Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Nam mô Bổn Sư Thích Ca mâu Ni Phật. <p>
Kính bạch Hòa Thượng,
Con đang gặp một khó khăn tương đối lớn trong quá trình hướng dẫn Phật tử. Con kính trình lên Hòa thượng, kính mong Hòa thượng hoan hỷ chỉ dạy cho con.<p>
Con có nhóm Phật tử và con đang dự tính sẽ hướng dẫn họ kết hợp Thiền (Vipassana) - Tịnh song tu (nhưng con chưa thực hiện). Hiện tại có 1 Phật tử vì tư kiến đã sanh tâm tật đố với bạn đồng tu dẫn đến lôi kéo 1 vài vị trong Đạo tràng và nói xấu, chia rẽ giữa con và Phật tử trong Đạo tràng. Thậm chí vị này dọa con là trước khi rời Đạo tràng sẽ làm cho con bị mang tai tiếng.<p>
Người Phật tử này đã rất nhiều lần phạm sai lầm, và con cũng đã rất nhiều lần phân tích, hướng dẫn và ngay lúc đó thì sám hối, nhưng chỉ một thời gian sau thì lại tiếp tục quậy phá nữa.<p>
Lần thứ tư này con đã mặc tẩn và người Phật tử này rất tức giận và hăm dọa con rất nhiều. <p>
Hiện tại con đã cho Đạo tràng tạm ngưng tu, và người Phật tử này bên ngoài vẫn liên tục lôi kéo, nói xấu con và đã có một số huynh đệ trong Đạo tràng đã nghe theo.<p>
Riêng con, đối với những lời thị phi dèm xiểm, con hoàn toàn lặng lẽ, chánh niệm, tỉnh giác trong những câu chuyện mà con đã nghe thấy. <p>
Nhưng chính bản thân con đã nhiều lần xét lại con đã sai ở chỗ nào khiến cho những người Phật tử này phải bị lôi kéo, bị tác động bởi những huynh đệ như thế.
Nhưng Thầy ơi, động cơ con làm là vì tất cả huynh đệ trong Đạo tràng, vì hạnh phúc, vì sự an vui của quý Phật tử. <p>
Con cũng vì căn cơ của họ mà độ, con tự xét mình luôn sống tùy duyên thuận Pháp. Thế nhưng con vẫn chưa hiểu tại vì sao mà Phật tử lại đối với con như thế này?<p>
Con kính mong Hòa thượng chỉ dạy cho con. <p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đó chính là pháp thử thách đến để giúp con thấy ra trình độ tùy duyên thuận pháp nơi con đã tới đâu. Khi thuận duyên thì tương đối con có thể thuận pháp nhưng khi nghịch duyên thì coi chừng cũng bị nghịch pháp luôn. Như vậy nghịch duyên là bài học tốt để thấy ra chính mình. Nếu nghịch duyên mà con vẫn sống thuận pháp tức tâm con vẫn sáng suốt định tĩnh trong lành thì mới gọi là tùy duyên thuận pháp.
Không phải dấn thân đi tìm phiền não để tu nhưng con cũng đừng sợ phiền não đến, phải cám ơn nó đến giúp tâm con phát huy tánh biết rỗng lặng trong sáng. Do đó hành giả thiện xảo không sợ phiền não đến, chỉ sợ không đủ trầm tĩnh sáng suốt để thấy ra nó mà thôi. Chống lại phiền não hay muốn được vô phiền không phải là biểu hiện của bản ngã tham sân si hay sao? Chính vì chỗ sai lầm đó mà pháp nghịch mới đang đến giúp con, hãy trân trọng pháp ấy, thái độ đó là yếu tố cực kỳ quan trọng của một hành giả.
