Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Dạ thưa Ngài, Ngài cho con hỏi, chú điệu đã là người đi tu chưa? Hay chỉ là một người làm công quả hoặc tập tu? Việc giữ giới có giống mấy sư không, đặc biệt là giới thứ ba?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chú tiểu cũng là người đi tu nhưng mới bắt đầu tập tu. Giai đoạn 1 là làm công quả để thử thách và làm quen với môi trường xuất gia. Giai đoạn 2 là được chấp nhận làm giới tử để học kinh, luật và nghi thức xuất gia. Giai đoạn 3 được thọ giới Sa-di hoặc Sa-di- ni để thử dưới dạng một nhà sư. Giai đoạn 4 được thọ giới Tỳ-khưu hay Tỳ-khưu-ni, giai đoạn này mới chính thức được làm thành viên của Tăng Chúng. Như vậy thì giai đoạn nào cũng gọi là đi tu nhưng được thọ đại giới nhập vào Tăng Chúng mới chính thức là một tu sĩ trong hàng Tăng-già. Tất cả người tu dù là Phật tử tại gia cũng phải giữ giới không tà dâm huống chi người xuất gia. Một người chưa thọ giới Sa-di trở lên thì vẫn có thể quan hệ tình dục với vợ hay chồng mình, tuy nhiên đã đi tu dù đang là chú tiểu mà vẫn quan hệ tình dục với vợ hay chồng mình thì sẽ có ít cơ hội được thọ giới vì trong thời gian thử thách đã thất bại.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, cho con hỏi để có dịp được trình pháp với Thầy. Con thấy trong sự thực hành mình không thể nào tách biệt ra là lúc nào thì cần tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác và lúc nào thì cần thận trọng, chú tâm, quan sát được. Vì lúc nào cũng phải thực hành 2 phương cách đó chung với nhau. Ví dụ con thực tập là: <p>
1. Lúc nào cũng tinh tấn, có nghĩa là nhớ buông thư và thư giãn thân tâm mọi lúc, mọi nơi. Nó giúp mình dễ có mặt với thực tại.<p>
2. Và giữ chánh niệm bằng cách thực tập thận trọng, chú tâm, quan sát trong mỗi việc làm. <p>
3. Tỉnh giác sẽ tự nhiên có mặt <p>
Kính xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy và điều chỉnh lại cho con. Con cám ơn Thầy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra, trong lành định tỉnh sáng suốt, thận trọng chú tâm quan sát và tinh tấn chánh niệm tỉnh giác là ba nhóm khác tên gọi, khác chỗ dùng nhưng có cùng tính chất như nhau nếu không muốn nói là một, vì cả ba đều là giới định tuệ. Do đó thầy mới nói trong lành định tỉnh sáng suốt là tự tánh giới định tuệ, thận trọng chú tâm quan sát là tuỳ dụng giới định tuệ, và tinh tấn chánh niệm tỉnh giác là minh sát giới định tuệ. Khi tâm trong lành, định tĩnh, sáng suốt thì đó là giới định tuệ tự nhiên; khi tâm thận trọng, chú tâm, quan sát thì đó là giới định tuệ được ứng dụng trong từng trường hợp cụ thể; khi tâm tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thì đó là giới định tuệ để đưa tâm phóng dật, thất niệm, bất giác trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại. Vậy con cứ tuỳ nghi mà ứng tâm tự nhiên phù hợp với giới định tuệ chính là sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha. Con thấy như vậy là đúng.
Câu hỏi:
Kính gửi thầy:<p>
Xin thầy cho con hỏi một điều thắc mắc là chết có phải là hết hay không, chết rồi ta sẽ như thế nào?<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Theo nguyên lý bảo toàn năng lượng thì chỉ có sự chuyển hoá từ dạng này qua dạng khác chứ không có cái gọi là hết hay không hết. Chỉ có một cái có thể hết đó là ảo tưởng, nhưng bởi vì ảo tưởng không có thật nên thực ra cũng không có gì để hết! Sống và chết là một dòng chuyển biến trùng trùng duyên khởi của nhân quả nghiệp báo mà thôi. Mọi thứ đều đang sinh ra và chết đi trong từng sát-na, vì vậy sống có nghĩa là sự chuyển dịch không ngừng của sinh và chết, chết và sinh...
Câu hỏi:
Bạch Sư Ông. <p>
Thưa Sư Ông, con nghe mẹ và bà ngoại con thường nói phải ăn, đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm. Nhưng thực ra con và mọi người cũng có ai hiểu được chánh niệm nghĩa là gì. Xin Sư Ông giải nghĩa cho ạ.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra Chánh Niệm không đi riêng một mình mà khi nói Chánh Niệm là ám chỉ cả 3 yếu tố Tinh Tấn, Chánh Niệm và Tỉnh Giác. Con người thường sống bị chi phối bởi hoàn cảnh bên ngoài, sống quên mình trong mê mờ như vậy dễ bị đắm chìm trong phiền phức và đau khổ. Sống chạy theo bên ngoài gọi là buông lung, sống quên mất chính mình gọi là thất niệm và sống không biết rõ chính mình gọi là mê muội không tỉnh thức. Vậy không buông lung theo lòng tham muốn bên ngoài mà biết trở về với chính mình, gọi là tinh tấn; sống trọn vẹn với chính mình, không quên mất chính mình nữa, gọi là chánh niệm; và sống biết mình một cách rõ ràng trong sáng gọi là tỉnh giác. Bà ngoại và mẹ nhắc con chánh niệm là ý nói rằng khi làm bất cứ việc gì như uống, ăn, đi, đứng, học bài... đều luôn trở về trọn vẹn trong sáng với việc ấy thì con sẽ thấy hứng thú và hiệu quả hơn, và vì không bị bên ngoài chi phôi, nên con sẽ không bị lo lắng buồn phiền gì cả, phải không nào? Sư ông chỉ cho con một cách thực hiện ý của bà và mẹ dễ dàng hơn là con nên thường thận trọng, chú tâm và quan sát việc làm của mình thì con sẽ chánh niệm không gì khó cả.
Câu hỏi:
Kính đảnh lễ thầy. Thành kính biết ơn thầy, vì trong suốt mấy năm qua, dù ở xa thầy, nhiều hơn là ở gần thầy, nhưng con vẫn được tắm mát trong những lời dạy trí tuệ và xác thực từ người Thầy khả kính.<p>
Nay con chỉ còn biết đi, đứng, nằm, ngồi trong lặng lẽ, sáng trong của tánh biết mà thôi, ngoài ra, khi gặp việc, cần giúp ai con giúp ngay, cần bố thí, cúng dường, con cúng dường, giúp đỡ ngay, một cách hoàn toàn vô tư trong sáng, không cần cầu phước báu gì (dù con được ngài Hộ Pháp chỉ dạy về các quả báu đầy đủ cả).<p>
Thành kính chúc thầy dồi dào sức khỏe, là cội từng già xum xuê cho tứ chúng nương nhờ. Con đảnh lễ chào thầy - người Cha Trí Tuệ và Từ Bi của con.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sadhu, lành thay! Có những người Phật tử sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha với tánh biết như con thì Phật pháp không bao giờ mai một và thầy cảm thấy hoan hỷ vô cùng. Chúc mừng con!
Câu hỏi:
Thưa Thầy,<p>
Trong tháng 7 lễ Vu Lan, nhờ ơn Thầy, con được lên chùa làm lễ hồi hướng phước báu cho ba con, hôm đó con xin được quy y Thầy ạ. Hôm nọ, con gái chị con được quy y Thầy con rất muốn nhưng hồi xưa con có quy y một Sư Bà, bây giờ con quy y Thầy có được không ạ? <p>
Thưa Thầy, con cũng muốn hỏi thầy một điều nữa là, con nghe một sư cô bảo, vào ngày giỗ trước khi cúng phải thắp 2 cây nhang trước cửa nhà xin hai vị thần cửa cho vong linh đó vào, nếu không thì vong linh đó sẽ không vào được, nhưng hôm giỗ ba con đã quên, như vậy là nguyên hôm đó ba con đứng ở ngoài thôi phải không thầy? <p>
Con xin thành kính tri ân thầy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Quy y là quy y Tam Bảo chứ không phải quy y sư bà hay quy y thầy, như con nghĩ. Nhưng sau khi quy y Tam Bảo con có thể tùy duyên nhận một hay nhiều vị Tăng hoặc Ni làm thầy để học đạo. Bên Nam Tông, mỗi lần có lễ gì dù nhỏ hay lớn Phật tử đều xin Tam quy ngũ giới lại, nếu có vị Tăng hoặc ni nào truyền Quy Giới thì tốt, nếu không Phật tử cũng tự đọc Tam quy ngũ giới trước khi làm lễ để cho thân khẩu ý được trong sạch thanh tịnh. Như vậy việc nhắc lại Tam quy, ngũ giới được càng nhiều lần càng tốt. Tháng 7 con lên chùa đương nhiên thầy truyền lại Quy Giới cho con trước khi làm lễ giỗ theo thông lệ của một buổi lễ, còn việc con nhận thầy làm thấy dạy đạo cho con lại là việc khác.
2) Khi hồi hướng phước báu cho người quá cố không nhất thiết vị ấy phải có mặt tại đó. Người bình dân nghĩ rằng vong linh sẽ về ăn giỗ do đó phải mời họ và phải xin phép cho họ vào dự lễ. Thật ra ý nghĩa hồi hướng là dùng tâm lực để chuyển phước lực đến cho người quá cố dù người ấy đang ở rất xa. Hồi hướng phước và nhận phước hồi hướng hoàn toàn bằng cảm ứng qua làn sóng "từ trường tâm linh" mà khoa học gọi là "trường sinh học". Từ trường tâm linh này mạnh hơn rất nhiều so với sóng điện sử dụng trong các phương tiện truyền thông, vì nó không bị "ngoài vùng phủ sóng". Khi con gọi điện thoại cho ai đó đâu cần phải xin phép cho người ấy vào nhà mình, huống chi là "gọi" qua sóng tâm linh theo cách hồi hướng, vì vậy người ấy đứng ngoài hay đứng xa đâu thành vấn đề. Chẳng lẽ người quá cố phải ở mãi trong cõi âm để con cháu mời vào nhà hoài không cho họ đi tái sinh vào cảnh giới khác hay sinh lại làm người sao? Giả sử người quá cố đã tái sinh làm người, đang ở một nơi rất xa thì mời làm sao được, hoặc có khi người ấy đã sinh lại trong nhà mình thì đâu cần phải mời làm gì nữa! Nhưng dù ở đâu hồi hướng với tâm lực và phước lực mạnh thì vẫn đến.
