Kết quả Tìm Kiếm: Có 31 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trí tuệ & từ bi'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 20-03-2015
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, xin Thầy hoan hỷ giảng cho con biết thế nào là "tuệ thấy biết sự vật như nó là", muốn được như vậy con phải làm thế nào, hành trì như thế nào ạ?
Con kính chúc Thầy luôn an vui .
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
"Tuệ thấy biết sự vật như nó là" gồm tuệ thấy biết (ñāna-dassana) và sự vật như nó là (yathābhūtā) hay còn gọi là thực tánh (sabhāva, pararamattha). Thấy biết sự vật như nó là được gọi là tuệ tri, thấy biết do "tưởng là" được gọi là tưởng tri và thấy biết do "cho là" được gọi là thức tri. Tưởng tri và thức tri thấy pháp qua khái niệm chế định của thế gian, còn tuệ thấy pháp như nó là được dùng trong thiền Vipassanā, hay thiền Kiến Tánh. Chỉ thấy pháp như nó đang là khi tâm rỗng lặng trong sáng, chứ không phải "muốn được như vậy" hoặc "hành trì như thế nào" bởi khi tâm con khởi niệm muốn hành để được thì đã mất sự rỗng lặng trong sáng rồi!
Ngày gửi: 09-01-2015
Câu hỏi:
Con chào thầy .
Con cảm ơn lời giải đáp của thầy ạ. Qua câu trả lời của thầy con muốn hỏi là "tuệ hồi khán" đó sao không mau lẹ ngay lúc đó mà phải 1 lúc sau mới phát sinh ạ. Cái đó là do định lực mình yếu hay là cái tuệ đó nó thế ạ. Con xin cảm ơn thầy ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tuệ hồi khán khởi lên lập tức và tự động, không đợi một thời gian nào cả. Nếu sau đó trí mới khởi lên quan sát lại thì không phải là tuệ hồi khán.
Ngày gửi: 22-11-2013
Câu hỏi:
Kính thưa thầy! <p>
Hôm nay, Con xin trình pháp lên thầy, những điều trình bày sau có gì sai con xin sám hối cùng thầy. <p>
Qua quan sát, Con nhận ra rằng điểm mấu chốt khác biệt giữa thấy biết của tánh biết và ý thức của bản ngã là ở chỗ thái độ nơi thời điểm ban đầu khi tiếp xúc với pháp. Khi có đối tượng ở thân thọ tâm, nếu ta có thái độ bám víu nắm bắt qua khái niệm rồi sau đó tư duy thì lúc đó ta đã bị cuốn trôi từ một ý niệm khởi lên ban đầu nó kéo theo rất nhiều suy nghĩ phải làm thế này, phản ứng thế kia v.v... gây ra phiền não khổ đau. Còn nếu ta có thái độ để yên cho pháp đến đi như chính nó mà không khởi lên ý niệm thì lúc đó ta như trút đi một gánh nặng rất lớn. Điểm khác biệt giữa thấy biết của tánh biết và ý thức của bản ngã là bất kỳ pháp nào xuất hiện thì tánh biết biết rất rõ mà không cố giữ lại. Còn bản ngã rất sợ sẽ quên mất đối tượng nên cố tư duy liên tục để tích lũy sự hiểu biết càng nhiều càng tốt. <p>
Con còn bị mắc kẹt chưa thông ở điểm là: Do còn nhiều tập khí nên có những đối tượng ngoại cảnh hoặc một số pháp bỗng nhiên xuất hiện nơi tâm, chúng cuốn con đi rất nhanh, sau một lúc con mới biết được. Tuy biết, nhưng con rất lúng túng, khó khăn để tỏ thái độ không chạy theo nó nữa. Mong thầy hoan hỷ khai thị giúp con. <p>
Con chúc thầy nhiều sức khỏe. Con xin cảm ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con đã thấy ra chỗ khác biệt cơ bản giữa tri kiến của tánh biết và kiến thức của bản ngã. Tuy nhiên thói quen ý thức của bản ngã vẫn còn nhiều nên tư duy qua khái niệm vẫn lôi cuốn con trong những hoạt động của lý trí, tưởng tượng... hơn là chánh niệm tỉnh giác. Điều đó là đương nhiên khi tâm thức vẫn còn nhu cầu muốn biết, và muốn thoả mãn. Chỉ cần con thấy được những hoạt động của vọng thức đó thì dần dần sẽ có sự chuyển hoá trong thấy biết. Nhớ là chỉ thấy ra thôi chứ vấn đề không phải là chạy theo hay không chạy theo.
Ngày gửi: 23-04-2013
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, xin thầy cho con hỏi. Muốn đắc được Tuệ phân tích trong thời vị lai chúng ta phải tu tập như thế nào? Và có phải nếu ai muốn phát nguyện cũng được không?
Con xin cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Muốn đắc tuệ phân tích thì cần phải thận trọng chú tâm quan sát chính mình qua thể nghiệm cuộc sống để thấy ra tánh tướng thể dụng của thân, thọ, tâm, pháp, hoặc nói cách khác là thấy ra tâm, tâm sở, sắc, Niết-bàn; đồng thời không những thông suốt pháp chân đế mà còn rành rẽ ngôn ngữ chế định nữa, chứ không phải chỉ lo thiền định hay diệt phiền não không thôi. Nguyện có thành tựu hay không thì còn tuỳ có làm đúng cách hay không chứ chỉ nguyện thôi thì chưa đủ.
Ngày gửi: 24-11-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, <p>
Không biết sao đầu óc con rất mê muội, hay quên. Con thấy mình tiếp thu cũng kém, con cũng ít khi đọc sách. Sau khi được phước duyên gặp trang web của Thầy, được nghe Thầy giảng và được đọc sách Thầy con thực hành theo và thấy mình thay đổi nhiều, tâm rộng mở hơn, không co ro như trước nữa, biết yêu thương mọi người hơn không ích kỷ chỉ nghĩ tới mình như trước đây, nhưng trong quá trình đọc sách có cái con hiểu, có cái con lại không hiểu lắm mặc dù Thầy cũng đã giảng cặn kẽ trong đó, cái gì mà Sự, Lý, Lý Sự, Giáo, Nghĩa,...<p>
Thầy ơi, con biết mình tiếp thu, nhận thức rất thấp. Trước đây con cũng có thiền qua với hy vọng thông qua thiền tâm sẽ được sáng suốt, đầu óc sẽ trở nên minh mẫn và hiểu được mọi việc hơn, nhưng qua mấy năm hành thiền con không được như ý mình. Giờ đọc sách và nghe Thầy giảng mà con đã thấy mình thay đổi rất nhiều, chỉ có điều là con vẫn chưa được hiểu hết những lời Thầy truyền dạy cho con, xin Thầy giúp con phải làm sao mới có thể hiểu được, con rất là ngu muội xin Thầy soi sáng tâm con. Con xin đảnh lễ Thầy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không phải như con nghĩ đâu. Cái biết của trí tuệ qua thấy biết trực tiếp khác với cái biết của lý trí qua kiến thức gián tiếp. Về kiến thức và trí nhớ có thể con không nhiều nhưng lắm khi nhờ vậy mà có thể thấy biết trực tiếp và trong sáng hơn. Kiến thức có được nhờ học hỏi thông tin qua chữ nghĩa còn trí tuệ lại nhờ biết trở về trọn vẹn trong sáng với thân tâm mà sáng ra. Tâm con đã rộng mở, có tình thương yêu... chứng tỏ con đã sống đúng pháp. Con đừng "thiền" như một cố gắng để đạt được hiểu biết của lý trí hay sở đắc của ham muốn mà tâm con càng rỗng lặng trong sáng thì trí tuệ càng phát huy. Trí tuệ chỉ chiếu sáng lúc không bị che lấp bởi những kiến thức đầy khái niệm chữ nghĩa. Con đang đi đúng đường phát huy trí tuệ, đừng mong cầu phát triển sở tri và sở đắc, vì đó mới chính là chướng ngại của trí tuệ.
Ngày gửi: 07-08-2012
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, xin Thầy hoan hỷ cho con hỏi. Bên Duy Thức họ nói rằng Ý Thức là người làm vườn, và Tàng Thức (Alaya) là thửa vườn, đất trồng. Người làm vườn (ý thức) vun xới, gieo trồng, nhưng chính thửa vườn (tàng thức) mới sinh ra hoa trái (tuệ giác).<p>
Và con nghe bên Duy Thức dạy là mình phải đặt niềm tin vào sự vận hành của tàng thức (Alaya), vì nó phát sinh ra tuệ giác.<p>
Thưa thầy việc ấy có đúng không, và khi thầy nói “để cho pháp vận hành”, điều này có giống với sự vận hành của tàng thức không? Kính xin thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con. Con cũng ngại hỏi Thầy vì có lẽ hơi lý thuyết, nhưng không biết hỏi ai. Con kính cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) không nói như vậy, vì thực ra Tâm (Tánh biết) có 2 phần: Phần hữu thức và phần vô thức. Hữu thức bao gồm hoạt động của 6 thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức. Vô thức bao gồm hoạt động của Ý Giới mà Duy Thức gọi là Mạt-na thức và của Bhavanga mà Duy Thức gọi là A-lại-da thức. Hoạt động của vô thức tuy rộng lớn hơn hữu thức rất nhiều, nhưng không phải tuệ giác chỉ xuất phát từ vô thức (cũng không chỉ từ hữu thức) mà tuệ giác là tánh biết toàn diện (tâm) bao gồm cả hữu thức lẫn vô thức khi không còn bị cái ta ảo tưởng tham sân si (vô minh ái dục) che ám nữa. Giống như mặt trời tự chiếu sáng khi không còn bị mây che.
Ngày gửi: 17-07-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy, thầy phân biệt giúp con thế nào là "trí tuệ và trí thông minh". "Trí tuệ ở ngoài đời và Trí tuệ trong Pháp Phật" có những điểm giống và khác nhau như thế nào. Con cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đôi lúc trí thông minh và trí tuệ được dùng đồng nghĩa trong văn hóa phổ thông. Tuy nhiên, trí thông mình hay trí tuệ ở ngoài đời, là khả năng hiểu biết nhanh nhẹn, tinh tế, rõ ràng và khôn ngoan, thuộc lãnh vực ý thức của lý trí phân tích biện luận, gọi là thế trí biện tài, phần nhiều được ứng dụng trong phương diện tục đế, với những khái niệm chế định hay quy ước do con người đặt ra. Ví dụ như thông minh trong ứng xử, tranh biện, kỷ thuật, học tập v.v...
Còn trí tuệ được dùng trong thuật ngữ Phật giáo thì tuy cũng có hàm nghĩa thông minh nhưng thuộc lãnh vực trực giác của tánh biết rỗng lặng trong sáng, là khả năng thâm nhập trực tiếp vào thực tánh chân đế (vượt ngoài khái niệm chế định của tục đế), cụ thể được biểu hiện qua chánh kiến và chánh tư duy. Trí tuệ (của tánh biết trong sáng vô vi, vô ngã và tự nhiên) này có hai tác dụng: Một là hóa giải cái ta ảo tưởng, hai là thể nhập thực tánh Chân Đế hay Niết-bàn.
Ngày gửi: 23-06-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy, con chưa hiểu rõ câu trả lời cho một vị trong mục này. Đó là câu: "Có trí tuệ mới có tuệ giác", vì trước đây con tưởng hai từ này đồng nghĩa. Xin thầy hoan hỷ giải đáp. Con xin cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mới có trí tuệ nhưng chưa đủ chín mùi để giác ngộ nên chưa gọi là tuệ giác. Tuệ tri chưa phải là liễu tri mặc dù những từ này đều cùng tính chất. Ví dụ tuệ thấy danh sắc là trí tuệ, tuệ thấy đạo quả cũng là trí tuệ nhưng lại gọi là tuệ giác. Giống như trái cam non, trái cam chín tuy cũng là trái cam nhưng tuỳ mức độ thành thục khác nhau mà gọi tên thôi.
Ngày gửi: 22-06-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy, người có bồ đề tâm mãnh liệt mà trí tuệ chưa có thì có đưa đến sự giác ngộ hay không? <p>
Tại sao cả đời làm ác mà niệm Phật lúc lâm chung lại được vãng sanh? Sự sám hối hết lòng thành khẩn cũng chưa rửa sạch được hết các nghiệp bất thiện, vậy tại sao niệm Phật ở giai đoạn cận tử nghiệp lại nhanh chóng xóa sách nghiệp xấu như vậy?<p>
Kính xin thầy giải giảng cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bồ đề (bodhi) có nghĩa là tuệ giác. Con nói Bồ đề tâm mãnh liệt mà chưa có trí tuệ mới lạ! Có trí tuệ mới có tuệ giác và trí tuệ được biểu hiện qua Tinh tấn Chánh niệm Tỉnh giác. Nếu một người lúc lâm chung hoàn toàn tinh tấn chánh niệm tỉnh giác không lay động thì người ấy có thể chứng ngộ được đạo quả Niết-bàn.
Ngày gửi: 02-06-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy, khi tâm có sự hay biết ghi nhận thực tánh pháp thì dần dần sẽ chuyển thành tuệ giác. Như vậy có phải là tâm chuyển từ dạng này sang dạng khác siêu việt hơn phải không ạ? Con hỏi theo sự hiểu biết giới hạn của con, mong thầy hoan hỷ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cụm từ "Hay biết ghi nhận" rất dễ bị hiểu thành nhận thức qua khái niệm chế định tục đế của tưởng tri và thức tri. Khi nhận thức thực tánh chân đế nên dùng từ trực nhận, nhận ra, nhận rõ hay thấy biết trong sáng (không qua khái niệm chế định) của tuệ tri. Như vậy ngay từ đầu thấy biết trong sáng đã là tuệ tri hay tuệ giác rồi còn chuyển thành gì nữa? Thấy biết trong sáng lúc đầu hay tuệ giác hoàn hảo thì cũng đều xuất phát từ tánh biết. Khi tánh biết bị ô nhiễm thì gọi là vọng thức, khi tánh biết trong sáng thì gọi là tuệ tri hay tuệ giác. Trên hiện tượng thì dường như cái biết có chuyển thành, nhưng trên thực tánh thì tánh biết vẫn là tánh biết không có trở thành. Ví như nước đục trở thành nước trong thì tánh nước vẫn là tánh nước, vì vậy không nên hiểu tuệ giác là kết quả hình thành do tích lũy "hay biết ghi nhận", vì cái gì do tích lũy tạo thành thì đều có sự hư hoại, còn tánh biết vốn không sanh không diệt, không đến không đi, không thường không đoạn, không có cũng không không... thì làm sao chuyển thành gì được!