Câu hỏi:
Nam mô Bổn Sư Thích Ca mâu Ni Phật.<p>
Kính bạch Hòa Thượng, <p>
Con có một thắc mắc kính trình lên Hòa thượng, kính mong Hòa thượng hoan hỷ chỉ dạy cho con.<p>
Khi con quán sắc đi, sắc ngồi v.v... con đều thấy rất rõ ràng. Nhưng thỉnh thoảng có vài lúc khi con quán sắc nằm con lại không nhận ra rõ ràng con đang nằm trong tư thế nào. Và thật lâu con không thấy mỏi hay cảm thọ khổ trong tư thế nằm. Và khi không nhìn ra tư thế nằm, con lại thấy có cảm giác sợ hãi. <p>
Con kính mong Hòa thượng chỉ dạy cho con. <p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chữ quán trong thiền Vipassanà có nghĩa là thấy rõ, nhưng không phải là thấy rõ đối tượng mà là tâm đang thấy rõ. Đối tượng thân thọ tâm pháp chỉ để tâm trở về với thực tại, không buông lung hướng ngoại (tinh tấn), không lăng xăng thất niệm (chánh niệm), khi có 2 yếu tố này thì tâm liền chiếu soi một cách trong sáng tự nhiên (tỉnh giác). Nếu không nhờ thực tại thân tâm (4 niệm xứ) để trở về trọn vẹn thể hiện tính trong sáng của tâm (tánh biết) thì bản ngã liền buông lung theo ảo tưởng mà sinh vọng động để tạo nghiệp thân khẩu ý.
Đi đứng ngồi nằm chỉ là những tư thế của thân, chỉ cần tâm không vọng động gán cho nó là tôi đi, tôi đứng, tôi ngồi, tôi nằm hay gán cho nó những khái niệm chế định là này là nọ để sinh ra vọng tưởng, ảo kiến (tà kiến) và tham ái là được. Nói cách khác, chỉ cần thấy đối tượng thân với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành, hoặc tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thì cái ta ảo tưởng không có cơ hội xen vào, chứ không cần cái biết phân biệt đối tượng thân một cách chi ly rõ nét (không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng). Giống như khi mặt trời không bị mây che thì tự chiếu sáng, tâm không bị cái ta tà kiến và tham ái che thì tánh biết tự chiếu sáng. Sự chiếu sáng này gọi là Vipassanà, nó chiếu sáng tất cả đối tượng trong ngoài chứ không phải chỉ tư thế đi, đứng, ngồi hay nằm mà thôi.
Con quá chú ý tìm cho rõ trạng thái của đối tượng tức là đã nắm bắt tướng chung tướng riêng rồi thì làm sao thấy được thực tánh pháp? Khởi tâm tìm kiếm là đã đánh mất tánh thanh tịnh trong sáng của tâm, do đó con nên biết rằng chính khi tâm thanh tịnh trong sáng (sáng suốt, định tĩnh, trong lành) thì tự nhiên thấy rõ các pháp mà không cần khởi niệm tìm kiếm pháp để tự che lấp tánh sáng của tâm (...hủy phần sáng của mình, tự chẻ đầu chính nó - Dh. 72).
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con xin phép hỏi thầy câu này.<p>
Có phải mỗi con người đều có số phận? Xem tử vi có thể biết trước được số phận của mình không ạ? Và nếu đã biết trước được số phận thì ta có thể làm gì để thay đổi số phận của mình không? <p>
Con rất mong được sự chỉ dạy của thầy. Con xin cám ơn và momg thư của thầy!<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Số phận trong Phật giáo gọi là sinh nghiệp với ý nghĩa rất khác. Sinh nghiệp là quả của nghiệp nhân quá khứ sẽ diễn ra trong suốt kiếp sống hiện tại. Tử vi chính là một bộ môn nghiên cứu về sinh nghiệp này. Số phận là định mệnh không thay đổi, còn sinh nghiệp thì có thể thay đổi, nhưng người trí chỉ thay đổi thái độ đối với sinh nghiệp chứ không cần thay đổi sinh nghiệp. Mục đích của môn tử vi không phải để thay đổi số phận mà là để biết sinh nghiệp của mình thế nào nhờ vậy giảm đi những ảo vọng lăng lăng vô ích (bôn ba chẳng qua thời vận). Như vậy, thay đổi tốt nhất không phải lả thay đổi sinh nghiệp mà là thay đổi thái độ sai lầm cho đúng tốt đối với sinh mệnh mình thì mới có thể chuyển hóa được đời sống chính mình.
