gì trong CV nhưng cạnh tranh mà, con phải gồng mình lên để được như vậy. Bằng tính toán và biết thế nào là hoàn hảo con được nhiều chỗ lớn nhận làm và nhảy việc. Con thấy khối kiến thức mình học bao năm chẳng có gì đọng lại. Trái lại, việc thực tế mình va chạm giữa người với người và cách làm việc hiệu quả là cả một hệ thống cần quan sát và thận trọng rất cao. Đó là những gì còn đọng lại trong con bây giờ để hoạt động quản lý cho cơ sở của mình và con học thực tế rất nhiều việc mà những con chữ kia không giúp ích là bao.
Có lần hồi nhỏ, khi thầy bảo tự chấm điểm cho nhau rồi thầy đi ra. Con đã khuyến khích các bạn 5,6,7 cứ cho 8,9,10 hết và các bạn 9,10 cũng không phản đối, và cả lớp ai cũng đạt điểm cao. Con biết thầy biết mà không nói gì.
Nhìn lại, tuổi thơ con không có gì ngoài sách vở, con thấy thật bi đát và chán nản, con thật bất ngờ khi thấy gương mặt vui cười khi đứa bé thả diều, con cầm con diều mà không thấy có niềm vui gì hết.
Con của con hồi nhỏ bị chứng chậm phát triển nhẹ, bây giờ gần như bình thường rồi nhưng trí nhớ không tốt, chỉ nhớ những gì mình thích. Con vẫn cho đi học thêm, không ép buộc, nhớ gì thì nhớ làm sao thi được 8 điểm cao nhất cũng được. Và bé thi 8, 9 điểm mà không hề áp lực.
Con nghĩ điểm số cũng tốt nhưng nó không đánh giá mức độ thành công của con người trong tương lai, và trên đường đạo nó càng không có nghĩa lý gì. Quan trọng là thực nghiệm dạy sao cho biết thực tế nhiều thì điểm số lúc đó mới có giá trị, ví dụ đo cái bàn cao nhiêu cm. mm,... hay đi trồng cây, làm thí nghiệm hóa học thực tế,... mà cháu con đang học ở phương Tây rất vui và bổ ích. Còn ở đây, lý thuyết một nùi, ép vô đầu cho nhớ hết thì cái đầu bị khai thác quá sớm làm sao cho trái ngon được.
Nên con nghĩ, trong hệ thống giáo dục nặng nề như hiện giờ, tùy theo lương tâm của giáo viên mà cho điểm học sinh theo ý mình cũng chẳng sao, nó thấp điểm cho nó lên cao tí cũng được, có thể nó ở nhà thích nghiên cứu lego hay vẽ tranh mà môn văn hay toán nó dở xíu mà mức độ nó trung bình thì cho 7,8 điểm cũng không phạm nói dối gì. Quan trọng trên lớp mình hướng cho tụi nó sống tốt, có cái nhìn rõ ràng về tương lai mà không mơ mộng, cũng như cách đối xử giữa người với người, còn kiến thức, trung bình cũng ổn mà giỏi hơn cũng được, tùy mỗi đứa.
Con xin chia sẻ ý kiến trái chiều một chút. Có gì sai mong thầy bỏ qua.
Con cám ơn thầy.
Ngày gửi: 24-05-2022
Câu hỏi:
Con xin Thầy hoan hỉ chỉ dạy cho con về việc học Nhân số học của nhà MAYQ, theo Thầy thì là Phật tử ngoài tụng kinh lễ Phật có cần học thêm Nhân số học để biết thêm vận mệnh của mình không? Con chân thành cảm ơn Thầy.
Ngày gửi: 23-05-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy! Thời gian này con có thấy con và một số người xung quanh con đang bị dính mắc vào hình thức hay vẻ ngoài. Con nghe thầy giảng mình dính mắc là vì quá bận tâm tới nó và chỉ có chánh niệm tỉnh giác mới chữa được bệnh này. Nhưng con vẫn không làm nó hết được. Con mua đồ đắt tiền so với con mà con mặc lên không được thoải mái vì cứ để ý tới chiếc quần đó không sao giản dị được. Thầy khai mở cho con được tư do tự tại không phải dính như keo nữa ạ. Con cảm ơn thầy ạ.
Ngày gửi: 21-05-2022
Câu hỏi:
Dạ thưa thầy,
Khi con người ta ham mê một việc gì đó thì tập trung quá nhiều vào nó và trở nên si mê. Và con cũng đang dính mắc vào nó như nhiều người, cụ thể như chụp ảnh và đăng facebook. Tuy việc chụp ảnh của con có nhiều mục đích như muốn khám phá mọi con vật và hoa cỏ xung quanh, cũng như chia sẻ cảnh quang đẹp nơi mình đang sống cho mọi người... nhưng đôi lúc quá đà đi đâu cũng muốn đem theo máy ảnh và suy nghĩ về nó và tập trung quá nhiều thời gian cho nó và facebook.
Vậy thầy có thể cho con lời khuyên để con có thể buông xả bớt để trở về được không ạ.
Con xin thành kính tri ân thầy.
Ngày gửi: 19-05-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,
Gần đây, con đọc thấy khá nhiều câu hỏi về người hướng ngoại và người hướng nội, tiện đây con xin phép hỏi thầy.
Theo con được biết, người hướng nội trội về suy ngẫm, quan sát, cảm nhận, phân tích, sáng tạo; người hướng ngoại trội về kết nối, giao tiếp, phản biện, thuyết phục, ảnh hưởng và đây đều là những kỹ năng cần thiết và có thể rèn luyện được (lặp đi lặp lại là mẹ đẻ của kỹ năng). 2 điểm chính phân biệt hướng nội và hướng ngoại: hướng nội nạp năng lượng (khi cảm thấy mệt mỏi) bằng cách dành thời gian riêng cho bản thân, cần ở một mình, ưu tiên đích đến hơn là đi với ai nên đi với ai không quan trọng, quan trọng là đi đến đâu, có đáng để trải nghiệm không, còn hướng ngoại nạp năng lượng bằng cách giao lưu, chia sẻ với người khác, ưu tiên sự kết nối, tình đồng đội để cùng nhau đi đến đích nên đi đâu không quan trọng, quan trọng là đi với ai.
Vậy thưa thầy, phải chăng những điểm có vẻ trái nghịch nhau như vậy đều có sẵn bên trong mỗi người, chỉ khác nhau ở tỷ lệ, bên nào nhiều hơn thì sẽ thiên về hướng đó và người hướng ngoại hay người hướng nội đều cần cân bằng cả hai, lấy bên trong làm gốc để tu tập đúng hướng, nhưng vẫn giữ được cá tính của mình như hướng ngoại cần tập trung vào bản lĩnh tự thân nhưng vẫn giữ sự hào hứng đối với những thứ bên ngoài miễn đừng để nó cuốn trôi là được, còn hướng nội cần hoà nhập, giao lưu nhưng vẫn giữ được không gian riêng cho bản thân, như vậy có gì sai không thầy? Mong thầy chỉ rõ giúp con. Con cảm ơn thầy.