Kết quả Tìm Kiếm: Có 96 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'hữu thức & ý thức, tiềm thức, vô thức & Bhavaṅga'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Thưa Thầy cho con hỏi sau một thời gian quan sát tâm mình con nhận thấy rằng:<p>
1. Khi mọi thứ xung quanh con ồn ào nhất cũng là khi tâm con an định và trú tâm sâu nhất. Có đôi khi con còn cảm thấy nhức đầu. Đó có phải là do con dụng công quá mức hay còn bất mãn với mọi thứ xung quanh phải không thầy?<p>
2. Con thấy rằng hầu như mọi hành động thường ngày của mình đều là vì người khác. Mình cầu mong mình đẹp mà cái đẹp này là do người khác mang lại. Mình cầu mong thành công để được người khác cho mình là thành công. Tất cả mọi thứ đều là phụ thuộc vào người khác chứ có phải của mình và do mình đâu. Con nhớ Thầy nói chỉ có giải thoát trong các mối quan hệ chứ không có giải thoát cá nhân.<p>
3. Có nhiều lúc mình hành động một cách vô thức theo vô minh ái dục mà không hiểu tại sao mình lại làm vậy, vì cái gì? <p>
Con cám ơn Thầy và mong Thầy chỉ dạy cho con. <p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Đúng là khi bất mãn với ngoại cảnh thì tâm thích trú vào sâu bên trong. Ở một mức độ nào đó hay trong một số trường hợp nhất định thì như vậy cũng tốt, nhưng nếu đó là một phản ứng đã trở thành thói quen thì không tốt, vì như vậy là thiếu sự kiên nhẫn để giáp mặt với thực tế, thiếu sự khoan dung để cảm thông với hoàn cảnh và thiếu trí tuệ sáng suốt để thấy ra bản chất thật của thực tại thân tâm cảnh.
2) Nếu vì người khác là lòng từ, bi, hỷ, xả hay hành động đem lại lợi ích cho người khác mà không vụ lợi thì đó là vô ngã vị tha. Ngược lại, nếu vì người khác là do bị lệ thuộc vào họ hay vì vụ lợi cho cá nhân mình thì đó mới là ích kỷ. Thường biết mình trong sự tương giao với hoàn cảnh xung quanh để phát hiện ra đâu là hữu ngã vị kỷ đâu là vô ngã vị tha cũng chính là đang đi trên đường giác ngộ. Vì vậy, giải thoát là ở trong sự tương giao với vạn pháp mà không bị ràng buộc bởi mối quan hệ chủ quan của những cái ta ảo tưởng.
3) Một hành động vô thức thường xuất phát từ tâm vô nhân dị thục (quả của nghiệp nhân quá khứ) hay nói cách khác là từ tập khí ngủ ngầm mà phân tâm học gọi là một khuynh hướng xung động vô thức xuất phát từ tiềm thức.
Câu hỏi:
Thưa thầy, xin thầy cho con hỏi: tại sao đối với con người mình, những ký ức không vui, những sự kiện trong quá khứ chưa được giải tỏa, những mâu thuần chưa được giải quyết,... nói chung là những điều tiêu cực thường hay trồi lên từ tiềm thức, đặc biệt là người già? Người già trong gia đình con nhớ những chuyện không vui rất lâu, những chuyện này cứ quay ngược lên hoài. Trong khi những điều vui, những kỷ niệm tích cực, những sự kiện không còn khúc mắc lại ít khởi lên vậy thầy? Có phải bản chất con người là tập trung vào những điều tiêu cực mà không để ý đến điều tích cực không thầy? Con thấy bản thân con chưa già, còn trẻ nhưng cũng hay ít nhớ chuyện vui toàn nghĩ chuyện buồn, chuyện chưa đạt không thôi. Làm sao để con có thể thay đổi, nhớ chuyện vui nhiều hơn để về già sống thanh thản, không bị những điều tiêu cực quấy rầy tâm trí?<p>
Con xin chân thành cám ơn thầy. Con mong thầy luôn khỏe mạnh.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nhớ lại chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui là do tâm hiện tại tương ứng với tham sân si nhiều hơn là vô tham, vô sân, vô si. Khi tâm tương ứng với vô tham, vô sân, vô si thì sẽ nhớ chuyện vui quá khứ và hiện tại hơn là nhớ chuyện buồn. Vậy con hãy thường tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác hoặc thận trọng, chú tâm, quan sát để cho tâm vô tham, vô sân, vô si thì tâm sẽ sáng suốt, định tĩnh, trong lành và chắc chắn sẽ nhớ hiện tại trong niềm hoan hỷ. Người thường nhớ điều buồn chính là vì pháp muốn nhắc nhở họ phải lo tính tấn chánh niệm tỉnh giác đừng để tâm đắm chìm trong tham sân si nữa.
