Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 04-04-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy, phải chăng càng thực hành niệm thân thọ tâm pháp, thì pháp đến càng nhiều để thử thách mình, hay do trước đây mình vô minh nên không nhận thấy pháp đến đi? Pháp càng đến bản ngã con càng trỗi dậy. Khi thực hành thiền tuệ thế này, con nhận ra đôi khi bản thân càng thông minh thì càng dở, vì càng thông minh thì càng ngạo mạn, pháp đến thì cái tôi càng bị dập tơi tả đến lúc không còn một mảnh. Đến một lúc biết rằng bản thân không thể làm chủ được thứ gì nữa, thì chỉ còn cách buông ra. Từ "buông" này liệu là từ bỏ vật việc BÊN NGOÀI không làm, hay vẫn chăm chỉ cần mẫn, biết khó vẫn làm, nhưng trong sự trải nghiệm đó cần kiên nhẫn, lắng nghe cảm thọ cảm giác khó chịu, thấy nó và buông bỏ những cơn sóng "BÊN TRONG" hở thầy. Con nghe thầy nói "buông ra", ba con cũng từng dặn con rằng mệt quá thì buông ra. Đến tận bây giờ khi thực hành một thời gian, con vẫn chưa hiểu chữ "buông" này thưa thầy. Con không giỏi thuật ngữ kinh điển, chỉ biết hỏi những điều ngu ngơ trong chính cái kẹt của đời sống mình với vốn ngôn ngữ có phần hạn hẹp, con mong thầy thông cảm cho sự ngu ngơ của con thầy nhé.
Ngày gửi: 04-04-2022
Câu hỏi:
Con đảnh lễ thầy!
Thầy cho phép con được chia sẻ với bạn xin việc khắp nơi đều bị từ chối. Khi bạn đến với một công việc mới, một môi trường mới bạn nên mang tư duy của chiếc ly rỗng, vì chiếc ly rỗng là chiếc ly không có nước nên dù người khác rót vào đó cái gì bạn cũng nhận được trọn vẹn cái đó, bạn đến môi trường mới với tâm thế một cái ly có nước (bạn cho mình có nhiều kinh nghiệm) nhưng môi trường mới nó có sự khác biệt, ví như môi trường mới là coca bạn lại mang cái ly nước lọc ra để pha vào thì đâu có dùng được, các CEO sẽ không bao giờ tuyển dụng những người luôn mang tâm thế chiếc ly đã có nước và thường trực câu nói "tôi biết rồi", thay vào đó họ thích tuyển chọn các ứng viên khiêm tốn, biết dùng câu "Dạ em hiểu", "nếu được tuyển dụng em sẽ trau dồi và học hỏi thêm..." Vài dòng trao đổi với bạn.
Con cám ơn thầy cho con có cơ hội trao đổi một ít kinh nghiệm với bạn ạ.
Ngày gửi: 04-04-2022
Câu hỏi:
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!
Con chào sư ông ạ, Con có một vài vấn đề muốn xin sư ông chỉ giáo giúp con ạ. Con ngày xưa là 1 người rất hiền, vừa hiền vừa cố chịu thiệt thòi về bản thân. Sau đó, trong 2 năm liên tiếp con bị bạn bè lợi dụng và chơi xấu. Con lên Sài Gòn sống cũng bị người đời chiếm tiện nghi. Con bây giờ giống như dựa trên những trải nghiệm cũ mà luôn có cảm giác đề phòng ạ. Con nhận thức được rằng, con đang làm chủ và quản lý cơ nghiệp riêng, con không muốn vì quá hiền hay quá thoải mái mà khiến cho người làm hay những người làm ăn chung với con lợi dụng con ạ.
Kính thưa sư ông, khi người bán lừa lọc con, con thường đánh giá 1 sao về chất lượng của họ. Nhưng vì bản tính vốn có của con, mỗi khi mắng chửi hay trừ lương nhân viên, hay đánh giá thấp 1 shop nào đó vì họ đối xử tệ với con thì con luôn cảm thấy rất không vui. Nhưng nếu con quá thoải mái hay bỏ qua thì họ sẽ lặp lại hành vi lừa lọc hoặc dối gạt ạ.
