Kết quả Tìm Kiếm: Có 146 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'nhân quả & nghiệp báo'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Bạch sư cho con hỏi!
Con có biết chút ít về "Nhân - Quả", theo con hiểu những nhân mình gieo ra (có thể là kiếp hiện tại hay kiếp trước…) là mình phải gặt hái quả do nhân mình tạo nên trong quá khứ. Điều đó có nghĩa là "Ai làm nấy chịu" (người nào gieo nhân nào thì chính người đó nhận quả mà do chính nhân họ gieo ra). <p>
Vậy Sư cho con hỏi, trong dân gian có những câu như:
"Con gái nhờ phước Cha, con trai nhờ phước Mẹ"
hay "Đời Cha ăn mặm đời con khác nước"
hay "Cha mẹ sinh con ra có người rất giống hệt như Cha hoặc Mẹ..." <p>
Bạch Sư giải đáp giúp con những điều trên có liên quan gì đến "Nhân - Quả" hay Chữ "Duyên" hay không?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nhân quả và duyên báo có ảnh hưởng tương tác với nhau rất phức tạp, khó lường được nên đó là một trong những pháp "bất khả tư nghì" nếu suy nghĩ về nó nhiều quá có thể đưa đến điên loạn.
Những câu nói trên cũng đúng ở một phương diện nào đó, nhưng sai ở một khía cạnh khác. Đúng là vì họ có mối quan hệ nhân duyên nghiệp báo với nhau nên họ cùng sinh ra trong một gia đình để chia sẻ hay ảnh hưởng qua lại với nhau. Nhưng sai vì nhân nào quả nấy chứ không ai thay thế ai được. Sở dĩ người ta nói như vậy vì chỉ thấy hiện tượng bề ngoài mà không thấy sự liên quan nhân quả bên trong. Ví dụ người cha gây thù người con bị đánh thì người cha đang gây nhân hiện tại mà quả thì trổ tương lai nên hiện giờ ông chưa chuốc oán, còn người con bị đánh không phải do nhân ông cha tạo mà là quả do nhân quá khứ của anh ta, hành động của ông cha chỉ là duyên cho người con trả quả của mình mà thôi.
Câu "con gái nhờ phước cha, con trai nhờ phước mẹ" không có ý nói về nhân quả nghiệp báo mà là nói về tâm lý con người. Trong tâm lý học cũng như trong phân tâm học hiện đại, cha thường thương con gái, mẹ thường thương con trai nên cha có gì cũng cho con gái, còn mẹ thì chìu chuộng con trai thế thôi. Câu này hoàn toàn không có ý nói cha làm lành thì con gái hưởng phước đâu.
Câu hỏi:
Kính thầy con xin hỏi, bạn bè làm ăn chung một thời gian, cuối cùng bị lừa đảo làm cho mất trắng. Người đi lừa thì đã xuống 3 tất đất, người bị lừa ở lại thì khổ. Bảo con đứng trước vong linh để tha thứ bỏ qua tất cả, con không làm được, như vậy là có quá ác không thưa thầy? Vậy là người chết vẫn còn mắc nợ, kiếp sau người ta đầu thai để trả nợ phải không thưa thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Ai biết được? Biết đâu có khi con mắc nợ người ta bây giờ người ta đòi xong đã đi rồi mà con vẫn còn nói tha thứ hay mong kiếp sau họ trả lại gì nữa? Trước sau cũng mất rồi con tiếc nuối hay oán hận thì chỉ tự hại mình thôi, có ích gì đâu? Biết đâu nếu con đủ bình tĩnh sáng suốt thì sẽ nhận ra mất cái này lại được thứ khác quý giá hơn thì sao? Nếu con cứ ôm mối hận trong lòng thì con đang ác với chính mình chứ có ác gì với ai được đâu? Nào con hãy cười lên một tràng thật to để tự chế nhạo sự khờ khạo của mình, rồi buông xuống hết đi, thế có phải khỏe hơn không?
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con có mối nghi ngờ về nhân quả, xin thầy từ bi giảng giải cho con.<p>
Đức Phật - Bậc Toàn Giác bị vu oan. Con không nghĩ đó là nhân của quá khứ. Mà nếu là nhân quá khứ thì công hạnh của Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác viên mãn vẫn phải bị nhân quả cho dù tâm Ngài thản nhiên với những lời nói vu oan đó hay sao? Hay là vì chúng sanh còn tham sân si sai sử nên mới hành động và nói năng vô minh như vậy, nhưng Ngài vẫn từ bi hỷ xả vô lượng, thương yêu chúng sanh?
Kính thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không phải là công hạnh, người giác ngộ chẳng có công lao gì cả. Con coi lại chương 9 / Sống Trong Thực Tại đi. Giác ngộ là thấy ra những trói buộc của cái ta ảo tưởng và loại bỏ chúng đi để trở lại tự do thôi, còn khi trước do vô minh ái dục mà tạo nghiệp thì bây giờ phải trả, chứ thành Phật đâu phải để trốn nợ! Ví như một người ghiền ma túy bây giờ bỏ được là có thể tự do không còn hút chích trói buộc nữa, nhưng ảnh hưởng của ma túy đã hút chích trước đây đương nhiên vẫn còn tác hại.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, với từ ngữ thì tật con hay quên. Thưa thầy, còn ý thì con tạm nhớ, chắc con chậm tinh tấn lắm. Con hay lo, kiếp này con tạo quá nhiều nghiệp, không biết quả thì con chịu nổi không? Kính mong thầy chỉ dạy, con cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Người tu sợ gieo nhân chứ không sợ gặt quả. Quả khổ giúp thức tỉnh chúng ta nhận thức được nhân bất thiện đã gieo, đồng thời vui lòng nhận quả khổ cũng chính là nhận lãnh trách nhiệm về nhận thức và hành vi của mình. Có sợ quả thì sợ lúc chưa làm còn đã làm rồi thì phải sẵn lòng nhận chịu kết quả để học ra bài học nhân quả nghiệp báo của mình.
Câu hỏi:
Con cám ơn Thầy! Con kém phước nên sinh sống ở Hà Tĩnh - miền quê nghèo Phật Pháp! Con đã chứng kiến cảnh cúng dường không theo đúng chánh pháp của người dân quê con. Con nghĩ, nếu cứ để tình trạng này kéo dài mãi thì ắt sẽ có ngày Đạo lâm vào cảnh nguy khốn ạ. (Con liên tưởng đến cảnh Phật giáo ở miền Nam Thái Lan).
Thầy dạy: "Nên cúng dường bậc đáng cúng" nhưng con thấy khó quá thưa Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đừng quá phân biệt, dù cuộc đời thế nào thì mỗi chúng sinh vẫn đang học bài học nhân quả nghiệp báo của mình. Tốt nhất là nên sống với tâm từ bi, thương yêu và thông cảm, không nên buồn phiền vì trình độ chúng sinh sai khác, làm sao mọi chúng sinh đều giống như ý mình được?
Câu hỏi:
Thưa Thầy! Theo con biết, có một vị tu hành giữ giới luật nghiêm chỉnh, hành thiền đều đặn mỗi ngày và có quyết tâm hạ thủ công phu rồi mà sao vẫn bị tai biến mạch máu não ạ? Con nghĩ, ở mức độ thấp, thiền là môn thể dục, vệ sinh thần kinh, giảm stress. Như vậy chí ít, thiền sẽ làm thông mạch, đánh tan các cục máu đông... như vậy sẽ không còn bị tắc mạch máu chứ ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bị tai biến mạch máu não có nhiều nguyên do. Sự hình thành của nó gồm nhân, quả và duyên (điều kiện hoàn cảnh). Về nhân quả thì mọi sự kiện xảy ra đều là kết quả của nhân quá khứ. Nhân hiện tại có thể cho quả hiện tại nhưng phần lớn chỉ làm duyên cho quả của nhân quá khứ trổ sinh. Ví dụ Ngài Cakkhupāla bị mù mắt dù ngài là bậc Alahán tu hành rất tinh tấn. Bị mù là quả của nhân quá khứ Ngài hại người ta mù mắt, còn không ngủ để tu hành tinh tấn chỉ là duyên cho quả bị mù trổ sinh, nhưng lại là nhân hiện tại (cộng với nhân quá khứ nữa) cho quả Alahán.
Vậy việc vị tu hành tinh tấn nhưng bị tai biến mạcn máu não có thể do: 1) Nhân quá khứ trổ quả, nhân tu hành hiện tại không liên quan. 2) Nhân quá khứ trổ quả hợp với duyên hiện tại tu hành quá căng thẳng. Nói chung con không nên vội đánh giá điều gì khi chưa biết rõ về điều đó. Khó mà biết được qua bề ngoài để đánh giá nội dung bên trong.
Câu hỏi:
Dạ thưa Thầy, vừa rồi gia đình con có người trong dòng tộc sau ba đời loạn lạc đã tìm về lại được quê nhà qua sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm. Đối chiếu và truy ra căn nguyên thì mọi điều đều đúng thật. Dạ chỉ có vấn đề là nhà ngoại cảm nói rằng trên dương thế ông cụ đã được minh oan nhưng ở cõi âm thì chưa, phải làm lễ tế... Và thêm lâu sau cũng có người gặp và nói ra vanh vách những điều y như vậy với con.<p>
Là một Phật tử, con nghĩ mọi chuyện là bình thường, âm hay dương cũng vậy, việc đều do nghiệp mà thành và cũng theo nghiệp mà tan. Nhưng là phận làm con cháu con không thể không có chút lo nghĩ băn khoăn phải nên như thế nào. Dạ con xin Thầy không chê cười mà chỉ dẫn cho con thấy được như thực chuyện xảy ra. Dạ con xin kính tạ Thầy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giải oan dương thế chỉ một phần, còn duyên nghiệp thì nhiều mặt, do đó giải được một nỗi oan ở dương gian không có nghĩa là giải được nghiệp quả của người ấy đang gặt ở cõi âm. Giải oan và giải nghiệp là hai việc khác nhau. Tuy nhiên, cúng tế cũng không thể giải nghiệp được, luật nhân quả nghiệp báo rất công minh liêm chính, không thể cầu xin hay đút lót bằng lễ phẩm mà được.
Theo Phật giáo, muốn trợ duyên cho người âm thì chỉ có một cách tốt nhất là làm phước để hồi hướng công đức cho họ, nhất là làm phước trai Tăng để vừa được phước cúng dường vừa nhờ ân đức Tam Bảo hỗ trợ cho người âm có đủ phước để được siêu sinh. Do ý nghĩa lễ trai Tăng mà dần dần biến thành trai đàn chẩn tế qua nghi thức tế đàn mà các tôn giáo khác thường dùng trong tế lễ. Tóm lại nên làm gì có nhiều phước đức để hồi huớng cho người âm tốt hơn là quá nặng phần nghi lễ không cần thiết.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, chúng con học hỏi được Pháp do thầy khai thị, tỉnh thức ngay trong thực tại, thấy biết Pháp như thực. Chúng con rất hoan hỷ. Con xin có một thắc mắc, một ngày kia khi con mạng chung, không biết thần thức của con có thể tiếp tục ứng dụng Pháp này ở cảnh giới bên kia không? Con hiểu rằng hỏi như vậy là đã lìa thực tại rồi, nhưng vì đạo Phật có đề cập đến vấn đề luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác, chính điều này đã dẫn đến thắc mắc của con. Kính xin thầy giải đáp cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con cứ lo việc thấy pháp như thực và theo đó mà sống thuận pháp, còn chuyện pháp vận hành thế nào, đưa con đến đâu thì hãy để pháp lo. Dù pháp đến thế nào mà con vẫn thấy biết như thực thì còn lo gì nữa? Có bài kệ rằng:
Muốn biết nhân đời trước
Xem đời này hưởng gì.
Muốn biết quả đời sau
Xem đời này làm gì.
Bây giờ con thấy biết như thực, kiếp sau ắt thấy biết như thực là chuyện rất bình thường, phải không con?
Câu hỏi:
Kính thưa Sư, trong lộ trình tâm con hay nghe nói "nếu nó (nhân gây ra qua thân khẩu hoặc ý) lọt vào đổng tốc đầu thì quả trổ sanh trong kiếp hiện tại". Câu hỏi của con là tại sao lọt vào đổng tốc đầu và trong khi đó những đổng tốc khác thì sao? Và khi quả trổ sanh trong kiếp này là xong, những kiếp sau sẽ không trổ nữa hay sao ạ?
Con kính tri ân Sư!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Những vấn đề trong Phật học muốn được thông suốt thì con phải tự mình nghiên cứu, nghiền ngẫm, chiêm nghiệm thì mới khám phá ra một cách hứng thú. Nếu thầy nói ra hết thì còn đâu sự hứng thú để con khám phá sự thật, trong khi con chỉ cần tư duy sâu sắc hơn một chút là con có thể hiểu ngay. Nhưng hiểu biết trên pháp học vẫn chưa đủ, tất cả sự thật đều có đầy đủ trong chính con ngay nơi thực tại hiện tiền - tại đây và bây giờ - vì vậy con cần khám phá sự thật trên chính nó (opanayiko) để mỗi người tự mình thấy biết (paccattam veditabbo vinnùhi). Đừng vội tin vào giải thích của ai khác. Chính đức Phật đã cảnh báo điều này trong kinh Kalama.
Hơn nữa, có những tìm cầu hiểu biết từ bên ngoài chỉ để thỏa mãn sự tò mò của lý trí, mà lý trí luôn đi kèm với nghi hoặc, nên nó chỉ làm cho vấn đề phức tạp hơn, không bao giờ thấy ra sự thật. Phần lớn những giải đáp từ bên ngoài tạo cho con ảo tưởng đã hiểu biết, điều này ngăn cản sự khám phá qua trải nghiệm tự thân, do đó chỉ làm cho con xa sự thật thêm thôi, không giúp con thấy ra được nó. Đó là lý do tại sao thầy chỉ tư vấn về mặt thể nghiệm pháp chứ không giải đáp những thắc mắc mang tính kiến thức của lý trí về pháp.
Câu hỏi:
Thưa Thầy, chị của con có những tánh rất đáng sợ như tham lam, đố kỵ, sân hận và hại người bằng cách vu oan, bôi nhọ. Chị ăn mặc rất tề chỉnh, lời nói rất dịu ngọt và sẵn chị là giáo viên nên những gì chị nói để bôi nhọ người khác thường được tin theo. Những nạn nhân của chị rất khổ sở. Chị sống như vậy. Thưa Thầy, con có nên cảnh báo những người chị tiếp xúc không vì con rất sợ nếu chị biết được là con. Thưa Thầy sống như vậy thì chết có xuống địa ngục hay trả quả không nếu nguyên do là nhận thức sai lầm vì thần kinh? Con xin cám ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tất nhiên đã gieo nhân thì sẽ gặt quả, nhân nào quả nấy là định luật muôn đời. Nếu ai có duyên với con thì con cảnh báo họ cũng tốt, còn không thì đó là duyên nghiệp của chúng sanh với nhau làm sao con can thiệp hết được. Mỗi người đều phải học bài học của mình trong chính hoàn cảnh của họ. Cuộc đời vốn là như thế thì mọi người mới học được bài học khôn trong cái dại, đúng trong cái sai, tốt trong cái xấu. "Không ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần", phải không con? Cái xấu ác của trần gian chính là bài học giác ngộ của các bậc Thánh đó con.