Câu hỏi:
Con thành thật cám ơn những câu trả lời của Thầy, đã giúp con rất nhiều.<p>
Ở bên Mỹ thì các vị như Joseph Goldstein, Jack Kornfield, Sharon Salzberg... họ cũng có những "retreat online" bằng cách nói pháp thoại trên internet, và sau đó thì người tham dự có thể gửi câu hỏi vào. Nhưng những ai muốn tham dự những retreat online này đều phải đóng số tiền cũng khá cao.
Chúng con thì quá may mắn, ở xa mà vẫn được nghe Thầy giảng Pháp Thoại, rồi còn hỏi lung tung mà Thầy vẫn hoan hỷ trực tiếp trả lời.<p>
Con kính xin thành thật cám ơn Thầy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cám ơn con đã có lời ủng hộ chân thành. Khi mở trang web này thầy chỉ có mục đích chia sẻ sự thể nghiệm đời sống tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha - mà đức Phật đã chứng ngộ và khai thị - với những ai hữu duyên. Phật Pháp mênh mông nên có nhiều tông, nhiều phái, nhiều phương pháp thể hiện khác nhau, do đó thầy muốn xiển dương nguyên lý cốt lõi, giản dị và đồng nhất của Phật Pháp để xóa bớt sự phân chia ra nhiều nhánh ngọn mà thành mạt pháp (pháp ngọn). Việc phân chia nhánh ngọn đa thù của các phương pháp tu tập thiền hiện nay cũng là sự kiện tất nhiên để đáp ứng nhiều căn cơ trình độ khác nhau của quần chúng và đã đem lại lợi lạc cho nhiều người, tuy nhiên đó cũng lại là nguyên nhân đưa đến mạt pháp, làm cho Phật Pháp phát triển nhánh ngọn mà quên đi cốt lõi uyên nguyên.
Trong Kinh Ví Dụ Lõi Cây, đức Phật dạy rằng giáo pháp của ngài giống như cây trong rừng. Có người đi tìm lõi cây nhưng lại vào rừng lấy về nhánh ngọn, hoặc vỏ cây, giác cây... vì sao vậy, vì người ấy không biết thế nào là lõi cây. Còn người thợ mộc thiện xảo vào rừng sau khi bỏ đi nhánh ngọn, vỏ cây và giác cây người ấy đem lõi cây về dùng... vì sao vậy, vì người ấy biết rõ lõi cây là lõi cây. Cũng vậy, việc chia sẻ sự thể nghiệm chánh pháp là bổn phận của người xuất gia muốn đền ơn Tam Bảo, ơn thầy tổ, ơn cha mẹ và ơn chúng sanh nên cống hiến chút lòng thành không có gì đáng kể. Người xưa dạy: "Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không hết là bất nghĩa" nên thầy chỉ hết lòng chia sẻ vậy thôi, chẳng có công lao gì cả.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy cho con hỏi.<p>
Ngày trước khi con tập thiền định thì con có cảm thấy phần nào chút an lạc khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Bây giờ con tập “thận trọng, chú tâm, quan sát” thì dường như con thấy được trong những việc xảy ra có nhiều chất "khổ" hơn.<p>
Và rồi con thấy thật ra đâu có gì là vui! Nhiều lúc con cũng không còn thiết tha gì lắm với những việc xảy ra, chúng có vị đắng nhiều hơn vị ngọt, và tất cả đến rồi đi thôi.<p>
Có lẽ vị ngọt chỉ có trên con đường đạo mà thôi. Và nghĩ vậy, có lúc con nghĩ chắc đi tu thì "vui" hơn.<p>
Con kính cám ơn Thầy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu nhờ thận trọng chú tâm quan sát mà con đã thật sự thấy "vị ngọt" của niềm "vui" trong đời sống xuất gia chính là tâm thái vượt ngoài cảm giác lạc, khổ ảo hóa và vô nghĩa ở đời thì việc chọn lối sống xuất gia là sáng suốt và đúng đắn. Nhưng nếu con xuất gia vì trốn tránh cái khổ ở đời để cầu an trong cái gọi là hỷ lạc của thiền định thì chỉ là đứng núi này trông núi nọ, vì dù con đạt được hỷ lạc của định thì vẫn còn loay hoay trong tam giới mà tam giới thì vẫn bất an như ngôi nhà lửa. Chính vị ngọt của niềm vui hỷ lạc này níu kéo chúng sanh đắm chìm trong luân hồi sinh tử phiền não khổ đau.
