Kết quả Tìm Kiếm: Có 892 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'cuộc sống'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Con kính chào thầy!<p>
Con thưa thầy, con đang chìm trong những ngày đen tối nhất. Con chưa kết hôn, chưa xin được việc làm nhưng đã có em bé. Bố mẹ con giận lắm. Mẹ con luôn âu sầu, buồn bã, lo lắng cho con. Đôi lúc con tự hỏi việc giữ lại đứa trẻ này có đáng không khi bố mẹ con giận, buồn, lo lắng và cảm thấy ê chề với mọi người như vậy. Con xin thầy cho con một lời khuyên.<p>
Con xin đảnh lễ thầy !
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đó là bài học mà con nên thận trọng xem xét mọi khía cạnh của nó để thấy ra chính mình trong quan hệ với cuộc sống đa diện này, để nhận thức thế nào là đạo đức và trách nhiệm của một hành động, lời nói hay ý nghĩ của mình. Sai một ly đi một dặm, cho nên thận trọng chú tâm quan sát vẫn là bài học muôn đời. Dù con giải quyết cách nào thì cũng đều có hậu quả khó lường của nó. Được mặt này mất mặt khác khó có thể vẹn toàn như ý được. Đời là một chuỗi dài bất như ý như vậy đấy con ạ. Do đó nếu con một lần nữa quyết định không thận trọng thì chỉ kéo thêm một loạt vấn đề nan giải tiếp theo.
Nếu phải giải quyết thì con nên giải quyết trên nền tảng đạo đức, tức trên nguyên tắc có tình có lý có trách nhiệm và nhất là không hại mình hại người, chứ không giải quyết vì sợ mất một chút danh tiếng hay cái gọi là "danh dự" gì đó của mình và của những người xung quanh mà thực chất chỉ là hư danh. Nên giải quyết thái độ sống hơn là giải quyết hoàn cảnh sống, thái độ là nhân, hoàn cảnh chỉ là duyên mà thôi. Và chủ yếu không phải là tìm cách giải quyết vấn đề cho ổn thỏa, vì giải quyết cách nào không quan trọng, mà là có biết học ra từ đó bài học ý nghĩa đích thực về chính mình và cuộc sống hay không.
Câu hỏi:
Thưa Thầy!<p>
Con có một số người bạn đã cùng con trải qua một thời gian dài trong khó khăn, đồng cam cộng khổ, giờ cuộc sống đã tạm ổn, vậy mà bạn ấy vì những lí do vô lý, mà rời xa con, vậy con phải làm sao cho đúng với lương tâm của mình? Nếu con không giữ lại có vẻ như vô tình quá, còn giữ lại thì như con đã ràng buộc bạn ấy chịu cực khổ cùng con, thì như vậy con thấy mình ích kỷ. Thưa Thầy con phải suy nghĩ như thế nào cho đúng? Con cảm đức Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con đừng suy nghĩ tính toán quá nhiều mà chỉ nên sống tuỳ duyên thuận pháp thôi. Lý lẽ không bao giờ phù hợp với sự vận hành tự nhiên của pháp. Giống như nước cứ tuỳ duyên mà chảy chứ không tính trước đường đi nước bước của mình, vậy mà nước không bao giờ thấy mình bị trở ngại, chịu tất cả mọi thứ mà tính nước vẫn trong. Con chỉ cần sống sáng suốt định tĩnh trong lành còn mọi chuyện cứ tuỳ duyên mà ứng, tùy cảnh mà an chứ đừng tìm một sự an toàn hay hoàn hảo lý tưởng nào. Lòng con hồn nhiên trong sáng thì vạn pháp đều an nhiên vô ngại.
