Kết quả Tìm Kiếm: Có 78 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'giáo dục & dạy con'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Thưa Thầy, cho con hỏi. Con có một việc rất là khó, tự con không biết giải quyết ra sao nữa, con mong Thầy giúp con. Vợ chồng con ly hôn gần 10 năm rồi, cô ấy thì đi với người khác, còn con ở vậy nuôi 2 cháu nhỏ. Nay 1 cháu gái học lớp 12, cháu trai học lớp 9, cả 2 cháu đều ngoan và học giỏi, thầy cô, hàng xóm đều khen ngợi. <p>
Vậy mà vài tháng gần đây cháu trai thường xuyên bỏ lớp bồi dưỡng học sinh giỏi toán để đi chơi game. Khi biết được, do không kìm chế được con đã đánh cháu mấy roi và từ hôm đó con đưa rước cháu đi học chứ không để cho tự đi xe đạp nữa và dần dần thấy cháu cũng ổn định lại sau vài ngày đầu khó chịu. Nhưng hôm qua con đi rước thì không thấy cháu đâu, về nhà đã thấy cháu ở nhà rồi. Cháu giải thích là ra cổng trường không thấy ba đâu nên con đi bộ về. Vì vẫn còn nghi ngờ cháu còn chơi game nên con đã mắng cháu và có nói nặng lời là mẹ mày đã hư bây giờ con cũng hư nốt, hãy sang ở với mẹ đi. Con nói thêm 1 hồi thì cháu đi thật. Mẹ cháu thì thường xuyên cập bồ với người khác và chơi với những người bạn xấu, con thì xác định rõ ràng là ở vậy nuôi con và học Đạo. Con sợ rằng cháu qua đó sẽ nhiễm thói hư của mẹ và những người bạn của mẹ. Con phải làm gì bây giờ, gọi cháu về hay cứ để cháu ở với mẹ cháu để cuộc đời tự dạy cho cháu những bài học? Con mong Thầy hoan hỷ giúp con. Con xin cảm ơn Thầy ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nóng giận là sai rồi, bây giờ nên xin lỗi cháu và khuyên cháu về đi học lại. Cháu đi chơi game hẳn là có lý do nào đó, chẳng hạn để giải khuây, vì buồn chán hay bị một bức xúc nào đó mà lẽ ra con phải tìm hiểu để khuyên nhủ cháu sao cho có tình có lý, làm cháu cảm động mà hiểu ra vấn đề mới được. Có thể vì con giận mẹ các cháu nên cấm đoán các cháu đến với mẹ, đôi lúc con lại trút cơn giận lên các cháu nữa khiến chúng ấm ức, mặc cảm hoặc tăng thêm nỗi khổ trong lòng. Con thấy ra những điều này cũng chính là học đạo, học thiền chứ không phải đạo, thiền nào khác đâu.
Câu hỏi:
Kính bạch thầy! <p>
Xin thầy hướng dẫn cho con cách dạy một đứa trẻ, một đứa trẻ hồn nhiên vui tươi, không làm cho trẻ sợ, không làm cho trẻ dại, vì trẻ là mầm non, nên dạy thận trọng, dạy sai trẻ đi theo đường sai, dạy đúng thì trẻ mới đi theo đường đó. Phải cho trẻ môi trường như thế nào, để trẻ thích nghi. Nhiều người nói cha mẹ sanh con trời sanh tánh, nhưng theo con nghĩ, đó là một lí do nghiệp trước của trẻ, nhưng hiện tại mới làm thay đổi quá khứ và tương lai. Thật sự con không biết hướng dẫn trẻ phải sống sao. Bạch thầy chỉ giúp con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con trẻ giống như một mầm non đang phát triển, cha mẹ cần học cách bảo vệ và nuôi dưỡng cho trẻ phát triển hơn là uốn nắn trẻ theo mẫu mực của mình. Đến 4 tuổi trẻ đã học được một cách tự nhiên 50% nhận thức cơ bản trong đời sống, về sau nhờ học hỏi, trải nghiệm bản thân trong đời mà hoàn thiện nhận thức và hành vi của mình. Thực ra giáo dục nhà trường phần lớn dạy về những quy ước xã hội và những kỹ thuật hay phương tiện sống bên ngoài hơn là nhận thức bản thân, hoàn cảnh và nghệ thuật sống. Sinh ra trong gia đình và xã hội nào thì đành sống theo khuôn khổ của hoàn cảnh đó, vì vậy nên tính tự do sáng tạo đã bị bóp chết ngay từ khi còn non dại.
Mỗi đứa trẻ có một duyên nghiệp riêng nên cũng có tính cách và khuynh hướng riêng, mà cha mẹ cần hiểu trẻ để hướng dẫn hơn là áp đặt nguyên tắc. Cha mẹ nên giúp trẻ tự biết nhận thức điều đúng điều sai, điều lợi điều hại, điều tốt điều xấu bằng cách gợi ý, đặt câu hỏi để trẻ biết vận dụng trí tuệ của mình, nếu trẻ trả lời sai vì chưa thấy ra thì nên đặt nhiều tình huống khác nhau hoặc ngược lại để trẻ mở rộng tầm nhìn. Không nên nhồi nhét kiến thức và kinh nghiệm của cha mẹ vào đầu óc con trẻ, nên để trẻ tự khám phá học hỏi bằng cách để cho chúng tự trải nghiệm cuộc sống. "Đi cho biết đó biết đây / Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn" là vậy. Hành trang của trẻ chỉ cần là biết thận trọng, chú tâm, quan sát cũng đủ để sống và phát huy và hoàn thiện năng lực bản thân.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con dạy con của mình bằng cách chỉ dạy và nói cho chúng hiểu, ít khi nào cứng rắn với chúng. Con của con theo học đại học mấy năm nay, đến năm cuối cùng thì nó bỏ dỡ và quyết định không học nữa. Con của con tuy ngoan, nhưng lại rất nhát tánh và không chịu cố gắng học. Con có nói chuyện và lắng nghe nó, và nói rằng nó quyết định sao tụi con cũng sẽ chấp nhận. <p>
Con nhìn bạn bè chung quanh, thấy họ cứng rắn, nghiêm khắc dạy con, mà con của họ được đổ đạt và thành tài. Còn mình thì cứ cố gắng hiểu và thương con cái mà chúng không chịu cố gắng. <p>
Con biết con đang học bài học làm cha mẹ, nhưng nhiều khi con không biết dạy con như vậy có đúng không, có làm hại cho tương lai của chúng không? Kính xin thầy chỉ dạy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cứng rắn, ngọt ngào, giải bày, chỉ bảo v.v... chỉ là những biện pháp thể hiện cách giáo dục, con có thể ứng dụng cách này hay cách khác, hoặc dùng mọi cách càng tốt, miễn sao có hiệu quả đúng tốt cho con mình là được, nhưng tất cả đều phải xuất phát từ tình thương yêu và sự hiểu biết, chứ không phải chủ quan theo quan niệm của mình. Muốn dạy con đúng thì trước hết chính bản thân mình phải hiểu đúng ý nghĩa đích thực của cuộc sống là gì. Tiêu chuẩn hư và nên của cha mẹ lắm khi không giống với bản chất thực của đứa con, đã không giúp nó biết sống mà còn rập khuôn nó trong lề thói suy nghĩ nông cạn của người đời.
Đôi lúc cha mẹ cứ muốn con thành đạt theo ý mình, và nó đã thành công như ý nhưng chưa hẳn đã thành nhân. Như vậy chưa phải là xuất phát từ tình thương yêu thật sự và sự hiểu biết đúng đắn. Muốn con mình đỗ đạt, danh cao, vọng trọng... có thể là tiêu chí của thành công mà cha mẹ mơ ước, nhưng không chắc gì giúp nó được thành một con người biết sống, biết yêu thương và biết ý nghĩa đích thực của cuộc sống là gì. Vậy vấn đề là dạy con thành đạt theo tiêu chí xã hội hay dạy con nên người. Biết đâu lười biếng học có thể là một phản ứng tự nhiên hay thái độ phản kháng thông minh khi nhận ra nó đang học những điều vô bổ cho một cuộc sống thật sự hạnh phúc của một nền giáo dục bất cập. Phải hết sức thận trọng để đừng biến một con người thật sự thành một món hàng cao giá giữa chợ đời.
Câu hỏi:
Thưa Thầy, <p>
Con đi dạy thêm ở nhà học trò, con thấy học trò con học lớp 6, lớp 9 có nếp sống không ngăn nắp, không xếp mền mỗi khi ngủ dậy, sách vở để không gọn gàng. Con cũng đã nhắc nhở và hướng dẫn nhưng chỉ vài lần nghe theo rồi chứng nào tật nấy. Con cũng lại nhắc nhở rồi cũng vậy, con thấy ba mẹ các cháu cũng không xếp mền sau khi ngủ dậy nên việc này chỉ mình con thôi thì không tốt... Con muốn hướng dẫn các em không chỉ học giỏi mà phải biết cách sống cho tốt không dựa dẫm ỉ lại thầy cô, cha mẹ. Đôi lúc con rất bực mình và thể hiện ra thái độ về những việc này của các em. Con thấy mình khởi tâm muốn "cho các em tốt" thì có phải dính vào tham/sân nên mới khó chịu như vậy. Nhưng không khởi tâm này, con dửng dưng cách sống như vậy thì con lại thấy không đúng với trách nhiệm làm thầy của mình. <p>
Vậy con phải làm sao, con nghĩ cứ mỗi ngày đi dạy con lên phòng học trò tự xếp mền lại nhiều lần để cho các em thấy là việc này rất quan trọng, thầy rất mong muốn các em sửa, rồi từ từ hiểu ra và sống tốt hơn.<p>
Hay là con "cứ để vậy như nó là" "tâm con có sao thì vậy như nó là" để học trò con sống không ngăn nắp thì kệ như nó đang là để các em sau này nhận lấy bài học của chính các em. <p>
Mong Thầy chỉ dạy cho con ạ. Con cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cả hai thái độ muốn các em tốt hơn một cách chủ quan hoặc dửng dưng để mặc các em không quan tâm tới đều không đúng. "Cứ để yên như nó là" không có nghĩa là buông xuôi mà chính là để quan sát được mọi diễn biến của sự kiện, thấy ra cái đúng cái sai của các em một cách khách quan trung thực. Có quan sát trung thực mới thấy ra sự thật, và có thấy ra sự thật thì con mới giúp các em nhận thức được sự sai lầm của mình và từ đó biết tự điều chỉnh một cách đúng đắn, chứ không buông xuôi cũng không bắt các em phải theo một khuôn phép kỷ luật hay một quan niệm đạo đức nào.
Con đã thấy được một phần của sự việc, nhưng cần quan sát rất khách quan trung thực và toàn diện hơn. Không phải chỉ quan sát hình thức sai trái của các em mà còn quan sát nhiều phương diện khác như tâm lý, môi trường v.v... trong đó có cả quan sát lại chính mình, thì việc hành xử của con mới không cục bộ, đơn điệu, một chiều. Nếu con giải quyết chủ quan, cục bộ, một chiều thì chỉ giải quyết được việc xếp mùng mền theo một cách nào đó thôi chứ không giúp các em ý thức sâu xa sự sai lầm của mình để tự biết tháo gỡ hay chuyển hóa. Như vậy chưa phải là giúp các em điều chỉnh nhận thức và hành vi một cách đúng đắn, và cũng có nghĩa là con cần phải điều chỉnh lại cách nhìn và cách giáo dục đạo đức sống cho chính các em chứ không phải muốn các em theo nề nếp mà con quy định.
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con quá đỗi vui mừng vì vừa gởi thư đi là nhận được hồi âm của Thầy liền. Con cám ơn Thầy.<p>
Con xin lỗi Thầy, con đã không dám trình bày quá sâu vào sự việc vì sợ mất thời giờ của Thầy. Nhưng như vậy thì không nói rõ được hết những uẩn khúc trong đó. Thật ra em con đã tự nguyện thay vợ chăm lo cho con cái, nên nó không bị mặc cảm chi phối. Con chỉ nhận thấy rằng nhiều lúc em con bối rồi trong việc giáo dục con cái, xưa nay em con mua rất nhiều sách vở để học cách nuôi dạy con nhưng dường như nuôi con là thiên chức của người mẹ, nên dù có cố gắng mấy em con vẫn rất khó khăn và bất lực trong một vài phương diện. <p>
Nay em con lại rơi vào trạng thái không ổn định về tinh thần nên càng lo ngại rằng những lúc la mắng con cái lại chính là những lúc mình mệt mỏi nên nóng giận sai lầm. Gần đây em con hay băn khoăn về việc không có đủ năng lượng tinh thần để chơi đùa với đứa con gái bé nhất năm nay được 5 tuổi đang rất hoạt động và ngỗ nghịch; cũng như khá bất lực với con bé chị được 10 tuổi rất cá tính. Em con chấp nhận hoàn cảnh gia đình, nhưng lại tự giận thân vì những khả năng hạn chế của mình. Thật ra em con cũng đã thành công trong việc chăm lo cho 3 đứa con mình phát triển về mặt thể chất, nhưng có lẽ là chưa đủ. Vì bản thân gia đình Ba Mẹ và các anh chị em con không ai có được sức khỏe, con biết rõ nguyên nhân chính là vì cái Tâm không được An tịnh bao đời nay.<p>
Lẽ ra con chỉ nên xin Thầy tư vấn về những vấn đề trong lĩnh vực hoằng pháp của Thầy đó là Thiền và thực hành Thiền. Nhưng được nghe qua những điều Thầy giảng dạy con cảm nhận được Thầy đã đạt trạng thái bao la, cao rộng và sâu dày trong cái đơn sơ, mộc mạc và đơn giản nhất của Tâm. Con xin Thầy từ bi lại thêm ý soi sáng nữa cho con. Nhất định trong một ngày gần đây con và em con sẽ có dịp tìm nghe Thầy thuyết giảng và đảnh lễ Thầy.<p>
Xin Thầy Hỉ Xả nếu những vấn đề rắc rối của gia đình chúng con có làm Thầy chút xíu bồi rối và nhức đầu. Kính mong Thầy luôn An Lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sao chúng ta lại nghĩ là dạy con mà không là học hỏi ở con nhỉ. Có thể em con cảm thấy mệt và bất lực vì muốn dạy con hiệu quả như thế nào đó mà không như ý chăng? Cha mẹ cần học ở các bé rất nhiều với tấm lòng nhẫn nại, thương yêu, tôn trọng và thông cảm. Hiểu bé là chính, còn dạy thực ra lại là điều chỉnh nhận thức và hành vi của chính mình đối với bé chứ không phải muốn bé theo ý mình. Thực ra học và dạy chính mình còn chưa xong làm sao có tham vọng dạy bé được. Đó là tham vọng hoang tưởng của cha mẹ, nên phần lớn chỉ muốn đúc con thành những mẫu mực lý tưởng để rồi làm hỏng chính mình và con cái mà thôi. Học con và dạy con chính là thiền, thiền thì không khuôn định, không có tương lai, chỉ nhận ra sự thật trong từng giây phút hiện tại mà thôi. Cha mẹ đã tự khuôn định mình rồi, lại muốn đặt định con cái theo mẫu lý tưởng nào đó. Hãy cởi mở cho mình trước rồi mới giúp bé sau, chứ đừng buộc thêm cho ai điều gì cả. Học hỏi là hoạt động đầy hứng thú, là khám phá mọi sự luôn mới mẻ mà bản chất của nó là vô thường, vô ngã. Vì muốn thường, muốn ngã nên mới khổ đó thôi. Hãy bắt đầu từ không biết gì cả chứ đừng bắt đầu bằng kiến thức đã tích lũy được, cái mới mẻ không bao giờ là cái đã biết, vì vậy không bao giờ tiếp cận được với các bé hoàn toàn còn ngây thơ trong trắng. Hãy viết lên trang giấy trắng những vần thơ vô ngôn đầy cảm hứng và sáng tạo rồi để gió cuốn đi không để lại dấu tích gi...
Câu hỏi:
Kính bạch thầy!<p>
Con là người mẹ tồi! Con có một cậu con trai năm nay 14 tuổi, cháu học lớp 7, cháu ham mê điện tử, thỉnh thoảng trốn học đi chơi, la cà các quán điện tử gần trường. Cháu rất hiếu động từ nhỏ, độ tập trung kém. Mặc dù theo như sự đánh giá của các thấy cô giáo đã từng dạy cháu thì cháu là một đứa trẻ có tố chất, khá thông minh, nhưng khả năng tập trung rất kém, trong các giờ học cháu hay quay ngang, quay ngửa, nói chuyện và làm việc riêng. Thậm chí cô giáo xếp cho cháu ngồi bên cạnh một bạn bị tự kỉ ít nói nhưng cháu vẫn có thể nói chuyện, đôi khi là tự nói một mình. <p>
Hai vợ chồng con đã cố gắng thử các cách để giáo dục cháu như tâm tình, động viên, và cả những trận đòn roi đau nhớ đời. Chúng con còn mua sách mang tính nhân văn cho cháu đọc, cho cháu tiếp xúc với một số các anh chị lớn tuổi thành đạt, cho cháu tham gia một khóa tu ở Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, vãn cảnh chùa, bắt cháu làm công việc nhà, nhờ gia sư kèm, các thầy cô giáo và bạn bè theo dõi kèm cặp... nhưng cháu vẫn không tiến bộ. Hai vợ chồng con thấy bất lực quá! Thậm chí bây giờ con đang có nghĩ đến việc làm lễ giải hạn và đổi tên cho cháu. Con thấy lúng túng và bế tắc quá! Cả tương lai của con là ở đó! Thầy cứu con với! Kính thầy! <p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có lẽ hai vợ chồng con chưa thực sự yêu thương con mình đúng mức. Phần lớn cha mẹ, thầy cô muốn con em mình trở thành một "người mẫu" lý tưởng theo cách của mình chứ không theo cách riêng của đứa bé. Nền giáo dục hiện nay của chúng ta còn thiếu sót rất lớn ở điểm này. Người ta giáo dục để đào tạo ra những sản phẩm rập theo khuôn đúc chứ không giáo dục theo hướng phát triển khả năng của từng con người. Người khiếm khuyết khả năng này lại có sở trường về khả năng khác, nhưng chúng ta không có đủ kiên nhẫn, yêu thương và thiện chí để thấy ra chỗ ưu cần được phát triển, chỉ thấy chỗ khuyết mà mình cho là không đúng theo quan niệm của mình.
Đây không còn là việc giáo dục con em nữa mà còn là bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi của bậc cha mẹ lẫn thầy cô. Bài học thật cam go đầy thử thách như vậy chính là để cha mẹ và thầy cô không phải chỉ giáo dục con em mà còn phải biết giáo dục chính mình nữa. Đừng trông cậy vào bất kỳ ai về một giải pháp nào vì đó là bài học mà mỗi người phải khám phá ra sự thật trong tình huống của riêng mình.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,<p>
Mấy hôm nay con có nghe một bài pháp Thầy nói về vấn đề dạy dỗ con cái, và con cũng đồng ý với những lời Thầy nói. Tuy nhiên con có một tâm tư về đứa con trai của con, năm nay nó 20 tuổi. Chúng con cũng đã cố gắng hướng dẫn nó, cắt nghĩa đủ mọi thứ, mọi cách, để cho nó có tương lai tốt đẹp hơn, nhưng nó không nghe theo. Nó sanh ra tại Mỹ, đã tốt nghiệp trung học năm 2011, nó học chữ rất yếu nên con khuyên nó đi học nghề mà nó có vẻ không thích, chỉ thích đi làm cho một nơi với đồng lương tối thiểu mà chẳng có tương lai, và nó cứ tà tà như thế ngày này qua ngày nọ. Làm cha mẹ thì rất là sốt ruột vì cảm thấy nó phí thời giờ tuổi tác của nó. Câu hỏi của con là có nên dùng các biện pháp "ép buộc và cứng rắn" với nó hay không? Hay là cứ để mặc kệ cho nó tìm ra cho nó một hướng đi mà nó cảm thấy nó thích mặc dù là cha mẹ không thích, và mình chỉ trợ duyên cho nó mà thôi. Nếu dùng biện pháp ép buộc, cứng rắn thì con sợ nó sẽ đi vào con đường khổ cực hơn và lúc đó con sợ con cũng sẽ cảm thấy buồn vì mình dồn con mình vào tư thế đó. Kính mong Thầy cho chúng con một ý kiến để chúng con nương theo mà hướng dẫn cho nó. <p>
Kính chúc Thầy có một ngày vui.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cha mẹ bây giờ ít tâm sự với con cái, hai thế hệ ngày càng cách xa hơn nên khó hiểu nhau hơn. Lúc đầu cha mẹ cứ nuông chìu hoặc la rầy con và muốn con đi theo đường hướng mình vạch ra mà không hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khả năng, khuynh hướng v.v... của nó nên nó đâm ra sợ và không muốn gần cha mẹ nữa.
Nuông chìu và ép buộc không phải là biện pháp hay mà chủ yếu là cha mẹ và con cái có hiểu nhau không. Thầy có một đứa cháu mà cha mẹ và anh chị nó nói với thầy là đã hư hỏng, lười biếng, ham chơi, không chịu học hành. Thầy ngồi chuyện trò và ân cần chia sẻ tâm sự với nó chỉ một lần thôi thì nó đã đổi hẳn thái độ học tập và về sau ai cũng khen nó là đứa con thành đạt nhất trong nhà.
Làm sao cho con cái cảm nhận được tình yêu thương và sự cảm thông của cha mẹ là điều tiên quyết, sau đó nên chia sẻ tâm sự hơn là chỉ nói lý lẽ với nó, nên nghe nó nói để hiểu nó nhiều hơn và tôn trọng tâm tư nguyện vọng của nó hơn, nên khuyến khích sự tự giác hơn là để nó thấy bị dồn ép. Thầy thấy có nhiều người thương con nhưng không biết cách bày tỏ tình thương yêu đó đến nỗi con cái tưởng cha mẹ ghét bỏ mình, khiến nó có mặc cảm tự ty, điều này làm cho nó dễ dàng sa sút.
Câu hỏi:
Con có một đứa em hay trái ý với mẹ, con rất lo mà không cách nào hoá giải được để gia đình cùng nhau vui vẻ. Con kính xin Thầy một lời khuyên. Con kính Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đó là bí mật mà pháp đang đến giúp ba mẹ con con học ra sự thật về chính mình và người thân trong gia đình. Nếu học ra được bài học ứng xử trong gia đình thì sẽ dễ dàng hơn trong giao tiếp với xã hội bên ngoài. Mỗi người qua đó thấy ra cách ứng xử của mình có đúng tốt và hiệu quả chưa, nếu chưa thì thận trọng chú tâm quan sát lại để điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình. Chỗ nào còn chủ quan thiên lệnh vì nặng cảm tình hay lý trí chưa sát với sự thật thì cần trầm tĩnh sáng suốt để khám phá cho ra sự thật. Đừng bi quan, tình thương yêu cũng là một yếu tố cần thiết để chuyển hóa.
Câu hỏi:
Kính bạch thầy.
Lẽ ra con không làm phiền thầy về chuyện gia đình của con, nhưng con nghĩ chỉ có thầy mới cho con những lời khuyên bổ ích, vậy con mạo muội gởi đến thầy câu chuyện sau, mong thầy hoan hỷ. Con có một đứa con trai 14 tuổi nhưng nó lại không chịu học hành, không có bạn bè, tối ngày cứ ở nhà một mình, tính tình lại nóng nảy, hay cãi lại cha mẹ, như vậy có phải là nghiệp không? Xin thầy từ bi chỉ dạy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chắc là cháu bị bệnh tự kỷ - một dạng trầm cảm - bẩm sinh, nếu thế thì đúng là nghiệp quả của cháu. Tuy nhiên nghiệp quả này cũng nảy nở tùy theo duyên hoàn cảnh - tức điều kiện môi trường sống của cháu. Nếu thay đổi được môi trường sống thì "tâm tính" ấy cũng có thể thay đổi dần. Nếu cháu không thích học chữ thì cho cháu học nghề gì cháu thích hoặc cho cháu ở trong một môi trường năng động hơn... nghĩa là làm sao tạo điều kiện cho cháu cảm thấy hứng thú để "kích hoạt" khả năng sống của cháu. Đừng thấy cháu như vậy rồi sinh ra bực mình mà biểu hiện những cách ứng xử bất mãn với cháu một cách chủ quan làm cho cháu càng thấy chán nản, dễ nổi nóng và bướng bỉnh hơn. Nhất là tránh so sánh cháu với các cháu khác giỏi hơn trong nhà hoặc hàng xóm để cháu cảm thấy được yêu thương, tôn trọng và tự tin hơn thì cháu mới không còn bị mặc cảm tự ti nữa. Tóm lại, cách biểu hiện tình yêu thương phù hợp với tính cách của cháu là yếu tố rất quan trọng giúp cháu vượt qua sự tự kỷ của mình.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, tận đáy lòng con cảm thấy mình thật may mắn khi được nghe những lời chỉ dạy của thầy. Thưa thầy, con có 2 đứa con, một trai 5 tuổi và một gái 3 tuổi. Giữa thời buổi xã hội có nhiều suy đồi về mặt đạo đức, nhiều lúc con cảm thấy bất an, sợ mình không biết dạy con sao cho lớn khôn nên người. Vì vậy con thật sự tâm đắc khi nghe thầy giảng về cách làm cha mẹ, nhất là cha mẹ không nên áp đặt con cái theo ý mình mà phải quan sát để hiểu con rồi nương theo đó mà dạy dỗ. Thưa thầy, hồi trước khi chưa được biết về pháp của thầy, con thường chú ý dạy con không được sát sinh, không nói dối, không lấy đồ người khác khi chưa được phép. Bây giờ được nghe thầy giảng rồi, con thường nhắc nhở con của con làm việc gì cũng “thận trọng, chú tâm, quan sát”. Thưa thầy, con muốn thầy dạy cho con thêm là con cần phải chú ý điều gì nữa trong cách dạy con và làm thế nào để giúp con con khi còn nhỏ nhưng cũng có thể tập sống dần theo pháp của thầy. Con xin cúi đầu đảnh lễ thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con đừng lo, chỉ cần giúp các cháu biết thận trọng chú tâm quan sát chính mình và thế giới xung quanh thôi thì rồi chính pháp sẽ giúp các cháu học ra bài học của mình để mỗi ngày thêm khôn lớn. Không nên áp đặt kinh nghiệm của cha mẹ để con cái không còn khả năng khám phá và sáng tạo qua trải nghiệm của chúng. Đừng sợ các cháu sai, chỉ giúp các cháu biết nhận ra cái sai của mình và biết tự điều chỉnh. Không phải sống theo pháp của thầy mà giúp các cháu nhận ra và biết sử dụng pháp đã sẵn có nơi các cháu. Con không nên đưa ra những mẫu đạo đức theo một truyền thống nào đó để bắt chúng áp dụng theo mà chỉ giúp các cháu biết nhận ra thế nào là đúng là sai, là thiện là ác ngay nơi mỗi hành động, nói năng suy nghĩ của chúng. Ví dụ không nên cấm chúng sát sanh mà chỉ giúp chúng ý thức được vì sao không nên sát sanh... Tóm lại con nên giúp chúng mở mang tâm hồn để đón nhận điều hay lẽ tốt hơn là quy định điều nào hay điều nào tốt, làm sao chúng cảm thấy cha mẹ là người luôn chia sẻ với mình nhận thức mới mẻ về cuộc sống hơn là dẫn con theo một lối mòn có sẵn.