Nếu xuất gia có nghĩa là ra khỏi ngôi nhà "ái" thì lúc đầu là ra khỏi dục ái (kàma tanha) trong ngũ dục, rồi ra khỏi luôn cả sắc ái (rùpa tanha) và vô sắc ái (arùpa tanha) dính mắc trong thiền định thì tuệ giác mới thật sự thấy rõ vô thường, khổ, vô ngã và không còn tham ưu, không còn bám víu hay nương tựa bất kỳ điều gì trên đời. Đó chính là ý nghĩa của sự xuất gia đích thực. Nhưng chính khi "buông tay trên dốc thẳm" thì việc "thỏng tay vào chợ" không còn là việc khó làm, nên lúc bấy giờ người xuất gia lại ung dung vào đời mà vẫn "nhập lâm bất đạp thảo, nhập thủy bất động ba".
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Khi con ngồi thả lỏng, cái gì đến đi con đều không can dự vào. Con thấy sự tách biệt rõ ràng giữa những suy nghĩ và tâm, sự ành hưởng của suy nghĩ, và sáu căn lên tâm. Trong tâm giống như có một cái gì đó "thò" ra, rồi biến mất rất nhanh. Nó đến và đi giống như những cơn giận mà con từng thấy.
Con xin Thầy chỉ giáo cho Con.<p>
Con kính xin đảnh lễ Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nói theo ngôn ngữ của Đạo gia thì chữ tâm mà con nói gọi là thần, còn tư tưởng khởi lên mà con dùng chữ "thò" ra rất hình tượng thì gọi là ý. Đúng vậy, khi con buông lỏng thân tâm thì lúc đó tâm rỗng lặng trong sáng. Từ tâm thái rỗng lặng trong sáng (thần) đó con thấy được tiến trình của ý sinh lên, tồn tại, rồi trở về tâm rỗng lặng trong sáng trở lại. Nếu thấy được sự sinh diệt này của ý mà tâm vẫn rỗng lặng trong sáng không bị cái ta ảo tưởng can thiệp vào thì gọi là tuệ thấy sinh diệt. Nhưng thôi, tâm đã rỗng lặng trong sáng rồi thì còn gọi tên làm gì nữa, cứ thấy như thị là được.
Câu hỏi:
Ngài Hộ Tông có nói: "TỰ BIẾT TỰ THẤY". Xin Sư giảng cho chúng con hiểu cách tu thiền "Tự biết tự thấy" là tu làm sao cho đúng với chánh Pháp Phật Giáo Nguyên Thủy. <p>
Cam ơn Sư. Kính bái. <p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Pháp tu "Tự biết tự thấy" hay tự tri tự giác (của tánh biết vô ngã chứ không phải cái biết của bản ngã) đúng là cốt lõi của Phật Pháp mà Ngài Hộ Tông, Tổ Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam, đã tóm kết được toàn bộ tinh hoa giáo pháp đức Phật một cách uyên thâm, tài tình, nhưng vô cùng giản dị để di huấn lại cho hậu thế chúng ta. (Pháp này cũng đã được Đạt-ma xiển dương ở Trung Hoa với Huệ Khả bằng câu nói dung dị: "Đưa tâm ta an cho" thực ra cũng có ý huấn thị rằng hãy trờ về mà tự biết tự thấy đi! Và Huệ Khả đã tiếp thu rất chính xác yếu chỉ này là "Liễu liễu thường tri")
Tự biết tự thấy cũng chính là tinh hoa của Kinh Tứ Niệm Xứ hay Thiền Vipassanà, trong đó Phật dạy trở về trọn vẹn soi sáng thực tại thân thọ tâm pháp (trở về = tinh tấn, trọn vẹn = chánh niệm, soi sáng = tỉnh giác) mà sau này tất cả các phái thiền Nam Bắc Tông đều vận dụng từ đây. Bí quyết để vào được pháp tu tự biết tự thấy hay nói cho dễ hiểu là tánh biết tự thấy pháp này là buông cái ta ảo tưởng muốn thấy muốn biết một cách chủ quan ra để cho Danh Sắc tự vận hành (tuệ thấy Danh Sắc là tuệ cơ bản để thật sự vào Tứ Niệm Xứ) thì ngay đó Danh tự thấy Sắc (= Tánh Biết tự thấy Pháp), thoát khỏi mọi ý niệm chế định của cái ta ảo tưởng muốn thấy biết, muốn nắm bắt, muốn đạt được sở cầu của nó.
