Kết quả Tìm Kiếm: Có 7 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'tín ngưỡng'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 21-07-2015
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Thầy hoan hỉ cho má của con được hỏi 2 vấn đề vì má con đã quy y theo Phật giáo Nguyên thủy nhưng trong nhà má của con: <p>
1- Vẫn còn thờ Ông Táo <p>
2- Vẫn còn thờ Quan Âm <p>
Vì má con đã thờ từ xưa đến giờ khi má con chưa hiểu đạo. Vì má con không hiểu lắm, nếu thờ như vậy có bị rơi vào mê tín dị đoan không thưa Thầy? <p>
Giờ má con muốn dẹp bỏ thì má con phải làm sao? Và bức tượng Quan Âm nên bỏ ở nơi nào cho hợp lý, kính mong Thầy từ bi chỉ giúp cho má con. Má con nhờ con hỏi Thầy dùm. Con thay mặt má con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mình không thờ nhưng tôn trọng tín ngưỡng của người khác, nên tốt nhất là gởi Ông Táo về cây đa. Gởi tượng Quan Âm về chùa nào tin thờ là được.
Ngày gửi: 02-05-2015
Câu hỏi:
Kính bạch Sư, con vẫn chưa hiểu thế nào là "y pháp bất y nhân", làm sao mà phân biệt được? Kính mong Sư giúp con. Kính Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong thời đức Phật còn tại thế, có một vị tỳ kheo xuất gia vì ngưỡng mộ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Ngài mà không quan tâm đến pháp học pháp hành. Vị tỳ kheo ấy đã bị đức Phật quở trách rằng, "dù ngươi theo Như Lai chân không rời từng bước, tay không rời tấm y của Như Lai thì suốt đời ngươi cũng không thấy được Như Lai, nhưng nếu ngươi hành đúng pháp, sống thuận pháp thì dù ngươi ở cách xa muôn dặm vẫn thấy được Như Lai". Đó chính là cách Phật dạy "y pháp bất y nhân".
Khi đức Phật khai thị thì người được khai ngộ thấy ra Pháp, mà thấy Pháp tức thấy Phật, chứ không phải chỉ chiêm ngưỡng Phật hay cầu xin Phật cứu độ mà không tự mình thấy Pháp. Khi thầy nói ra sự thật thì cũng chỉ mong người nghe thấy ra sự thật nơi chính họ chứ không phải nương tựa vào cá nhân thầy. Trước khi đức Phật nhập diệt, có đệ tử hỏi sau khi nhập Niết-bàn Ngài có cử vị thượng thủ nào để tứ chúng nương tựa không, Phật trả lời là không, và khuyên tứ chúng chỉ nên nương tựa vào Pháp thôi. Đó chính là "y pháp bất y nhân".
Ngày gửi: 01-03-2015
Câu hỏi:
Con chào thầy. Hôm nọ con vừa xem một phim có tên là "Thế giới lego". Có một thông điệp được nói đến ở trong phim mà cũng từng được đề cập đến trong vài sách tâm linh, con xin tóm tắt lại là: "chỉ cần tin tưởng thì mọi chuyện đều có thể". Trong phim, nhân vật chính có hỏi một pháp sư là: "Làm sao con tin được khi con không biết làm thế nào?". Con không chắc lắm. Con cũng từng thấy thông điệp này nhiều lần trước kia nhưng thú thật câu hỏi của anh chàng trong phim cũng là câu hỏi của con. Một cái gì đó mạnh mẽ đến độ tin chắc, không một chút ngờ vực ạ? Lòng tin đấy có là một niềm hi vọng hay một sự giả vờ như mình có không? Thật ra con không tìm thấy một từ gì để miêu tả về lòng tin đó và không hiểu lòng tin đó xuất hiện trong tâm trí thế nào. Con xin cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cũng còn tùy vào niềm tin là chánh tín, mê tín, cuồng tín hay tin như thế nào và tin gì mới được. Nhưng rõ ràng là thiếu tin tưởng thì khó làm được việc gì. Thí dụ một người không tin mình bỏ được một thói xấu thì người đó làm sao có thể bỏ được, trong khi người tin thì bỏ được dễ dàng. Trong duyên nghiệp, một người tin điều gì vì người ấy đã nội hàm điều đó. Thí dụ một người tin mình không bị đói vì người ấy sinh ra đã có phước được no đủ do trong quá khứ đã cung cấp vật thực cho nhiều người chẳng hạn. Vì vậy thông điệp "chỉ cần tin tưởng" đó chỉ đúng với trường hợp khuyến khích niềm tin vào chính mình, vào chân lý, vào sự vận hành của pháp, chứ không phải tin bất cứ điều gì cũng được.
Ngày gửi: 02-02-2013
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con có điều này muốn hỏi thầy mong thầy giải đáp cho con. Cuối năm nhà con có lau dọn bàn thờ nhưng chẳng may nhà con làm rơi vỡ tượng Phật Bà Quan Thế Âm, tượng nhà con là tượng đã thỉnh trên chùa về, bây giờ con không biết phải làm gì với tượng Phật đã vỡ, con mong thầy giúp con cho con lời khuyên. Con cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tất cả những tranh ảnh, tượng gỗ hay đất sét... trong tôn giáo đều mang tính biểu tượng, được tạo ra theo đức tin và trí tưởng tượng của con người nên chỉ có ý nghĩa tượng trưng chứ không có thật. Tuy nhiên, nếu con áy náy thì hãy làm như một số người ở quê thầy, là đem để dưới gốc cây cổ thụ, bỏ xuống sông, v.v... nhưng phải là những chỗ được phép.
Ngày gửi: 05-01-2013
Câu hỏi:
Kính bạch Hòa Thương, cho con được phép hỏi.<p>
Con là một Ni, hàng ngày, ở chùa con được giao nhiệm vụ cúng vong, sau khi cúng, Phật tử đề nghị con đốt giấy tiền giấy áo để cho thân nhân họ có tiền xài có áo mặc đầy đủ.<p>
Vậy con có cần làm theo họ không, nếu đốt các giấy đó liệu người chết có nhận được không, và cầu siêu như vậy họ có siêu hay không. Kính mong hoà thượng từ bi giải nghi cho con thông suốt. Con thành thật tri ân Ngài.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có hai dạng năng lượng mà người âm có thể hưởng được là phước lực và tâm lực. Hai năng lượng này đều do công đức tu hành theo bố thí, trì giới, tham thiền, cung kính, phục vụ... (10 nhân sinh phước) mà có. Ngoài năng lượng, người âm không thể hưởng được vật chất gì ở thế gian. Nếu con thấy giấy tiền mà thay thế được năng lượng tu hành của tâm lực và phước lực thì mới nên đốt, nếu không thì chỉ tốn tiền vô nghĩa và người âm càng thấy đau lòng vì thấy con cái phí của vô ích thay vì giúp người nghèo để có năng lượng tâm và phước hồi hướng cho họ.
Ngày gửi: 23-09-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con sống chung phòng với các chị chuyên theo pháp môn Tịnh Độ. Ngoài mặt tình cảm chị em thì không vấn đề gì nhưng trong đạo thì thật có nhiều cái va chạm nhiều lắm.
Các chị lúc nào cũng muốn thuyết phục con ăn chay và niệm Phật A Di Đà. Nhưng con vẫn giữ lập trường Nguyên Thủy và không nói gì. Con cũng hay sân ngầm lắm, nhưng chỉ im lặng, gật đầu và cười thôi vì niềm tin của các chị mạnh lắm. Con khuyên nhỏ bạn quy y và giữ giới làm căn bản trước trong khi chị lại bảo niệm Phật đi (đó là 1 cái khác nhau).<p>
1/ Con nghĩ uy lực của việc niệm Phật để vãng sanh hay trì chú đại bi để nguyện gì đó (qua chương trình Phật Pháp nhiệm mầu) chỉ là nhờ cái tha lực bên ngoài hoặc là 1 loại định và Tây Phương chỉ là 1 cảnh trời thôi phải không Thầy? <p>
2/ Con nhìn cái sự phân biệt tông phái của mình sao thấy có lúc nó như sân, có lúc như ngã mạn, chấp vào tư kiến, đôi khi lại phát sinh lòng từ vì cho rằng các chị còn tà kiến nhiều. Như vậy là con đã rơi vào cái gì rồi Thầy?
Con xin nghe chỉ dạy và cúi đảnh lễ Thầy ạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tín ngưỡng là một vấn đề tế nhị và nhạy cảm, do đó mới có luật tự do tín ngưỡng. Mỗi người có quyền chọn tôn giáo hay tông phái thích hợp với mình, nhưng không nên xem thường tín ngưỡng của người khác, hay đề cao tín ngưỡng của mình. Vấn đề chỉ là tín ngưỡng đó có thích hợp với người theo hay không mà thôi. Giống như kính đeo mắt, mỗi người nên chọn độ cận hoặc viễn cho đúng với mắt mình mà mua chứ không nên thuyết phục hay bắt chước người khác. Hoặc giống như đăng ký đi học, phải học lớp đúng với trình độ của mình, không nên mà cũng không thể thuyết phục người học lóp 5 xuống học lớp 1, hay ngược lại. Khổ nỗi là người trình độ càng thấp lại càng muốn thuyết phục người khác theo mình! Đức Phật thấy rõ chân lý có sẵn nơi mỗi người, nên Ngài chỉ nói ra để mọi người tự thấy lẽ thật nơi chính mình chứ Ngài không bao giờ thuyết phục người khác theo Ngài.
Những tôn giáo hay tông phái dựa trên đức tin đều sử dụng những biểu tượng hay ẩn dụ để biểu trưng cho điều họ muốn ám chỉ, vì vậy muốn hiểu những tôn giáo này thì phải biết giải mã những ẩn số ấy mới được, chứ không nên xem biểu tượng đó là thật để giải thích. Tiếc thay những tín đồ nặng đức tin lại quá tin vào biểu tượng nên không thấy ra được điều mà biểu tượng đó muốn ám chỉ là gì, do đó họ vẫn mãi ở trong tình trạng mê tín, khó thấy ra chân lý vốn đã tự hoàn hảo nơi mỗi nhười!
Ngày gửi: 09-05-2011
Câu hỏi:
Bạch Thầy, con có điều này không rõ xin thầy từ bi chỉ giáo. Đó là trong kinh Hoa Nghiêm có nói: "Tín vi thiện căn công đức mẫu, trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn. Thoát ly sanh tử xuất mê lưu. Trực vãng Niết Bàn vô thượng đạo". (Nghĩa là: Lòng tin là mẹ của căn lành công đức. Nuôi lớn tất cả các căn lành. Thoát khỏi sanh tử vượt sông mê. Thẳng đến Niết Bàn đạo Vô Thượng) Bài kệ này con thấy hình như là trái ngược với điều đã được Phật dạy trong các Kinh Nguyên Thủy. Trong Kinh Nguyên Thủy đức Phật dạy rằng không nên vội tin bất cứ điều gì dù cho đó là lời dạy của chính Đức Phật. Con rất là phân vân, xin Thấy từ bi chỉ dạy. Xin thành kính tri ân Thầy
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Niềm tin có thể làm cho tâm thanh tịnh, được ví như viên ngọc để vào nước làm cho nước lắng trong. Niềm tin thù thắng hơn, vô ngã hơn là sự tu tập dựa vào nỗ lực cá nhân. Dĩ nhiên là phải chánh tín chứ không phải tà tín. Có chánh tín thì có tấn, niệm, định, tuệ, nên nói tín là gốc của mọi thiện căn. Nếu tin vào Phật Pháp Tăng, không tin vào bản ngã, thì quả là có thể thấy được thực tánh chân đế. Cho nên đức Phật gọi một vị Tu-đà-hoàn (đã thể nhập thực tánh chân đế, tức thấy được Niết-bàn) là bậc "Tịnh Tín Bất Động". Bậc Tịnh Tín Bất Động đúng là đang đi thẳng đến Niết-bàn vô thượng. Mặc dù bài kệ hơi cường điệu niềm tin nhưng vẫn không sai với niềm tin chơn chánh trong Phật Giáo Nguyên Thủy. Trong Kinh Kalama từ "vội tin" ám chỉ niềm tin không đúng thôi chứ trong Kinh Nguyên Thủy TÍN vẫn là yếu tố cơ bản trong 5 căn (ngũ căn, ngũ lực).