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ thầy. Kính thưa thầy. <p>
Con thường lên trang web nghe thầy giảng và con cũng phần nào hiểu được ý của thầy. Xin thầy từ bi chỉ dạy giúp con một việc. Khi con đang ở trạng thái bình thường không tham, không sân, vẫn sáng suốt, định tĩnh, trong lành nhưng không hiểu từ đâu có một cảm giác bất an ập đến. Con cũng cố gắng quan sát nó nhưng con thấy cảm giác bất an ngày càng mạnh, cơ thể rất khó chịu chỉ có cách đi làm cái gì đó một lúc thì cơn bất an mới qua đi. Những chuyện như vậy xảy ra khá thường xuyên, xin thầy chỉ giúp con trong trường hợp như vậy có phương pháp nào hóa giải không ạ. <p>
Con chúc thầy mạnh khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Những bất an đó chính là những xung động vô thức. Có khá nhiều tập khí được đưa vào bhavanga trong tình trạng thiếu tỉnh thức nên khi nó khởi lên dưới hình thức những khuynh hướng xung động thì mình không biết được nguyên cớ từ đâu. Nếu nó xuất hiện qua thân thì chiêm nghiệm thân, qua thọ thì chiêm nghiệm thọ, qua tâm thì chiêm nghiệm tâm v.v... để thấy rõ những cảm xúc ấy như chúng là... Đó cũng là cách mà phân tâm học gọi là hữu thức hóa vô thức để đưa những xung động vô thức ấy ra ánh sáng của tỉnh giác.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Con hiểu lời dạy của Thầy và luôn sáng suốt thấy pháp đúng thực tánh là như vậy. Ban ngày con bình yên cho dù có chuyện bất như ý xảy ra nhưng nửa đêm khi bất chợt thức giấc con thấy một nỗi bất an xâm chiếm con trong lúc bất giác ấy. Con hiểu đó là hoạt động của tiềm thức tức là âm thầm con vẫn có vấn đề với chuyện xảy ra lúc ban ngày. Dĩ nhiên con hiểu rằng con nên tỉnh thức với nỗi bất an nầy thì sẽ không có khổ. Nhưng vì là lúc bất giác nên thường thì con bị nỗi khổ xâm chiếm ngay lập tức lúc vừa thức dậy và con mất ngủ. Con phải làm sao để tránh tình trạng mất ngủ như vậy? Sự thực hành của con sai ở chỗ nào? Con xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có thể là vì con cố gắng duy trì "ý thức" đối với thực tại thân tâm mình vào ban ngày nên ban ngày con cảm thấy yên tâm hay bình an. Sự thường trực duy trì ý thức mà nhiều thiền phái cho là miên mật hay tích cực có thể là sự dồn nén phiền não (kilesa) vào tiềm thức (bhavanga) khiến chúng trở thành những tùy miên (anusaya) ngủ ngầm trong vô thức. "Ý thức" này chỉ nắm bắt đối tượng qua khái niệm chế định trên bề mặt hiện tướng nên vẫn còn kinh nghiệm sở đắc của sở hành, chưa phải là sự sáng suốt của tánh biết rỗng lặng trong sáng, thoát khỏi mọi kinh nghiệm sở hành sở đắc của bản ngã. Do còn kinh nghiệm được tích lũy vào tiềm thức và tồn động trong vô thức nên ban đêm nó mới bùng lên. Tốt thôi, nó báo hiệu để con điều chỉnh "thái độ xử lý" của nhận thức và hành vi ban ngày. Hãy thấy pháp với tâm rỗng lặng trong sáng tự nhiên, đừng "luôn sáng suốt thấy pháp đúng thực tánh" như con nghĩ. Vì nếu thật sự "thấy pháp đúng thực tánh" thì sẽ không cần có bình an ban ngày và cũng không sợ bất an ban đêm.