Con mỗi khi trừ lương hay khiển trách nhân viên đều rất không thoải mái ạ. Nhiều lúc con cũng quay sang an ủi họ lại để họ tiếp tục cố gắng.
Con có 1 người anh họ, ảnh rất nghèo nên con rất hay giúp đỡ ảnh. Nhưng ảnh ỷ lại và cứ hay sang nhà con xin đồ. Hôm thì quạt, chén dĩa, thức ăn, hôm thì xin tiền mua sữa cho con nhỏ. Con sau này dứt khoát không cho nữa, trong lòng con nghĩ giúp người ngoài nhiều nhưng anh mình lại tính toán thì không hay ạ. Nhưng nếu con không làm vậy, thì ảnh sẽ mãi ỷ lại vào con, thậm chí có khi ảnh tự ý vào nhà con lấy đồ nữa ạ.
Thưa sư, con rất mong đời này được học và hiểu thấu Phật pháp, với vị trí của con là 1 người chủ và con tin rằng cơ nghiệp của con không dừng ở mức hiện tại. Nên con không biết con nên như thế nào ạ? Con nhớ con người đơn thuần cũ của con, con nhận ra bây giờ mình toan tính rất nhiều ạ, nhưng con cũng chưa từng hại ai, con chỉ không để người khác lợi dụng và chơi xấu mình thôi ạ.
Con kính mong sư chỉ giáo cho con ạ.
Con thành kính đảnh lễ sư ông! Chúc sư ông và các tăng ni tại thiền viện sức khỏe ạ.
Ngày gửi: 04-04-2022
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, hiện con đang làm việc ở bên công ty phân phối về máy lọc nước. Chúng con xin được cúng dường một chiếc máy lọc nước cho tổ đình ạ. Thầy có thể cho con xin thông tin, số điện thoại của người phụ trách công việc này không ạ? Chúng con thành kính tri ân đảnh lễ thầy.
Con Tâm Minh Tri
Ngày gửi: 04-04-2022
Câu hỏi:
Con chào thầy,
Con có một câu hỏi, nghe thì có vẻ lạc đề không liên quan đến Phật Pháp nhưng con nghĩ là có liên quan.
Khi mà mình làm 1 việc gì đó thì luôn có đối thủ cạnh tranh. Nếu mình làm tốt hơn, đối thủ sẽ cố gắng chơi xấu để hạ mình xuống hoặc copy cách mình làm + modify để tốt hơn. Vậy trong trường hợp này mình cần phải làm gì? Lời dạy của Phật là giữ tâm bình tĩnh, tĩnh lặng, trong sáng thì sau đó mình sẽ có solution, đúng ạ? Có khi nào khi mình bình tĩnh lại thì mình không thấy ai là đối thủ cả, mà đối thủ lại chính là mình không ạ?
Con cám ơn thầy.
Ngày gửi: 04-04-2022
Câu hỏi:
Dạ thưa Thầy cho con hỏi. Con cho rằng ăn cơm ở nhà là tốt hơn ăn cơm ở ngoài. Khi con lên kế hoạch chuẩn bị thức ăn sẵn thì hôm đó con đi làm phải ăn ở ngoài, cứ lặp đi lặp lại như vậy. Vậy bài học ở đây có phải đời không như ý mình không vậy Thầy? Và thầy cho con hỏi thêm chứng suy nhược thần kinh thì Phật có dạy cách nào để lấy lại cân bằng không, Thầy chỉ con với ạ? Con cám ơn Thầy.
Ngày gửi: 04-04-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, cuối cùng hôm nay con cũng nhìn ra được chữ "buông" thực tế nó ra làm sao. Nó giống như "Thôi kệ" đi kèm với "Thận trọng" vậy.
Nặng nề bám sát theo việc cần phải làm thì hỏng càng thêm hỏng, mà thực sự buông thì lại thấy nhẹ tênh trong lòng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chểnh mảng, không quan tâm nên cần phải thận trọng. Cũng không có nghĩa là kim chỉ nam hay bí quyết để hoàn thành tốt mọi việc trên đời này. Vì cuộc đời này không phải do ta hay của ta và luôn luôn biến đổi.