Sai lầm lớn nhất của người tu thiền là đem cái ta muốn thấy, muốn biết và muốn đạt được ra để giành cho mình sở tri sở đắc vì tưởng chữ tự có nghĩa là tôi nên hiểu thành tôi biết tôi thấy với nỗ lực của cái ta tầm cầu thấy biết để rồi "hủy phần sáng của mình, tự chẻ đầu chính nó" (1) trong cái thấy biết nhị nguyên của năng tri và sở tri. Trong khi đó đức Phật dạy rõ biết chỉ là biết, thấy chỉ là thấy không có cái ta trong đó. Tự ở đây là tự tánh (sabhàva) hay thực tánh pháp vô ngã, do đó buông cái tự ngã lăng xăng tạo tác đi thì thực tánh pháp sẽ tự vận hành một cách hoàn hảo. Toàn bộ pháp tu mà thầy đang hướng dẫn chính là triển khai ứng dụng nguyên lý tự biết tự thấy mà Ngài Hộ Tông đã di huấn cho chúng ta, thầy chỉ đổi lại là tánh biết tự thấy để khỏi hiểu lầm là ta biết ta thấy mà thôi.
(1): Pháp Cú 72:
Quả thật điều nguy hại
Người ngu sinh sở tri (2)
Hủy phần sáng (3) của mình
Tự chẻ đầu chính nó.
(2): Ám chỉ luôn cả sở đắc
(3): Tánh biết rỗng lặng trong sáng của tâm.
Câu hỏi:
Bạch Thầy, xin Thầy giải đáp cho con câu hỏi về sự hồi hướng:<p>
- Khi một người đang bị bệnh, thì mình có thể hồi hướng điều gì là tốt nhất đến cho người đó (dù rằng mọi thứ đều luôn theo luật nhân quả)?<p>
- Thực sự là con chưa hiểu hết ý nghĩa của sự hồi hướng. Trong cuốn "Bát chánh đạo - con đường đến hạnh phúc" của Bhante Gunaratana cũng có nói rằng: "Ngay chính những kẻ làm điều bất thiện, đôi khi cũng thay đổi nếu như có ai đó, ở nơi nào đó, mỗi ngày đều hướng tâm từ, tình thương trong sạch, mạnh mẽ đến cho họ". Con rất ấn tượng với câu này. Xin Thầy chỉ rõ thêm cho con được hiểu.<p>
- Con thấy mọi người hay hồi hướng công đức, nên bây giờ mỗi lần đọc kinh sách xong con cũng tập hồi hướng cho gia đình và mọi người. Con không biết là có nên làm như vậy không, làm như thế có cần thiết không nữa?<p>
Con vừa đọc xong cuốn "Sống trong thực tại" của Thầy. Con dần cảm nhận được khi Thầy nói "Tất cả pháp của Đức Phật đều là pháp vô vi". Con cũng thoát được suy nghĩ là cứ thiền thì phải ngồi một chỗ mới định tâm được. Con hiểu được là Chánh Định là định được trong mọi lúc mọi nơi. Và vì chúng ta quá tin vào kiến thức và khái niệm mà bỏ quên tánh biết rỗng rang trong sáng... <p>
Con xin thành kính tri ân Thầy. <p>
Con kính chúc Thầy an lạc.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Hồi hướng là đem tâm lực chia sẻ phước lực đến một hay nhiều đối tượng, như một người thân hoặc tất cả chúng sanh. Điều này giống như mình chia vui với một ai đó. Người được chia vui hoan hỷ theo niềm vui của người chia sẻ gọi là tùy hỷ công đức (Anumodana). Tùy hỷ công đức cũng là một điều phước, do đó người hồi hướng hoan hỷ thì người tùy hỷ cũng hoan hỷ theo, đôi lúc niềm vui của người tùy hỷ còn mạnh hơn cả người hồi hướng nữa, bởi vì điều này dựa vào thái độ tâm của người cho và người nhận. Vậy đem tâm lành hồi hướng phước báu đến người bệnh thì năng lượng ấy sẽ hỗ trợ tinh thần cho người bệnh và giúp người bệnh chóng bình phục. (Thầy đã chứng kiến rất nhiều trường hợp như vậy). Và điều này rất phù hợp luật nhân quả (ở mức độ hỗ trợ thôi, chứ không phải là yếu tố chính).
Nếu chia sẻ phước lành trực tiếp giữa người cho và người nhận thì quá tốt, nhưng hồi hướng cho một người ở xa, vắng mặt hay đã khuất vẫn có hiệu quả, vì tâm có thể cảm nhận được làn sóng tâm của người khác phát ra qua trường sinh học, như kiểu thần giao cách cảm, linh tri, hoặc như trong khí công phát khí chữa bệnh từ xa, và trong vật lý ném một viên sỏi xuống nước thì sóng sẽ lan ra xung quanh hay nhận âm thanh, hình ảnh qua làn sóng điện. Trong ba trường hợp: phát ý (t/h1), phát khí (t/h2), phát hình (t/h3) thì trường hợp hồi hướng thuộc về phát ý (phát ra một tâm lực) mạnh hơn 2 trường hợp sau rất nhiều vì ý không bị khí hay hình ngăn cản, nên có thể hồi hướng cho người đã khuất đang ở một cõi giới xa xôi nào đó mà không hề bị trở ngại.
Mặt khác, dù hồi hướng không kết quả đến người nhận (nhiều trường hợp vì một lý do nào đó mà người được chia vui không chịu nhận) thì tâm lực và phước lực này vẫn giúp cho người hồi hướng mở rộng tâm mình theo hướng vô ngã vị tha. Do đó việc hồi hướng tự nó là một phước lành đúng pháp.
Câu hỏi:
Bạch hòa thượng,<p>
Con đọc cuốn "Sống trong thực tại", phần Nội tâm tĩnh lặng, có đoạn trích sau:<p>
Dīgha Nikāya 3/278 mô tả: “Định này là tịch tịnh, vi diệu, đạt tĩnh lặng, chứng nhất tánh, không điều kiện, không đối kháng, không trở ngại” (Ayam samādhi: santo, panīto, patipassaddha laddho, ekodibhāvādhigato, na ca sasankhāra-niggayha-vāritavato’ti)<p>
Con rất muốn biết chính xác vị trí đoạn kinh này, nếu dùng Đại Tạng Kinh Việt Nam (Bản dịch của HT. Minh Châu). Bởi vì con không biết tiếng pali.<p>
Con kính cảm ơn Hòa Thượng<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đoạn kinh này nằm trong bài Kinh Thập Thượng (số 34) thuộc Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya):
http://www.budsas.org/uni/u-kinh-truongbo/truong34.htm
Phần Năm Pháp --> viii: Thế nào là năm pháp cần được sanh khởi?
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, <p>
Trước đây con làm công việc trong đó thỉnh thoảng con có sát sanh, và chính việc mỗi lần sát sanh làm cho con cảm thấy khổ sở, con nhận thấy việc làm của con thật là không mang lại sự an lành cho chính con và người xung quanh và con vật bị con hại. <p>
Dạ bây chừ con đang có cơ hội có thể nghỉ việc con đang làm, để tìm một công việc khác phù hợp hơn ạ. Thưa thầy nếu con chọn một công việc khác lúc này có xem là con đang chạy trốn bài học giác ngộ không ạ?<p>
Kính chúc thầy khỏe mạnh, con kính cảm ơn thầy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu con thấy được việc làm cũ là không đúng tốt - hại mình hại người - thì con đã học được bài học đó để sẵn sàng điều chỉnh nhận thức, và bây giờ đương nhiên con có thể thay đổi hành vi bằng cách thay đổi việc làm cho đúng tốt. Đó là con đang tiếp tục học bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi cho phù hợp với đạo lý sống, như vậy đâu phải là chạy trốn bài học giác ngộ. Con làm vậy dù có thiệt thòi thì vẫn là hành động tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha.