Kết quả Tìm Kiếm: Có 79 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'giáo dục & dạy con'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, tận đáy lòng con cảm thấy mình thật may mắn khi được nghe những lời chỉ dạy của thầy. Thưa thầy, con có 2 đứa con, một trai 5 tuổi và một gái 3 tuổi. Giữa thời buổi xã hội có nhiều suy đồi về mặt đạo đức, nhiều lúc con cảm thấy bất an, sợ mình không biết dạy con sao cho lớn khôn nên người. Vì vậy con thật sự tâm đắc khi nghe thầy giảng về cách làm cha mẹ, nhất là cha mẹ không nên áp đặt con cái theo ý mình mà phải quan sát để hiểu con rồi nương theo đó mà dạy dỗ. Thưa thầy, hồi trước khi chưa được biết về pháp của thầy, con thường chú ý dạy con không được sát sinh, không nói dối, không lấy đồ người khác khi chưa được phép. Bây giờ được nghe thầy giảng rồi, con thường nhắc nhở con của con làm việc gì cũng “thận trọng, chú tâm, quan sát”. Thưa thầy, con muốn thầy dạy cho con thêm là con cần phải chú ý điều gì nữa trong cách dạy con và làm thế nào để giúp con con khi còn nhỏ nhưng cũng có thể tập sống dần theo pháp của thầy. Con xin cúi đầu đảnh lễ thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con đừng lo, chỉ cần giúp các cháu biết thận trọng chú tâm quan sát chính mình và thế giới xung quanh thôi thì rồi chính pháp sẽ giúp các cháu học ra bài học của mình để mỗi ngày thêm khôn lớn. Không nên áp đặt kinh nghiệm của cha mẹ để con cái không còn khả năng khám phá và sáng tạo qua trải nghiệm của chúng. Đừng sợ các cháu sai, chỉ giúp các cháu biết nhận ra cái sai của mình và biết tự điều chỉnh. Không phải sống theo pháp của thầy mà giúp các cháu nhận ra và biết sử dụng pháp đã sẵn có nơi các cháu. Con không nên đưa ra những mẫu đạo đức theo một truyền thống nào đó để bắt chúng áp dụng theo mà chỉ giúp các cháu biết nhận ra thế nào là đúng là sai, là thiện là ác ngay nơi mỗi hành động, nói năng suy nghĩ của chúng. Ví dụ không nên cấm chúng sát sanh mà chỉ giúp chúng ý thức được vì sao không nên sát sanh... Tóm lại con nên giúp chúng mở mang tâm hồn để đón nhận điều hay lẽ tốt hơn là quy định điều nào hay điều nào tốt, làm sao chúng cảm thấy cha mẹ là người luôn chia sẻ với mình nhận thức mới mẻ về cuộc sống hơn là dẫn con theo một lối mòn có sẵn.
Câu hỏi:
Thưa thầy, con có một con gái sinh ở Canada, nhưng từ nhỏ con đã dạy nó hướng về Phật pháp. Chính vì vậy nên nó rất tin Phật, nhưng chỉ tin như một cái máy và không bao giờ học hỏi tham khảo về đạo Phật để biết đạo Phật dạy những gì. Chỉ trừ khi có mong cầu hay ước mơ gì thì nó mới niệm Phật và cầu nguyện cho được như ý. Nó rất nóng tính và sân si, có lẽ nó bị ảnh hưởng cái tính này từ con. Nhưng từ khi con đến với đạo Phật học hỏi giáo lý, con đã buông xả rất nhiều để tâm an lạc và sự lo âu giảm đi, sân si của con cũng giảm nhiều vì con đọc sách và trang web của thầy. Con nhiều lúc thấy nó cứ ôm mãi cái sân si, con nghĩ đó là cái nghiệp của nó, con muốn tháo gỡ cho nó để tâm tư nó thay đổi và cõi lòng nó nhẹ nhàng khi cuộc sống có nhiều biến động. Con đã nhiều lần năn nỉ nó đọc 1 trang sách của thầy, nhưng nó nhất định không đọc. Con buồn lắm không biết phải làm sao cho nó chịu đọc để thay đổi bản thân như chính con đã thay đổi. Bây giờ thân tâm con nhẹ nhàng vô cùng. Kính xin thầy cho con ý kiến làm thế nào để giúp con của con "hồi đầu là bến". Con xin cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sai lầm của con là muốn con cái cũng biết Phật Pháp giống như mình. Nhiều người mẹ càng muốn con ăn nhiều cho mau lớn khiến nó càng chán ăn. Một học sinh đang học lớp 5 không thể học lớp 10. Cây cam 3 tháng không thể ra trái như cây cam 3 năm. Mọi sự đều do nhân duyên đầy đủ mà thành, vậy sao con lại muốn con mình tin Phật, tin giáo lý khi nó chưa hội đủ nhân duyên. Hãy tin vào Pháp, dù nó không tin gì cả thì Pháp Tự Nhiên cũng sẽ dạy nó dần dần thấy ra sự thật. Học Pháp không phải là nhồi nhét giáo lý, kinh điển mà là biết lắng nghe học hỏi sự thật nơi chính mình và cuộc sống. Giúp nó sống biết mình trong tỉnh thức, biết lắng nghe quan sát, biết thận trọng chú tâm khi học hành, làm việc, lái xe v.v... Gợi ý cho nó tự biết nhận thức điều sai lẽ đúng ngay nơi đời sống để nó tự biết điều chỉnh hành vi trên những sự kiện thực tế. Và bản thân con cần biết cách thương yêu chia sẻ điều đúng tốt ngay trong cuộc sống mà không cần phải sử dụng ngôn ngữ của kinh điển. Quan trọng là thấy ra chân lý chứ không phải là học theo giáo lý nào.
Câu hỏi:
Thưa thầy, con muốn hỏi thầy một việc không liên quan gì đến Phật pháp, mong thầy giúp con. <p>
Con gái con năm nay mới 16 tuổi đang học lớp 11 nhưng đã vướng vào chuyện yêu đương dẫn đến học hành sa sút, chúng con đã khuyên cháu nhưng không có kết quả. Gần đây cháu sống thu mình không nói chuyện với ai trong gia đình, không chia sẻ điều gì, thậm chí còn tránh mặt bố mẹ. Có vài lần con cũng nói chuyện về giới với cháu nhưng thất bại. Xin thầy cho con lời khuyên. Con tri ân thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có thể vì bị ức chế tâm lý nên cháu đang ở một giai đoạn khởi đầu của chứng trầm cảm. Ngày nay thầy thấy cha mẹ và con cái quá xa cách nhau. Tuổi teen thì quá sôi động, phóng túng và nông nổi, còn cha mẹ thì lại muốn cầm cân nẩy mực nên hai thế hệ thiếu sự cảm thông và chia sẻ với nhau về những vấn đề tế nhị trong đời sống. Đôi lúc cha mẹ quá nghiêm khiến con sợ nên không dám bộc lộ tâm sự. Cha mẹ ít khi vui đùa với con cái như là những người bạn thân nhất của chúng mà chỉ sợ con cái hư hỏng nên tuy có ý tốt nhưng lại xử sự với chúng thiếu tế nhị có thể gây tổn thương hay mặc cảm tội lỗi. Khi nào cha mẹ là những nhà tư vấn đáng kính yêu và tin cậy để con cái có thể bộc lộ tâm sự thoải mái và xin lời khuyên mà không sợ hãi thì cha mẹ mới thành công. Như vậy trước hết cha mẹ phải thương yêu và thông cảm với sự non dại đáng được tha thứ của con cái để giúp chúng nhận thức được vấn đề và có thể chuyền hóa tình yêu thành thái độ cao đẹp và lành mạnh hơn.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con không phải là một đệ tử siêng năng trau giồi và thực hành Phật pháp. Con may mắn đươc thầy tiếp chuyện vài lần tại chùa Kỳ Viên vào khoảng năm 1985 (lúc đó con 21 tuổi). Ngày đó con đến với thầy chủ yếu vì muốn biết thêm một số kiến thức về Phật giáo và để khoe với mọi người rằng mình là người am hiểu nhiều lãnh vực. Ngày đó (1985) con không thực hành những gì thầy dạy hay là những gì con đọc trong những cuốn sách thầy tặng con mà phải đợi cho đến gần 20 năm sau. Con đã sống ở Mỹ được 17 năm, và những năm sau này, cuộc sống của con an lành hơn chỉ vì con đã thực hành lời thầy dạy "Sáng suôt, định tĩnh, trong lành" và con rất thích câu thầy dạy "Sáng trong và lặng lẽ/ Giản dị mới uyên thâm" (hy vọng là con không nhớ lầm những câu thầy dạy). Khi con có dip về Việt Nam con sẽ nhờ người viết thư pháp viết những giòng chữ này và đem về Mỹ treo trong nhà. Con biết là biết cái hay của triết lý nhà Phật đã khó mà thực hành lại càng khó hơn (như trường hợp của con đã phí phạm đến 20 năm rồi mới chịu thực hành Phật pháp).<p>
Thưa thầy, con có một đứa con năm nay 4 tuổi, con rất muốn khi lớn lên nó sống trong tinh thần Phật giáo. Con băn khoăn không biết cách nào là tốt nhất để dạy nó. Thầy có thể hương dẫn cho con cách nào không. Con cám ơn thầy rất nhiều. Mặc dù vùng con sinh sống cũng có một số chùa Bắc tông, nhưng từ xưa đến giờ, con rất it khi lên chùa. Nhưng con nghĩ trẻ em thì mình phải cụ thể hơn bằng cách dẫn nó lên chùa thường xuyên hơn. Không biết suy nghĩ của con có đúng không? <p>
Con mong thầy luôn khỏe mạnh va con mong sẽ được thầy tiếp chuyện khi con có dịp về Việt Nam.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giáo dục con cái cũng chính là giáo dục chính mình. Nuôi dạy con cái nên người thì chính cha mẹ cũng nên người. Không phải chỉ dạy con mà còn học từ con bài học làm cha mẹ. Cha mẹ cần học cách thận trọng chú tâm, lắng nghe quan sát với tâm hồn thật sáng suốt, định tĩnh, trong lành để khám phá chính mình, để thấy rõ thể chất và tinh thần của con cái, để hiểu biết bối cảnh gia đình, xã hội mà con cái và mình đang sống trong đó. Mọi thứ đều thành tựu từ nhiều yếu tố nhân và duyên đầy đủ, chứ không phải chỉ chú trọng một chiều. Nhiều người chỉ biết lo kiếm tiền để cho con cái được sống tiện nghi sung sướng mà không biết rằng hành động như thế chỉ làm cho con cái hư hỏng. Quá kỳ vọng ở sự thành đạt của con cái trên đường học vấn, công danh, sự nghiệp cũng phá hủy khả năng bẩm sinh đích thực của chúng.
Cha mẹ lại thường xem con cái là con nít nên muốn chúng phải vâng theo những chỉ thị của mình. Ngày nay nhiều đứa bé còn rất nhỏ đã biết sử dụng những thiết bị điện tử còn giỏi hơn cha mẹ. Nên xem con cái bình đẳng với mình để chia sẻ thôi chứ không phải dạy dỗ chúng một cách chủ quan. Không nên bắt chúng phải đạt kết quả học vấn cao, hoặc có tiền cho con học trường chuyên chỉ để được chút hư danh, mà không biết như vậy chỉ tạo thêm áp lực cho con cái, do đó nhiều em học đến đại học thì không thể học được nữa, chúng buông thả và đi tìm những thú vui để tiêu khiển, rồi chìm đắm trong chơi game hay thậm chí hút chích xì ke ma túy. Con cái thiếu trải nghiệm cuộc sống, nhưng hãy khuyến khích chúng biết cách tự mình trải nghiệm, chiêm nghiệm và học hỏi từ cuộc sống ý nghĩa đích thực của nó, mình chỉ chia sẻ, gợi ý cho chúng tự nhận thức chứ không bắt chúng phải áp dụng những kinh nghiệm của mình, trừ phi là những kinh nghiệm có tính kỹ thuật.
Câu hỏi:
Con có một con trai năm nay 20 tuổi. Nó không chịu học mà chỉ chơi trên computer hoặc đi chơi cũng những đứa bạn lười học ham chơi như nó. Con đã khuyên bảo nhiều lần nhưng vẫn vô hiệu. Kính thưa thầy giờ con phải làm sao?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đó là thử thách trong bài học làm mẹ của con sao con lại hỏi thầy? Nếu con thông suốt được đạo lý trong thử thách này thì con cũng tiến rất xa trên bước đường giác ngộ. Con cứ thử hết mọi cách rồi qua đó thấy ra cái đúng cái sai mà điều chỉnh lại cho thuận pháp. Không có lời khuyên nào chính xác từ bên ngoài bằng sự khám phá của chính con. Quan trọng là con học ra điều gì từ sự kiện này chứ không phải là có thành công hay không trong ý muốn thay đổi đứa con của mình.
Câu hỏi:
Kính chào Thầy.
Con có một đứa con trai, 26 tuổi, độc thân, đã học xong đại học. Nó không thích tìm việc làm toàn thời và không siêng năng như các bạn đồng trang lứa. Nó lại thích ngồi suốt bên máy điện toán. Con lo lúc con qua đời, cháu sẽ sống trong nghèo khó. Con biết không nên lo quá xa, nhưng vì làm mẹ, lòng con không yên. Xin Thầy từ bi hướng dẫn con. Tạ ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nhân gian nói: "Trời sinh trâu sinh cỏ" chỉ tại con thấy mình làm mẹ nên phải lo cho con, chứ dù không có con thì nó vẫn học ra bài học của nó. Thậm chí có khi không có con nó mới biết tự lo cho nó hơn, bây giờ biết đâu vì ỷ lại con mà nó không biết lo cho bản thân nó. Mỗi người có một nghiệp mệnh riêng để qua đó học ra chân lý của cuộc sống. Hãy để mỗi người tự biết chịu trách nhiệm về bản thân mình, đừng nên muốn cho con cái mình được mọi sự như ý. Nghèo khổ hay giàu sang không quan trọng mà chủ yếu là có học ra được gì từ hoàn cảnh đó không mà thôi.
Câu hỏi:
Con gái lớn của con năm nay học lớp 4, cháu được 10 tuổi, mấy đêm nay cháu rất khó ngủ và sợ hãi bởi những tin không hay về ngày tận thế. Con đã khuyên nhủ nhưng bé vẫn chưa ổn. Mong thầy giúp dùm con.<p>
Con đã từng được gặp và nghe thầy giảng như được về nhà, được nghe cha dạy bảo, thật an vui và hạnh phúc. Tên Tâm Không thầy đặt cho con rất thích. Hôm đó con còn được thầy vẽ tặng tranh trúc nữa.<p>
Con cám ơn sự chia sẻ của thầy. Con luôn mong thầy vui khỏe.
Thuy Nhien.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Để chia sẻ con thử hỏi xem cháu sợ là cụ thể sợ những điều gì rồi tháo gỡ cho cháu từng vấn đề một, biết đâu qua đó cháu lại thấy ra được nhiều điều. Thường trẻ thơ giàu óc tưởng tượng và hay sợ những điều chưa biết, nhưng cũng nhờ động cơ ấy mà trẻ mới thích tò mò khám phá sự thật. Giống như các bé sợ ma nhung lại thích kể chuyện ma vậy. Đó là những ẩn số bí mật của pháp mà ai sinh ra trên đời cũng phải trải nghiệm để khám phá ra thông số của cuộc đời. Hãy kiên nhẫn, vì dạy dỗ hướng dẫn cho con cái cũng chính là bài học khám phá của người làm cha mẹ.
Câu hỏi:
Kính bạch sư! Con kính thỉnh sư chỉ dạy về việc đối xử giữa cha mẹ và con cái. Con gái con tròn 7 tuổi, bé rất bướng bỉnh, thường không nghe lời dạy bảo. Mỗi lần bảo ban cháu điều gì, con phải rất kham nhẫn để không nổi nóng. Nhưng dường như những lời ngọt ngào và thái độ ôn hòa đối với bé không có tác dụng bằng lớn tiếng và đòn roi. Con rất muốn dạy dỗ và làm gương cho con cái bằng sự mềm mỏng nhưng nếu không dùng tới quyền uy có lẽ không răn dạy được cháu. Con cũng thường xuyên dạy cháu cung kính đối với Tam Bảo, tập làm phước, cúng dường. Bạch sư cho con hỏi ở chùa Bửu Long có chương trình sinh hoạt Phật pháp nào dành cho thiếu nhi không ạ? Trẻ em nếu được tiếp xúc sớm với Phật pháp thì quý vô cùng. Con kính đảnh lễ sư và kính chúc sư thật nhiều sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mềm mỏng hay roi vọt đều chỉ là biện pháp ứng xử. Quan trọng không phải ở biện pháp mà ở sự nhận thức đúng. Có nhận thức đúng thì ứng xử mới đúng. Con nên lắng nghe, quan sát, chiêm nghiệm, học hỏi nơi cháu sâu sát hơn nữa với tâm thương yêu và sáng suốt. Nghệ thuật làm mẹ không phải chỉ là nuôi dạy con mà chính là học ở con nhiều hơn. Vì có hiểu được con thì mới thương yêu, thông cảm và nuôi dạy đúng. Cha mẹ thường chủ quan cho mình là người lớn mà nhất nhất con cái phải vâng lời nên không học được gì từ con cái. Học con cái cũng chính là học lại bản thân mình.
Con đừng bắt con cái cung kính Tam Bảo, vì dù nó có vâng lời thì cũng chỉ tạo ra cho nó một khái niệm mà thôi. Hãy gợi ý cho nó biết tự nhận thức đúng chứ không nên gò ép. Khi nó biết nhận thức đúng thì hành vi sẽ đúng, và như vậy mới thực sự là sống theo Phật Pháp, chứ không phải chỉ là niềm tin theo truyền thống gia đình Đạo Phật. Ở chùa Bửu Long có sinh hoạt thiếu nhi mỗi buổi chiều chủ nhật, con có thể đưa cháu đến tham gia sinh hoạt vui chơi trong điều kiện tốt để cháu thấm nhuần dần dần.
Câu hỏi:
Kính chào thầy! Con xin cảm ơn thầy vì những câu trả lời vừa qua. Giờ đây con có một câu hỏi nữa mong thầy chỉ dạy giúp con.<p>
Việc dạy dỗ trẻ em là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trẻ em thường có tính ham chơi nên không mấy trẻ thích ngồi vào bàn học. Những lúc như thế thì con thấy bố mẹ hoặc thầy cô thường dùng thước dọa nạt, thậm chí còn đánh các em với mong muốn làm như thế để dạy dỗ con mình nên người và có nề nếp. Vậy thì chúng ta hành động như thế có làm mất nhân quyền của trẻ hay không? Và chúng ta có nên gò ép trẻ học không ạ? <p>
Kính xin thầy chỉ dạy cho chúng con biết với! Con xin cảm ơn thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vấn đề không phải là có vi phạm nhân quyền theo quy ước quốc tế hay không mà là cách thể hiện tình yêu thương và trí tuệ trong giáo dục như thế nào. Chúng ta đã nhầm lẫn giáo dục với nhồi nhét kiến thức. Giáo dục là giúp con em chúng ta biết nhận thức đúng tốt, hơn là chỉ trang bị cho các em những kiến thức khô khan không thực dụng. Đó là lý do vì sao các em chán học! Ngày nay đã có những nền giáo dục tiên tiến giúp học sinh sinh viên phát huy khả năng nhận thức sáng tạo không những trên phương diện quan sát, tư duy mà còn trên lãnh vực ứng xử với hoàn cảnh thực tế của đời sống. Giáo dục để đào tạo phẩm chất sống cho con người chứ không phải là lập trình cho một cái máy, cho một robot. Chúng ta muốn biến con em mình trở thành những công cụ biết làm giàu, biết leo thang địa vị, danh vọng... để làm rạng rỡ gia môn, chứ không phải giúp con em biết sống cho ra người.
Con em chúng ta trở thành nạn nhân của những tham vọng mà bậc phụ huynh khao khát hơn là giúp các em biết thừa kế và phát huy văn hóa của bậc cha ông, đồng thời biết nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống chân thực, giản dị nhưng vô cùng phong phú. Nếu các em được giáo dục theo hướng đó thì chắc chắn các em sẽ vô cùng say mê hứng thú trong việc học hành, các em sẽ thích đến trường, thích khám phá thực địa hơn là phải ở nhà học "gạo". Chúng ta đã giết chết cảm hứng khám phá chân lý của các em thì làm sao các em không chai lỳ với những lời trách mắng hay roi vọt. Vì bậc phụ huynh chỉ muốn ép con em làm theo ý mình nên roi vọt đã trở thành vi phạm nhân quyền. Nhưng tuân thủ nhân quyền một cách cứng nhắc thì lắm khi còn tệ hại hơn! Roi vọt hay trách mắng đúng chỗ đúng liều thì cũng là một trong những biện pháp giáo dục hữu hiệu nếu như được sử dụng với tình thương yêu và trí tuệ nghĩa là phải thật sự hợp tình hợp lý. Vậy muốn giáo dục con em chúng ta cần phải có tình thương yêu và trí tuệ. Đó cũng chính là thái độ ứng dụng của thiền, của sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha.