Kết quả Tìm Kiếm: Có 186 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'tụng kinh & niệm Phật'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Bạch thầy cho con hỏi, nếu tu thiền niệm Phật tức là khi ngồi thiền hít vào niệm nam-mô A-di-đà Phật, thở ra niệm nam-mô A-di-đà Phật như thế thì có thể nhập được các tầng thiền định hay không, kính mong thầy giải nghi ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giai đoạn đầu dùng bất cứ phương tiện gì cột tâm cho nó bớt lăng xăng thì được, nhưng muốn thật sự vào định thì phải buông luôn sự cản trở của những phương tiện ấy. Giống như người đang ngồi tự đứng dậy không được phải vịn vào thành ghế để đứng lên nhưng muốn đi thì phải buông cái ghế mới đi được. Cũng vậy, buông tạp niệm để vào câu niệm, buông câu niệm để vào sơ thiền, buông tầm tứ để vào nhị thiền, buông hỷ để vào tam thiền, buông lạc để vào tứ thiền, nên tứ thiền chỉ còn định và xả.
Câu hỏi:
Dạ thưa Thầy! <p>
Trong lúc con niệm Phật thì vọng tưởng nổi lên, con nhớ lời Thầy đã dạy "nó đang là", con biết nó là vọng tưởng là được rồi. Con cố gắng nhiếp tâm để nhớ câu Phật hiệu, mặc cho vọng tưởng lúc ẩn lúc hiện. Vậy cái cố gắng nhiếp tâm đó có phải là mình đang tự ràng buộc mình phải không Thầy, đó có phải là bản ngã không? Mặt khác con lại nghĩ nếu như quan sát cái "nó đang là" thì lại lơ đễnh đi câu Phật hiệu. Là do con hiểu sai lời Thầy hay con phải làm như thế nào mới đúng, xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con được tỏ tường. <p>
Con cảm ơn Thầy!
A Di Đà Phật!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra niệm Phật mục đích trợ giúp tâm bớt lăng xăng tìm kiếm "cái phải là" và "cái sẽ là" để nó có thể trở về trọn vẹn soi sáng "cái đang là". Vậy khi nào niệm Phật không còn mong cầu đạt được "cái phải là" hoặc "cái sẽ là" thì tâm liền trở về trọn vẹn tỉnh thức với "cái đang là". Đây gọi là thiền tịnh song tu, lấy niệm Phật hỗ trợ cho thiền, hay lấy định hỗ trợ cho tuệ.
Nếu trong cố gắng niệm Phật để "nhiếp tâm" còn có mong cầu "phải là" hoặc "sẽ là" thì đã đi ngược lại với mục đích ban đầu của pháp môn niệm Phật, lúc đó phương tiện niệm Phật mới trở thành tự buộc. Nhưng khi trở về được với "cái đang là" thì chính là đã "tinh tấn nhiếp tâm" rồi nên có thể buông phương tiện niệm Phật đi để chỉ còn trọn vẹn tỉnh thức trên "cái đang là" thôi. Qua sông phải rời đò là vậy.