Câu hỏi:
Dạ thưa Thầy, cho con xin hỏi: <p>
1) Có phải ý nghĩ như sau là đoạn kiến không: Một vấn đề nào đó không phức tạp nhưng con lại nghĩ nó là phức tạp và con cảm thấy khó chịu với điều đó. Con không muốn nghĩ đến những điều đó nữa, con muốn chấm dứt nó ngay. Như vậy con phải làm sao? <p>
2) Con có một cảm nhận rất khó giải thích. Dường như điều này thuộc về tiềm thức của con. Khi con nhìn thấy hình ảnh những vị Sư đi khất thực qua những rừng cây, con cảm thấy rất quen thuộc và tự nhiên con nghĩ là kiếp trước con đã từng tu khổ hạnh sai. Như vậy là sao thưa Thầy? Con cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Khi con nóng lòng muốn chấm dứt một vấn để mà con cho là khổ đau phức tạp thì đó là tâm sân chứ không phải đoạn kiến. Đoạn kiến là chủ trương sai lầm rằng sau khi chết thân tâm (danh sắc) đều chấm dứt (chết là hết). Nếu một người cho ràng đời sống quá đau khổ phức tạp rồi nảy sinh quan niệm chết đi là hết khổ, là chấm dứt tất cả, thì đó mới là đoạn kiến. Nếu trường hợp chỉ là tâm sân thì con chỉ cần nhìn lại tâm sân cho rõ, khi con đã bình tĩnh lại thì sẽ nhìn nhận vấn đề trung thực hơn. Nếu có đoạn kiến thì sự nhìn nhận trung thực vấn đề sẽ giúp con thoát khỏi đoạn kiến.
2) Có thể là con thấy hình ảnh những vị Sư đi khất thực rất quen thuộc và con có cảm giác như trong tiền kiếp nào đó con đã từng khổ hạnh như vậy và vì con đã khổ hạnh sai nên trong kiếp này con không còn là nhà sư tu hành nữa mà phải sống một đời sống phúc tạp như hiện nay. Hoặc cũng có thể con thấy một số nhà sư khất thực sai pháp (bây giờ nhà sư giả để khất thực kiếm sống nhiều lắm!) nên con có cảm tưởng như việc khổ hạnh này là sai lầm chăng?
Câu hỏi:
Kính Bạch Thầy! Gần đây con có một thắc mắc hy vọng Thầy có thể giải đáp ạ. Đó là trong quá trình học tập thì con có nghe nói ở phương Tây, cụ thể là Mỹ đang có một trường phái tư tưởng cho rằng "ý thức", hay "consciousness" chỉ là một ảo giác chứ không tồn tại. Vậy Thầy có thể giảng giải cho con một cách ngắn gọn rằng "thức" trong ngũ uẩn mà Đức Phật đã dạy là như thế nào, và nó có khác gì so với khái niệm "ý thức" mà người đời vẫn dùng không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Người ta nói ý thức là ảo giác cũng không sai lắm. Ý thức mà con người thường sử dụng chỉ là ở múc độ tưởng tri (biết qua tưởng) và thức tri (biết qua kiến thức) trong Phật giáo. Tánh biết của tâm ứng ra nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân có đối tượng là thực tánh pháp, còn ứng ra nơi ý thì đối tượng phần lớn là nghĩa khái niệm hoặc có thể chỉ là danh khái niệm không thực. Khi tánh biết không còn bị che lấp bởi những khái niệm thì nó nhận biết đối tượng bằng tuệ tri, chỉ lúc đó tánh biết mới thấy được thực tánh của pháp.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, xin thầy cho con được hỏi, khi con người còn sống, tánh biết biết pháp thông qua mắt tai mũi lưỡi thân và ý. Khi chết rồi, 6 căn đó không còn, tánh biết nhờ vào đâu mà biết được pháp? Con xin thầy chỉ dạy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
- Ở Hà Nội có một số người bị mù, thậm chí là mắt giả, mà vẫn "thấy" được, lại còn thấy cả những cái mà người có mắt không thấy. Đó chính là cái thấy của tánh biết.
