Kết quả Tìm Kiếm: Có 115 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'khổ đau'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 24-09-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy:<p>
1. Thực tánh Pháp có phải là tịch tịnh, nguội lạnh là Niết bàn không ạ?
2. Thưa Thầy Khổ trong Tam Tướng được hiểu thế nào ạ? Nếu thấy Vô Ngã, Vô Thường thì sao còn Khổ nữa ạ?
Kính mong Thầy chỉ dạy, con cám ơn Thầy và chúc Thầy sức khoẻ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tới đây thì con nên tự thấy chứ không nên hỏi nữa. Nếu con cứ đem lý trí hữu hạn để đo lường cái vô hạn bất khả tư nghì thì coi chừng tẩu hỏa nhập ma đó. Cái con muốn "biết trước" thì chỉ hình thành ý niệm (khái niệm chế định), lúc đó khám phá chẳng còn hứng thú gì, mà hầu như bị ý niệm che lấp không thể nào thấy được thực tánh.
1) Thực tánh của tham của sân thì gọi là Tánh Đế, chưa phải là Niết-bàn tịch tịnh. Thực tánh của đoạn tận tham, sân, si mới là Thánh Đế, Niết-bàn.
2) Có 3 loại khổ:
a) Khổ tự nhiên như nóng lạnh đói khát...
b) Khổ quả như mù câm điếc...
c) Khổ do thái độ vô minh ái dục như khổ khổ, hoại khổ, hành khổ do cầu không được, yêu phải xa, ghét phải gần... Cái khổ thứ ba thì chấm dứt tà kiến, tham ái là hết, còn hai loại khổ đầu thì Phật, Thánh cũng đều phải khổ huống chi mới thấy vô thường vô ngã!
Ngày gửi: 03-09-2012
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ thầy.<p>
Tối qua con có một cơn đau đầu khủng khiếp. Lúc đó con chỉ muốn chết đi cho xong để không phải chịu cái đau của thân thể nữa. Nhưng con nghĩ là chết đi rồi cũng đâu có hết vì nghiệp cứ chín muồi là sẽ có quả. Con thấy bế tắc quá. Thể nào đi chăng nữa, nếu con chọn cái chết để không đối diện với nỗi đau, thì điều đó sẽ được mang đi ở kiếp sau thôi. Đã mang lấy cái nghiệp vào thân, sinh lão bệnh tử là việc không thể tránh. Bây giờ con 25 tuổi mà chịu những cơn đau như vậy con đã không thể. Vậy sau này khi con già đi, con sẽ phải đối diện với sự hủy hoại hàng ngày của cơ thể. Con phải làm gì khi bị đau nhức liên tục như vậy cho cả bây giờ và sau này hả thầy?<p>
Con mong thầy từ bi chỉ dạy cho con ạ.
Con xin tạ ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi đau lực đối kháng chống lại cơn đau của con làm cho con căng thẳng mệt mỏi và sự căng thẳng này làm con cảm thấy áp lực gia tăng nhưng không phải là áp lực của cơn đau mà là áp lực của sự đối kháng. Nếu con có thể lắng nghe hay cảm nhận cơn đau một cách thuần túy không đối kháng lại thì chỉ còn cơn đau như chính nó đang là, lúc không còn áp lực của sự đối kháng thì cơn đau không đến nỗi không thể chịu được, thậm chí nếu tâm trọn vẹn với cơn đau một cách "nhất như" thì cơn đau dường như biến mất. Hãy tập thả lỏng hoàn toàn để chỉ còn lại cơn đau, ngoài ra không còn gì khác thì con sẽ thấu hiểu được cơn đau như là thực tánh như thị (yathàbhuta paramattha) của pháp.
Ngày gửi: 23-08-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy,<p>
Con biết con đang làm 1 việc không tốt cho bản thân mình, nhưng sự tham lam của con cứ bảo làm. Mỗi khi kết thúc con cảm thấy ân hận và dằn vặt bản thân mình. Con cũng ứng dụng rằng cứ quan sát rồi sẽ thấy ra mọi thứ. Nhưng sao con vẫn chìm đắm trong nó.<p>
Xin thầy cho con lời khuyên.<p>
Cảm ơn thầy!<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Còn chìm đắm vì 2 lý do: Một là mức độ nhận thức chưa đủ trọn vẹn trong sáng để thấy sự sinh diệt, vị ngọt và sự nguy hại một cách tường tận do trong quá trình nhận thức còn có "người kiểm duyệt". Hai: tập khí do nghiệp quá khứ còn dày nên phải đợi đầy đủ nhân duyên mới tiêu hết được một thói quen tập nhiễm. Phải đủ nhẫn nại, từ bi và trí tuệ thì tự nhiên vượt qua.
Ngày gửi: 21-08-2012
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,<p>
Sao cuộc đời con thấy khó khăn quá, nhiều lúc tưởng tìm ra lối thoát thì nó lại vụt tắt, y như không còn con đường nào khác. Muốn sống lạc quan thì cứ bị cái bi quan chặn lại, nhiều lúc con nghĩ sinh ra trên đời là một sự khổ đau. Xin thầy cho con một lời khuyên. <p>
Con cảm ơn thầy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tại vì con muốn lạc quan nên mới bi quan. Đúng như con nghĩ "sinh ra trên đời là một sự khổ", nhưng ý nghĩa cao đẹp của cuộc đời lại cũng chính là sự khổ đó. Trong khi đau khổ người ta thường phản kháng lại và chính thái độ tâm lý phản kháng này đã làm cho đau khổ tăng lên gấp bội khiến họ có cảm giác không thể nào chịu đựng. Nhưng nếu như người ta thấy được đau khổ giúp họ tiến bộ trong việc phát huy khả năng và trí tuệ thì họ sẽ cám ơn sự đau khổ biết bao. Như thế chẳng phải là thái độ lạc quan đó sao? Gặp thời vận khó khăn thì cứ chịu khó khăn đi ắt con sẽ thấy gánh nặng của con rất là nhẹ nhàng. Phản kháng khó khăn chính là phản kháng lại chính mình. Con hãy chiêm nghiệm để thấy ra chân lý đó.
Ngày gửi: 21-03-2012
Câu hỏi:
Kính thưa thầy!
Mong thầy chỉ giúp con xem làm sao có thể vượt qua được nỗi đau của sự lừa dối, phản bội. Làm sao để bao dung để thứ tha thưa thầy. Con chỉ mong con có thể trút bỏ được sự giận dữ, tổn thương để có thể mở lòng yêu thương trở lại nhưng thật khó quá thưa thầy.
Con xin cảm tạ thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
- Hãy cám ơn những người lừa dối phản bội con vì đã giúp con học ra bài học về bản chất vô thường, khổ đau và vô ngã của đời sống; giúp con buông xuống những ảo tưởng mà trước đây chính con dựng lên về hạnh phúc gia đình, về tình yêu, về sự nương tựa; giúp con sống độc lập không lệ thuộc vào người khác; giúp con bền bỉ hơn trong sức kham nhẫn, chịu đựng để rồi biết cảm thông, tha thứ.
- Hãy quên đối tượng làm con giận dữ mà trở về lắng nghe chính cơn giận dữ và cảm nhận nó từ bên trong chứ không nên đứng ngoài quan sát và kiểm duyệt nó. Nếu con biết nhân đó để chiêm nghiệm bản thân thì con sẽ thấy nguyên nhân sinh ra đau khổ không phải do bị phản bội mà do mình không thấu hiểu bản thân mình. Khi con hiểu được mình, biết thương yêu mình thì tình thuơng yêu sẽ bắt đầu nẩy nở.
Ngày gửi: 15-03-2012
Câu hỏi:
Kinh thưa thầy, con có một anh bạn đã có vợ và con gái, gia dinh họ gắn bó 20 năm và khá êm ấm. Gần đây anh ấy quá khao khát con trai nên đã có con với nguòi khác. Sự việc đã xảy ra và hiện giờ anh ta rất rối trí vì không biết giải quyết thế nào. Anh ta cảm thấy minh đã gây đau khổ cho nhiều người và hối lỗi. Xin thầy chỉ cho anh bạn con một hướng giải quyết để cho vợ, con gái của anh ta và cả mẹ con cô người tình kia đỡ đau khổ. Kinh chúc thầy sức khoẻ. Con mong tin của thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vì anh ta không tìm thấy hạnh phúc nơi chính mình nên phải lao đao tìm kiếm hạnh phúc nơi con trai, con gái, vợ lớn, vợ nhỏ... Hạnh phúc càng lệ thuộc bên ngoài bao nhiêu càng tự chuốc lấy khổ sầu bấy nhiêu. Vấn đề không phải là gây ra đau khổ rồi muốn bớt khổ đau mà phải chấp nhận khổ đau để chiêm nghiệm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Hãy tự biết mình là chính, có biết nỗi khổ của mình mới cảm nhận được niềm đau của người khác. Có biết thương yêu chính mình mới biết đồng cảm với tha nhân. Vì vậy chớ làm khổ mình, chớ làm khổ người.
Ngày gửi: 12-03-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy! Con được một người bạn giới thiệu trang web này và người đó cũng nói là thầy sẽ có thể giúp con có những giải đáp thỏa đáng cho những vấn đề con đang gặp phải. Con năm nay 30 tuổi đã lập gia đình được 2 năm và có một bé trai rất xinh xắn. Con thực sự chẳng mong muốn gì hơn thế nữa, con đã nghĩ ông trời đã qua ưu ái với con. Cho đến khi bé nhà con được 9 tháng thì con phát hiện chồng có một mối quan hệ ngoài luồng, con đã rất đau khổ nhưng cũng cố gắng tha thứ để mong chồng "quay đầu là bờ" để con trai có một gia đình hạnh phúc. Nhưng chồng con đã lạnh lùng nói với con rằng anh ta không còn tình cảm với con và không chấm dứt mối quan hệ kia. Cho dù như vậy con vần cố gắng để cho chồng một cơ hội để suy nghĩ và nhận ra giá trị của gia đình. Chúng con đã nói chuyện thẳng thắn để tìm ra vấn đề của hai vợ chồng là gì, nguyên nhân của rạn nứt là gi? Anh ta nói với con rằng anh ta cưới con chỉ vì tình thương, chúng con không phải một đôi hoàn hảo hay tranh cãi và không hiểu nhau, v.v... Con biết mọi thứ đã không thể cứu vãn và chúng con quyết định li hôn nhưng trong lòng con không cảm thấy thanh thản... Con không tin người chồng mà mình đã gắn bó lâu nay (chúng con đã yêu và sống với nhau 5 năm trước khi kết hôn), con đau khổ vô cùng, thưa Thầy! Mong thầy hãy cho con vài lời khuyên để con cảm thấy thanh thản.
Con xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mỗi người một hoàn cảnh rất riêng nên khó mà có một lời khuyên nào xác đáng cho con. Phân tích vấn đề thì quá phức tạp nhất là chỉ trên mục hỏi đáp này. Con hãy xem lại một số câu trả lời trước đây về những vấn đề tương tự. Vào đọc thêm thư thầy trò trong Thư Viện, nghe pháp thoại v.v... trong trang web này để thấy thêm nhiều nỗi khổ đau khác của cuộc sống. Nếu có khuyên thì thầy chỉ khuyên con thế này: "Luôn luôn trong cái rủi có cái may" vậy tại sao con không nghĩ đến hướng may mà chỉ nghĩ đến hướng rủi?
Nếu con nhìn cuộc đời bi quan thì thấy cái gì cũng khổ và lạc quan thì cái gì cũng vui. Vậy nếu con nhìn mọi sự với thái độ tích cực thì cuộc đời vẫn là bài học rất tích cực để con thấy ra bản chất của mình và đời sống. Nếu không trải nghiệm những thăng trầm của cuộc sống thì làm sao con thông suốt được ý nghĩa chân thực của cuộc đời, và chẳng lẽ con mãi mãi chìm đắm trong những ảo tưởng của mình hay sao? Con vẫn chưa thấy cái con gọi là hạnh phúc với người chồng ấy là một ảo tưởng hay sao? Hãy chiêm nghiệm thật kỹ đi con, cuộc đời có vô vàn vẻ đẹp, mà vẻ đẹp cao quý nhất chính là thấy ra sự thật. Con chẳng đã thấy ra sự thật đó sao?
Con đã từng mang nặng đẻ đau vậy mà khi có đứa con ra đời con lại thấy mình thật hạnh phúc. Vậy qua cơn đau này sao con không nghĩ rằng con cũng sẽ có một niềm hạnh phúc vĩ đại hơn nhiều đó là thấy ra đâu thật sự là tình thuơng yêu và đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc sống?
Ngày gửi: 23-02-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con xin cám ơn lời dạy của Thầy và con chiêm nghiệm thấy rằng mỗi khi ruột thịt con bị gì, con xót xa lo buồn vì có đủ cả ba "tham, sân, si". Tham vì ao ước người đó được sung sướng, sân vì không chấp nhận sự việc và si vì ái luyến, chấp ngã sở. Con xin Thầy dạy con rõ, con xin cám ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Một tình thương yêu thật sự thì vô ngã nên không có buồn khổ. Khi đã có buồn khổ tức là tình thương đã có ý niệm cái ta và của ta xen vào trong đó rồi. Con nói đúng, chính cái ta tham sân si đưa đến luyến ái, bất mãn, chấp trước và không chấp nhận sự thật. Tất nhiên hậu quả là phiền muộn khổ đau. Mỗi lần như vậy con nên lắng nghe, quan sát lại chính những cảm xúc hay phản ứng của mình để thấy ra đâu là nguồn gốc của lo lắng, sợ hãi, và khổ sầu.
Ngày gửi: 22-02-2012
Câu hỏi:
Bạch Thầy, hàng ngày con đều đọc phần hỏi đáp của Thầy để học hỏi từ thực tế thực hành giáo pháp của các bạn đạo. Con đã hỏi được nhiều điều, tuy nhiên còn chưa sâu. <p>
Con xin Thầy giảng thêm về câu Thầy hay nói: "Vô thường, khổ, vô ngã" ạ. Con có cảm nhận đây là chìa khóa để thoát khỏi khổ, nhưng con vẫn chưa định hình được cụ thể là thế nào. <p>
Mong thầy bố thí cho con.
Con cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Phần lớn chúng ta vì muốn được thường, lạc, ngã mà khổ. Như vậy khổ là do không thấy tính vô thường, khổ, vô ngã trong vạn pháp. Trong vô thường mà muốn thường hằng, trong khổ đau mà muốn hạnh phúc, trong các pháp vô ngã mà muốn đó là ta, của ta và tự ngã của ta thì gọi là điên đảo tưởng.
Các pháp do duyên sinh đều có biến đổi, có thành hoại, có sinh diêt. Do đó ai muốn chúng thường còn thì tự chuốc lấy khổ . Ví dụ như hoa Mai có nở có tàn nhưng ai muốn hoa Mai nở mãi không tàn thì sẽ khổ đau thất vọng.
Các pháp do vô minh ái dục hay do tham sân si tạo tác mà thành thì đều đưa đến sầu bi, khổ não. Ví dụ như đời người có sinh, già, đau, chết nhưng ai tham sống sợ chết thì sẽ khổ đau phiền muộn.
Các pháp vốn tồn tại trong sự vận hành theo quy luật tự nhiên của chúng, còn ý niệm "ta, của ta, tự ngã của ta" được gán ghép vào đó chỉ là ảo tưởng. Và chính ảo tưởng này đem lại khổ sầu. Ví dụ như mắt thấy mà cho là "ta thấy", tai nghe mà cho là "ta nghe"... rồi "đây là con ta", đây là "tài sản của ta"... nên mới khổ.
Ngày gửi: 31-01-2012
Câu hỏi:
Thầy ơi!
Con là Phật tử tại gia, sau khi quy y, con đã được Tam Bảo gia hộ rất nhiều, tuy nhiên, trong cuộc sống gia đình con không lúc nào yên thầy ạ. Nhiều khi con tự hỏi hay là mình phải xuất gia thì mới hết. <p>
Bạch Thầy, con có một trai, một gái. Trước đây con rất hạnh phúc với gia đình, nhưng kể từ khi cháu trai (sinh 29/12/1995) lên lớp 7 đến giờ, con luôn phải lo lắng về cháu. Nó luôn gây chướng ngại cho gia đình. Nếu không có nương nhờ vào Tam bảo, chắc chắn con đã suy sụp lâu rồi. Còn cháu gái năm vừa rồi bị tai nạn nặng. Tai nạn đó đã lấy đi của cháu một phần thân thể, cứ nghĩ đến cháu là con đau khổ. Mọi người nói, cứ tu theo Phật là sẽ gặp nhiều khổ đau. Phật cao một thước thì ma cao một trượng. Với hoàn cảnh như vậy, đôi khi con mất hết niềm tin, ngay cả niềm tin vào Tam Bảo.<p>
Con xin Thầy giúp con con đường để thoát khỏi các chướng ngại này.
Con cảm ơn Thầy.<p>
P/s: Thưa thầy, con không ở trong Nam, qua Tuệ Minh, con được biết đến thầy. Mong thầy chỉ bảo giúp con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tất cả vấn đề của cuộc sống đều tùy thuộc vào độ khai mở tầm nhìn của nội tâm hay trình độ nhận thức về bản chất của những tình huống trong cuộc sống đó. Chính vì con đã dự phóng cho cuộc sống của mình theo một tiêu chuẩn nào đó về hạnh phúc, và rồi con cứ miệt mài phấn đấu cho mục tiêu đó với ước mong mọi sự sẽ diễn ra theo hướng dự phóng của mình, nên khi nó không diễn ra như mình mong muốn thì liền cảm thấy hụt hẫng và thất vọng. Nếu chí hướng quá cao thì bị rơi vào tình trạng thất chí. Tất cả những cái "thất" đều do đặt niềm tin quá cao trên chính ước vọng của mình: Những ước mơ về bản thân, về gia đình, về con cái, về công danh sự nghiệp v.v... và v.v...
Tin Phật là tin vào sự sáng suốt của Phật để tự mình phải sống sáng suốt dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Tin Pháp là tin vào bản chất vô thường, khổ, vô ngã của mọi hiện tượng hay mọi loài mọi vật. Với niềm tin đó thì khi sự vô thường xảy ra, khi sự đau khổ đến hay khi mọi chuyện không diễn biến theo ý mình thì vẫn an nhiên tự tại vì đã thấy ra bản chất thật của đời sống. Tin Tăng là tin vào đức tính hiền thiện, chánh trực, phân minh, chân chính của Tăng để tự mình tập sống trong lành dù nhân duyên nghiệp báo đến với mình như thế nào cũng không lay chuyển. Con nên nhớ rằng chỉ có tội lỗi mới làm cho người ta suy sụp còn đau khổ chỉ giúp cho người ta vươn lên mà thôi, trừ phi người không biết chân giá trị của đau khổ là gì.
Tam Bảo chính là ba đức sáng suốt, định tĩnh, trong lành cao cả nhất trên đời mà mỗi người phải nương tựa để hành động, nói năng, suy nghĩ cho đúng tốt, chứ Tam Bảo không phải là thần linh ban ơn giáng phước mà mình tin tưởng để cầu xin khấn vái cho những ước vọng của mình. Nếu con hiểu Phật Pháp thì con sẽ luôn sáng suốt, định tĩnh, trong lành để có thể ứng xử với mọi tình huống vô thường, khổ đau và không như ta nghĩ. Khi con trầm tĩnh sáng suốt thì lòng thương yêu phát triển chứ không phải khổ đau sầu muộn. Chính tình huống của con là cơ hội giúp cho tình thương yêu của con nảy nở, với tình thương yêu đó con sẽ thể hiện thế nào cho những đứa con đáng thương của mình? Nếu con có Tam Bảo trong lòng, nếu con có tình thương yêu vô hạn thì thực ra không có gì đau khổ cả, vì bấy giờ tất cả đều là bài học giác ngộ giải thoát, vô ngã vị tha mà thôi.
Thầy đề nghị con vào Góc Thư Giãn trong mục Suy Ngẫm (nhất là xem bài Phép Lạ Leslie Lemke) để chia sẻ với những tình huống thương tâm đã được chuyển hóa bằng lòng yêu thương như thế nào.