Kết quả Tìm Kiếm: Có 49 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'ăn chay & ăn mặn'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Kính Thầy, một câu trả lời Thầy có dẫn: "Người thanh tịnh dù ăn món ăn bất tịnh thì tâm vẫn thanh tịnh, người không thanh tịnh dù ăn món ăn thanh tịnh thì tâm vẫn bất tịnh" (Kinh Jivaka). Vậy cho con hỏi: <p>
1- Như thế nào là người thanh tịnh? <p>
2- Một người còn ăn thịt chúng sanh (dù mình không giết, cũng không thấy, không nghe, không nghi người ta giết cho mình...) thì có là người thanh tịnh được không ạ? Người ấy có tâm từ bi (như đức Phật dạy) không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Người thanh tịnh là người hành động, nói năng, suy nghĩ thường sáng suốt, định tĩnh, trong lành, không còn bị tham sân si trói buộc.
2) Ăn thịt và ăn chúng sanh là hai việc khác nhau. Ăn thịt là ăn tứ đại không thức tánh, còn ăn chúng sanh là ăn ngũ đại nghĩa là ăn vật có thức tánh. Người ăn chay tưởng không ăn thịt nhưng lại không tránh khỏi ăn chúng sanh vì trong rau trái, trong nước uống đều có chúng đang sống. Vì vậy chúng ta là người tu đừng vội phê phán người khác, hay lên án ai mà nên thanh tịnh tâm mình và có lòng từ bi với mọi người mọi loài trước đã. Còn người ăn thịt có thanh tịnh và từ bi hay không thì cứ để họ tự nhận biết trên đường giác ngộ của họ. Người chấp mới xấu chứ người sai chưa hẳn đã xấu.
Về lòng từ bi thì như đức Bồ-tát bố thí máu thịt mình cho cọp mẹ ăn để sống mà nuôi đàn cọp con, đó là vì lòng đại bi của Ngài không phân biệt cọp ăn thịt hay bò ăn cỏ, hễ thấy chúng sanh khổ thì giúp trước. Và vì Ngài là bậc đại trí nên biết rõ trình độ căn cơ và duyên nghiệp vay trả của chúng sanh mà vẫn bình đẳng không thiên vị chúng sanh nào. Đó là tấm gương cho lòng từ bi, thanh tịnh và trí tuệ của chư Phật và Bố-tát.
Câu hỏi:
Bạch Thầy, Thầy cho con hỏi là nếu muốn Quy Y cho trẻ mới 18 tháng tuổi có nên không ạ? Con thì rất muốn vì muốn tạo duyên lành cho bé đến khi lớn tin hiểu Phật Pháp và tu học. Nhưng con mới băn khoăn là việc Quy Y phải phụ thuộc vào khi trưởng thành bé có quyết định hay không mới là quan trọng vì dù có Quy Y Tam Bảo mà "để đấy", không tu học thì cũng không có giá trị gì cho con người muốn đi tìm chân lý giác ngộ. Con xin Thầy giúp con giải đáp băn khoăn này ạ. <p>
Con xin hỏi Thầy điều nữa, con ăn chay một thời gian thì gầy quá, con thực lòng không muốn và không thèm ăn mặn, Thầy có phương pháp gì giúp cho con được ăn chay mà vẫn giữ được sức khoẻ, con mong Thầy chỉ giúp con ạ.<p>
Một điều nữa con muốn hỏi Thầy là nếu mình kinh doanh đồ mặn nhưng lại có chất lương giúp các bé dưới 3 tuổi đủ chất dinh dưỡng thì có đươc không ạ? Dù không sát sinh nhưng con vẫn lo và sợ như thế không phải là lòng từ bi yêu thương tất cả chúng sinh như con được học ạ.<p>
Kính mong Thầy giải đáp giúp con những câu hỏi về cuộc sống này với ạ. Con xin cảm ơn Thầy. Con chúc Thầy sức khoẻ ạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Đúng ra thì việc quy y là do một người đủ niềm tin để tự nguyện hay đủ hiểu biết để chấp nhận, chứ không do ai áp đặt. Trong trường hợp cháu còn bé thì cha mẹ cũng có thể cho cháu được quy y "tạm ứng" mang tính "tâm linh" để cháu được "hộ trì" hơn là quy y thật sự. Khi cháu lớn lên cháu phải được quyền chọn tôn giáo hay không tôn giáo của mình, nếu cháu chấp nhận quy y thì chính cháu nên tự mình xin quy y chính thức với niềm tin và hiểu biết đầy đủ mới đúng nghĩa của quy y.
