Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 02-07-2022
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ Sư Ông,
Con thưa Sư Ông, sau hơn một năm hiểu được Pháp Sư Ông chỉ bày, quá trình quan sát và chiêm nghiệm chính con diễn ra ngày càng thú vị hơn. Mặc dù sau khi hiểu được nguyên lý tu tập của Sư Ông, con đã buông bỏ bớt nhiều việc dính mắc vào phân tích từ chương, mà con chuyển qua đọc kinh sách như để tham khảo kiến thức và có thêm vốn từ, nhưng đôi khi con nhìn thấy vi tế bên trong con vẫn còn có sự ham muốn được học giỏi như người ta, chẳng hạn như giỏi Pali, thuộc lòng chi pháp, thuộc tạng Luật… dù ý muốn này rất yếu, nhưng không chối bỏ được nó vẫn luôn còn ở trong con.
Bên cạnh nghe Pháp của Sư Ông, con cũng có tham khảo thêm tài liệu từ các vị thầy tâm linh khác, như: Sadhguru, Osho, Eckhart Tolle, Krishnamurti… và một số sách của Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Con cứ nghe trong tinh thần thoải mái không nắm bắt gì cả. Cho đến một buổi gần đây nhất, trong khi đang nghe Eckhart Tolle, con chợt nhận ra, những vị thầy tâm linh này không hề biết ngôn ngữ Pali, không hề học thuộc Tam Tạng Kinh Điển, chưa bao giờ chia chẻ văn tự trong từng câu kinh… nhưng các vị đó đều giác ngộ vì thấy ra sự thật. Đó là khoảnh khắc con vỡ òa, thấy như có một ánh sáng tràn ngập và soi rọi cái góc tối còn u mê, bám chấp vào việc muốn “học giỏi như người ta”. Và ngay sau khoảnh khắc đó là niềm hoan hỷ đến vô cùng, và con lập tức nghĩ về Sư Ông với lòng tri ân vô hạn. Con nhớ ngay đến lời Sư Ông thường dạy: “lý thuyết nhiều chỉ trở ngại cho việc thấy ra sự thật”, hay “ý tại ngôn ngoại”, chỉ “thấy và thấy ra”…
Có một thời gian, con rất khó chịu mỗi khi bị nghe nhiều lý thuyết sáo rỗng, vì con chứng kiến những vị luôn đem sách vở ra để giảng giải, nhưng khi xúc chạm với những vấn đề, thì tham và sân lại càng dữ dội hơn những người khác. Tuy nhiên, không hiểu sao giờ đây, con lại không còn bực bội nhiều với những người thích mang lý thuyết ra nói đó nữa, mà con chỉ mong cho họ “một phen buông hết ngôn từ” để trực nhận sự thật như Sư Ông luôn dạy. Vì bây giờ con cảm thấy, như khi mình ăn một món ăn; mặn – ngọt – chua – cay chỉ có mình là cảm nhận rõ nhất, còn khi miêu tả lại bằng ngôn ngữ, thì đã không còn đúng sự thật nữa rồi.
Từ xa con kính xin đảnh lễ Sư Ông, vì khi nương tựa vào những lời dạy của Sư Ông, mỗi ngày trôi qua, sự tu tập của con càng trở nên nhẹ nhàng và sáng rõ hơn bao giờ hết…
Con thành kính tri ân Sư Ông!
Ngày gửi: 27-06-2022
Câu hỏi:
Con chào Thầy!
Thầy ơi tu là một quá trình tự nhiên thấy ra và giác ngộ qui luật tự nhiên trời đất vũ trụ và rất khó để diễn đạt cái thấy đó ra và nếu căn cơ trình độ chưa thật sự hiểu đạo thì các bậc chân tu diễn đạt đến đâu chúng con chấp vào ngôn ngữ khái niệm đến đó, vậy thì tại sao Đức Phật và các vị Giác Ngộ vẫn nói đạo hả Thầy? Có phải vì lòng từ bi và tình yêu không ạ?
Ngày gửi: 27-06-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy!
Qua một thời gian nghe Pháp (nghe nguyên lý và chiêm nghiệm), con thấy rằng: thật ra quay về với chính mình (Thân- Thọ- Tâm- Pháp) thì cũng chỉ là quay lại với cái gọi là, cái khái niệm với tên gọi Thân, Thọ, Tâm Pháp mà người nghe lưu trong ý thức. Còn hiện tướng của nó thật sự không có tên gọi, không ngôn từ, chẳng qua Đức Phật không còn cách nào khác để truyền đạt cho người nghe nên "đành" sử dụng 4 cái tên gọi ấy.
Nghĩ vậy nên con chỉ nghiệm và chỉ "cảm nhận" (con cũng tạm thời mượn ngôn từ để nói về cái 'việc ấy'). Một hôm con ngồi mất hết các khái niệm và khi mất khái niệm về thời gian, con nghĩ: cái vũ trụ này làm gì có thời gian, thời gian là do con người đặt ra và sự vật, sự việc, chúng sinh cũng sinh-diệt liên tục như chính nó là, thế thôi; bỗng dưng con thấy một sự im bặt, con không là ai cả và có cảm nhận "mình" cũng là cây cỏ xung quanh, cũng chính là cái máy laptop đang để trên bản. Mùi hương, âm thanh con nghe được rất xa và rất khác với bình thường. Cái cảm nhận ấy kéo dài được khoảng 1 phút và sau đó trở lại bình thường.
Con xin trình pháp thầy!
Con cám ơn thầy!
Ngày gửi: 29-05-2022
Câu hỏi:
Dạ kính bạch Sư Ông con có 1 chuyện muốn thưa và xin lời khuyên từ Sư Ông
Theo như lời giảng dạy của các Sư các Thầy đang giảng tại các chùa ở nhiều nơi thì các Thầy giảng với các Phật tử hay các môn đồ là trong quá trình tu mình phải tự vấn tự đặt câu hỏi và tự trả lời nhưng câu như:" Vì sao đức Phật đi tìm đạo, Vì sao người từ bỏ gia đình, Vì sao con người đau khổ,..." Rất rất nhiều câu hỏi "vì sao..." nữa. Hoặc là phương pháp các tư duy về các chân lý Đức Phật đã dạy như vô thường, vô ngã, hay tư duy về nhân quả thông qua đó thấu hiểu cuộc đời của chính mình để buông bỏ sống nhẹ nhàng thanh thản.
Nhưng trong chuyện này vấn đề của con là con không có thể đặt câu hỏi được như vậy? Cụ thể hơn là trong quá trình tu học khoảng 3 năm nay con đọc nhiều sách nghe nhiều bài giảng và đã trải qua nhiều cách thức tu tập khác nhau nhưng cho đến gần đây con nhận ra tu là chỉ thấy như nào thì thấy như vậy chân lý đã có sẵn, cuộc sống đã vận hành như nó đang là. Cho nên con không có tự vấn hay tự đặt câu hỏi về các vấn đề như các câu chuyện kể về Đức Phật hay về cuộc sống này mà cứ ngay tại lúc đó tại nơi đó trải nghiệm thôi. Vấn đề tự vấn tự đặt câu hỏi con chỉ sợ rơi vào khái niệm, quan niệm, định kiến.
Bạch Sư con không biết trong quá trình này con có đang rơi vào trạng thái mê mờ, mù mịt, vô minh hay không? Xin Sư Ông cho con lời khuyên về vấn đề này tại con thấy ngay nơi bản thân con và lời dạy mọi người đang được nghe theo đôi lúc mâu thuẫn nên con không có cảm giác tự tin vào con đường con đang đi
Con xin kính tri ân Sư Ông, Sadhu Sadhu Sadhu! Lành thay!!!
Ngày gửi: 27-02-2022
Câu hỏi:
Kính Bạch Thầy,
Con thành kính chúc sức khỏe Thầy.
Mấy hôm trước, có vị Phật tử trình nhận thức về mặt trăng & bóng trăng với Thầy. Nhận thức đó là: ánh trăng = bản chân tức cái thật, bóng trăng = bản ngã tức cái ảo. Theo trực giác của con & có thể đại đa số người đọc, khi ý tiếp xúc với pháp đó thì liền đồng ý => xả thọ.
Nhưng sau đó, trong lúc rỗng lặng vô sự, lý trí (tưởng tri thức tri) con bị dính mắc vào những ý niệm & quan niệm đó Thầy ạ. Con thấy rõ con đang bị sợi dây ý niệm quan niệm trói con, dẫu con có xin Thầy từ bi tháo gỡ thì Thầy cũng bó tay và nhìn rõ cọng dây đang trói con thôi, rồi tự con phải trở về quan sát từ từ gỡ nó ra thôi. Bài học pháp đến dạy, con phải học thôi. Luôn tiện con thành kính cảm ơn Thầy đã giải thích rõ cho con với ví dụ cụ thể về khái niệm, ý niệm & quan niệm.
Cái lấn cấn trong con từ cái thấy nầy: đối với chàng Tazan chưa bao giờ nghe pháp thoại Thầy, không biết gì về Phật pháp bản chân hay bản ngã, chưa có danh khái niệm mặt trăng, vì không biết & không cần dùng ngôn ngữ trong đới sống hằng ngày của chàng, thì cả 2 cái hình ảnh đó đều là cái thực, phải không Thầy.
Ví dụ hôm đó, chàng lang thang trong rừng suốt ngày, đang cần nước tắm uống & rót đầy bình nước cho hôm sau, nhờ ánh trăng chàng có thể đi trong đêm tìm nước. Bóng trăng thấy từ xa giúp chàng định hướng vững tâm và chỉ cần thận trọng (tự nhiên) chú tâm (tự nhiên) quan sát (tự nhiên) để tránh thú dữ và dần đi đến rạch hoặc vũng nước kia.
Chính vì chàng Tazan không có khái niệm, ý niệm & quan niệm về mặt trăng, bóng trăng, cải ảo, cái thực, bản ngã, chàng mới thấy được 2 hình ảnh đó như là và sống thực với cả hai (pháp kia).
Con thấy vui vì con đang thấy được là con đã sử dụng được chút tuệ tri mới thấy được nhu cầu & tri kiến của chàng Tazan; nhưng khi diễn tả cái thấy đó cho Thầy và quý đạo hữu, con đã phải sử dụng lý trí, ngôn từ & lý luận quá nhiều.
Như vậy, khi vững chải hơn trên con đường giác ngộ mà Thầy đã bỏ bao công sức qua bao nhiêu thập niên hướng dẫn chúng con, thì mình chỉ thấy hai pháp đó là cái thực thôi và mỉm cười nhẹ trong thư giãn rỗng lặng, nhất là nên dẹp bỏ hết ngôn từ phải không thưa Thầy.
Con mong được Thầy từ bi chỉ cái kẹt của con.
Con thành kính cảm ơn Thầy.
Con kính chúc Thầy ngủ ngon.
Ngày gửi: 11-02-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy, Bồ Tát vận dụng Thập Độ để trừ Thập Chướng. Thập Độ gồm Biến Hành Độ, Tối Thắng Độ, Thắng Lưu Độ, Vô Nhiếp Thụ Độ, Loại Vô Biệt Độ, Vô Nhiễm Tịnh Độ, Pháp Vô Biệt Độ, Bất Tăng Giảm Độ, Trí Tự Tại Độ và Nghiệp Tự Tại Độ. Thập Chướng gồm Dị Sanh Tánh Chướng, Tà Hạnh Chướng, Ám Độn Chướng, Vi Tế Hiện Hành Phiền Não Chướng, Hạ Thừa Niết Bàn Chướng, Thô Tướng Hiện Hành Chướng, Tế Tướng Hiện Hành Chướng, Vô Tướng Gia Hành Chướng, Lợi Tha Bất Dục Hành Chướng, Chư Pháp Vị Đắc Tự Tại Chướng. Con đã tra nhưng không ra ý nghĩa của từng Độ và từng Chướng, chỉ có Dị Sanh Tánh Chướng là chướng ngại vì tưởng rằng những cái không thật là thật. Còn Tà Hạnh chắc là sự tạo tác thiên lệch và lầm lạc so với thực tại, Ám Độn chắc là nhận thức mông lung và trì trệ so với thực tại, Vi Tế Hiện Hành Phiền Não chắc là sự hiện diện tinh tế của tham sân si làm lu mờ thực tại, Hạ Thừa Niết Bàn chắc là quan niệm tách biệt cảnh giới giải thoát ra khỏi thực tại để đồng nhất với trạng thái trầm không trệ tịch, Thô Tướng Hiện Hành chắc là sự hiện hữu rõ ràng của lớp ngoài vỏ bao che thực tại, Tế Tướng Hiện Hành chắc là sự hiện hữu tinh vi của lớp vỏ ngoài bao che thực tại, Vô Tướng Gia Hành chắc là không còn lớp vỏ ngoài nhưng vẫn còn dao động và hoài nghi thực tại hiện tiền, Lợi Tha Bất Dục Hành chắc là không muốn làm vì lợi ích của người khác, Chư Pháp Vị Đắc Tự Tại chắc là chưa được tự tại trong mọi pháp, con hiểu đại khái như thế, còn Thập Độ thì con chưa liên hệ được. Thầy có thể giải nghĩa các Độ và các Chướng để con có thêm phương tiện tu tập không ạ? Con xin tri ân thầy.
Ngày gửi: 08-02-2022
Câu hỏi:
CON KÍNH CHÀO THẦY, CHO CON HỎI VÀI ĐIỀU về khái niệm VÔ NGÔN ạ:
Hãy đọc cuốn sách nơi chính bạn đó chính là cuốn sách vô ngôn. Còn đọc những cuốn sách bằng văn tự, chữ nghĩa chỉ làm giàu cái TA muốn biết mà thôi
Vô ngôn nghĩa là khám phá bản thân mình... mà ko qua ngôn ngữ, kinh điển - phải không thầy?
Rảnh thầy giải đáp giúp con nhé thầy. Con cảm ơn sư ông ạ.
Ngày gửi: 07-01-2022
Câu hỏi:
Dạ bạch thầy. Con là tu sỹ Nam Tông. Sau khi nghe các bài giảng của thầy con đã có cái nhìn hoàn toàn khác về thiền Vipassanā và khi thực hành theo đã thu được không ít lợi lạc. Con cũng thường xuyên nghe các bài giảng của sư Pháp Tông và hoan hỉ thay sáng tỏ được thêm các góc nhìn khi phân tích kinh và luật. Con phát tâm muốn ra Huế để tiếp tục tu học nhưng ở chùa hiện tại của con đang tạo điều kiện rất thuận lợi để con học học viện Phật giáo ở Hồ Chí Minh. Mong thầy giúp con biết làm sao để chọn một hướng đi phù hợp ạ. Con xin thành kính tri ân thầy ạ.
Ngày gửi: 02-04-2021
Câu hỏi:
Kính thưa thầy!
Khi nghe Pháp của thầy, con phải sử dụng ý thức để nghe, hiểu, nhớ. Nhưng khi hành, ứng dụng những pháp (kinh nghiệm ấy) vào cuộc sống (thiền quán và thiền định) thì phải tu bằng "tánh biết", không nên tu bằng ý thức, khi đó chính các Pháp của thầy giảng trở lại là chướng ngại vô cùng to lớn (ý thức cứ nhắc nhớ các lời giảng của thầy khi thiền sinh thực hành thiền).
Vậy, thầy cho con hỏi: kinh nghiệm của thầy giải quyết mâu thuẫn giữa ý thức và tánh biết nên như thế nào khi thực hành thiền quán, thiền định và thiền tuệ?
Con cám ơn thầy!
Ngày gửi: 21-05-2020
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Gần đây nhóm phật tử Nha Trang chúng con đang cần chuyển hoá ngôn từ Phật giáo sang ngôn từ thế gian cho hợp cách cho dễ sinh hoạt nhưng phải giữ được nguyên tắc Lý bất biến. Ví dụ: từ Thân tâm ~ thể chất và tinh thần v.v... như vậy có phạm gì không ạ?