Câu hỏi:
Con xin thành kính đảnh lễ thầy! <p>
Dạ thưa thầy, thầy cho con xin hỏi việc sau: mấy hôm trước con và một số người làm cỏ chung với nhau, sau khi xong việc, mọi người đổ cỏ vào gốc cây. Lúc không có mọi người ở đó, con đi ngang qua, nhìn thấy đống cỏ đó, con liền nhớ tới họ với tâm hoan hỉ hơn là trọn vẹn với cái đang là tức là nhìn thấy cỏ như nó đang là, lúc đó con chợt nghĩ, à thì ra cái này là tưởng đây, vậy thầy cho con hỏi con suy nghĩ như vậy có đúng không và cái suy nghĩ "đây là tưởng" nó là cái gì vậy? Con xin thành kính tri ân thầy!<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi con thấy một sự kiện (đống cỏ) và hồi tưởng đến những người làm cỏ với tâm hoan hỷ thì trong đó có những hoạt động như sau:
1) Mắt tiếp xúc với sắc (đống cỏ).
2) Cảm thọ hỷ.
3) Tưởng nhận ra đống cỏ.
4) Nhớ lại những người làm cỏ với phản ứng tâm hoan hỷ.
5) Thu nhận những diễn biến trên vào bộ nhớ (nên bây giờ mới kể lại với thầy được).
Năm giai đoạn thu thập kinh nghiệm trên được gọi là ngũ uẩn (theo thứ tự sắc --> thọ --> tưởng --> hành --> thức).
Nếu con đắm chìm trong 5 khâu này thì đó là hoạt động của cái ta ảo tưởng. Nếu con thấy khâu 1 với chánh niệm tỉnh giác thì gọi là niệm thân. Nếu con thấy khâu 2 với chánh niệm tỉnh giác thì gọi là niệm thọ, nếu con thấy khâu 3, 4 và 5 với chánh niệm tỉnh giác gọi là niệm tâm. Nếu con thấy toàn bộ diễn biến của cả 5 khâu với chánh niệm tỉnh giác thì gọi là niệm pháp. Vậy nếu không bị tưởng cuốn mất vào hoạt động của bản ngã mà tánh biết vẫn chánh niệm tỉnh giác thì cũng đâu có sao. Tánh biết thật kỳ diệu dù con đang thế nào tánh biết vẫn có thể thấy biết hết, do đó thường quay về tánh biết thì không bị đắm chìm trong hành trình ngũ uẩn của bản ngã vậy.
Câu hỏi:
A, con thấy rồi thưa Thầy. Tánh biết tự thấy Pháp!!! <p>
Con cám ơn Thầy nhiều lắm!<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sadhu, lành thay!
Câu hỏi:
Con xin cám ơn Thầy. Những sự nhận biết này rất tinh tế. Con sẽ tiếp tục quan sát. Con kính chúc Thầy mọi điều an lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bí quyết của thiền Vipassanà là tánh biết tự thấy pháp chứ không phải cái ta biết (năng tri) cố gắng ghi nhận (?!) đối tượng (sở tri) như nhiều người thường "hành". Cái ta biết không bao giờ có thể tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác được. Vì mọi cố gắng của cái ta biết dù tốt hay xấu đều nằm trong lãnh vực tục đế nghĩa là không bao giờ thấy được chân đế, và dù cái ta biết nỗ lực "chánh niệm tỉnh giác" tới đâu thực chất cũng vẫn là... thất niệm bất giác mà thôi! Con cần nhớ điều này: bản chất của pháp và tánh biết là hoàn toàn tự nhiên, không do cái ta ảo tưởng dàn dựng để tạo tác với mong muốn trở thành.
Câu hỏi:
Thưa Thầy,<p>
Con đọc sách thấy có câu: Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Con không hiểu chữ THẤT trong từ THẤT PHU có nghĩa là gì. Mong Thấy từ bi giảng cho con. <p>
Con xin thầy thứ lỗi vì đã làm phiền thầy vì đây không phải là câu hỏi đạo nhưng con không biết hỏi ai. CON XIN ĐẢNH LỄ THẦY.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thất có nghĩa là thường, đơn độc. Thất phu là người thường, thường dân. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách: Nước nhà thịnh suy, mỗi thường dân đều có trách nhiệm.