Câu hỏi:
Thưa Thầy, <p>
Con năm nay 28 tuổi, từ ngày con hiểu chút ít về Phật Pháp, con dường như sống yên lặng hơn, cuộc sống của con không còn nhiều ham muốn với đời và đấu tranh nhiều nữa. Con không xem Tivi, đi chơi cafe bạn bè, thay vào đó con rảnh thì thường nghe pháp thoại và đọc sách. Chuyện kiếm tiền và phấn đấu được chức vụ, công nhận xã hội con không quan tâm nữa (mặc dù con đủ khả năng để đạt được nó), con chỉ biết tiết kiệm và sống đủ và ý nghĩa hơn là được rồi.<p>
Hiện nay, con đang là nhân viên văn phòng với mức lương cũng khá tốt. Nhưng con lại có khuynh hướng chuyển sang nghề sư phạm (vì con đang sắp tốt nghiệp thêm 1 bằng đại học ngành sư phạm tiếng Anh) để có thể sống ý nghĩa hơn và giúp cho học sinh của mình nhận thức ra nhiều điều quan trọng trong cuộc sống. Ban ngày con đi làm, ban đêm con dạy học thêm ở nhà vài ca. Con thấy cũng vui lắm vì học trò con học không giỏi nhưng sau khi con dạy học con cảm thấy học trò ngoan hơn, lễ phép hơn và sống tốt hơn không quậy phá như trước nữa. Con muốn cuộc sống con sau này có một phần sống dành cho tâm linh và sống thảnh thơi hơn chứ không phải nhào đầu vào kiếm tiền, đua theo lợi danh vật chất.<p>
Thưa Thầy, con chuyển qua ngành sư phạm thì con làm lại từ đầu nhưng con cảm thấy sống có ý nghĩa hơn mặc dù lương của con trong ngành này thấp và không bằng công việc hiện nay con đang làm. Thầy ơi, sao trong lòng con có nhiều phân tâm quá, con không biết sự lựa chọn của con có đúng và sáng suốt không? Cách sống của con khép lại với những ham muốn vật chất, không ham thích gì hình thức bên ngoài nữa như vậy con có bị thụ động không Thầy? Đôi khi con cảm thấy con như không phải là con lúc xưa nữa, một chàng trai năng động và ham cầu tiến. Con không biết sự thay đổi của con có gì chưa ổn không Thầy, con rất mong Thầy chỉ dạy.<p>
Con cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trên đời này cái gì cũng đúng mà cái gì cũng sai, cái đúng với người này thì sai với người kia, cái sai ở chỗ này lại đúng với chỗ khác, và thời gian của cái đúng cái sai cũng không giống nhau. Vậy chủ yếu là nó có đúng với con lúc này hay không còn ngày mai để ngày mai lo liệu. Điều gì con làm mà thấy có lợi mình lợi người hay ít nhất là không hại mình hại người là được. Đúng sai, xấu tốt là cả một quá trình học hỏi để điều chình nhận thức và hành vi cho đến khi không còn gì để điều chỉnh. Vậy con đừng vội kết luận đúng sai, xấu tốt mà nên không ngừng học hỏi chiêm nghiệm qua những trải nghiệm cuộc sống để thấy sự thật. Nếu một ngày kia con phát hiện ra là mình đã sai thì đó chính là bài học chiêm nghiệm được từ những gì con trải nghiệm. Cái đúng xuất phát từ nhận thức ra cái sai chứ không phải mô phỏng theo cái đúng lý tưởng nào, vì cái đúng mô phỏng cũng chẳng khác gì cái sai. Cứ sống như con nhận thức được và sẵn sàng học hỏi điều gì là đúng sai xấu tốt.
Câu hỏi:
Thưa thầy,<p>
Thời gian vừa qua con tập trung vào việc học ngoại ngữ cho một kỳ thi để tạo điều kiện đi du học và con có một khoảng thời gian rất thú vị. Con bị căng thẳng, áp lực khủng khiếp, ngủ không ngon và lúc nào cũng chỉ mơ thấy tiếng Anh và kỳ thi. Khi con cảm thấy nặng nề nhất thì là lúc con nghe pháp thoại của thầy và con nhận ra là: "À, hóa ra là vậy" .<p>
Ban đầu "Con cho là con thi được".<p>
Tiếp theo con nghĩ là: "Con phải thi được".<p>
Tiếp theo con lại tiếp tục nghĩ rằng: "Con sẽ phải thi được".<p>
Con cứ đắm chìm như vậy cho đến lúc nghe pháp thoại thì con nhận ra rằng, vì con tập trung quá nhiều vào tương lai và mong cầu nên con đã đánh mất hiện tại. Phiền não ở chỗ, ngày hôm qua thì đã qua, ngày mai thì chưa đến. Chỉ có hiện tại mà con cũng đang đánh mất cho những suy nghĩ lang thang, phóng dật. Giờ con đã ngộ ra rồi thầy ạ. Con sẽ cố gắng từng ngày, còn kết quả ra sao thì mặc nó. Vì tương lai là kết quả của hiện tại mà.<p>
Tuy đã cởi bỏ được vướng mắc của một quãng thời gian dài áp lực, song giờ đây con lại mắc vào một vướng mắc khác. Con nhẹ nhõm hơn với việc cởi bỏ áp lực, nhưng hình như là con đang cởi bỏ nhiều quá thầy ạ. Con không lo lắng gì đến kết quả nữa nhưng lại không chăm chỉ như trước đây. Ở một góc sâu xa nào đấy, con thấy con đang kỳ vọng vào bản thân mình, vừa nới lỏng vừa chặt chẽ, không hoàn toàn một điều gì cả và con thấy rất mâu thuẫn.<p>
Con mong được nghe thầy chỉ dạy!<p>
Con tạ ơn thầy ạ!<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cũng tất nhiên thôi. Khi một người đang mơ ước tương lai nên đã hết sức nỗ lực cho cái sẽ là, giờ đây bỗng dưng buông xuống mơ ước ấy thì đồng thời nỗ lực cho nó cũng biến mất theo. Vậy là đúng rồi, cái gọi là sống đầy ý nghĩa với ý chí, nỗ lực, hy vọng... là thế đấy! Không sao, hụt hẫng tí thôi rồi con sẽ lấy lại trầm tĩnh sáng suốt để "làm lại cuộc đời" - cũng y như vậy - nhưng với thái độ tùy duyên thuận pháp hơn. Biết siêng năng, chăm chỉ, biết cách học tập, biết sử dụng thời gian, biết ăn uống ngủ nghỉ và giải trí hợp tình hợp lý... thì thầy tin rằng con sẽ có hạnh phúc trong học, trong thi, trong thi đậu và thậm chí cả dù trong thi rớt con cũng vẫn an vui hạnh phúc, như vậy chẳng sảng khoái sao? Tương lai không y cứ vào điều kiện tốt hơn ở ngày mai mà tùy thuộc vào thái độ của con trong hiện tại. Điều kiện tốt hơn chưa hẳn đã là hạnh phúc mà có thể sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha trong mọi điều kiện mới là hạnh phúc đích thực.
Câu hỏi:
Dạ thưa sư. Con muốn hỏi sư là làm thế nào để học cách lấy lại thăng bằng trong cuộc sống hiện tại.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Th
ực tại thân tâm vốn tự thăng bằng, nó chỉ mất thăng bằng khi cái ta ảo tưởng xen vào. Hàng ngày chúng ta bận rộn trong những mối quan hệ ngã nhân cục bộ và bất toàn mà quên đi sự tương giao hài hòa tự nhiên vốn đã hoàn hảo trong vạn pháp. Những điều chúng ta gọi là mất thăng bằng chính là cách mà pháp đang giúp chúng ta lấy lại thăng bằng. Ngược lại, sự thăng bằng mà chúng ta đang cố gắng thiết lập một cách chủ quan theo ý mình chính là điều kiện tạo ra tình trạng mất thăng bằng cho thực tại tự nhiên. Trở về trọn vẹn trong sáng ngay nơi thực tại để thấy ra tính thăng bằng muôn thuở của nó. Đó là nghệ thuật sống của thiền Vipassanà.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, xin thầy đừng rầy con khi con hỏi thầy điều này. Suốt 5 năm nay, sau khi lập gia đình, con gặp phải nhiều chuyện buồn, đau lòng trong tình cảm vợ chồng. Nhưng rồi mọi chuyện dần được giải quyết êm thấm, cho đến bây giờ thì gần như tốt đẹp khoảng 80%. Nhưng không hiểu sao, con vẫn cảm thấy còn đau lòng, chán nản, hối tiếc, mệt mỏi và đôi lúc ý nghĩ tự tử cứ quay đi quay lại trong tâm trí con. Học thầy, con nhận biết rồi cho ý nghĩ đó đi qua. Nhưng nhiều lúc con cảm thấy nặng nề quá, dường như suy nghĩ đó cứ ám ảnh con. Bây giờ, nhìn vào gia đình con, ai cũng cho là đầy đủ, hạnh phúc với 2 đứa con nhỏ thông minh, xinh xắn, ngoan ngoãn. Với mọi người, kể cả với chồng con, con luôn tỏ ra vui vẻ, bằng lòng với mọi cái. Nhưng những khi một mình, con lại có cảm giác chán chường và không muốn sống tiếp, cảm thấy chết tốt hơn... Thưa thầy, con muốn xin thầy lời khuyên để vượt qua tình trạng này.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra không phải chỉ một mình con mà rất nhiều người có cảm giác chán nản này, nhất là giới nữ. Ý nghĩ tự tử thì do nhiều người không dám nghĩ đến vì sợ chết, sợ tội, vì còn quyến luyến cha mẹ con cái hoặc vì còn hy vọng ở một điều gì đó ở ngày mai nên đành chấp nhận nỗi chán chường, thất vọng, chứ trong vô thức thì nó vẫn là một ý tưởng ngấm ngầm, chỉ là không dám đối diện với nó mà thôi.
