Kết quả Tìm Kiếm: Có 13 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'Thất giác chi'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 01-12-2019
Câu hỏi:
Kính bạch sư. Con có một thắc mắc chưa thông suốt. Trong mười chướng ngại của thiền tuệ, trong đó có: niệm, hỷ lạc, khinh an, tinh tấn, định, xả và tuệ. Và trong thất bồ đề phần cũng có những giác chi tương tự như vậy. Vậy có sự khác biệt nhau hay không giữa hai trường hợp trên và làm sao phân biệt được rõ ràng? Kính mong sư khai thị.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu con trải nghiệm thực trong pháp hành - không phải chỉ y cứ trên ngôn từ - thì con sẽ thấy 7 giác chi và 7 phiền não có tên tượng tự của thiền Vipassanā hoàn toàn khác nhau. Trong pháp hành, 7 giác chi đều là động từ chỉ thái độ hành động của tâm (nhân) trước đối tượng, trong khi 7 điều tương tự được gọi là phiền não trong thiền Vipassanā lại là danh từ chỉ trạng thái do hiệu ứng (quả) của hành sai tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác nên lạc qua thiền định mà có.
Ngày gửi: 09-04-2019
Câu hỏi:
Con kính chào Thầy!
Thưa thầy, Thầy cho con hỏi khi con sử dụng thất giác chi để khắc phục triền cái nghi hoặc thì ngoài chánh niệm sẽ dùng các yếu tố nào trong thất giác chi ạ?
Con hiện đang áp dụng các yếu tố trong thất giác chi mà theo con tư duy là phù hợp trong trường hợp có triền cái nghi hoặc. Tuy nhiên con chưa chắc chắn các yếu tố con dùng là đúng. Vì vậy, con xin thầy chỉ rõ các chi phần nào trong thất giác chi con nên áp dụng khi có triền cái nghi hoặc, để con có thể đối chiếu, kiểm tra lại cho chắc chắn mà tự thực hành đúng, có hiệu quả trong trường hợp của con.
À, con xem trên trang nên được biết thầy sắp đi giảng pháp dài ngày ở nước ngoài. Thầy tuổi đã cao, đi đường xa chắc hẳn không tránh được mệt mỏi (mặc dù con biết Thầy của con rất siêu ạ) nên con vẫn lo cho Thầy. Sang đó thời tiết, múi giờ cũng khác nữa. Vậy nên, Thầy nhớ chú ý giữ gìn sức khoẻ nha Thầy, Thầy sẽ thật mạnh khoẻ khi kết thúc chuyến hoằng pháp để về nước lại với tụi con nha Thầy.
Con chưa được gặp Thầy nhưng con luôn nhớ và thương kính Thầy. Cầu Phật gia hộ cho Thầy ạ!
Thương kính Thầy!
Con
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nghi hoặc thuộc tâm si - thường phân vân do dự - cần dùng yếu tố niệm và trạch pháp trong thất giác chi để tâm trọn vẹn minh bạch trên đối tượng thì không còn nghi hoặc nữa.
Ngày gửi: 30-07-2016
Câu hỏi:
Kính Sư trưỡng lão!
Thiền Hữu sắc dạy phải bỏ chữ "Hỷ" theo câu: "Xả hỷ lạc trú".
Ngược lại, thất giác chi dạy phải giữ chữ "Hỷ".
Xin thầy vui lòng cho biết tại sao vậy?
Con chân thành cảm ơn sự chỉ dạy của Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Trong thiền định Sơ thiền có 5 chi tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Nhị thiền bỏ tầm và tứ. Tam thiền bỏ hỷ. Tứ thiền bỏ lạc chỉ còn nhất tâm và xả. Vì vậy khi đến Tam thiền, Tứ thiền đương nhiên không cần hỷ nữa.
2) Trong Thất Giác chi, không dạy giữ Hỷ mà biết sử dụng Hỷ (cùng trạch pháp, tinh tấn) để giúp lấy lại thăng bằng khi tâm rơi vào trạng thái thụ động. Nhưng khi tâm dao động thì không cần Hỷ nữa mà chỉ cần Khinh an, Định và Xả mới quân bình được tâm.
Ngày gửi: 30-09-2015
Câu hỏi:
Con đa tạ thầy. Con kính bạch thầy tâm xả của con là tu như thấy mà không thấy nghe mà không nghe... không có gì con thấy quan trọng cả. Con sống không buồn không vui, cứ vậy thôi. Có việc gì hay tâm nào có mặt con vẫn biết nhưng thi thoảng vẫn cho nó buông lung đôi chút vì con còn phụ vợ bán hàng ở chợ. Còn chánh niệm thì chủ yếu lúc hành thiền theo cách ngài Mahasi: niệm thân theo dõi diễn biến thân thọ tâm pháp đặc biệt sự sanh diệt vô thường của sắc uẩn. <p>
Vì trước đây con tu đại thừa, con học Bát-nhã Vô Trí Luận của ngài Tăng Triệu nên con sống kiểu vô niệm vậy, nó cũng hợp với tánh con ưa trầm lặng. Nay con tu vậy và bây giờ con gần như giữa chợ mà vẫn tách biệt, không có một ai làm quen bắt chuyện hay làm phiền kể cả người trong gia đình. Bạn bè đồng tu đều niệm Phật bây giờ cũng ai đi đường đó. Gần như giữa đời mà con vẫn một mình nhưng con không thấy có gì phải buồn vui ở đó. Chỉ hơi buồn là đôi lúc muốn chia sẻ pháp mà không có ai cùng tu cùng học.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Hành giả cần tu những yếu tố giác ngộ trong 37 Bồ-đề phần nhất là Bát Chánh Đạo một cách quân bình không quá thiên lệch một yếu tố nào mới được. Định xả nhiều quá tâm sẽ bị trì trệ thiếu linh hoạt. Tinh tấn nhiều quá tâm sinh dao động khó tĩnh lặng. Trí nhiều quá tâm sinh nghi hoặc mất trong sáng. Tín nhiều quá tâm sinh tham cầu khó tri túc. Niệm quá mức tâm sinh nắm giữ tướng chung tướng riêng khiến căng thẳng bất an khó trọn vẹn tự nhiên với thực tại.
Trong thời mạt pháp, các tông môn thi nhau chế định các phương pháp tu một chiều, kiểu chuyên biệt như vậy chỉ sinh ra kinh nghiệm cục bộ, nổi mặt này yếu mặt kia, khó mà giác ngộ chu toàn được. Xả là thấy pháp đến đi như nó đang là chứ không chấp trước, nắm giữ, dính mắc điều gì, nhưng khi con dính mắc vào xả thì đâu còn là xả giác chi thật sự nữa? Cũng vậy, chánh niệm là tâm trọn vẹn với pháp đang là, không phân tâm tạp niệm chứ không phải cố gắng nắm bắt tướng chung tướng riêng của pháp ấy. Tâm xả trong chánh niệm tỉnh giác chính là thấy pháp trung thực như nó là chứ không tưởng là, cho là, phải là, sẽ là... mới đúng.
Ngày gửi: 24-12-2014
Câu hỏi:
Kính bạch Sư Ông, <p>
Con vừa tìm đọc quyển Tuyển Tập Thư Thầy, trong lá thư số 33, có đoạn Sư Ông dạy "Như vậy, khi con cảm thấy chán nản, mệt mỏi, thụ động, tiêu cực thì con nên tu chánh niệm tỉnh giác kèm với các giác chi trạch pháp, tinh tấn hoặc hỷ để tâm con hưng phấn lên, thoát khỏi tình trạng trì trệ. Khi con cảm thấy bồn chồn, dao động, trạo cử thì nên tu chánh niệm tỉnh giác kèm với các giác chi khinh an, định hoặc xả để tâm lắng dịu xuống, thoát khỏi tình trạng phấn khích." <p>
Xin Sư Ông chỉ bày thêm cho con, làm thế nào để tu chánh niệm tỉnh giác kèm với các giác chi như trạch pháp, tinh tấn, hỷ hoặc khinh an, định và xả. Con xin thành tâm đảnh lễ và cảm tạ Sư Ông.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi tu Tứ Niệm Xứ thuần thục thì tự nhiên Thất Giác Chi xuất hiện, nói cho dễ hiểu là khi con đã có thể trở về trọn vẹn tỉnh thức với thân thọ tâm pháp thì con dễ dàng phát hiện hai trạng thái của tâm là thụ động và dao động. Trong 7 giác chi có chánh niệm là gốc, nghĩa là dù thụ động hay dao động thì trược hết phải trọn vẹn cảm nhận được nó. Nếu cảm nhận đó là trạng thái thụ động thì chỉ cần thận trọng chú tâm quan sát trạng thái thụ động ấy (Trạch pháp) thì tâm sẽ tích cực lên (Tinh tấn) và hoan hỷ phấn khởi trở lại (Hỷ). Nếu đó là trạng thái dao động thì chỉ cần thư giãn (Khinh an), buông xả (Xả) thì tâm sẽ ổn định (Định). Nhờ vậy tâm sẽ trở về trạng thái quân bình với tự tánh sáng suốt, định tĩnh, trong lành của nó.
Ngày gửi: 12-10-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, trước hết con xin được đảnh lễ Thầy. <p>
Đã lâu rồi, dù không có vấn đề gì về tu học nhưng con vẫn thường nghe Pháp thoại của Thầy và lên mục Hỏi đáp này để học hỏi thêm những lời giải đáp của Thầy cho các thắc mắc của các đạo hữu. <p>
Hôm nay con xin hỏi Thầy: <p>
1. Anh và chị của con bị bệnh ung thư. Trong cuốn Hương Vị Pháp Bảo của thiền sư Silananda có nói rằng, khi gia đình có người bị bệnh thì thỉnh chư Tăng đến nhà đọc tụng bài Kinh Thất Giác Chi thì có thể thuyên giảm bệnh. Nếu con muốn học bài Kinh này thì con tìm ở đâu? <p>
2. Theo như thông báo trên trang nhà Hộ Tông thì Thầy sẽ qua Úc châu hoằng pháp trong khoảng thời gian từ 25/10 đến 25/11/2013 có phải không Thầy? Con định về Việt Nam thăm Thầy, quý Sư và quý Cô cuối năm nay. Nhưng nếu Thầy qua Úc thì con sẽ đổi lại sang năm mới đi. <p>
Con cám ơn Thầy và kính chúc Thầy thân tâm an lạc và mọi Phật sự luôn viên mãn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Kinh Thất Giác Chi, nếu thầy nhớ không lầm thì có trong cuốn Kinh Dành Cho Người Bệnh của Sư Hộ Pháp, ở phòng phát hành chùa Bửu Long có cho thỉnh. Hoặc con có thể vào đây để đọc:
http://www.budsas.org/uni/u-hophap/benh00.htm
2) Đúng là thầy sẽ đi Úc vào thời gian đó, và giảng ở Sydney vào tuần đầu tháng 11. Điện thoại liên lạc chỗ giảng là: +61 416 177 568.
Ngày gửi: 14-01-2013
Câu hỏi:
Con kính chào sư. Con mong sư hoan hỷ giảng giải nghĩa rộng cho con được hiểu:<p>
1/ 5 triền cái<p>
2/ 7 giác chi <p>
Con xin cảm ơn sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Năm triền cái: 1) Tham dục: sự ham muốn trong sắc-thanh-hương-vị-xúc hoặc tham muốn sở đắc làm cho tâm không định. 2) Sân hận: sự đối kháng với cái không vừa lòng làm tâm không hoan hỷ. 3) Trạo hối: hối tiếc quá khứ, vọng tưởng tương lai làm tâm không an lạc. 4) Hôn trầm thụy miên: dã dượi, lười chán làm tâm không hướng được vào đối tượng thiền định. 5) Nghi: phân vân, do dự khiến tâm không an trú trên đối tượng.
2) Thất giác chi: Niệm: trở về trọn vẹn với thực tại là pháp nòng cốt. Ba pháp để trừ tình trạng trì trệ thụ động là: Trạch pháp: quan sát rõ thực tại. Tinh tấn: tích cực nhiệt thành hơn. Hỷ: phấn khởi lên. Và 3 pháp để trừ dao động bất an là: Khinh an: lắng dịu xuống. Định: tĩnh lặng lại. Xả: buông xả ra.
Ngày gửi: 31-05-2012
Câu hỏi:
Bạch sư, sư có thể nói thêm cho con hiểu trạch pháp nghĩa là gì không? Con cám ơn sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trạch pháp gốc Pàli là Dhammavicaya, một yếu tố trong 7 Giác Chi, thường được định nghĩa là thẩm sát pháp, nhưng nhiều người có khuynh hướng hiểu là tìm kiếm, chọn lựa giáo pháp hay pháp môn thích hợp, hoặc suy xét kỹ lưỡng lời dạy của đức Phật. Tuy nhiên đây là một trong 7 yếu tố chuyển hóa hay hóa giải tình huống của tâm nên đối tượng của nó không phải là giáo pháp mà là pháp thực tại đang diễn ra trong tâm, vì vậy nên hiểu là thẩm sát rõ pháp đang xảy ra trong tâm, như trong trường hợp niệm tâm hay niệm pháp, để hóa giải tình huống tâm bị trì trệ do định và xả quá nhiều làm cho tâm không thấy được thực tánh.
Ngày gửi: 28-01-2012
Câu hỏi:
Bạch Thầy! Khi giảng pháp Thất Bồ Đề Phần, Thầy có nói đến hỷ giác chi trong đó có trạng thái hỷ như bay bổng. Xin Thầy giải thích tâm lúc ấy như thế nào? Tại sao như vậy? Mong thầy hoan hỉ giải thích cho chúng con được rõ để chúng con ứng dụng trong cuộc sống đúng tinh thần như thế là như thế.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nên tập nhìn mọi trạng thái đi qua như nó đang là, đừng hỏi tại sao, vì lý trí xen vào chẳng ích lợi gì cả, chỉ mất thì giờ thôi. Khi có hỷ giác chi con sẽ tự thấy tự biết. Có thể là nhân nói về hỷ giác chi thầy đề cập đến 5 trạng thái hỷ trong định như ánh sáng, nổi ốc, mát lạnh, sóng vỗ, bay bổng v.v... nhưng hỷ giác chi thì không cần phải có những trạng thái hỷ đó.
Ngày gửi: 01-10-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Con sống và làm việc theo những gì thầy chỉ dạy mỗi ngày từ lúc tỉnh dậy ở trên giường cho đến khi nằm lại trên giường và chuẩn bị ngủ. Nhưng chính trạng thái quá tỉnh thức với thân, thọ, tâm, pháp như thế làm con mất ngủ (trước đây con nằm xuống giường chỉ 60 giây là ngủ). Con cứ nằm và cảm nhận tất cả một cách quá tỉnh táo như vậy. Dẫu biết rằng như Thầy đã dạy tự mình bước tới được thì phải bước lui được, nhưng con không thể. Kính xin thầy từ bi chỉ dạy. Con xin cúi đầu đảnh lễ thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có 2 loại tỉnh thức: Tỉnh thức do cố gắng của cái ta và tỉnh thức khi vắng bặt cái ta. Tỉnh thức của bản ngã là sự cố gắng duy trì ý thức miên mật trên các đối tượng, đó là sai lầm lớn của những hành giả có chủ ý dụng công để đạt được một trạng thái miên mật lý tưởng trong hành trì. Ngược lại, khi vắng bặt cái ta có chủ ý dụng công thì tánh biết liền tự tỉnh thức một cách tự nhiên, không cần duy trì miên mật bởi vì trong tỉnh thức vô ngã này không có ý niệm thời gian.
Khi con thấy mình có tỉnh thức và có mất ngủ tức con đã rơi vào ý niệm thời gian cùng với cái ta phản ứng theo chiều hướng vừa ý hay không vừa ý, nghĩa là đã để cho tham và ưu xen vào. Nhưng trong thái độ chánh niệm tỉnh giác thực sự vô ngã thì không có tham ưu xen vào dù khi nhìn thấy trạng thái tham ưu. Con có thấy rõ sự khác biệt giữa thái độ tỉnh thức trên thực tại và trạng thái của thực tại không? Khi thái độ tỉnh thức là vô ngã thì trạng thái thực tại đều rỗng lặng trong sáng tức không có ý niệm năng sở, ngã pháp. Nhưng khi thái độ tỉnh thức là hữu ngã thì trạng thái thực tại trở thành đối tượng sở tri, và dễ dàng biến thành sở hữu và sở đắc, do đó phát sinh ý niệm năng - sở, ngã - pháp.
Trong Thất Giác Chi, khi con Phấn Khởi trong Trạch Pháp hay Tinh Tấn quá mức cần thiết, thiếu tự nhiên, thì sinh ra trạng thái hưng phấn, trạo cử, dao động, đó là lý do vì sao con bị mất ngủ. Vậy con chỉ cần điều chỉnh bằng thái độ Khinh Thư, Buông Xả thì tâm sẽ Ổn Định được trạng thái hưng phấn nên sẽ quân bình trở lại và hết mất ngủ thôi.