Phật môn vạn pháp không ngoài cái tâm thể không dính mắc này. Con hay lầm cái thấy và tánh biết. Tánh biết là bao gồm cả tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh xúc và tánh biết pháp (cái tên này con chưa chắc, mong thầy chỉ dạy) hay chính là cái tâm thể, cái tâm không.
Con xin trích hai câu thơ mà hôm nay con thấy thấm:
"Đời trôi, ta nhọc vì ôm giữ,
Vui, buồn, sướng, khổ tại nơi tâm"
Chính vì ôm giữ, cả cái sao cho tốt, làm cho vẩn đục cái tâm thể này, ôm giữ này chính là dính mắc.
Bất cứ phép tu nào, chấp vào cảnh giới đạt tới cũng độc hại như thuốc phiện, nó khiến người ta quên mất thực tại, và lại ôm giữ. Cho nên nói câu "Tâm bình thường là đạo" là vậy.
Hay như thầy dạy, phép tu nào mà buông được càng nhiều, buông được 100% là tâm hoàn toàn bình thường, là tu đúng. Nhưng phần lớn ai cũng nghĩ mình đang bình thường rồi nên không cần buông nữa, mà tu để tìm thêm thật nhiều sở đắc thì thật là tai hại.
Con xin trình thầy, con cám ơn thầy.
Ngày gửi: 04-04-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy, con xin được hỏi giác ngộ sát-na sinh diệt, trùng trùng duyên khởi trong cuộc sống hàng ngày là chân đế hay tục đế ạ? Con xin cảm ơn thầy!
Ngày gửi: 04-04-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,
Nhờ được có duyên nghe pháp của thầy, cũng như biết đến chánh Pháp của Đức Thế Tôn, con đã cởi bỏ được nhiều trói buộc trong đời và cuộc sống tự nhiên thanh thản nhẹ nhàng hơn. Con biết nó chỉ là một phản ánh của tâm thức mình chứ thực ra cuộc đời vẫn diễn ra như nó phải vậy. Trước con đã rất cưỡng cầu thích cái này bỏ cái kia để được như ý mình. Giờ trong mọi việc con dần cảm nhận việc gì đến thì con ứng ra làm.
Tuy nhiên, con quan sát và thấy mình vẫn còn vướng mắc ở chuyện công việc của con. Trước đây con hay chọn lựa thích việc này, chọn việc kia vì thường công việc của con trước chỉ cần con chọn thôi, luôn luôn có rất nhiều người mời con làm việc cùng. Nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, con không còn chọn lựa nữa, tự nhiên mọi chuyện trong công việc của con rất không suôn sẻ. Con đã đi xin việc hầu như tất cả các nơi, từ những công việc phù hợp với kinh nghiệm và trình độ của con (cấp quản lí trở lên) cho đến cả công việc dành cho người mới ra trường (vị trí thực tập), với mong muốn được cống hiến những gì con có thể, và học bài học của mình trong đời sống. Nhưng con không hiểu tại sao không một nơi nào nhận con. Có những nơi họ rất thích con và còn hẹn con để nói chuyện thêm, nhưng họ đều nói con quá tiêu chuẩn cho công việc chỗ họ nên không biết sắp xếp con vào đâu, nên cuối cùng vẫn không được, dù con đã rất hết sức tìm cách cùng họ giải quyết vấn đề nhưng đúng là con không thấy mình trong các tổ chức này. Một tình huống thật trớ trêu, sau bao nhiêu năm đi làm với kinh nghiệm, danh tiếng trong nghề, con lại thất nghiệp. Dù con đã rất chấp nhận làm từ những vị trí không lương nhỏ nhất (xin những vị trí này còn khó hơn vì họ sinh tâm nghi ngờ động cơ của con khi chịu làm những việc như vậy).
Con đã thử thả ra, không còn cố gắng đi xin việc nữa. Mỗi tháng bằng một cách nào đó (kì diệu) con vẫn có thu nhập để sống. Nhưng tình hình như vậy đã kéo dài một thời gian rất lâu rồi. Con không biết thuận pháp trong hoàn cảnh của con là như thế nào. Xin thầy chỉ dạy cho con.
Ngày gửi: 03-04-2022
Câu hỏi:
Con cung kính cúi đầu chắp tay đảnh lễ Sư Ông.
Kính bạch Sư Ông,
Con chỉ là một tấm thân tứ đại bất tịnh nhỏ bé vừa tròn tuổi đôi mươi đang phải lao lực học tập vì tương lai để làm tròn ý nghĩa sự tồn tại của mình trong đời. Con vì có thiện duyên to lớn mà trong thế gian đầy phiền não trầm luân này lại có cơ hội được thấy biết Chánh Pháp của Đức Thế Tôn. Từ lúc con từ trong nghịch cảnh phiền não mà vô tình tìm thấy Cội Bồ Đề của Như Lai, con đã chặt được phần nào cái đầu đầy ngã mạn và bất thiện vô minh của mình xuống. Chính xác là vào khoảng đầu tháng 12 năm 2019 đến nay, con đã tự mình bắt đầu tìm hiểu, tư duy, suy ngẫm và áp dụng Chánh Pháp. Con biết con sơ cơ đi từ bước đầu nên luôn tinh tấn tìm hiểu rõ ngọn nguồn mọi thứ để không đi lầm lạc và đánh mất cái chủng tử Phật tánh đã vun trồng từ nhiều kiếp trôi lăn trong karma và samsara liên miên khổ đau này.
Vấn đề đầu tiên: Tính đến thời điểm hiện tại, con có một vài nhận thức tự rút ra sau chừng ấy thời gian tìm hiểu Phật giáo, con kính mong Sư Ông từ bi thương xót khai thị cho con để con hiểu rõ liệu mình có đang đi sai đường hay không ạ. Con nghĩ rằng từ khởi nguồn của những lần kết tập kinh điển và phân chia tông phái cho đến nay, dù là Mahayana phát triển và phân chia ra bao nhiêu tông phái tư tưởng thế nào đi nữa, thì cũng có rất nhiều điểm giống nhau và tiếp nối mở rộng từ giáo pháp nguyên thuỷ của Đức Phật mà sinh ra. Chỉ cần là chân chính lý trí, dù có diễn giải cao siêu hay bát đại tinh thâm đến mức độ nào cũng đều không thể tách biệt khỏi giáo pháp nguyên thuỷ mà còn hướng về cội nguồn ấy, tận sâu trong tinh yếu của tất cả pháp môn Đại Thừa, dù tụng kinh niệm Phật đến nhất tâm bất loạn rồi vô niệm, dù trì chú liên miên đến vẹn toàn thân khẩu ý, dù tham kệ công án đốn ngộ cao siêu ảo diệu đến đâu cũng đều chứa đựng ý nghĩa cao vợi tột cùng của Tứ Diệu Đế cùng Bát Chánh Đạo, cùng những khái niệm vô cùng rõ rệt mà Nguyên Thủy đã hàm chứa bảo tồn gìn giữ hàng nghìn năm nay. Các tổ sư thiền dùng nghịch lý phá chấp, đánh thẳng vào cái tâm tán loạn, mong cầu sở đắc, tìm cái cao siêu nơi kinh điển văn tự của những người chưa có CHÁNH KIẾN. Khi Tổ Đạt Ma an cái tâm bất an cho tổ Huệ Khả, Ngài đã chỉ cho Tổ Huệ Khả cách quán tâm trong Tứ Niệm Xứ phải không ạ? Khi các tổ sư có những hành động đi ngược lẽ đời như quát, đánh, hét,… đó có phải là nhắc nhở hành giả quay về quán thọ, quán thân trong Tứ Niệm Xứ không ạ? Có một số hành giả vô tình nhìn thấy diễn biến ngoại cảnh mà kiến ngộ trong sát-na, đó phải chăng cũng chính là quán pháp trong Tứ Niệm Xứ? Vậy không gieo nhân tiệm, quả đốn nào đâu mà có?