- Trong vô thức tánh biết hoạt động dưới dạng bhavanga hay alaya. Có những vấn để không giải quyết được bằng ý thức mà lại giải quyết được trong vô thức.
- Có những linh tri hay giác quan thứ 6 biết được không qua 6 căn. Ví dụ như thầy thường trả lời những câu hỏi khi chưa được hỏi ra, đó là cảm nhận mà hữu thức không biết nhưng linh tri lại biết.
- Khi chết, tử tâm (cuti) chấm dứt sinh nghiệp và tánh biết trở về bhavanga rồi tái hiện thành kiết sanh thức (tâm thức tái sanh: patisandhi) trong kiếp sống mới.
Tóm lại, tánh biết vẫn vận hành khi không qua sáu giác quan. Con xem lại chương 3 Sống Trong Thực Tại phần các loại nhận thức (tri) sẽ rõ hơn.
Câu hỏi:
Con chào thầy,
Con mới đọc xong cuốn "Sống trong thực tại" của thầy, con rất thích, gạch chân rất nhiều đoạn.
Con chỉ có 2 điểm hơi băn khoăn xin trình bày với thầy:<p>
- Thầy dùng từ "tánh biết" nhiều lần, có 1 chỗ thầy giải thích rõ "tánh biết" là khả năng thấy biết tự nhiên vốn có của tâm. Con nghĩ là con hiểu ý thầy nhưng còn chỉ hơi băn khoăn nếu Phật tử Bắc tông chưa hiểu gốc đọc như vậy có thể bị nhầm lẫn khi thầy nói "tánh biết" thành tánh biết, tánh nghe, tánh thấy... trường tồn bất biến như trong các kinh Đại thừa nói không?<p>
- Con rất thích câu thầy nói chỉ có giải thoát hoàn toàn khi chấm dứt bản ngã chứ không có bản ngã giải thoát hoàn toàn. Con cũng hiểu ý thầy khi thầy nói đại ý tu để hoàn thiện bản ngã thì không bao giờ giải thoát.
Nhưng con có 1 kinh nghiệm thế này xin thầy chỉ cho con có gì sai không. Cách đây mấy năm khi con đọc phần về phức cảm tự tôn trong cuốn "Một kỹ thuật sống", tự nhiên con cảm thấy là muốn vô ngã thì trước hết phải phát triển một cái tôi lành mạnh. "Cái tôi lành mạnh" con nói ở đây không phải là hoàn thiện cái tôi mà là khi "tôi" thoát khỏi mặc cảm tự ti hay phức cảm tự tôn, nghĩa là khi không còn so sánh mình kém hay hơn người khác, mà việc so sánh đấy là biểu hiện cơ bản của bản ngã. Lúc đó con cảm thấy đó là một cảm nhận rất quý giá đối với con, từ đó con bắt đầu cảm thấy bình an hơn, không so sánh thì con thấy bớt ghen tị và kiêu mạn. Con nghĩ nếu con nói phát triển cái tôi lành mạnh theo ý đó thì không sai với ý của thầy đúng không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Rất nhiều người hiểu như con. Nhưng không đúng.
1) Tánh biết thầy đã nói rất rõ là không thường cũng không đoạn, không sinh cũng không diệt v.v... Nếu thường thì làm sao nó ứng biến khi thì vô thức khi thì hữu thức? Nếu đoạn thì sao khi nào cần liền hiển dụng, khi chết vẫn tái sinh? Nói có thì khi bất tỉnh hay trong vô tưởng định nó đi đâu? Nói không thì sao khi cần lại có? Nói tánh biết là thường dĩ nhiên là sai vậy con nói là gì khi tánh biết là bản tánh của tâm? Nếu con phủ nhận tánh biết thì lấy gì để tu hành?
