Hỏi Đáp Phật Pháp
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 25-05-2012
Câu hỏi:
Bạch Hòa thượng, xin Ngài giải cho con hai chữ bất nhị nghĩa là gì?
Con kính tri ân NGÀI.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bất nhị là không hai ám chỉ không phân biệt nhị nguyên. Nhị nguyên là phân chia một thực thể thành hai mặt đối nghịch rồi chấp vào một bên và đối kháng lại phía kia. Khi khởi tâm phân biệt liền rơi vào khái niệm chế định của tục đế. Khi tâm rỗng lặng trong sáng không khởi ý niệm phân biệt và không chấp trước một chiều gọi là bất nhị, pháp bất nhị chính là pháp thực tánh chân đế.
Ngày gửi: 25-05-2012
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! Con thường suy ngẫm về 8 chữ TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP, VÔ NGÃ VỊ THA mà thầy tặng cho lớp học, và có đôi lúc con gặp một điều gì phiền não thì liền ứng dụng bằng cách suy ngẫm 8 chữ đó. Quả thật là một cẩm nang ngắn gọn mà rất bổ ích để ứng dụng trong cuộc đời, kể cả khi gặp vui cũng vậy. Thưa Thầy, trong khóa giảng Thiền tại Huế, con có nghe thầy giảng về một định nghĩa của PHÓNG DẬT = chìu theo bản ngã. Con xin phép được hỏi thêm một định nghĩa của: THANH TỊNH. Kính chúc Thầy khỏe. Xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thanh tịnh (Visuddhi) có nghĩa là trong lành, định tĩnh và sáng suốt. Giới trong lành gọi là giới thanh tịnh, tâm định tĩnh gọi là tâm thanh tịnh, tuệ sáng suốt gọi là kiến thanh tịnh. Thân không làm ác, khẩu không nói ác, ý không nghĩ ác gọi là tam nghiệp thanh tịnh.
Ngày gửi: 24-05-2012
Câu hỏi:
Thưa Sư cho con hỏi tu tập theo Pháp Luân Công (http://www.falundafa.org/Vietnamese) mang lại sức khỏe, nhưng ta có thấy được thực tánh Pháp từ phương pháp này không? Xin tri ân Sư!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy chưa nghiên cứu sâu về Pháp Luân Công nên không có nhận định gì về pháp này. Theo nguyên lý thì chỉ thấy được thực tánh chân đế khi thấy biết không qua khái niệm, và không qua một phương pháp xử lý nào. Tức là tâm vô niệm (vượt ngoài khái niệm) và vô vi (không phản ứng tạo tác) thì mới đủ rỗng lặng trong sáng để trực nhận chân thực bản chất của pháp.
Ngày gửi: 23-05-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Con có người bạn tập thiền, và trong thời gian gần đây, trong lúc ngồi thiền và đôi lúc trong sinh hoạt hằng ngày, anh có nghe tiếng nói trong nội tâm. Và trong khi ngủ anh nói cũng có gặp những giấc mơ và hình ảnh kỳ lạ.
Anh không trình bày rõ là những gì, nhưng anh nói là chỉ muốn là những việc đó đừng xảy đến với anh nữa.<p>
Con có khuyên anh là đừng tập thiền nữa, và hãy cứ buông thả, thư thái thân tâm, để cho nó được nghỉ ngơi. Không biết con khuyên vậy có đúng không. Xin thầy hoan hỷ chỉ dạy cho chúng con. Cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con khuyên như vậy là đúng. Nếu tiếp tục anh ta có thể bị rối loạn tinh thần (thầy tránh dùng từ tâm thần). Nhiều người cố gắng "thiền" nhưng không thực sự biết thiền là gì, cứ nghĩ rằng làm sao định tâm hay đạt đến kết quả nào đó mà họ mong ước là được. Thiền thì ngược lại, chính vì tâm không mong muốn gì cả, chỉ buông thư nghỉ ngơi thoải mái (ly dục ly bất thiện pháp) nên tâm liền ổn định tự nhiên. Tâm ổn định do không mong cầu nên thoát khỏi các tướng khái niệm mà thấy rõ thực tánh pháp, và đó chính là định tuệ trong chánh pháp.
Ngày gửi: 23-05-2012
Câu hỏi:
Nghèo có phải là cái tội không thưa Thầy. Theo nhân quả thì nghèo là do tội bỏn sẻn không biết bố thí,...là có tội đúng không thưa Thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bỏn xẻn là bất thiện nhưng không phải là nguyên nhân chính của nghèo, ngược lại lắm khi vì ích kỷ bỏn xẻn mà giàu cũng có. Giàu mà bất chính (lợi mình hại người) mới là có tội. Người ích kỷ bỏn xẻn dù giàu vẫn thấy mình còn nghèo. Do đó đánh giá giàu nghèo theo mức thu nhập là không đúng, và xem giàu nghèo là biểu hiện của phước tội lại càng không đúng hơn. Đó là một hiểu lầm trầm trọng về thiện và ác, phước và tội.
Theo thầy, giàu là người dù có thu nhập thấp nhưng vẫn thấy dư, sống hạnh phúc và sẵn sàng san sẻ cho người khác. Còn nghèo là người dù có thu nhập cao nhưng vẫn thấy thiếu thốn, và sống bất hạnh vì tham lam ích kỷ. Người "an bần lạc đạo" thì phước chứ không tội. Người "phú giả bất nhân" thì tội chứ không phước. Vậy phước tội được đánh giá theo tính chất thiện và bất thiện của hành vi (nhân) và thái độ chấp nhận hoàn cảnh (quả) chứ không căn cứ trên mức thu nhập cao hay thấp. Thu nhập thấp mà thấy an vui là hạnh phúc, thu nhập cao mà thấy buồn bực là khổ đau. Tội phước, khổ vui rất vi tế, khó mà xét được qua hình thức bên ngoài.
Ngày gửi: 23-05-2012
Câu hỏi:
Thưa Thầy cho con xin hỏi. Ở Ấn độ là nước mà đức Phật đản sanh. Và hiện nay số dân ăn chay chiếm tỉ lệ đến 80% dân số cả nước. Nhưng không hiểu tại sao cái nghèo đói và phân chia giai cấp của họ vẫn không thay đổi. Nhất là nghèo đói... vẫn là một vấn nạn cho đất nước họ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Người Ấn Độ phần lớn ăn chay theo Ấn giáo. Mặc dù đức Phật sinh ra ở Ấn Độ nhưng vốn đất nước này đã theo đạo Bà-la-môn (gốc của Ấn giáo) và phân chia giai cấp từ trước nên đa số quần chúng bình dân vẫn tin tưởng nơi thần linh và xem Phạm Thiên là đấng Tạo Hóa. Khi đức Phật còn tại thế thì Phật giáo phát triển nhưng khoảng 200 năm sau đức Phật nhập diệt thì đạo Bà-la-môn phục hồi trở lại vì đa số quần chúng vẫn còn niềm tin ở đa thần giáo. Sau thời kỳ Nguyên Thủy của Phật giáo (khoảng 200 năm) ngay cả Phật giáo Phát Triển (Tiểu Thừa và Đại Thừa) cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của đạo Bà-la-môn, cụ thể như chủ trương ăn chay hoặc đưa thêm nhiều vị Phật và Bồ-tát vào Phật giáo thay thế cho Thần Linh Thượng Đế để đáp ứng niềm tin tha lực của quần chúng vốn đã quá sâu dày. Sau thời kỳ cực thịnh của Đại Thừa ở Ấn Độ, Phật giáo lại bị Hồi giáo tiêu diệt nên hầu như không còn trên đất nước này nữa (cũng như Thiên Chúa giáo bị đẩy ra khỏi nước Do Thái), mãi đến thế kỷ 20 Phật giáo mới được phục hồi với quy mô còn nhỏ hẹp so với đại đa số quần chúng Ấn. Còn chuyện giàu nghèo thì Ấn Độ chính yếu là vẫn do giai cấp nên nếu nói giàu thì người giàu nhất thế giới là người Ấn mà nói tới nghèo thì người nghèo nhất thế giới cũng là người Ấn.
Ngày gửi: 22-05-2012
Câu hỏi:
Bạch sư: trong thiền hành người ta thường hay nói, Tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Có phải tỉnh giác là trạch pháp không? Kính mong sư giải thích cho con hiểu rõ. Con cám ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tinh tấn là trở về thực tại, không buông theo ý muốn của cái ta ảo tưởng mà thuật ngữ Phật học gọi là không buông lung phóng dật. Chánh niệm là tâm trọn vẹn với thực tại hay không bỏ quên chính mình (thất niệm) để lang thang nắm bắt ảo ảnh bên ngoài. Tỉnh giác là thấy biết không mê mờ, tức thấy trực tiếp không qua ý niệm của lý trí vọng thức và không qua phản ứng tạo tác chủ quan của bản ngã. Trạch pháp chỉ là một công dụng trong ý nghĩa rộng hơn của tỉnh giác.
Ngày gửi: 22-05-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy!
Theo con hiểu thì để giác ngộ, giải thoát thì phải nhận ra được bản ngã của mình (hay cái tôi của mình). Thông qua việc quán sát cái tôi từ hành động, ý nghĩ, cảm giác... mọi lúc mọi nơi để nhận ra nó. Khi nhận ra bản ngã của mình, không còn bị vướng mắc thì ta sẽ giải thoát phải không Thầy?
Rất mong Thầy chỉ dạy cho con!
Con xin cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng vậy. Nhưng thực ra không phải giải thoát ra khỏi điều gì ngoại trừ cái ta ảo tường. Tuy nhiên cái ta thì con chỉ cần thận trọng chú tâm quan sát nó thôi chứ không nên vội vàng loại bỏ hay duy trì nó. Phát hiện và theo dõi nó để qua nó học được những bài học về tánh tướng thể dụng của pháp mà không bị nó đánh lừa là được.
Ngày gửi: 22-05-2012
Câu hỏi:
Cháu năm nay 14 tuổi chuẩn bị thi vào lớp 10, cháu rất lo sợ sẽ không vào được trường công lập. Cháu sợ phụ lòng ba mẹ. Vậy mong thầy chỉ giúp cháu làm thế nào để tự tin hơn được không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi cháu siêng năng, chú tâm và tỉnh táo chăm lo học tập thì cháu sẽ tự tin hơn và cũng không để phí thời gian cho việc lo lắng vô ích. Vào trường công là tốt nhưng không nên vì thế mà tạo áp lực cho mình. Chính sự siêng năng, chăm chú và nhẫn nại học tập tạo nên khả năng đạt được thành quả cao trong thi cử, đồng thời cũng tạo nên phẩm chất cao quý của một con người. Vì vậy dù vào được trường công hay không thì cháu vẫn có được phẩm chất cao quý mà thầy nghĩ đó mới là điều ba mẹ cháu mong cháu có được hơn cả mong cháu vào trường công để chỉ gây áp lực phản tác dụng. Thầy chúc cháu cứ tự nhiên mà học tập chăm chỉ, không có gì đáng sợ cả, chỉ sợ là không siêng năng chuyên chú học tập mà thôi.
Ngày gửi: 22-05-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy cho con hỏi. Thế nào là tâm thất niệm (có phải đó là tâm dao động, vọng động, suy nghĩ lo lắng sợ hãi về những chuyện ở tương lai hay áy náy những chuyện quá khứ phải không thầy)? Thế nào là tâm tạp niệm, tâm vọng niệm? Thầy có thể lấy cho con vài ví dụ về tâm thất niệm, tâm tạp niệm, tâm vọng niệm được không ạ. Con xin cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thất niệm là tình trạng tâm bỏ quên thực tại thân-tâm-cảnh vì đang dính mắc vào một đối tượng "ảo" bên ngoài. Thất niệm có thể xuất hiện dưới hình thức tạp niệm là suy nghĩ lung tung bất định từ chuyện này qua chuyện khác, hoặc dưới hình thức vọng niệm là suy nghĩ sai lầm không căn cứ trên sự kiện thật.
Ví dụ một học sinh đang ngồi trong nhà học bài nhưng tâm lại đang tưởng tượng đi chơi ngoài phố, đó là thất niệm. Đang nghĩ đi chơi ngoài phố rồi lại tưởng tượng lên xe buýt đến công viên, rồi vào siêu thị mua sắm v.v... đó là tạp niệm. Đã vậy cậu ta nghĩ rằng tâm mình đi lang thang khắp chốn như vậy thật là tuyệt vời, đó là vọng niệm.