Con nghĩ rằng đối với người chưa thấy biết và hiểu rốt ráo về Chánh Pháp, khi họ đảnh lễ tôn tượng chư Phật và Bồ Tát, tác ý đầu tiên mà họ đưa ra sẽ có thiên hướng phó thác bản thân cho các Ngài, tâm thức họ hướng duy nhất đến việc quá nương tựa thành ra ỷ lại vào các Ngài, chỉ cầu mong các ngài gia hộ cứu vớt. Đóng tiền bảo hiểm công đức xong, ra khỏi cửa chùa quay về TỤC ĐẾ chứng nào tật nấy, nghĩa là họ chưa hề tu đúng cách, chưa hiểu tu thật sự là gì, chưa hề tiến bộ, không phải chỉ khi thấy thân tâm bất an thần hồn điên đảo mới tranh nhau đến chùa, đi làm việc thiện, ăn chay đọc kinh cúng dường mà không hiểu được ý nghĩa của tụng niệm. Cũng không phải tu là trốn chạy nghịch cảnh khổ đau để rồi vào chùa xuống tóc xuất gia, cũng như không phân biệt được hết sự khác giống giữa Phật Giáo và ngoại đạo, thành ra vừa không thắng được mình, vừa đem công đức cúng dường chỉ mong cầu cho cá nhân mình mà đổ sông biển, lại còn dung hòa với ngoại đạo và đi sai lạc tư tưởng. Còn đối với người có trí tuệ và hiểu đúng, khi đảnh lễ tôn tượng các bậc vô thượng, họ không cần khởi lên bất kì sự cầu xin xa vời nào, mà họ quán xét công hạnh của tất cả các Ngài, nhìn lại bản thân, thấy mình thiếu chỗ nào thì phát đại hạnh nguyện tu cho bằng được hết những đức hạnh y như thế mới thôi. Nghĩa là trong cái bể tha giác lại nhìn ra được sự quan trọng của tự giác. Công hạnh ưu việt của từng vị như móng nhà và 4 vách tường, phải tự đắp dần dần từng chỗ, đến khi vẹn toàn thì mới đội được cái mái nhà, bảo vệ cho cái trí tuệ vô lậu vô nhiễm bên trong; Như 5 ngón tay trên 1 bàn tay, ngón nào cũng quan trọng. Như vậy vừa không chỉ thắng được mình mà còn tự cứu được mình, vừa tự tạo ra màn công đức gia hộ chân chính cho mình toàn vẹn, không cầu cũng có thừa thuận lợi suôn sẻ mọi thứ, vừa chỉ có đi lên chứ không thể đi xuống. Con nghĩ cái thâm sâu của mọi tông phái Đại Thừa dù tu theo bất kỳ phương tiện nào cũng không nằm ngoài việc quay về cội nguồn Nguyên Thủy, là đánh vào việc nghĩ thấy xa vời nhưng gần ngay trước mặt, chỉ là vì bị che lấp và chưa thật sự phát tâm tìm hiểu đến nơi đến chốn nên mới dễ lầm đường lạc lối trong những cái quá cao siêu đi…
Vấn đề thứ hai: Có một vị thầy tu học ở chùa Bắc Tông ở tỉnh quê hương con, con chưa gặp thầy bao giờ, vì nhân duyên thiện lành mà thầy biết con qua mạng xã hội, thầy ấy sau khi biết tâm nguyện cầu học thiền chỉ - thiền quán của con thì đã chỉ điểm cho con đi đến tổ đình Bửu Long nơi Sư Ông trụ trì, mong con có được cơ hội tìm ra minh sư chỉ dạy pháp thiền để không đi sai đường, vốn là điều mà con chỉ mới biết sơ và quá ít qua khái niệm và tự hành thiền mà không biết nên thực hành ra sao cho phải. Con chưa đọc qua kinh điển bài bản nào dù là của Đại Thừa hay Nguyên Thủy. Con chỉ mới đọc qua cuốn Pháp Bảo Đàn Kinh do thiền sư Duy Lực dịch, cuốn Silence – Tĩnh