2) Con lầm cái ta ảo tưởng với cái hoạt dụng của hợp thể pháp danh và sắc trong mỗi người. Nếu con nói vậy thì một người chứng tuệ danh sắc tức không thấy ngã trong thân tâm sẽ không tu tiến được nữa sao? Và một vị Tu-đà-hoàn không còn ngã kiến cũng không còn động cơ nào để tu tập đến A-la-hán được nữa sao? Thực ra chính lúc đó tánh biết tu chứ không phải cái ta ảo tưởng tu, đúng không?
Trong cuốn sách con đọc là nói về sự tiến bộ theo dòng đời, còn tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha là nói sự giác ngộ giải thoát theo dòng pháp. Trong dòng đời vẫn có dòng pháp nhưng dòng pháp là chân đế (paramattha sacca) còn dòng đời là tục đế (sammuti sacca). Có ngã thì chỉ tiến trong tục đế, vô ngã mới giác ngộ chân đế đó con.
Câu hỏi:
Khi con quán tâm thì con ý thức, chánh niệm trên cái tâm đó thì nó là cái pháp rồi, vậy sao có người lại nói con phải chiêm nghiệm, không suy nghĩ. Cái pháp đó còn một ý nghĩa khác nữa. Kính thưa sư lâu nay con vẫn chưa nghĩ ra được.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Như vậy không phải là quán, cũng không phải là chánh niệm. Quán không phải là nghĩ về và chánh niệm không phải là nhớ đến, vì 2 động thái này chỉ đúng trong tục đế, tức trong pháp chế định. Nhưng đối tượng của quán (soi chiếu ) là thực tánh nên phải trực tiếp thấy biết (tuệ tri) với tâm tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, chứ không thể nghĩ bàn hay hay nhớ lại điều gì. Xin xem câu trả lời về chữ pháp vừa rồi.
Câu hỏi:
Con thưa thầy,
- Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thuộc về sắc pháp
- Ý thuộc về danh pháp
- Khi có xúc xảy ra, tức là có Căn + Trần + Thức:
+ Mắt thấy sắc => nhãn thức
+ Tai nghe âm thanh => nhĩ thức
.................
+ Ý tiếp xúc với pháp => Ý thức
Vậy, nhãn thức, nhĩ thức....., ý thức đấy có phải là tánh biết tự nhiên trong sáng mà mỗi người đều có mà mỗi người hãy trở về nơi thân, thọ, tâm, pháp để thấy không? Đó có phải là viên ngọc quý mà kinh điển nói đến không ạ? Và như thầy nói tu là điều chỉnh nhận thức và hành vi, vậy là cần điều chỉnh ở khâu "Ý thức" có đúng không ạ? Điều chỉnh khâu "Ý thức" đó chính là Chánh niệm Tỉnh giác. Vậy tu là chỉ như vậy có phải không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tâm, thức, ý, ý giới... đều là biểu hiện của tánh biết tự nhiên. Kể cả bhavanga, tiềm thức, vô thức (không dùng theo nghĩa thiếu ý thức) đều là những hình thức hoạt động khác nhau của tánh biết. Nếu không bị cái ta ảo tưởng che lấp thì tánh biết này có thể thấy biết tất cả. Vi vậy tu tập không có nghĩa là rèn luyện hay phát triền tánh biết mà là loại bỏ cái ta ảo tưởng thì tánh biết sẽ tự động điều chỉnh lại mọi sai lầm mà cái ta ảo tưởng đã tạo ra để trở về với pháp như chân như thực. Tất nhiên tánh biết chính là viên ngọc quý. Biết sử dụng viên ngọc quý đó, như tinh tấn chánh niệm tỉnh giác chẳng hạn thì chính là tu tập một cách chân chính vậy.