Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 06-06-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, Thầy cho con hỏi. Con có biết đến đạo Phật Nguyên thủy và cũng đã đi xuất gia gieo duyên. Gia đình con có biết và giờ mẹ con hay nói xấu các nhà sư theo hệ phái Nguyên thủy, con không biết phải làm sao! Xin thầy chỉ cho con cách ạ.
Ngày gửi: 07-05-2022
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy
Đệ tử xin được trình bày chiêm nghiệm bản thân về Tứ Y Cứ.
Y Pháp bất y Nhân.
Y Nghĩa bất y Ngữ.
Y Trí bất y Thức.
Y kinh Liễu Nghĩa, bất y kinh Bất Liễu Nghĩa.
Nếu hiễu theo cách có một số Kinh Liễu Nghĩa và một số Kinh Bất Liễu Nghĩa thì câu hỏi đặt ra là Sự thật mà Đức Phật khai thị sẽ có nhiều cấp độ Sự thật sao?
Đệ tử chiêm nghiệm, đối chứng Tứ y cứ này với cái nhìn về Mười nền tảng của đức tin chân chính trong Kalama Sutta, Tăng chi bộ kinh thì thấy rõ hơn vấn đề. Tứ y cứ giống như phần tóm lược Mười nền tảng đức tin.
Riêng phần Y Kinh Liễu nghĩa bất Y Kinh Bất Liễu nghĩa là phần Đức Thế tôn chỉ ra thái độ cho người đọc Kinh sách. Hành giả phải quán sát, suy tư và thể nghiệm những điều học trên chính tấm thân một trượng này. Chỉ khi nào sau kiểm nghiệm thấy được sự thật thì mới đặt niềm tin bất động và thực hành theo. Hay nói cách khác kinh dù chỉ một câu khi qua thực chứng thì mới trở thành Kinh Liễu nghĩa. Liễu nghĩa hay không thì tại người chứ không phân biệt ở loại kinh.
Tới đây đệ tử nhớ Thầy từng giảng về cách Trương Vô Kỵ học được các tuyệt chiêu bí kíp giấu trên Thánh hỏa lệnh cảa Minh giáo. Chỉ luyện những gì thấy biết rõ ràng an lạc trên thân. Còn những gì khó hiểu rắc rối quá thì cứ bỏ qua!
Vậy tầm cầu ngàn bí kíp võ công thượng thừa cũng đâu bằng hiểu rõ qua thực nghiệm chỉ một chiêu thức phải không thưa Thầy.
Mà chiêu đó Thầy dạy là Vô chiêu!
Ngày gửi: 17-04-2022
Câu hỏi:
“ Y Pháp Bất Y Nhân
Y Nhân Bất Y Pháp
Nhân Pháp Liễu Mật Thâm
Mạc Cầu, Phi Thủ Trước ”
Con hiểu nghĩa như sau :
Phải nương theo pháp, chứ chẳng nương theo người
Nếu nương theo người thì đâu còn nương theo Pháp nữa.
Người, pháp khi đã hiểu sâu xa, sáng tỏ mọi nguồn căn rồi
Thì sẽ (tự buông xuống) mà chẳng còn ôm cầu, chấp giữ gì nữa.
Bạch Thầy con hiểu như trên có đúng chưa ạ, xin Thầy hướng dẫn thêm cho con.
Con xin thành kính đảnh lễ Thầy !
Ngày gửi: 26-01-2022
Câu hỏi:
Dạ thưa thầy
Con thấy thầy và sư ông Bạch Vân đều chỉ sự thật như nhau.
Con biết ơn thầy và sư ông ạ.
Ngày gửi: 27-10-2017
Câu hỏi:
“Sādhu lành thay! Vậy là có hiệu quả, con yên tâm thực hành như thế là tốt lắm. Thầy sẽ hỗ trợ tinh thần cho con”. Thưa thầy, câu trả lời của thầy làm con xúc động và tinh thần vững vàng lên nhiều lắm ạ.
Thưa thầy, gia đình con là Phật tử tín tâm pháp môn Tịnh độ, tin vào đại nguyện của Đức Phật A Di Đà. Trong những năm qua, con nghe giảng rất nhiều về pháp môn này. Con luôn nhớ đây là thời kỳ mạt pháp, nhớ câu “thân người khó được” và “y pháp bất y nhân”. Nên mỗi khi lễ lạy chư Phật và Bồ Tát, con đều nguyện cầu các Ngài gia bị cho con luôn được gặp chánh pháp, được gặp minh sư và cho con hiểu đúng lời Phật dạy. Con biết rất ít về Thiền tông và chưa hề nghe đến cụm từ “Phật giáo nguyên thủy”.
Khoảng gần 3 năm trước, cô hàng xóm nhà cũ của con, vốn là Phật tử theo pháp thiền tông gởi cho con một cái máy nghe giảng có thẻ giảng của thầy. Con cảm động nhưng không hoan hỷ đón nhận lắm vì con chỉ muốn nghe pháp về Tịnh độ thôi. Để rồi khi mở nghe đã vỡ lẽ ra bao điều nên ngày nào con cũng nghe thầy giảng cả. Nhưng lúc đó con chỉ nghe giọng giảng của thầy thôi, con chưa biết thầy là ai, cũng chẳng biết đến chùa Bửu Long thầy ạ.
Con thấy được những ngóc ngách của bản ngã; thấy được cái ham muốn trạng thái an bình khi con ngồi niệm Phật niệm Chú đến nỗi không muốn xúc chạm việc đời; thấy được cách nhìn vào cái sân khi nó sinh ra và diễn tiến chứ không nhìn vào đối tượng làm mình sân… Vài tháng sau đó, con đã gọi điện cho cô để nói lời tri ân và xin cô để lại hết cho con những thẻ giảng mà cô còn. Con đã gởi những thẻ này cho những người bạn và gia đình con.
Sau đó con hỏi thăm để được thỉnh thêm thẻ giảng của thầy nhưng không có. Gõ tìm trên mạng ra tên chủa Bửu Long và số điện thoại, con bấm gọi liền. Con đinh ninh đây là số của thầy tiếp lễ. Đầu dây bên kia trả lời, “chắc ở ngoài không có thẻ giảng của thầy Viên Minh đâu, con lên chùa để xin”. Con nhớ con nói rằng khi con niệm Phật thì có khi niệm vài câu tâm con đã chạy tuốt qua bên Mỹ rồi. Bên kia vang lên một giọng cười rất vui vẻ, hiền từ và bảo con “lúc đầu con niệm để thành nhất niệm, sau đó buông ra không niệm gì cả”.
Cúp máy được vài phút con giật mình ngay, ủa giọng hồi nãy chính là giọng mà con nghe giảng hàng ngày đây mà. Chính là thầy rồi nhưng cho đến lúc đó tất cả con biết về thầy chỉ có 3 chữ “thầy Viên Minh” mà thôi. Sau này khi gặp cô hàng xóm, con mới có thêm vài thông tin về thầy vì cô cũng biết ít về thầy và lúc đó con mới biết thầy đã là một Bậc Hòa thượng. Cô hàng xóm có nói với con rằng vì con không hành thiền nên khi nghe pháp của thầy con tiếp thu được dễ dàng. Còn cô do hành thiền nhiều năm nên giờ không dễ sửa.
Để rồi hai cái tết vừa rồi, con đều đến Bửu Long chỉ là để được đảnh lễ thầy. Lần đầu con phải hỏi mấy người để chắc rằng Vị thầy đang ngồi một mình thọ trai kia chính là Thầy. Con đứng đợi thầy ở ngoài để khi thầy vừa bước ra là con đến xin đảnh lễ. Lần thứ hai đảnh lễ xong con xúc động hỏi “thầy có khỏe không ạ?” (vì con nguyện thầy được khỏe mạnh và trụ thế dài lâu), thầy trả lời khỏe với hơi thoáng ngạc nhiên vì thấy con lạ lẫm. Thầy bảo con chờ rồi bước vào phòng lấy tặng con món quà đầu năm. Hai lần đảnh lễ thầy xong là con chào thầy đi ngay vì đoàn Phật tử đang chờ con ngoài xe.
Gần 1 năm nay con biết đến trang web Trung Tâm Hộ Tông và hầu như ngày nào con cũng vào đọc. Mỗi lần đọc câu trả lời của thầy con đều không hết ngạc nhiên, sao câu hỏi tình tiết đến vậy mà thầy trả lời ngắn gọn mà đầy đủ vô cùng, mới hay… chân lý đâu có nhiều lời! Và con gặp con trong rất nhiều câu hỏi, mỗi ngày cái thấy của con càng mở ra đúng như lời thầy giảng “tu là để mở ra cái thấy chứ không phải đạt được điều gì”, “nhận diện mình trong mỗi tình huống, sự việc xảy ra”… Thì ra cái bản ngã của con xưa nay phô diễn nhiều quá, còn tánh biết thì vẫn sừng sững sáng bừng ở phía sau. Con cảm nhận lờ mờ trong vạn pháp có mình, và trong mình có vạn pháp, cũng như cảm nhận chút ít cái THẤY của thầy – Bậc chân tu thì như thế nào.
Con xin cám ơn thầy, cám ơn các thầy trong Ban biên tập và cám ơn tất cả các câu hỏi trong mục Hỏi Đáp ạ! Con kính đảnh lễ thầy và kính dâng tri ân thầy:
Chỉ là cái THẤY lặng yên
Bậc tu BIẾT rõ vô biên đất trời
(Nhờ) Minh sư đi giữa cuộc đời
(Nên) Chúng con thừa hưởng pháp Người truyền trao.
Ngày gửi: 07-07-2017
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy,
Mấy hôm nay con luôn lắng lòng soi rọi rà soát chính mình với thái độ tâm thành học Phật, là một Phật Tử chân chính con luôn cân nhắc mình chánh niệm tỉnh thức trong từng hành động, nói năng, suy nghĩ, vì vậy trước khi trình pháp lên Thầy con không dám vọng ngôn ái ngữ hay nói dư thừa. Thầy là người dìu dắt con trong suốt thời gian qua, Thầy đã chứng minh con bước từng bước trong gần 4 năm trên lộ trình học Phật. Thầy là bậc Minh Sư mà con thầm tri ân học hỏi.
Dạ thưa thầy, với niềm đam mê học Phật con luôn lắng nghe từ các pháp bên ngoài tới lắng nghe nội tâm, động tĩnh con đều nghe. Cách đây ít ngày trong trao đổi đàm đạo trên mạng Facebook có mấy sư đã khen ngợi, khuyên con, "DA học pháp của Hòa Thượng Như Huyễn và Hòa Thượng Viên Minh, Sư rất cảm kích, hoan hỷ và yên tâm. Nay sư góp ý thêm với DA rằng DA nên đi gặp các vị Đạt Ma để trình Pháp hành thiền ấn chứng, cầu tiến tu, Sư sẽ giúp DA trên gốc độ phương tiện này".
Thưa thầy, con đã tự hỏi mình xem mình có nhu cầu ấy không, vì đó là điều con chưa từng khởi niệm. Lắng lòng một hồi con thưa với các Sư, "Dạ thưa Sư, trước khi gặp ai trình Pháp nhất định con phải biết về họ. Vậy Sư cho con xin quyển sách của các ngài ấy viết, con không xin kinh mà chỉ xin sách do các ngài tự chứng viết ra". Thế rồi con nhận được quyển Ngay Trong Kiếp Sống Này của ngài Sayadaw U Pandita. Trước khi đọc con dặn lòng mình buông mọi Tôi Ta cũng như những thấy biết của mình để lắng nghe xem các ngài muốn nói gì. Trong lắng nghe con nhận ra rằng các ngài nhấn mạnh trở về với đề mục để đạt các cảnh Thiền cảnh chứng, rà soát thái độ và tỉnh thức trong mọi oai nghi nhưng chú trọng ngồi ghi nhận đề mục nhiều hơn. Con vô cùng hoan hỷ pháp Thầy giảng dạy hướng dẫn uyển chuyển tự nhiên không chấp vào những phương tiện chế định, "thấy liền biết liền tại đây ngay bây giờ, trọn vẹn với chính mình nơi thực tại để thấy ra bài học của pháp".
Dạ thưa Thầy, con suy nghĩ rằng không cần phải đi trình, cứ từ từ mà dở từng trang Kinh Vô Tự, cuộc đời này là Trường Thiền vĩ đại, cứ vậy mà chiêm nghiệm, mà thấy ra, không ai biết mình bằng chính mình biết mình. Vì con nhận ra các cảnh thiền hỷ lạc, khinh an, tĩnh chỉ là trạng thái tâm, những trạng thái do thái độ sinh, đúng thời vị tính tự ứng hiện khi hành giả biết hồi đầu. Các quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bồ Tát, Phật, từ những sự Xả ly, Ly tham, Đoạn diệt, giải thoát và giải thoát tri kiến từng phần cho tới toàn phần mà thành ra những tên gọi ấy. Thấy mình chứng được thiền này hay đắc quả vị kia đã là vọng rồi, vì pháp vốn như nhiên.
Thưa Thầy, nếu con phạm vào sai lầm kiến thủ vi tế xin Thầy dạy thêm cho con. Tận đáy lòng sâu thẳm con thành kính đảnh lễ tri ân Thầy.
Ngày gửi: 04-12-2016
Câu hỏi:
Kính Bạch Thầy,
Thầy của con giảng kinh điển rất hay, luôn khuyên chúng con sống đúng chánh pháp, nhưng con phát hiện thầy sống không đúng như thầy nói, không có giới hạnh. Trường hợp này con phải cư xử thế nào ạ? Khi gặp con có phải đảnh lễ không? Có áp dụng "y pháp bất y nhân" trong trường hợp này được không ạ?
Con xin lỗi đã làm phiền Thầy.
Ngày gửi: 19-05-2016
Câu hỏi:
Con kính chào Thầy!
Con cảm ơn Thầy đã từ bi trả lời câu hỏi của con và cho con đường link để tìm. Nhưng tiếc là hình như ở Củ Chi chưa có chùa Nguyên Thủy nên con tìm không thấy. Có lẻ con chưa đủ duyên lành nên con chưa được như ý nguyện. Thôi thì con cứ vào mục hỏi đáp và pháp thoại của trang web này để đọc để nghe, cũng là một cách gần gũi bậc thiện trí rồi phải không Thầy?
Con thành tâm đảnh lể Thầy.
Ngày gửi: 04-11-2015
Câu hỏi:
Kính thầy, cầu nguyện là nhu cầu tâm linh của con người.
Thế nhưng Phật giáo Theravada không tin là có quyền lực linh thiêng nào có thể cứu độ chúng ta.
Như vậy khi gặp tai ương, tật ách thì Phật tử Theravada phải làm gì? <p>
Kinh xin thầy chỉ dạy cho con. Kính chúc thầy an khang.
Ngày gửi: 19-10-2015
Câu hỏi:
Con thưa Thầy ạ! Con muốn tu tập theo Phật giáo nguyên thủy nhưng con ở Hà Nội toàn chùa theo Tịnh độ tông. Con chưa tìm được chùa nào theo Phật giáo nguyên thủy ở Hà Nội. Thầy có biết chùa nào chỉ cho con biết ạ. Con xin cảm ơn Thầy. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.