Lặng của sư ông Làng Mai, nghe bài hát về Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa, đọc sơ qua kinh Bát Nhã. Còn lại trước giờ hầu như con chỉ tự tìm hiểu mọi khái niệm khắp trên mạng Internet, tự dính vào tư kiến, đặt vấn đề và suy nghĩ rồi rút ra rồi thử thực hành trải nghiệm. Trước giờ ít khi đi chùa, con còn rất nhiều điều chưa thông suốt, về pháp học chỉ mới đến đó nhưng còn chưa biết đã đúng rốt ráo chưa, pháp hành thì chưa ra sao, nay con chí tâm tha thiết cầu học thêm pháp hành và vun đắp thêm pháp học, thật tinh tấn, trang nghiêm đi từ cơ bản nhất, để con có thể dù trong giây phút nào, dù trong mọi hoạt động vật lí nào cũng đều có thể thấm nhuần Chánh Pháp. Con đã không sắp xếp được thời gian tốt nên vào ngày hôm qua (5h – 6h30 chiều ngày 03/04/2022) là lần đầu tiên con đến Tổ Đình Bửu Long nơi Sư Ông trụ trì, sau khi xin hỏi các tăng ni thì cuối cùng con biết con đã lỡ mất cơ hội để đảnh lễ và trình bày tâm tư với Sư Ông. Dù là đến hơi muộn nhưng đó là lần đầu tiên con có cơ may đặt bàn chân dính đầy tập khí luân hồi thế tục đến 1 ngôi chùa Nguyên Thủy trong đời mình, tính 5, 6 lần đi chùa từ bé đến giờ con chưa 1 lần nào được chiêm bái khung cảnh tĩnh lặng thiêng liêng của một ngôi chùa Nguyên Thủy, lòng con đầy sự kính ngưỡng tột cùng không thôi. Con ước mong được gặp Sư Ông, được Người khai thị chỉ điểm thêm, được nhìn thấy dung nghi của Người, được đảnh lễ người, dù chỉ một lần thôi lòng con cũng hoan hỷ vô cùng tận.
Con còn bé nhỏ ngu muội và còn lắm lậu hoặc phiền não, là 1 cậu sinh viên năm hai đang phải nỗ lực vì tương lai, cố tìm đáp án cho ý nghĩa sự tồn tại của mình trong kiếp này. Con chỉ mong làm tròn trách nhiệm với gia đình thân quyến, đối diện với phiền não để tìm ra tâm Bồ Đề, học được tất thảy thiện pháp, có được sự thành đạt chân chính ngay trong chánh niệm, từ đó dùng hết công sức và khả năng để hoằng dương Chánh Pháp, noi hạnh Như Lai và hàng Thánh tăng - bậc mô phạm dẫn đầu chúng sanh, quyết chí song hành cùng bậc đại thiện hiền trí gìn giữ Chánh Pháp, nhân rộng chủng tử Phật tánh sáng soi muôn nơi. Trong thời đại bây giờ, chúng sanh có càng nhiều thì lại mất càng nhiều, chúng sanh nói chung hay dân tộc Việt Nam nói riêng, người thấy hiểu đúng ít, người si mê tìm lầm cầu lạc nhiều, cứ thời gian dài như vậy, người trẻ tìm cầu hiểu rõ Chánh Pháp ít, người cố “chấp” rằng mình vô duyên hay cho rằng Chánh Pháp k thiết thực và k thể ứng dụng do chưa hiểu đúng cũng sẽ nhiều hơn. Mưa dầm thấm lâu như vậy rồi Giáo Pháp chân chính Như Lai để lại cũng sẽ bị mờ nhạt che lấp dần, lòng con chua xót, trái tim con như bị bóp chặt lại khi nghĩ đến…
Con hi vọng thiện duyên con đủ lớn để những khuất mắc trong con có thể lọt vào ánh nhìn của Sư Ông.
Con xin cung kính tri ân công đức của Người.
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa