loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 57 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'hiếu thảo'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 27-10-2019

Câu hỏi:

Con đảnh lễ sư ông!
Trước hết cho con xin nói lời “cám ơn” bằng cả tấm lòng chân thành đến sư ông ạ. Mong sư ông giữ sức khỏe! Câu hỏi của con như sau:
Con không gần gũi mẹ già để phụng dưỡng vì vợ và mẹ không hợp nhau đến nổi phải chọn sự ra riêng (nhưng mẹ già có 1 mình giờ đã gặp người khác không mấy có đạo Đức). Con nhờ sư ông mà “ngộ” nhiều điều. Nhưng tâm con không sao an vì “chữ hiếu”. Con có được giải thoát tâm hồn không? Nếu sau này mẹ con chết trong tức tưởi, con sẽ bị tội gì trong hoàn cảnh éo le này? Con cám ơn sư ông.

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 27-02-2019

Câu hỏi:

Thầy ơi, đến hôm con mới thật sự thốt lên câu con khổ quá, người làm con khổ tâm chính là mẹ của con. Con biết công ơn mẹ lớn con không thể trả hết, nhưng đến thời điểm này con thật sự không còn chịu đựng nổi. Mẹ con đòi làm ăn khi về hưu, ai khuyên mẹ cũng không nghe, đến nay gần 10 năm hầu như nợ càng chồng chất. Con biết áp lực lớn nên luôn khuyên nhủ và sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi có đủ khả năng. Đến hôm nay, con đã lấy chồng và mang thai được 7 tháng, không tháng nào mẹ kg gọi mượn tiền của con, có bao nhiêu đều cho mẹ mượn hết, tiền chồng con cực khổ làm lụng, còn hơn 2 tháng nữa con sinh nhưng mẹ vẫn gọi mượn tiền mà con đã không còn đồng nào để cho mẹ mượn nữa, bản thân 2 vợ chồng cũng đang khó khăn.

Tuy nhiên, nếu vì nợ mà mẹ biết tiết kiệm, biết lo lắng thì kg nói, mẹ con bây giờ là vô minh, tham sân si và khẩu nghiệp, chỉ vì hành động của mẹ mà tất cả những người xung quanh đều khổ vì mẹ, từ cha con, con, em con, các dì em của mẹ đều phải có trách nhiệm cho mẹ mượn tiền, đôi khi còn bị mẹ hờn trách nặng nhẹ. Gia đình giờ không có tình thương, chỉ có sự cằn nhằn bực dọc của mẹ đối với cha, chỉ có đám tiệc quá đà khi kinh tế eo hẹp, phung phí mọi thứ, tin theo tà kiến, không có suy nghĩ, chỉ biết tiền. Lần nào mẹ gọi con cũng khóc vì không đủ khả năng giúp mẹ trả nợ, con dằn vặt tâm lý hơn chục năm nay chỉ vì mẹ nói con người ta làm tiền tỷ cho cha mẹ, mặc định là con phải cho mẹ tiền.

Con chỉ đi làm văn phòng, tự lo cuộc sống và đầu tư học hành kiến thức thì làm sao mà có tiền tỷ cho mẹ. Không giúp được thì cảm giác bất hiếu dằn vặt đeo mang cả nửa đời người và vẫn tiếp diễn. Nay con chuẩn bị sinh con, kg đi làm mà chỉ có nhờ chồng. Con phải suy nghĩ và hành động làm sao cho đúng đây Thầy ơi. Con rất sợ bị stress khi sinh con, thậm chí không muốn về nhà mẹ, nhưng con không bỏ được. Kính Thầy cho con lời khuyên để con cân bằng lại tâm lý hiện tại.