Nói chung ý nghĩ đó xuất phát từ tâm sân, gọi là phi hữu ái, muốn chấm dứt tình trạng không vừa lòng, nghịch ý. Sở dĩ như vậy là vì con chưa thấy ra ý nghĩa đích thực của đời sống. Khi xem hạnh phúc là điều kiện lý tưởng mà trong đó mọi điều đều như ý thì người ta sẽ cầu toàn. Nhưng cầu toàn giữa cuộc sống bất toàn thì chắc chắn sẽ chán chường thất vọng. Họ không biết rằng chính sự bất toàn, bất như ý... mới thật sự có ý nghĩa rất sâu sắc đánh thức họ đang ngủ say trong những niềm vui, những thỏa mãn hời hợt giữa cuộc đời.
Nếu con xem cuộc đời là trường học để mọi người học hỏi khám phá ra bản chất sự thật của chính mình và đời sống thì con sẽ thấy mọi hiện thực trong đời đểu là bài học có ý nghĩa tuyệt vời của nó. Nói cách khác, sống là quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi để hoá giải hay chuyển hoá những ảo tưởng sai xấu cho đến khi giác ngộ ra bản chất đúng tốt của lẽ sống tự nhiên và đích thực. Chính vì không thấy ra ý nghĩa của mọi hiện thực đời sống nên người ta luôn phân vân chọn lựa, lấy cái này, bỏ cái kia để rồi luôn thăng trầm trong cái được, cái mất, cái thành, cái bại, cái vui, cái khổ... và kết quả tất nhiên là khổ đau thất vọng, là muốn thoát khỏi cuộc đời "vô nghĩa"! Nhưng nếu chưa học ra ý nghĩa đích thực của đời sống thì mọi hình thức trốn học đều chỉ kéo dài thêm đau khổ, chán chường và thất vọng mà thôi. Con có biết không, tự tử, ẩn trú trong thiền định và muốn mau "giải thoát" ra khỏi cuộc đời đều là những cách trốn học có bản chất hoàn toàn giống nhau.
Hãy can đảm đối diện với sự thật, vì chỉ có sự thật, dù là không vừa lòng, nghịch ý, mới giải thoát con ra khỏi ý nghĩ sai lầm của chính mình... chứ không phải giải thoát ra khỏi sự sống có ý nghĩa này mà Đức Phật xác định "được sinh làm người là khó" đó con!
Muốn thoát khỏi ám ảnh đó con nên thường trở về sống trọn vẹn tỉnh thức với chính mình ngay hiện tại trong từng hoạt động đời sống hàng ngày. Khi con đã sống trọn vẹn với thực tại thì không những con không còn bị ám ảnh bởi quá khứ mà con còn tìm thấy tình thương yêu ngập tràn trong chính mình và cuộc sống.
Câu hỏi:
Một lần nữa con xin cám ơn thầy đã gửi thư trả lời câu hỏi của con. Sở dĩ con hỏi thầy vì một người thân của con đã phụ bạc làm con vô cùng đau khổ. Sau khi đươc thầy chỉ dạy, con đã chú tâm quan sát và nhận ra hạnh phúc hay đau khổ đều là do thái độ của mình mà thôi. Giờ đây con không oán trách người đó nữa và con nhận thấy khi tha thứ tâm con nhẹ nhàng thanh thản hơn và con đã lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống. Nhiều khi con cứ băn khoăn tự hỏi không biết như thế là bao dung, độ lượng hay là nhu nhược. Qua sự chỉ dạy của thầy con sẽ chú tâm quan sát để hiểu rõ hơn về chính bản thân mình. Kính chúc thầy sức khoẻ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con hiểu ra vấn đề là tốt lắm. Hoàn cảnh chỉ là duyên, không phải là nguyên nhân của hạnh phúc hay đau khổ. Thái độ mới là nguyên nhân chính của phẩm chất đời sống mỗi người, vì vậy con biết trở về soi sáng chính mình là thái độ sáng suốt, nghiêm túc và đúng đạo.
Câu hỏi:
Thưa Thầy trong cuộc sống có những điều con suy đoán và dự định rất đúng ví dụ như buổi sáng con rất lười đi học và con nghĩ ngày mai hoặc buổi chiều con có thể mượn bài của bạn để xem lại cũng được vẫn hiễu mà, và đúng là con có thể làm được như vậy thật. Nhưng con nhận ra rằng đó là phân biệt qua lý trí vong thức, đó là sự che đậy khéo léo, tinh vi của bãn ngã và vì là lý trí nên không thể thấy rõ bản chất của Pháp. Thưa Thầy cho con xin ý kiến và có phải vì thế nên chúng ta mới cần phải thực hiện các ba-la-mật mà trong trường hợp của con là tinh tấn phải không ạ? Con cảm ơn và chúc Thầy sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tất cả tính toán của con dù đúng hay sai đều thuộc lãnh vực lý trí, kể cả con tính đến việc thực hiện tinh tấn ba-la-mật. Muốn thấy thực tánh thì tính toán con thấy là tính toán, không tính toán con thấy là không tính toán, lười biếng con thấy rõ là lười biếng, siêng năng con thấy rõ là siêng năng... chỉ đơn giản vậy thôi.
Câu hỏi:
Thưa thầy, trong cuộc sống đời thường, nếu bản thân không làm ra được tiền để lo cuộc sống hàng ngày cho bản thân và gia đình thì có bị gọi là bất tài, vô dụng không? Theo góc nhìn của Pháp và đạo Phật thì nhìn nhận về vấn đề này như thế nào ạ. Con mong Thầy chỉ dạy cho con được rõ, con cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Câu hỏi của con không rõ, bởi vì không thể nói chung chung như vậy được. Có rất nhiều trường hợp như: Có tài và kiếm ra tiền, có tài mà không kiếm ra tiện, bất tài mà kiếm ra tiền, bất tài và không kiếm ra tiền. Người có tài nhưng từ chối làm ăn bất chính thì vẫn có thể không kiếm ra tiền bằng người bất lương. Người có tài nên chỉ muốn làm việc lớn không chịu làm những việc nhỏ tầm thường để kiếm ra tiền nên đành chịu nghèo khó vân và vân vân... Vậy phải xem vì lý do gì không kiếm ra tiền mới được.
Một bà ngoại đã già không còn đi làm kiếm tiền cho con cháu nhưng lại ở nhà trông nhà cho con cháu đi làm chẳng lẽ cũng bất tài vô dụng? Ngược lại một thanh niên mạnh khỏe có khả năng lao động mà lười biếng không chịu đi làm giúp gia đình, chỉ biết chơi bời trác táng thì mới là bất tài vô dụng.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Làm sao có thể cân bằng giữa cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần, trong khi xã hội ngày nay lại chạy theo cuộc sống vật chất?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Muốn cân bằng đời sống vật chất và tinh thần thì con nên phát huy những yếu tố tinh thần nhiều hơn. Đơn giản là con chỉ cần thường biết mình trong khi làm việc để điều chỉnh thái độ nội tâm là có thể cân bằng đời sống vật chất và tinh thần ngay thôi. Ví dụ con đang mua bán mà tâm nổi sân, nếu con biết mình, biết quan sát tâm sân ấy thì con chế ngự được tâm sân và phát triển được tâm từ...