Câu hỏi:
Thưa thầy, con muốn hỏi hành trì của một cư sĩ tu tại gia, hàng ngày con nên đọc Kinh gì, thời gian nào trong ngày và ngồi thiền tối thiểu bao lâu trong ngày? (Con đi làm trong giờ hành chính). Con xin thầy hướng dẫn cho con. Con đa tạ công đức của Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đọc kinh ngồi thiền cũng tốt nhưng cũng có khi phản tác dụng và làm cho đời sống vốn rắc rối càng rắc rối thêm. Những cách đó chỉ để an tâm, nhưng cách an tâm tốt nhất là thường thận trọng chú tâm quan sát lại mọi hoạt động của thân tâm mình. Bất an là do đánh mất trật tự thời gian và không gian trong đời sống, nghĩa là không sống trọn vẹn biết mình ngay đây và bây giờ như mình đang là mà lại sống trong quá khứ, trong vị lai hoặc bị chi phối bởi hoàn cảnh bên ngoài. Như vậy không cần phải thêm bớt gì cả, chỉ thấy ra chính mình trong hoàn cảnh đang sống mới là tu tích cực nhất.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy cho con hỏi:
Con tu theo pháp môn niệm Phật, vậy con phải tu làm sao để nhập vào sơ thiền và các tầng thiền định cao hơn ạ?<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Niệm Phật có thể chứng nhất niệm, tương đương với cận định, vì còn khái niệm ngôn ngữ. Sơ thiền thoát khỏi khái niệm ngôn ngữ để hướng tầm tứ đến đối tượng, nhị thiền thoát khỏi tầm tứ, tam thiền thoát khỏi hỷ, tứ thiền thoát khỏi lạc và hơi thở, chỉ còn định xả. Vậy sau khi chuyên chú niệm Phật tâm đạt đến nhất niệm (cận định) thì buông câu niệm và hướng đến tâm thái rỗng rang thanh tịnh (niệm tịch tịnh) thì có thể đắc sơ thiền và cứ thế tâm định sẽ phát huy đúng hướng.
Câu hỏi:
Con chào SƯ. <p>
1) Mẹ con quy y cho con (và gia đình) cách đây 4 năm, con không được dự buổi quy y của bổn sư, nhưng may mắn cách đây 2 năm con đã có duyên với Phật pháp, đã tìm hiểu và thực hành theo lời Phật dạy. Bố mẹ con tu theo Tịnh Độ tông nhưng riêng con, con cảm thấy pháp môn này đè nén tâm chứ không phải là biết và buông xả ra, con thấy bố mẹ con mỗi khi tức giận thì niệm A DI ĐÀ PHẬT nhưng con cảm thấy bố mẹ con đang đè nén chúng. <p>
Thật hữu duyên hơn nữa con tìm hiểu và được biết các kinh đại thừa do các tổ chế ra để hợp căn cơ mọi người (con cũng không chê bai hay phân biệt gì cả). Con tìm và biết đến Phật pháp nguyên thủy. Con thấy những giáo lý và đặc biệt là thiền rất hữu ích cho con và thay đổi các tư tưởng của con theo hướng tích cực. Con thấy lỗi của con nhiều hơn, con hay nhìn vào mình hơn là người khác và con biết chúng rồi buông chúng dần dần, cũng dần tu tập. <p>
Con giờ có ý định nói cho bố mẹ con biết về sự thật các kinh, và khuyên bố mẹ biết nguyên thủy, nhưng con sợ niềm tin (tín nguyện hạnh trong kinh Vô Lượng Thọ) của bố mẹ con lung lay, rồi sinh ra những cái tiêu cực, nhưng con rất muốn nói, vậy mong SƯ cho con lời khuyên để con có thể tâm sự với bố mẹ con ạ. ,p>
2) Như SƯ nói: thận trọng - chú tâm - quan sát mọi sự vật hiện tượng đến với mình, khi thực hành con cố gắng hành động chậm lại rồi con thận trọng, chú tâm vào đó. Nhưng khi quan sát nó con lại suy nghĩ thêm các niệm khác (ví dụ con quan sát cái bút thì con lại suy nghĩ bút này hãng nào viết đẹp không...), như thế con đã sai đúng không sư? Xin sư hoan hỷ chỉ cho con thêm một chút về điều thận trọng, chút tâm và quan sát? <p>
3) Trong lúc ngồi thiền, con ngồi một hồi lâu, con thấy cảm giác đau, tâm con liền đến đó và quan sát nó và ghi nhận đau đau... Vậy con ghi nhận nó xong con quay lại với hơi thở, hay con quan sát cái đau khi nào hết mới quay lại hơi thở, hay là cái nào nổi trội nhất thì tâm tự dưng đến và xem nó là đề mục quan sát và ghi nhận? <p>
Kính mong SƯ hoan hỷ chỉ dạy, con kính đảnh lễ SƯ. Sadhu sadhu!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Chỉ cần giải thích cho ba mẹ hiểu đúng ý nghĩa của pháp môn niệm Phật là được. (Con đọc điều này trong cuốn Thiền Phật Giáo, Nguyên Thuỷ và Phát Triển)
2) Không cần phải đặt một mức độ nào nhất định cho việc thận trọng chú tâm quan sát, những yếu tố này là tính chất sẵn có trong tâm mỗi người nên chỉ cần có hướng tâm đúng thì chúng tự ứng ra tuỳ trường hợp. Nếu trong quan sát còn tư tưởng khởi lên thì biết có tư tưởng khởi lên, nếu không thì biết là tâm đang lặng lẽ quan sát. Đừng cố gắng quá, cứ quan sát tự nhiên thì thấy biết càng chính xác hơn.
3) Khi ngồi thiền con nên thư giãn, buông xả để cho thân tâm thoải mái, nhẹ nhàng, trong sáng và tuyệt đối không cố gắng "hành" gì cả. Chính lúc đó tâm con mới rỗng lặng trong sáng, hồn nhiên, không chủ quan để phản ánh trung thực mọi sự đến đi. Khi tâm buông xả mọi cố gắng nắm bắt thì nó liền trở về trọn vẹn với toàn thân đang là (thân tâm nhất như), đó là chánh niệm (chứ không phải là ghi nhận gì cả), và vì vậy nó biết thân đang là một cách trung thực. Không ghi nhận hơi thở hay cảm giác đau mà chỉ biết toàn thân đang là thì thở hay đau đều chỉ là những hiện tượng đến đi trên thân, con chỉ thấy chúng sinh diệt vô thường mà thôi. Nhớ là không cố gắng ghi nhận, định tâm hay trông chờ cái này diệt đi để quan sát cái khác, chỉ thấy thôi thì tâm mới nhận ra bản chất sinh diệt trên thân, thọ, tâm hay pháp ngay đây và bây giờ.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, xin cho con hỏi là cách đây khoảng 3 năm về trước con thường hay tụng kinh niệm Phật, đến khi sinh em bé thì con đã ngưng tụng một thời gian và sau đó đã tiếp tục lại. Dạo này con hay buồn ngủ khi tụng kinh, con rất cố gắng để không buồn ngủ, nhưng rất khó vì công việc của con là bán thuốc tây nên về rất tối. Con thật hối hận khi đã bỏ lỡ một thời gian không thực hành đều đặn. Xin Thầy chỉ dẫn cho con cách tụng kinh niệm Phật một cách minh mẫn mà không bị buồn ngủ. Con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con không cần phải tụng Kinh niệm Phật mệt mỏi căng thẳng như vậy đâu. Con cứ sống làm việc và ngủ nghỉ bình thường, thoải mái thôi vì trong đó Sự Thật muôn đời đang diễn ra đầy đủ và hoàn hảo nhất mà con không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu khác. Khi con làm gì cũng trầm tĩnh và sáng suốt biết mình thì không cần niệm Phật vì lúc đó chính Phật đang niệm cho con rồi. Khi con tuỳ mỗi nhân duyên hoàn cảnh đang sống mà thấu hiểu thân hành, cảm thọ, cảm xúc, tâm ý và sự tương giao hay mối quan hệ với mình, với người và hoàn cảnh xung quanh thì chính là con đang tụng bài kinh thiết thực sống động nhất mà đức Phật đã tận tâm chỉ dạy trong suốt cả cuộc đời giáo hoá của Ngài. Đừng tụng Kinh niệm Phật để đi tìm ảo tưởng của chính mình ở bên ngoài.
Câu hỏi:
Bạch Thầy, lạy Phật nhiều lần trong ngày có được vãng sanh không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vãng sanh hay không là ở tâm con, nếu tâm con thường thanh tịnh trong sáng thì đã "vãng sanh Tịnh Độ" ngay khi còn hiện tiền, thế thì nghĩ đến sau khi chết làm gì cho mệt! Lạy nhiều có thể giúp con thân tâm an lạc như tập yoga dưỡng sinh cũng tốt, nhưng nếu con để thời gian ấy sống phục vụ cha mẹ, gia đình, xà hội, chúng sinh, chia sẻ niềm vui nỗi khổ với muôn loài là đang thực hiện hạnh bồ-tát "tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha" thì đâu cần vãng sanh để chỉ được an lạc cho riêng mình, phải không con?
Câu hỏi:
Dạ thưa thầy cho con hỏi: Trong tang lễ nếu không có điều kiện mời các thầy tụng kinh được thì mình mở băng đĩa tụng kinh được không ạ, và tụng kinh trong lúc tang lễ cũng như sau tang lễ thì người đã khuất họ sẽ nhận được gì? Con xin cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Theo Phật Giáo Nguyên Thủy thì tụng kinh có nghĩa là đọc những bài kinh quán tưởng về sự sinh - già - bệnh - chết; về sự vô thường, khổ, vô ngã; về phước và tội trong nhân quả nghiệp báo v.v... để cả người tụng kinh, tang quyến và người chết nghe kinh mà thông suốt được lẽ sống chết, không còn luyến tiếc xác thân, gia đình, của cải, danh vọng v.v... nhờ vậy người chết có thể nhẹ nhàng rủ bỏ những tham luyến để tái sinh vào cảnh giới cao hơn. Tụng kinh như vậy hoàn toàn không có ý nghĩa "cầu siêu" mà chỉ là giúp người chết có thêm hiểu biết và phước đức để việc tái sinh được tốt đẹp hơn thôi. Tất nhiên không ai biết tụng kinh thì mở đĩa nghe cũng được.
Câu hỏi:
Thầy kính! Con định trong mùa An Cư này sẽ thu xếp vào Sài Gòn thăm chùa Bửu Long, đảnh lễ Thầy. Vậy mà cuối cùng vẫn chưa đủ duyên. Trước đây con học đại học ở Quận 9 thì con không biết Thầy, đến khi về Quảng Ngãi làm việc thì vô tình gặp Thầy qua Internet. "Pháp vận hành" mọi việc cứ tuỳ duyên thầy nhỉ! <p>
Hôm nay con có một câu hỏi mong thầy chỉ dạy thêm cho con. "Kiết sử" nghĩa là gì vậy Thầy? Có phải là những dính mắc còn lại trong quá khứ không ạ? <p>
Con kính chúc Thầy luôn khoẻ mạnh! <p>
P/s: Cuối bài giảng pháp thầy hay đọc mấy câu tiếng Phạn hồi hướng, con không hiểu nghĩa nhưng nghe giai điệu thấy lòng rất nhẹ nhàng thanh tịnh! Nếu được xin thầy dạy con luôn!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
- Con vào pháp thoại khóa 4 nghe bài giảng Ngày 6 về 10 kiết sử.
- Bài kinh hồi hướng ngắn đó là:
Idam no ñātinam hontu,
sukhitā hontu ñātayo.
Nghĩa là:
Phước này thấu đến thân nhân,
Mong hàng quyến thuộc được phần an vui.
(Quyến thuộc có thể hiểu là tất cả chúng sanh)
Câu hỏi:
Idaṃ no (vo) ñātinaṃ hotu sukhitā hontu ñātayo. Dịch nghĩa: Nguyện phước này đến với thân bằng quyến thuộc của chúng tôi (của quí vị), nguyện cho những vị ấy được an vui => "thân bằng quyến thuộc của chúng tôi", ở đây được hiểu là thân bằng quyến thuộc còn hiện tiền cũng như đã quá vãng phải không, thưa Thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Phải con. Mà hiểu thân bằng quyến thuộc là tất cả chúng sanh cũng được vì người Phật tử xem tất cả chúng sanh như thân bằng quyến thuộc trong nhiều đời nhiều kiếp.