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 17-04-2018

Câu hỏi:

Con năm nay 19 tuổi, ở nhà có 1 người chị (đã lấy chồng) ba mẹ và bà nội, bà nội con năm nay 84 tuổi, con chăm sóc bà từ lúc nhỏ. Năm 12-13 tuổi gì đó thì con đã ở nhà trông bà rồi. Những năm đầu bà còn khỏe nên con không cần làm gì nhiều, chỉ cần dọn cơm và trông nhà làm việc nhà, lúc đó tình cảm con với bà không tệ như bây giờ, vì lúc đó chị con chưa lấy chồng. Chị từ nhỏ đều bắt nạt con, bà thương con bị chị la mắng quát nạt nên nhiều khi cũng hay mắng chị, nhưng thời gian lâu dần tới năm con 16 tuổi chị con lấy chồng không còn ở chung nhà nữa, bà cũng càng lúc càng già yếu.
Năm 15 tuổi con đã phải tự tắm cho bà, dần dần tính tình con trở nên nóng gắt, vì con thường suy nghĩ rất nhiều, con nghĩ tới tại sao một đứa con nít như con lại phải làm những chuyện này? Vốn dĩ con có thể học được nhiều thứ hơn khi ra thế giới bên ngoài, nhưng vì phải chăm bà nên con ban ngày chỉ có thể ở nhà đến tối đi học ngoại ngữ được hai tiếng lại phải về nhà. Con không nỡ nói cho ba mẹ nghe, vì ba con tính tình nóng nảy hay gây khó dễ con và mẹ nhưng con biết ba vẫn là xuất phát từ lòng hiếu thảo. Mẹ thì lo làm ăn buôn bán đã rất mệt, con thật sự không nỡ.
Nhưng năm nay con đã 19 tuổi rồi, mọi chuyện dồn nén quá lâu con sắp không chịu nổi nữa, con thật sự cần lời khuyên. Con biết con rất bất hiếu với bà, thường hay lớn tiếng trừng mắt nói chuyện với bà nhưng thật sự trong lòng con nỗi oán hận khiến con không thể nào làm khác được. Gần đây bà lại đổi tính thường quát nạt con, thật sự mỗi lần bị quát, toàn thân con đều phát run sợ hãi nhưng bề ngoài cứng cỏi và tâm lý con không muốn để thua bà và quan trọng nhất sau tất cả con biết được bà không hề thương ba mẹ và con, những người đã chăm sóc cho bà. Đối với con mà nói không thương con cũng không sao nhưng tại sao mẹ con là người hi sinh cho gia đình nhiều nhất mà bà cũng không thương thì làm sao con có thể thương bà được? Bà chỉ thương những người cô tính tình xấu xa mưu mô mà nhiều khi 1 tháng mới về thăm bà 1 lần. Con phải làm sao để hóa giải đây, con thật sự không muốn như thế này tiếp tục nữa, con thật sự sợ sẽ có quả báo!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 05-04-2018

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy!
Trong lòng con luôn có ý định xuất gia, thậm chí con còn mong nếu kiếp sau được trở lại làm người cho con có nhân duyên được xuất gia từ nhỏ!
Vì còn bổn phận với gia đình nên con chưa thể xuất gia được! Con mong Thầy có thể giải thích cho con hiểu thêm tại sao xuất gia là cách báo hiếu tốt nhất không!
Con cảm ơn thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 12-09-2017

Câu hỏi:

Kính bạch thầy,
Xin thầy từ bi chỉ dạy cho con cách thức để báo đền ân đức sinh thành dưỡng dục của ba má được trọn vẹn nhất.
Những ngày gần đây con nhận được tin là mình có thể bị mắc một chứng bệnh nan y. Khi đối diện với sinh tử con mới giật mình thản thốt điều ý nghĩa lớn nhất của con là gia đình. Ngồi ngẫm lại cái ơn sinh thành mà con bấy lâu vì mãi lang thang theo dòng đời mà không để tâm được trọn vẹn. Công việc của con thường phải đi công tác xa, tháng về được chừng 1-2 ngày, nhìn ba má tuy lớn tuổi mà vẫn còn phải nhọc nhằn sao lòng con xót xa quá đỗi, con thì cũng vì mưu sinh vì kiếm tiền phụ giúp gia đình nên đành xa cách.
Những khi đi làm, ở một mình nơi đất khách, nghĩ về ba má ở quê nhà mà lòng con cứ chua xót.
Trước đây con thi thoảng cũng có suy nghĩ khi tròn bổn phận để ba má về trời thì con cũng xuất gia học đạo, nhưng nay cái tin quái ác kia chợt đến làm tâm con rối bời. Con có thấy một anh cũng bị bệnh nan y nhưng thầy khuyên là phải lạc quan lên tự khắc bệnh sẽ thuyên giảm và có thể báo hiếu. Nhưng con lúc này còn đang phân vân không biết có nên đi khám không hay cứ nhắm mắt bước tiếp trọn vẹn với từng phút giây và tùy duyên mà báo hiếu.
Những khi gặp phong ba bão táp mới thấy bản thân còn quá yếu đuối, sợ hãi, biêt lấy đâu cái tâm đại hùng, đại trí để theo chân Thế Tôn?
Xin thầy từ bi cho con lời khuyên, con có nên đi khám hay bỏ qua mà bước tiếp? Và những khi không ở gần, con có thể làm cách nào để báo đáp công lao của mẹ cha?
Con xin đê đầu đảnh lễ, tạ ơn thầy!