2) Nên ăn chay tuỳ duyên, nghĩa là không chấp chay chấp mặn. Ăn gì thích hợp với mình mà không sai pháp là được. Quan trọng là phải biết thế nào là đúng pháp, thế nào là sai pháp chứ không phải chay hay mặn. Nếu một người ăn chay sai pháp thì vẫn tự hại, ngược lại một người ăn mặn đúng pháp thì vẫn hữu ích. Đúng sai không phải theo một quan niệm định sẵn mà phải tự mình thấy ra sự thật ngay mỗi lúc ăn uống. Đừng tưởng tượng mà phải y cứ trên sự thật như nó đang là. Phải tự điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi con mới giác ngộ giải thoát chứ đừng bắt chước bất kỳ ai hay quan niệm nào.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy! Thầy cho con hỏi việc ăn chay và ăn mặn có ảnh hưởng gì đến việc tu tập không ạ? Con nghe người ta nói ăn 1 miếng thịt vài bữa phải trả 1 miếng, mong Thầy giải nghi cho con, con cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đừng quan niệm ăn chay hay ăn mặn gì cả, hãy để trí tuệ làm việc một cách tự do sáng tạo thì nó sẽ cho con biết ăn thế nào là đúng tốt chứ đừng theo một khuôn mẫu nào có sẵn. Con cứ ăn rồi tự nhận ra đâu là sai đâu là đúng thì cái đúng đó sẽ thực hơn là con tin theo một mẫu đúng nhất định nào đó để rồi làm thui chột nhận thức thế nào là đúng là sai. Cái đúng có từ nhận thức ra cái sai thì tốt hơn là chỉ tin và rập khuôn hay bắt chước theo cái đúng lý tưởng. Điều đúng của thầy chưa hẳn đã đúng với căn cơ trình độ của con, do vậy con đừng vội tin theo bất cứ ai, hãy tin vào bài học chuyển hóa nhận thức và hành vi tại đây và bây giờ nơi chính mình mà thôi.
Câu hỏi:
Con kính chào thầy ạ. Thưa thầy, thầy có thể cho con biết về ý nghĩa ăn chay trong Phật giáo không ạ. Con cũng thích dùng đồ ăn chay nhưng trong hoàn cảnh của con hiện nay quả thật là rất khó để ăn chay thường xuyên khi cùng sống trong gia đình, việc này có thể gây xáo trộn. Vậy liệu cách dùng thức ăn có ảnh hưởng nhiều đến quá trình tu tâp không ạ. Con xin chân thành cảm ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thức ăn có ảnh hưởng đến sự tu tập, chính vì vậy mà phải thông minh bén nhạy để nhận ra loại nào thích hợp với cơ thể của mình, tùy chỗ, tùy lúc chứ không nên theo một quy định sẵn có nào. Tây phương không gọi là người ăn chay mà gọi là người ăn rau củ quả (Vegetarians). Bởi vì nói ăn chay có vẻ như quy định nghiêm ngặt quá, trong khi ăn rau củ quả thì thoải mái hơn để tùy nghi thích ứng.
Trong Phật giáo, mặc dù thức ăn cũng có ảnh hưởng đến việc tu tập, tuy nhiên thái độ ăn mới là quan trọng. Cho nên khi ăn cần chánh niệm tỉnh giác để thấy rõ thái độ ăn của mình hơn là máy móc tuân theo một quy định đã có sẵn.
Câu hỏi:
Con xin kính chào Thầy, xin Thầy cho con được hỏi: thiền theo Vipassanà về lâu dài có bắt buộc phải ăn chay không, sao con đọc báo thấy có một tỳ kheo ở Thiền Viện Phước Sơn vẫn còn ăn mặn (chỉ qua người khác nói thôi), con cũng biết trong các tông phái Phật giáo thì đa số là ăn chay, nhưng vẫn có tông phái còn ăn mặn, còn đối với Vipassanà thì con không rõ lắm, con cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thiền Vipassanà là thấy thực tánh pháp, trong thực tánh của sắc pháp (thức ăn) chỉ có đất nước gió lửa và hư không chứ không có chay mặn. Chay mặn là khái niệm chỉ có trong pháp chế định tục đế không phải là đối tượng của thiền Vipassanà.
Câu hỏi:
Thưa thầy, <p>
Con xin hỏi một điều là lúc trước con có gặp một vị thầy tu thiền và đã nghe thầy ấy giảng về pháp Phật rất hay mà con không hiểu ở 1 điều là thầy đó ăn mặn được và con đã hỏi, sao thầy tu mà ăn mặn được thì thầy bảo là chay mặn đều ăn được. Có điều thầy nói là ăn không nghe, ăn không thấy, ăn không nghi, vậy có đúng không thầy?<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vì đời sống chư Tăng chủ yếu là đi xin ăn, nên ai cho vật thực gì ăn được thì ăn để sống qua ngày mà tu chứ không được đòi hỏi thức ăn theo ý mình. Trừ ra 3 loại thức ăn mà một vị Tăng không ăn được đó là thịt cá mà người ta có chủ ý giết cho vị ấy. Nếu một vị Tăng có thấy, có nghe hoặc có nghi thí chủ giết cho mình thì nhất định không ăn.
Câu hỏi:
Dạ thưa thầy! Theo con được biết phái NGUYÊN THỦY là được ăn mặn, nói ăn chay hay ăn mặn cũng đều là tu, vậy ở bên TỊNH ĐỘ trong kinh và các quý thầy đều dạy là phải ăn chay, vậy là sao thưa Thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu ai chủ trương nhất định phải ăn mặn hay phải ăn chay thì đều là cố chấp. Đã là cố chấp thì không bao giờ giác ngộ giải thoát được. Trong ăn thì cách ăn quan trọng hơn vật thực (giống như cách cho quý hơn của cho vậy). Thái độ nhận thức đúng và tâm khi ăn tốt thì ăn gì cũng đúng tốt. Thái độ nhận thức sai và tâm khi ăn xấu thì ăn gì cũng sai xấu. Vậy con phải có trí tuệ thật sáng suốt để nhận biết ngay mỗi lúc con đang ăn có thái độ nhận thức và hành vi đúng tốt chưa chứ không nên chấp nhận một chiều rồi đinh ninh theo thành kiến cố chấp đúng sai một cách chung chung nào đó.
Thiếu gì người theo Nguyên Thủy ăn chay, cũng không thiếu người theo Tịnh Độ ăn mặn... điều đó cũng chẳng có gì để vội kết luận đúng sai. Nếu những người theo Nguyên Thủy ăn chay vì họ thích hợp với ăn rau trái chứ không chấp mình là ăn chay thì thật là đúng tốt. Nếu những người theo Tịnh độ ăn mặn mà ngay khi ăn tâm họ thanh tịnh (nhờ quán bất tịnh của vật thực) và sáng suốt thấy rõ vật thực đúng pháp (ngũ tịnh nhục), có tâm từ bi chú nguyện phước báu cho những chúng sinh đã chết (quán từ bi) thì như đức Phật dạy: "Người thanh tịnh dù ăn món ăn bất tịnh thì người ấy vẫn thanh tịnh". Con đừng nên thắc mắc, nhớ là "ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn", vậy con nên tùy duyên mà ăn uống với tâm từ bi và trí tuệ, đừng ăn với tâm tham đắm ngã mạn là được.
(Câu hỏi này thầy đã trả lời nhiều lần rồi. Con nên xem lại những hỏi đáp từ đầu để hiểu thêm, đừng để mất thì giờ không đáng)
Câu hỏi:
Con xin kính đảnh lễ Thầy! Bạch Thầy, con có vấn đề này mong Thầy chỉ bảo giúp con! Con xin kính cảm ơn Thầy!<p>
Thưa Thầy, bản thân con đã nhận ra được rằng việc ăn chay ăn mặn không phải là vấn đề, đó chỉ là phương tiện giúp cho ta nuôi dưỡng thân để qua thân ta có thề thề nghiệm đạo giác ngộ, ăn gì cốt để không dính mắc, không chấp trước, không sát sanh, không tham sân là được phải không thưa Thầy? Hiện bản thân con bây giờ đang ở ngoài đời, tiếp xúc và va chạm nhiều, khả năng làm chủ tham sân si chưa có, nhận thấy mình chưa có đủ khả năng để chiến thắng cái tham trong con, vẫn muốn ăn cái này ngon cái kia ngon. Vậy con chọn ăn chay với mục đích thiểu dục, tri túc có thuận pháp không thưa Thầy? Đến lúc con thấy mình làm chủ được cái tham ăn trong con thì con có thề ăn uống tùy duyên, con nghĩ như vậy không biết con có bị dính mắc vào chấp kiến thủ không thưa Thầy?<p>
Con xin tri ân và kính chào Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con cứ làm như con nghĩ là đúng, nhưng giác ngộ là quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi liên tục, nên cái gì trở thành thói quen và kết luận đều trở thành chướng ngại cho quá trình điều chỉnh trực tiếp diễn ra trong từng khoảnh khắc này.
Có một ni cô ăn chay suốt đời xuất gia, khi hấp hối chỉ nhớ đến một thìa nước mắm! Biết đâu khi con muốn tiết chế lòng tham ăn thì chính là đang làm cho nó bị dồn nén một cách vô thức để rồi bùng lên khi ý chí con bất lực. Tại sao con không sáng suốt nhận ra lòng tham ăn mỗi khi nó khởi lên dù là lúc đang ăn chay hay ăn mặn? Chính sự tỉnh thức từng giây phút với thân tâm con mới là cách duy nhất vượt khỏi lòng tham muốn, kể cả lòng tham muốn cầu toàn. Giác ngộ ra sự bất toàn chính là giác ngộ hoàn toàn đó, con có biết không?
Câu hỏi:
Thưa thầy, con gặp câu hỏi ăn chạy ăn mặn đã mấy lần trên mục Hỏi đáp này. Bản thân con cũng đã từng ăn chay trường 6 năm nhưng sau đó con không còn ăn vậy nữa. Theo con thì mình ăn chi cũng được miễn đừng khởi ý tham vì cái ăn ấy. Tuy nhiên nếu đi dự một đám tiệc mà có 2 mâm chay, mặn thì con lại cố ý chọn chay, con thấy được ý mình lúc đó. Thưa thầy, vậy có "hợp pháp" không thầy? Con kính chào thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Như vậy người ta gọi là "ăn chay tùy duyên", tức có gì ăn nấy không gượng ép để trở thành khuôn định, nhưng nếu khi ăn có cả hai thứ để tùy chọn thì thầy cũng như con có khuynh hướng ăn rau trái hơn. Ăn chay không phải chỉ ăn rau trái mà gọi là thanh tịnh, mà chính là ăn với tâm thanh tịnh (Trai giả tịnh dã, tẩy tâm viết trai). Và chủ yếu là ăn gì đừng tham đắm và cố chấp là được. Đức Phật không chủ trương phải hoàn toàn ăn rau trái nhưng cũng không có nghĩa là Ngài chủ trương phải chỉ ăn cá thịt. Cố chấp một phía là rơi vào nhị nguyên, vì vậy ăn cái gì ngay đó hợp duyên đúng pháp mới là trí tuệ.
Câu hỏi:
Con xin kính đảnh lễ Thầy!
Con có một nỗi niềm trong lòng mong Thầy từ bi giúp cho con cùng nhiều người vượt qua được trở ngại này!<p>
Dạ thưa Thầy! Ở đất nước Việt Nam, Phật giáo Nguyên Thuỷ chưa được nhiều Phật tử có duyên được gặp và được tìm hiểu giáo pháp, mà Phật giáo Bắc tông như đã ăn sâu vào tâm trí của mỗi người. Bản thân con hôm nay có duyên may mắn được tiếp cận với giáo pháp nguyên thuỷ của đức Phật, một giáo pháp thực tu, thực chứng và con rất muốn được chia sẻ cho mọi người xung quanh cũng gặp được giáo pháp giống con, nhưng thưa Thầy, trở ngại lớn nhất khiến cho mọi người xung quanh con không đến được với Phật giáo Nguyên thuỷ đó là việc ăn chay ăn mặn. Con biết là mọi việc còn phải tuỳ vào duyên của mỗi người nhưng con mong Thầy từ bi một lần nữa chỉ cho con và mọi người thật rõ về việc này, vì con nghĩ chỉ cần giúp cho họ vượt qua kiến chấp này thôi, họ sẽ dễ có duyên đến với đạo hơn.<p>
Con xin thành kính lễ và tri ân Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Rất nhiều người muốn thầy giải thích rõ điều này, và đôi khi thầy cũng có ý định viết một tiểu luận về đề tài này vì với thầy điều này rất rõ ràng minh bạch, nhưng phần thì bận quá nhiều Phật sự quan trọng hơn, phần thì nếu phân tích thẳng ra sẽ không tránh khỏi đụng chạm, mà dù đúng hay sai, đụng chạm vào thành trì cố chấp của niềm tin thì chẳng lợi ích gì cả, nên thầy không viết. Người trí thì ít hơn kẻ mê, được lòng người trí thì bị kẻ mê chống đối. Vậy cứ để người trí tự tìm hiểu lấy còn người mê thì dù nói sự thật họ vẫn không tin vì đã bám chấp vào niềm tin của họ! Đây là vấn đề thuộc phạm vi tục đế tùy theo quy ước hay chế định của mỗi tông phái, nên chỉ là tương đối, đúng mặt này thì sai mặt kia do đó không thể nào quy kết được. Chính vì vậy, khi Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) xin Phật quy định ăn chay, Phật đã từ chối và để mọi người tự chọn cách ăn của mình, miễn sao tùy duyên thuận pháp là được. Và khi được hỏi về điều này Krishnamurti đã trả lời rất tuyệt: "Điều gì đã trở thành quy định thì không còn là chân lý." Cuối cùng, thầy tùy người tùy trình độ căn cơ mà giải thích chứ không muốn đưa ra một kết luận đúng sai nhất định nào. Tốt nhất con không nên tranh luận về vấn đề này, trừ phi chia sẻ với những người hiểu biết. Con có quyền làm điều con thấy đúng nhưng không nên muốn người khác phải làm theo mình.