Kết quả Tìm Kiếm: Có 25 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'Như lý tác ý'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 03-09-2015
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, cho con hỏi. Pháp Như lý tác ý là như thế nào ạ? Con áp dụng vào cuộc sống và khi tu thiền thì con nên làm sao ạ? Con cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Như lý tác ý là tâm hướng vào cái thực không hướng vào ảo ảnh. Thí dụ khi thấy một điều gì thường có hai mặt, một là do như lý tác ý thấy mặt thực như nó đang là, hai là do phi như lý tác ý thấy mặt ảo như mình tưởng là. Vậy cần hướng tâm vào mặt thực tánh, không nên hướng tâm đến mặt giả tướng.
Ngày gửi: 11-07-2015
Câu hỏi:
Con xin kính đảnh lễ sư, con xin thành kính chúc sư gặp mọi chuyện an lành và sức khoẻ tốt. <p>
Con có một người cô và cô có thắc mắc muốn hỏi:<p>
1. Tu tập như thế nào và làm phước như thế nào để làm được người tam nhân? Khi làm phước phải có tâm như thế nào?<p>
2. Khi làm phước mình biết mình đang làm phước và nghĩ việc này sẽ tạo cho mình rất nhiều phước báu và thật sự không có sự xả ly trong làm phước vì còn tham phước báu thì việc làm phước đó có tạo được cái thiện duyên hay thiện nghiệp không?<p>
3. Khi làm phước và phát nguyện mong cho phước báu này là nền tảng cho con chứng quả vô sanh cho ngày vị lại. Sự mong cầu đó phải là có lòng tham trong làm phước không? hay là làm phước không có sự mong cầu hay phát nguyện gì mà chỉ chia phước mỗi khi làm đến tất cả chúng sanh và mong mọi người đều hoan hỷ và bình an.<p>
4. Khi khởi tâm sân với một người nào đó, làm thế nào để kịp thời nhận ra tâm sân và mình có thể quay lại nhìn mình mà không chạy theo tâm sân và trả đũa lại người mình đang sân?<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Tu tập với giới định tuệ và làm phước với tâm không tham sân si là người có tam nhân bây giờ cũng như trong tương lai. Thí dụ một hành động cúng dường hoặc giúp đỡ người khác với tâm hoan hỷ trong sự xả ly và vị tha do sáng suốt biết rõ nhân quả, thiện ác trong việc mình làm, đó là làm phước với tam nhân.
2) Nếu làm phước với tâm mong cầu được nhiều phước báu trong tương lai, không có tâm xả ly thì có thể xuất phát từ lòng tham nhưng ít ra cũng không xan (bỏn xẻn, keo kiệt), vì vậy người này vẫn được phước ít ỏi nhờ có cơ hội làm phước.
3) Tất nhiên làm phước với tâm xả ly và vị tha tốt hơn có mục đích mong cầu lợi dưỡng hay danh lợi cho cá nhân mình, nhưng làm phước có phát nguyện với mục đích giác ngộ giải thoát thì vẫn như lý tác ý (hướng tâm chơn chánh) - sáng suốt không mong cầu cho cái Ta vị kỷ - là tốt.
4) Khi sân có hai cách tiếp ứng: Cách trực tiếp quan sát là chỉ cần quay lại trọn vẹn cảm nhận cơn sân đó thì nó sẽ tự lắng dịu và biến mất. Cách gián tiếp đối trị là phát triển tâm Từ nhiều thì tâm sân sẽ dần dần giảm bớt. Đừng đợi cơn sân đến mới cố gắng loại trừ nó, mà phải thường thận trọng giác niệm thân tâm mới được.
Ngày gửi: 23-05-2015
Câu hỏi:
Con đang tìm hiểu pháp hành Thầy hướng dẫn. Xin Thầy trả lời thắc mắc của con để con hiểu đúng lời dạy của Thầy. <p>
1. Khi ngồi xuống thư giãn toàn thân không dụng tâm tìm kiếm đối tượng, khi có tâm niệm khởi lên thì lúc đó con có dụng tâm quan sát niệm này không ạ? (khi có đối tượng thì mình có dụng tâm quan sát đối tượng không?) <p>
2. Khi đang ngồi có một cảm thọ đau ở chân lúc đó con thấy có hai cái biết riêng biệt:<p>
+ biết cảm thọ, cái biết này khởi lên ở chân (thân thức) <p>
+ cái biết ý thức hướng về cảm thọ đó, và khởi lên niệm đây là cảm thọ đau (cái ý niệm này khởi lên từ đầu) <p>
Con Thấy như vậy có đúng không ạ và lúc con thấy như vậy cái gì là danh, cái gì là sắc ạ? <p>
3. Khi ngồi buông thư có lúc con thấy có cảm giác nhức đau ở trên đầu. <p>
+ Lúc đó nếu chỉ cảm nhận thôi thì dần dần đầu óc sẽ thư giãn dễ chịu <p>
+ Nhưng khi có cảm giác nhức đau trên đầu thì ý thức tự hướng về điểm đau đó trên đầu (nó tự chú ý lên đầu), nếu để ý thức hướng về đó thì con bị nặng đầu khó chịu, lúc này con nên dụng tâm thế nào ạ? <p>
Khi ý thức hướng lên điểm đau trên đầu thì con lại thư giãn buông cái lực hướng sự chú ý lên đầu đi con làm như vậy thì có đúng không ạ hay con đang đè nén tâm mình? <p>
4. Con thấy khi ngồi buông thư, các tâm niệm, cảm thọ khởi lên sanh và diệt và bên cạnh đó có một cái ý đồ quan sát hay ý đồ dụng tâm thế này thế kia và tất nhiên sâu thẳm con nhận ý đồ đó là ý đồ của mình. Cái ý đồ đó có phải là cái ta ảo tưởng mà Thầy thường nói đến không ạ? <p>
Con xin đê đầu đảnh lễ, cảm ơn Thầy ạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Không cố ý dụng tâm vẫn biết đối tượng, vì khi có đối tượng thì tâm tự khởi 7 biến hành tâm sở để nhận diện đối tượng một cách tự nhiên. Nếu có dụng ý riêng thì mất như lý tác ý (yoniso manasikàra). Còn nếu có dụng ý thì dụng ý chơn chánh mới tốt.
2) Thực ra lúc đó có 3 cái biết: thân thức, ý thức tiếp trợ, ý thức xử lý. Ba công đoạn này nhanh đến độ tưởng là cùng một lần, nhưng là tuần tự diễn biến. Cả 3 cái biết đều danh nhưng diễn ra trên thân là sắc.
3) Nếu con chỉ biết cơn đau đầu một cách vô tâm (không dụng ý hay dụng công) thì được, nhưng nếu con hướng ý thức vào đó (chú ý) tức đã có dụng ý biết hoặc giải quyết (rất vi tế khó thấy) thì vô tình tạo ra lực đối kháng nên chỉ cảm thấy đau hơn (mặc dù chưa hẳn đã đau hơn). Buông ý thức ra chỉ thấy thôi là tốt.
4) Ý khởi do thấy biết đúng (chánh kiến) là tốt, chỉ những ý khởi như tưởng là, cho là, phải là, sẽ là... mới xuất phát từ cái ngã ảo tưởng.
Ngày gửi: 10-05-2015
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
xin cho con được phép hỏi về ý nghĩa khác nhau giữa Tư (cetanà) và Tác ý (manasikàra).<p>
Chân thành cám ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tư là ý chí tạo tác biểu hiện tính chất hành động của thân, khẩu, ý, nên có thiện, bất thiện và duy tác. Còn tác ý là tâm hướng của nhận thức nên có đúng có sai, hướng nhận thức đúng sự thật gọi là như lý tác ý, hướng nhận thức sai sự thật gọi là phi như lý tác ý.
Ngày gửi: 16-04-2015
Câu hỏi:
Con thưa thầy! Con muốn hỏi thầy việc sống tuỳ duyên thuận pháp và như lý tác ý trong hành động của mình có mâu thuẫn với nhau không ạ! xin thầy chỉ dạy thêm cho con được rõ! Con xin thành tâm đảnh lễ thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tuỳ duyên thuận pháp chính là như lý tác ý, tạo duyên thuận ngã mới phi như lý tác ý. Như lý tức thuận với thực tánh pháp, còn phi như lý tức thuận theo tư kiến tư dục (tà kiến, tham ái) của bản ngã. Cho nên trong kinh Đại Bát Niết Bàn Phật mới dạy Ananda sống tuỳ duyên thuận pháp (Dhamm' ànudhamma patipanno viharati).
Ngày gửi: 08-03-2014
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, như vậy dục và tác ý có giống nhau hay không? Muốn làm việc gì mình cũng phải có tác ý trước rồi mới làm, phải không Thầy? Không có tác ý thì mình không có hướng tâm đến mục đích mình muốn làm. Xin Thầy giảng nghĩa thêm cho con biết chỗ giống hay khác của 2 từ này. Con cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Dục (chanda), tác ý (manasikāra) và tư tác (cetanā) là 3 tâm sở có thể tướng dụng khác nhau, nhưng do một số người dịch không hiểu hết ý nghĩa của 3 tâm sở này nên đã dùng lẫn lộn nhau, nhất là nhầm tác ý với tư tác. Theo Abhidhamma tác ý và tư tác là hai trong 7 biến hành tâm sở (sabba citta sādhāranā) có mặt trong tất cả các loại tâm (thiện, bất thiện, vô nhân, duy tác). Còn dục là một trong 6 biệt cảnh tâm sở (pakinnakā) không có mặt trong 18 tâm vô nhân và 2 tâm si.
Dục (chanda) có 3 loại như thầy đã trả lời trong câu hỏi ngày 7/3 vừa qua là tác dục (như muốn làm một việc gì từ nhu cầu tự nhiên và thiết yếu) thì không thiện không ác; lạc dục hay tham dục (ham muốn ngũ dục như ăn chơi, hưởng thụ vật chất v.v...) thì bất thiện và pháp dục (như muốn được đúng tốt hơn) thì thuộc về thiện.
Tác ý (manasikāra) là hướng tâm, chủ yếu là hướng đúng hay sai sự thật, hướng đúng thực tánh gọi là như lý tác ý (yoniso manasikāra) và hướng sai thực tánh gọi là phi như tác ý (Ayoniso manasikāra). Hướng tâm thôi chứ không phải tạo tác. Nếu loại dục đúng đắn thì đi kèm như lý tác ý, nếu loại dục không đúng đắn thì đi kèm phi như tác ý.
Tư tác (cetanā) là tâm sở phản ứng có chủ ý, dụng tâm hay không trên đối tượng, do đó tư tác có thể là hữu vi tạo tác hoặc vô vi vô tác (duy tác); có thể thiện hoặc bất thiện, có thể hữu nhân hoặc vô nhân. Nếu dục bất thiện thì tư tác cũng bất thiện, nếu dục là thiện thì tư tác cũng thiện, những tâm sở này có liên quan mật thiết với nhau, nhưng có tác dụng khác nhau.
Ngày gửi: 02-11-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Khi ngồi thiền (hoặc ngồi tự nhiên) con không cố gắng làm gì cả, không cố gắng hướng tâm vào đâu cả, chỉ ngồi thoải mái tự nhiên thì tâm nó tự biết hơi thở, biết từng tâm niệm hay nghe rõ ràng tiếng động xung quanh con thấy mình rất nhẹ nhàng, dễ chịu dù tâm có nhiều niệm hay bên ngoài ồn ào. Thưa Thầy con muốn hỏi: <p>
- Tâm con nó cứ thay đổi đề mục, lúc nó biết tiếng động rồi nó lại biết tâm niệm một tý rồi nó lại biết hơi thở, không trụ lại một đề mục cho đến khi thấy rõ nó sanh diệt (thỉnh thoảng con cũng thấy rõ từng tâm niệm sanh diệt và cả hơi thở ra vào). Như vậy con có nên hướng tâm vào một đề mục khi nó xuất hiện cho đến khi thấy nó sanh diệt không ạ?<p>
- Ngồi tự nhiên như vậy tâm yên lặng dần nhưng càng lâu con càng rơi vào trạng thái thất niệm không biết rõ tâm niệm mình nữa, con nên làm gì ạ? <p>
- Khi muốn làm một việc gì hay nhìn vào đâu đó thì chỉ có niệm đầu tiên hướng tâm vào đó, tác ý làm việc đó là có chủ ý, còn sau đó mọi thứ tự làm việc một cách vô ngã, con không thấy có sự chủ tâm hay một cái gì điều khiển ở đó cả. Con hiều vậy đúng không ạ? <p>
Con xin cảm ơn Thầy! Nguyện chúc Thầy luôn khỏe mạnh vì lợi ích của chúng sinh.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Khi tâm con rỗng lặng trong sáng thì đối tượng có thể là một (tuỳ duyên đến đi của nó), là tất cả (khi con mở tầm nhìn vô hạn) hoặc là không gì cả (khi con không để tâm vào đâu cả). Như vậy, đối tượng không quan trọng mà tâm thiền mới là chính yếu. Nếu con chọn đối tượng chủ quan rồi lại khởi tâm chủ quan xử lý nó tức rơi vào hữu vi hữu ngã, chỉ loay hoay lấy bỏ vô ích, không thể thấy được thực tánh như pháp đang là. Đừng nắm bắt đối tượng này đối tượng kia mà phân tâm, chỉ thấy nó như nó là thì pháp vẫn là "một".
2) Không biết rõ có nhiều loại:
- Không biết rõ nhưng tâm vẫn trong sáng thì đó vẫn là tuệ khi không còn phân biệt theo khái niệm nữa.
- Không biết rõ vì yếu tố định trội hơn nên không quan tâm.
- Không biết rõ vì rơi vào hôn trầm.
- Không biết rõ vì nhu cầu ngủ tự nhiên.
Con nghiệm xem cái không biết mà con trải nghiệm thuộc loại nào.
3) Đúng vậy, chỉ cần hướng tâm đầu tiên đúng (như lý tác ý) và chủ ý đúng (tư tác có trí) còn sau đó cứ để pháp tự vận hành chứ không nên lúc nào cũng điều khiển theo ý mình. Ví dụ chỉ cần trở về trọn vẹn biết mình đang đi chứ không cần điều khiển tư thế đi theo chủ ý thì động tác đi sẽ tự động điều chỉnh.
Ngày gửi: 20-06-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy cho con hỏi! <p>
Lúc ngồi xuống con thư giãn toàn thân, rồi ngồi tự nhiên không cố ý làm gì, không hướng tâm vào đâu cả, tâm khởi niệm gì thì mặc. Lúc đó tâm khởi niệm gì thì tự biết, lúc biết rõ các tâm niệm, lúc tỉnh giác yếu không biết rõ lắm nhưng biết vậy sau đó liền biết rõ các tâm niệm. Có lúc tâm tự lắng xuống, các tâm niệm ít dần cho đến lúc chỉ còn lại sáng suốt không khởi niệm gì. Nhưng cũng có lúc hết niệm này đến niệm khác cứ khởi lên, và nó khởi lên những niệm đáng sợ như thấy mình đánh người này người khác, hay khởi lên niệm mắng chửi người khác, hay niệm bất kính với Tam Bảo với bậc thầy mình, niệm tà dâm... Nếu con để những niệm đó tự khởi thì nó sẽ đến rồi đi, còn nếu con không muốn khởi những niệm đó nữa thì nó cứ xuất hiện trong đầu con, lần sau ngồi chơi không làm gì thì nó lại khởi. Xin Thầy cho con hỏi con tu như vậy có sai không, và khi những tâm niệm bất thiện đó cứ khởi lên như bất kính với Tam Bảo thì con có bị chịu quả báo không ạ?<p>
Cũng có lúc con ngồi thư giãn không hướng tâm vào đâu cả thì nó quay về biết hơi thở, một lúc có niệm nó lại biết niệm, hết niệm nó lại biết hơi thở, vậy có đúng không ạ? <p>
Con xin cảm ơn Thầy !
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con cứ làm rồi sẽ tự thấy ra. Không phải không hướng tâm vào đâu và tâm khởi niệm gì thì mặc. Con đừng hiểu vô tâm - không có chủ ý tạo tác của bản ngã - là không hướng tâm hay để mặc niệm khởi. Hướng tâm chân chính gọi là như lý tác ý (yoniso manasikàra) - yếu tố cơ bản của thiền. Và khởi niệm liền thấy chứ không phải để mặc. Nếu "để mặc" hiểu theo nghĩa là chỉ thấy với tâm lặng lẽ trong sáng chứ không phê phán kiểm duyệt thì đúng, còn "để mặc" là không thận trọng chú tâm quan sát là sai. Buông là buông thái độ lăng xăng can thiệp của bản ngã, vì khi tâm không lăng xăng làm theo ý đồ chủ quan thì liền tĩnh lặng trong sáng và ngay đó có như lý tác ý trên đối tượng thân, thọ, tâm, pháp. Tất cả hoạt động này đều tự nhiên vô ngã. Trọn vẹn thấy hơi thở là niệm thân, trọn vẹn thấy niệm khởi là niệm tâm... pháp gì đến thì liền thấy tức là đã trở về chứ không có chỗ nào nhất định để trở về như trong thiền định cả.
Ngày gửi: 21-04-2013
Câu hỏi:
Kính thầy! Kính xin thầy giải thích cho con hiểu thực nghĩa của cụm từ: NHƯ LÝ TÁC Ý.<p>
Thực ra có người hỏi con, con giải thích nhưng họ bảo có người giải thích khác nên con kính nhờ Thầy giúp con để bạn con tham khảo và hành trì cho "ĐÚNG". Con xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đừng cố tìm một định nghĩa trên ngôn từ về tác ý là gì mà phải thấy ra hành trạng của nó như thế nào. Như lý (yoniso) là đúng với thực tánh của đối tượng, tức đúng với đối tượng như nó đang là; phi như lý (ayoniso) là không đúng với thực tánh của đối tượng, vì cho nó là, buộc nó phải là hoặc mong nó sẽ là một cách chủ quan không trung thực. Tác ý (manasikàra) là hướng khởi tâm. Hướng tâm khởi lên trên đối tượng như nó đang là tức như lý tác ý, hướng tâm chủ quan trên đối tượng theo quan niệm của mình tức phi như lý tác ý. Ví dụ khi sân con thấy sân sinh diệt như nó đang là tức con khởi tâm thấy đối tượng đúng với thực tánh của nó, đó là tâm khởi với như lý tác ý. Khi tâm khởi với hướng đúng như vậy thì con thấy sân tự sinh tự diệt. Nhưng nếu con có thái độ chủ quan chống đối lại sân như nghĩ "sân là sai, cấm không được sân, hoặc mong sân sẽ chấm dứt ngay..." tức con không thấy được thực tánh của sân như nó đang là, đó chính là phi như lý tác ý. Khi khởi tâm với hướng chủ quan sai lệch - hữu vi, hữu ngã - thì sân bị dồn nén sẽ bùng lên mạnh hơn về sau. Vậy vấn đề không phải là có diệt được sân theo ý mình hay không, mà là có thấy ra thái độ đối với thực tánh sinh diệt của sân như thế nào, hữu vi hữu ngã hay vô vi vô ngã. Như lý hay không như lý là nơi thái độ đối với đối tượng chứ không phải nơi đối tượng ấy.
Ngày gửi: 31-08-2012
Câu hỏi:
Thưa Thầy cho con hỏi:<p>
Trong Bát chánh đạo có Chánh Tư duy nghĩa là suy nghĩ, tư duy một cách đúng đắn. Con đọc cuốn Ngay Trong Kiếp Sống Này thì Tác Giả lại nói Chánh Tư Duy là Chánh Hướng Tâm có nghĩa là hướng tâm đúng đắn. Thầy giải thích giúp con ý của tác giả với ạ. Vậy khi ta hướng tâm đúng đắn thì hướng vào đâu? Con muốn hoàn thành một công việc chưa làm xong con luôn hướng tâm tới nó đến khi nó hoàn thành thì như thế có đúng đắn không ạ?<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chánh tư duy là sammà sankappa. Xuất phát từ động từ sankappeti có nghĩa là suy nghĩ (to think about), suy tưởng (to imagine), quyết định (to determine), theo đuổi (to strive after) nên danh từ sankappa có nghĩa là tư tưởng (thought), ý định (intention), mục đích (purpose), dự án (plan). Một từ tương đương với sankappa là vitakka (tầm): sự theo đuổi, sự tìm đến đối tượng hay sự hướng đến một mục đích.
Còn hướng tâm là nghĩa của từ manasikàra, có khi được dịch là tác ý. Hướng tâm đúng gọi là như lý tác ý (yonío manasikàra). Hướng tâm đúng không phải chỉ dành riêng cho chánh tư duy mà cho tất cả chánh khác nhất là chánh kiến cũng cần đến hướng tâm đúng (như lý tác ý). Sankappa (tư duy) cần đến vitakka (tầm) đúng và manasikàra (hướng tâm) đúng, nhưng sankappa không phải là vitakka hay manasikàra. Có lẽ vì sankappa có một nghĩa là theo đuổi mục đích nên mới nói là hướng tâm, tuy nhiên việc theo đuổi này lại là theo đuổi bằng suy tư, nên suy nghĩ vẫn là nghĩa chính.