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 28-08-2017

Câu hỏi:

Kính Thưa Thầy!
Con vừa mới đọc câu hỏi của một đạo hữu hỏi về mẹ mình. Con thấy chạnh lòng. Cũng thấy buồn vui lẫn lộn nên con chia sẻ với mọi người.
Con nghĩ ham kiếm tiền không có gì là xấu cả. Chỉ cần kiếm tiền một cách chính đáng và biết lấy việc kiếm tiền làm đối tượng để tu tập. Con thấy buồn vì giới trẻ không hiểu được tại sao người già lại sống như vậy? Hơn nữa người đó còn là mẹ mình. Con vui vì thấy mình may mắn.
Khi thấy con làm việc vất vả, con gái con khuyên con bỏ bớt công việc, con không nghe thì con gái con tìm cách đỡ đần con công việc gia đình. Khi thấy xe máy của con quá cũ mà con không chịu mua xe mới, cháu về xin mẹ mua xe mới đi rồi cho con mượn 3 tháng vì con đang rất cần. Nhưng khi mua xong thì cháu chẳng đi ngày nào. Khi thấy con dùng điện thoại quá cũ thì cháu giả vờ thừa một cái điện thoại tốt rồi đưa cho mẹ và dặn: "facebook không phù hợp với người tu đâu nên con đã ẩn đi cho mẹ, thỉnh thoảng mẹ vào cho biết, nhớ là không ai thấy mẹ đâu nên mẹ đừng có đọc tin nhắn của họ". Con vẫn biết tấm lòng của con gái con nhưng không để ý‎ lắm. Hôm nay nhờ câu hỏi của đạo hữu mà con cảm thấy may mắn vì mình không phải là bà mẹ cô đơn. Con cảm ơn vị đạo hữu rất nhiều.
Và con cảm ơn Thầy đã tạo trang web này giúp chúng con chia sẻ và học hỏi lẫn nhau!

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-07-2017

Câu hỏi:

Kính thưa Sư, sự quan hệ giữa mẹ và con mang cho con quá nhiều đau khổ và ràng buộc trong chữ hiếu tình mẹ con. Con thương Mẹ con vì mẹ con đã già, 84 tuổi. Con cố gắng cải thiện mối quan hệ giữa Mẹ và con vì con và Mẹ đã có những điểm bất hòa. Con không thích Mẹ con vì Mẹ con hay thị phi chuyện trong nhà cho người ngoài nghe và cũng có thêu dệt chuyện nữa. Con đã và đang khao khát tình Mẹ Con gần 50 năm trời không nguôi. Con không bao giờ tâm sự được với Mẹ vì mỗi lần nói ra là bị Mẹ chà xát vào vết thương của lòng. Con có nghe bài mối quan hệ và sự tương giao. Xin Sư khai thị cho con trong trường hợp này. Con cảm ơn Sư.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 13-05-2017

Câu hỏi:

Thưa Thầy,

Con về VN lần này thăm gia đình, được chứng kiến em gái con trực tiếp chăm sóc cho ba con trong quãng thời gian cuối của cuộc đời, khi ba con nằm một chỗ. Em con làm việc này với một thái độ điềm tĩnh lặng lẽ cẩn trọng. Chứng kiến việc này, tâm con cảm thấy rất kính trọng em gái con, và tự nhiên con cảm thấy việc lăng xăng tu tập của mình thật là "xa xỉ", tự nhiên cảm nghe hổ thẹn!

Con nhớ lời Thầy dạy:

Ngồi định mãi làm chi
Tu ngay trong đạo hiếu
Với nhẫn nại, từ bi
Định tuệ nào có thiếu.

Lành thay! người con hiếu
Biết phụng dưỡng song thân
Lấy từ bi, trí tuệ
Đáp nghĩa, đền thâm ân!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 27-03-2017

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy!
Con xin lễ thầy từ nơi xa, dù con chưa lần nào được diện kiến thầy, nhưng nhiều năm nay con luôn học theo những gì thầy chỉ dạy mọi người, con tri ân thầy nhiều lắm.
Thưa thầy, con những tưởng tâm mình đã thật sự an nhiên vì đối cảnh đối người trong cuộc sống con đều không bị ảnh hưởng. Nhưng hôm nay, con phát hiện ra mình thật tệ hại, con kẹt trong chính gia đình của mình, kẹt trong chữ hiếu và trách nhiệm người làm con, làm chị. Mọi nỗ lực của con trong 10 năm nay để sống tròn vẹn là một con người đều không được gia đình ghi nhận. Mẹ của con luôn trách móc, than vãn, luôn nhìn con là một đứa con vô tích sự vì con không làm ra nhiều tiền để phụ giúp gia đình. Mẹ so sánh con với nhiều người xung quanh, Mẹ kể công lao mẹ đã lo lắng cho con như thế nào. Những lúc ở gần Mẹ đều làm cho tinh thần con suy sụp, muốn bỏ tất cả, muốn kệ chữ hiếu, kệ trách nhiệm, kệ hết để sống cho riêng mình. Con rất yêu thương gia đình, luôn sống tử tế để Cha Mẹ bớt một mối lo, vậy mà... lần nào con cũng đau lòng và tổn thương bởi chính những người mình yêu thương như vậy. Con thấy dường như giá trị đạo đức đều bị đảo lộn và thay thế bằng khả năng kiếm tiền thầy ạ.
Ngày hôm nay, con đã có ý nghĩ xuống tóc để sống cuộc đời của mình trong đạo, nhưng con không dũng cảm, tâm con vẫn giận gia đình, tâm con vẫn nói hãy cố gắng thêm một thời gian nữa, tâm con vẫn ganh tị tại sao Cha Mẹ lại chiều chuộng em gái con mọi thứ dù nó sống không tốt, tại sao lại đối xử với con như vậy...
Thầy ơi, con cô đơn lắm, không một ai hiểu con, ai cũng nhìn nhận giá trị của con qua khả năng làm ra tiền ít hay nhiều. Con sống không tham cầu vật chất, không cần địa vị, chỉ sống và làm như khả năng có thể, về với cát bụi có mang theo được đâu, sao gia đình muốn con phải đội một cái mũ quá lớn? Thầy dạy con phải làm sao đi thầy ơi!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 18-03-2017

Câu hỏi:

Thầy kính mến,
Mãi đến hôm nay con mới có thì giờ viết thư dài, con muốn chia sẻ với đaọ hữu viết ngày 25 tháng 2 phải chăm nom mẹ lẫn. Theo con, đó có thể là bài học cho đạo hữu học về Sân hay lòng yêu thương. Nếu con trình bày không được lưu loát kính xin Thầy chỉnh sửa cho con.
Đối với con nền tảng đầu tiên là con kính trọng cha mẹ, yêu thương và phục vụ, không nói hỗn, không la mắng thì chăm nom mẹ không khó.
Bệnh lẫn gọi là Alhzeimer, không phải vì tuổi già ai cũng bị, hiện nay khoa học chưa có thuốc chữa. Khoa học gia tin rằng Alhzeimer do hai nguyên nhân là di truyền và tế bào não bị xoắn, có thể vì Apolipoprotein E tích tụ trong não. Và bệnh nhân đi qua 7 chu kỳ từ nhẹ cho đến nặng. Con đọc về bệnh này vì mẹ con trong 3 năm trước khi mất thì bị Alhzeimer.
Bệnh nhân lúc họ tỉnh lúc họ lẫn, con xem như con là người sáng suốt hơn dẫn dắt người vô minh bệnh nhân (BN) đi trong bóng tối thì con phải có tâm như Thầy dạy là sáng suốt, định tĩnh, trong lành trong lúc trông nom mẹ con. Mẹ con giống như một đứa con nít, hay bị bố con mắng phá quá, khi con đến thì lúc nào con cũng nở nụ cười để đem lại thoải mái, để mẹ đừng sợ sắp sửa bị mắng.
1. Lập chương trình giải trí: đem mẹ ra ngoài đi chơi thoải mái hơn ở 4 bức tường nhà. BN cần tập thể dục vẩy tay hay Thái Cực Quyền để đem Oxy lên nuôi não và nhất là Thái Cực Quyền để vận động trí nhớ. Làm những sinh hoạt mẹ thích. Mẹ con nói con là bà hàng xóm cuả mẹ.

2. Môi trường quen thuộc. Đạo hửu (DH) đừng bao giờ dọn nhà đi chỗ mới vì BN chỉ quen 1 chỗ, ngay như giường phải đúng chỗ mới ngủ yên. Năm ngoái tụi con dọn bố mẹ con qua nhà anh con 1 tháng để sửa ống nước bể làm nhà bị lụt phải sửa sàn nhà. Cứ tối đến mẹ con ra trước cửa đòi về nhà và chính thời gian đó xảy ra tai nạn cho mẹ con vì ở nhà lạ, té gãy xương tay, phải cho thanh sắt vào tay. Ở nhà thương về thẳng nhà, tụi con kê giường cho mẹ ở dưới lầu bên cạnh bố con mà đêm nhất định mẹ con lên lầu nằm đúng giường quen trong khi tụi con sợ mẹ con té vì tay chưa cử động được. Nhiều khi tụi con chỉ bảo vệ, vẫn phải chìu theo ý mẹ, nổi sân để làm gì? Có lần con và chị con đem mẹ con đi arboretum gần nhà dạo xem hoa, chỗ lạ, mẹ con sợ hãi nhỡ có thú nhảy ra, tụi con phải trấn an. Khi vào vườn hoa có nhiều bụi nhỏ, có lá vàng, mẹ con thích lắm, tiả lá vàng cho họ, tụi con cũng để cho mẹ làm. Mà sao hay mẹ con chỉ tiả lá vàng không tiả lá xanh, vậy chứng tỏ trí óc vẫn còn làm việc, tụi con hy vọng người ta không thấy mà mắng. Ở nhà, mẹ con có thú điền viên hay tiả lá cây, thôi để mẹ làm những gì mẹ thích mà không có hại.

3. Xin phép làm vệ sinh. Lúc cần tắm rưả cho mẹ, con phải xin phép mẹ con thì mẹ cho con làm dễ dàng lắm. Mẹ con không cho những đứa con khác tắm cho mẹ mà còn mắng nữa vì vi phạm riêng tư. Có những lúc mẹ không chịu đi mà cần phải kịp giờ đi bác sĩ thì con dụ ngọt mẹ đi tắm xong mình đi công viên cho vịt ăn, thì mẹ con đồng ý liền, không phản kháng. Những lúc mẹ con giúp con làm dễ dàng thì con khen mẹ giỏỉ quá và vỗ tay như đối xử với một con nít.

4. Hung bạo nên niệm Phật. Có thời gian mẹ con rất hung bạo giống như ghen chiụ không nổi. Mẹ mắng nhiếc chị giúp việc sao cứ đi theo chồng tôi, và có lúc đấm chị ấy mạnh lắm. Tụi con sợ, cất hết dao, kéo lên cao. Những lúc mẹ con lên cơn, tụi con dặn chị giúp việc bỏ ra ngoài 10 phút cho mẹ lắng xuống rồi đi vô lại. Găng quá thì gọi cảnh sát. Càng ngày mức độ gây hấn càng tăng mà chị giúp việc đã làm 6 năm rồi, hồi trước không sao, tự nhiên bây giờ mẹ con đối xử vối chị ấy như vậy. Có hôm con chứng kiến cảnh mẹ con mắng nhiếc, lấy chổi tính đánh chị, con nhảy vô giữa 2 người để cản, mẹ con mắng mày là con mà bênh nó (sao lúc đó mẹ biết con là con gái chứ không phải bà hàng xóm). Mà hay lắm, ngay đúng lúc đó Thầy dạy con thận trọng chú tâm quan sát, sáng suốt định tĩnh trong lành, con ứng xử rất tự nhiên, con thốt ra lời nói ôn tồn "mẹ ơi, con ra ngoài đường con nói với mọi người con may mắn được sinh ra trong gia đình bố mẹ rất đạo đức mà mẹ làm như vậy kỳ quá, coi không được.” Hay lắm, mẹ con khựng lại, nhìn con, giống như được vén màn vô minh, tự nhiên mẹ con quê. Con nói, mẹ với con lên bàn thờ niệm Phật và con khoác vai mẹ dắt mẹ lên lầu niệm Arahan Samma Sambuddho. Mẹ con đầm lại ngay. Ngày hôm sau con làm 2 khẩu hiệu để niệm, một để trên bàn thờ và một để dưới bếp. Sau này thì con thấy mẹ con đọc tiếng Pali không quen thì con đổi qua niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì mẹ con đọc quen thuộc hơn.
Những năm trước mẹ con trong ban hộ niệm cuả chuà Bắc Tông nên quen niệm A Di Đà nên con để mẹ con niệm theo ý mẹ con thay vì theo ý con biết. Trong 6 căn cuả BN Alhzeimer thì tai và mũi cuả BN vẫn nhạy cảm hơn 4 căn kia. Có lúc con dùng tinh dầu đặc biệt để kiềm chế hung bạo bằng cách bôi ngay đầu mũi và sau 2 tai. Có lúc con cần nấu nướng hay rửa chén không muốn mẹ con phá thì con vặn video thượng thọ cuả bố mẹ, hay đám cưới con cái, hay ca nhạc cho mẹ con xem. Lâu lâu con ra chỉ mấy người quen hỏi mẹ con ai đây để khêu gợi lại trí nhớ. Khoa học đã chứng minh khi BN Alhzeimer nghe nhạc quen thuộc gíup trí nhớ cuả BN và gíup họ vui vẻ hơn. Về sau tụi con cho chị giúp việc nghỉ và mướn người có kinh nghiệm với BN Alhzeimer. Chị này gọi mẹ con bằng mẹ xưng ngọt xớt nên mẹ con tưởng con cái trong nhà nên con đỡ lo xảy ra xô xát. Và con xin bác sĩ bỏ thuốc Aricept có nhiều phản ứng phụ thì thấy mẹ con đầm lại.

5. Dấu đồ đạc và hoang tưởng. Nhiều lúc mẹ con tưởng tượng có người vào ăn cắp trong nhà, đi dấu giầy, dấu ví, dấu chìa khoá xe, trời ơi đi tìm muốn chết! Có lúc cho vô thùng gạo, cho vô tủ chén. Con không thể tưởng tượng ra những chỗ mẹ con cất. Có lúc mẹ con thấy con chó to nghĩ là quái vật.

6. BN cần sự vuốt ve và yêu thương thì con khoác tay mẹ đi thì mẹ thấy yên tâm và trầm lặng hơn. Khi con trao tình thương yêu chăm sóc thì con thấy tâm sân không có chỗ để nảy sanh. Nhiều khi tụi con còn cười lo đi cất giầy không có không có giầy để đi về. Tự nhiên bây giờ con nhớ mẹ, sắp giỗ một năm rồi. Con muốn nhắn đạo hữu vẫn còn mẹ xin hãy tận tưởng những giây phút qúy báu với mẹ.
Con xin tri ân Thầy đã dạy dỗ con, giúp con sáng suốt để chăm non mẹ con chu đáo cho đến ngày cuối đồi.
Con xin hồi hướng phước báu này đến mẹ con và tất cả những bệnh nhân Alhzeimer sớm được lên cõi vĩnh hằng.
Con xin đảmh lễ Thầy
Con xin đảnh lể Thầy lần thứ nhì
Con xin đảnh lễ Thầy lần thứ ba.

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »