Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ sư. <p>
Thưa sư cho con hỏi, đề mục hơi thở vô, hơi thở ra và phồng xẹp khác nhau như thế nào? <p>
Con xin tri ân sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Người hành đề mục thở vô thở ra thường nhầm lẫn với luyện khí công Trung Hoa hoặc yoga Ấn Độ và họ tập chú ý ghi nhận cảm giác ở cửa mũi vùng huyệt nhân trung giữa môi trên, hoặc để ý đến huyệt khí hải dưới rốn ở vùng bụng. Hai trường phái này đều thuộc về thiền định vì chủ yếu là họ mượn những vùng nhân trung hoặc khí hải (huyệt trọng yếu trong cơ thể) để điều thân, điều khí và điều ý.
Khi hành giả tập trung sự chú ý vào khái niệm hơi thở và biến khái niệm này thành đối tượng thiền tướng (nimitta) để định tâm thì người đó đang thực tập thiền định (Jhàna, samàdhi). Trong thiền định sự tập trung chú ý này được gọi là tầm (vitakka) và tứ (vicàra). Sau đó nếu sự tập trung tư tưởng thành công thì hỷ (pìti), lạc (sukha) và nhất tâm (ekaggatà) sẽ phát sinh và đạt được định an chỉ (appanà). Nếu định này đạt được do ly dục ly bất thiện pháp một cách tự nhiên vô ngã thì đó là chánh định. Nhưng nếu đạt được do tham muốn sở đắc và ý chí dụng công của bản ngã thì vẫn là ngoại định (nói ngoại định tức không phải chánh định nhưng vẫn có thể tốt nên không nói là tà định).
Khi hành giả trở về trọn vẹn soi sáng một cách trực tiếp, khách quan và trung thực toàn bộ động thái thở vô thở ra đang diễn tiến trên thân tự nhiên như nó là, không sắp đặt, không qua khái niệm chế định về hơi thở (như định dạng ở mũi hay ở bụng v.v...) thì người đó đang thực hành minh sát tuệ (vipassanà). Trong tuệ minh sát, sự trở về trọn vẹn soi sáng động thái thở tự nhiên này được gọi là tinh tấn (àtàpì), chánh niệm (satimà), tỉnh giác (sampajàna), trong đó không có tham ưu (abhijjhà domanassa), không nương tựa (anissito), không bám víu bất kỳ điều gì (na kiñci upadiyati) do đó không có sở đắc mà chỉ có thấy ra bản chất sinh diệt tự nhiên của toàn bộ động thái thở vô thở ra đang diễn tiến trên thân như nó là.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con nhiều tình cảm quá, đi tu có gặp trở ngại không thưa thầy? Dùng phương pháp nào để đối trị với tâm nhiều tình cảm quá? <p>
Thưa thầy, việc tu hành có phải thứ tự từng bước một, không thể đốt giai đoạn? <p>
Con cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tình cảm nhiều là tốt chứ đâu có sao. Nếu tình cảm là lòng vị tha, tâm từ bi bác ái thì càng nhiều càng tốt. Điều quan trọng là thấy rõ tình cảm của mình, biết đó là loại tình cảm gì để không bị những tình cảm sai trái chi phối, đồng thời phát huy được những tình cảm vô ngã vị tha.
Tu hành là một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi, quá trình này tất nhiên phải tuần tự nhưng giác ngộ thì lại lập tức. Do đó mới nói "Lý đốn ngộ, sự tiệm tu" là vậy.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, <p>
Làm sao con có thể báo hiếu cho cha mẹ con bằng Pháp khi con là một người nhiều khiếm khuyết, lỗi lầm và hiểu biết Phật pháp rất ít? <p>
Thầy hãy giúp con, con cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Vâng lời cha mẹ. Nếu cha mẹ sai xấu thì lựa lời khuyên can, không nên chống đối bất kính
2) Đỡ đần công việc cho cha mẹ để cha mẹ bớt nhọc nhằn
3) Gìn giữ gia phong chân chính và tạo điều kiện cho cha mẹ tu học theo chánh pháp
4) Phụng dưỡng cha mẹ nhất là lúc cha mẹ già yếu bệnh hoạn
5) Thường chia sẻ hay hồi hướng phước đức đến cha mẹ
Đó là chuyện con nên làm, còn chuyện của pháp thì để pháp tự biết lo liệu.
Câu hỏi:
Kính thưa Sư, trạng thái vô ký có phải lúc ngồi thiền thì tâm rơi vào hôn trầm, thọ xả. Về tính chất hành động thì tâm này có khuynh hướng an phận, thụ động và không có nhận thức. <p>
Với tánh biết rỗng lặng trong sáng thì tâm nhận biết mọi sự việc xảy ra xung quanh trong đời sống với sự tỉnh giác thận trọng và tùy duyên mà ứng xử.<p>
Sự nhận biết và trải nghiệm của con qua hai trạng thái tâm này có đúng không ạ? Con kính cám ơn Sư
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nói đúng. Hôn trầm thụy miên, trạo cử, nghi là những tâm sở thuộc loại si, do đó chúng là những trạng thái tiêu cực thụ động, còn tâm rỗng lặng trong sáng thuộc về định tuệ nên có thể soi sáng được mọi hoạt động của thân tâm.
Câu hỏi:
Kính lễ Thầy: thưa Thầy tâm không và tánh không có giống nhau không ạ?
Con xin kinh lễ tri ân Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tâm không là nói đến sự rỗng lặng trong sáng của tâm không bị cái ta ảo tưởng (bản ngã tham sân si) chi phối, che lấp, trói buộc hay sai sử, nên còn gọi là Ngã không. Pháp không là nói đến bản chất tịch tịnh vắng lặng tự nhiên của pháp giới thực tánh. Còn Tánh không là nói đến cả hai tâm không và pháp không. Khi tâm không thì thấy được pháp không nên lúc đó được gọi là tánh không.
Câu hỏi:
Kính thưa Sư, tánh biết rỗng lặng trong sáng và vô ký khi không khổ, không lạc. Hai trạng thái này hình như có cùng một đặc tính giống nhau nào đó. Kính xin Sư giải thích về hai trạng thái này để con hiểu rõ hơn mà không bị nhầm lẫn.
Con kính cám ơn Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vô ký là một từ đã bị dùng mập mờ nhiều nghĩa nên rất dễ bị hiểu lầm. Thường người ta dùng từ vô ký với nghĩa tâm xả. Nhưng lại có nhiều loại xả: Về cảm thọ thì xả là không khổ không lạc. Về tính chất hành động thì xả là không thiện không ác. Về phản ứng tâm lý trên đối tượng thì xả là trung lập hay không bận tâm. Về nhận thức thì xả nghiêng về vô thức... Như vậy phải xem trong ngữ cảnh là vô ký được dùng với nghĩa nào!
Thực ra vô ký thường ám chỉ trạng thái tâm không có chủ ý (không tạo tác) và thuộc tâm quả vô nhân, nhất là những tâm vô nhân tương ưng với xả trong 18 tâm vô nhân dị thục (vipàkàhetuka cittàni). Như vậy tâm vô ký này chỉ giống với tâm rỗng lặng trong sáng ở chỗ không tạo tác, và đôi khi cùng có trạng thái xả nhưng không hoàn toàn giống nhau về tính chất. Trên thực tế hai tâm này khác nhau hoàn toàn vì tâm vô ký thì thuộc tâm vô nhân dị thục còn tâm rỗng lặng trong sáng thì có thể là tâm nhân, tâm quả hay tâm duy tác trong loại tâm tịnh hảo (sobhana citta) hoặc tâm siêu thế (lokuttara citta). Con phải chiêm nghiệm thật sâu và thực mới thấy ra sự khác biệt về tính chất của các loại tâm này chứ không phải qua khái niệm ngôn từ mà hiểu được.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con đang có một chuyện khó nghĩ, con xin nhờ thầy chỉ bảo cho con. <p>
Trước đây con làm tổ trưởng sản xuất cho một nhà máy, con làm cũng tốt, vì nhiều người bảo con có khả năng quản lý, nhưng công việc quản lý phức tạp, mất nhiều thời gian, con không có nhiều thời gian và tâm trí dành cho gia đình, nên con quyết định đi dạy học trở lại (trước đây con đã từng dạy 4 năm), vì con nghĩ làm cô giáo thì đỡ phải suy nghĩ các vấn đề khác quá nhiều, chỉ cần tập trung dạy cho học trò thật tốt là được, và con đã có những ngày tháng hạnh phúc khi dạy học và toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái. <p>
Cách đây gần 1 năm, con được lên chức tổ trưởng quản lý giáo viên, con cũng cảm thấy vui khi được công ty đánh giá cao, nhưng ở vị trí này, con mới thấy có quá nhiều vấn đề làm cho con phải suy nghĩ, con thực sự rất mệt mỏi, không thấy thoải mái như trước đây nữa. Con đang lưỡng lự, có nên xin được trở lại làm giáo viên bình thường hay không? Hiện tại trường con toàn là GV trẻ, chưa ai có thể quản lý được, nên con sợ nếu con xin như vậy, công ty sẽ nghĩ rằng con không chung sức xây dựng nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay. Mẹ chồng con thì nói làm quản lý là phải biết hi sinh, vị tha, và con nghĩ thâm tâm bà muốn con ở vị trí quản lý vẫn tốt hơn. Riêng con thì con nghĩ, tính cách của con cũng muốn thăng tiến trong công việc, nhưng con nghiêng về gia đình hơn, vì chồng con đi làm đã rất vất vả rồi, mọi việc dạy dỗ chăm sóc con cái hầu hết là con, con muốn chồng con an tâm làm việc, nên con chỉ có thể làm công việc đơn giản, để còn dành thời gian, sức khỏe và tâm trí dạy con cái nữa. Hơn nữa, con muốn có thời gian hơn để đọc sách, để suy ngẫm, chứ bị công việc chi phối quá nhiều, con thấy tâm tính mình không được ổn định nữa. Chồng con thì bảo con muốn làm sao cũng được, miễn là thấy thoải mái. Con không biết phải làm thế nào cho đúng, và không phải hối hận về sau. Kính xin Thầy dạy bảo cho con. <p>
Con cảm ơn Thầy rất nhiều. Con xin đảnh lễ Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cái đó thì tùy con. Nếu con thấy việc quản lý giúp con trải nghiệm những vấn đề khó khăn hơn để học ra bài học phong phú hơn về chính mình và cuộc sống, đồng thời có thể thực hiện được hành động vô ngã vị tha thì con nên làm quản lý. Việc quản lý đương nhiên khó khăn hơn việc gia đình nhưng nó cũng giúp con phát huy được những khả năng cao quý tiềm ẩn trong con, nếu con không xem đó là con đường thăng tiến trong danh lợi cũng không lẩn tránh nó vì cầu an.
Nhưng nếu con phát hiện ra trong việc quản lý có những vấn đề tiêu cực và không thiết thực, không giúp ai cũng không giải quyết được điều gì, thì lúc đó con mới nên rút lui không để dính vào thị phi, danh lợi hay sự tranh giành vô ích nữa. Sở dĩ con mệt mỏi, không thoải mái, có thể là vì con phân vân do dự khi phải chọn lựa giữa gia đình và công việc. Nhưng nếu con thấy ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống thì sự chọn lựa không còn quan trọng nữa, vì vấn đề không phải là chọn gì mà là học ra được gì trong điều mình chọn.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,<p>
Khi ngồi thiền con giữ cho tâm tĩnh lặng, mọi âm thanh bên ngoài con đều rõ biết đó là âm thanh gì. Tuy nhiên, vì là ngồi ở nhà, nên khi nghe tiếng xe máy, con không những biết đó là tiếng xe máy mà còn biết đó là tiếng xe máy của người nào đó ở trong xóm. Khi nghe tiếng chó sủa con biết đó là chó của nhà ai sủa v.v... <p>
Kính thưa Thầy, BIẾT như vậy có phải là do vọng tưởng không? Bạn của con bảo đó là cái biết do thức tưởng. Con chưa hiểu, BIẾT do vọng tưởng hoặc BIẾT do thức tưởng là gì. Con kính xin Thầy giải nghi cho con.<p>
Con chân thành cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cái biết mà con nói đúng là thuộc tưởng tri (sañjànàti) và thức tri (vijànàti), nhưng không hẳn là vọng tưởng. Tưởng tri là cái biết qua khái niệm và thức tri là cái biết qua kiến thức, cả hai thuộc hoạt động của lý trí và thuộc về pháp chế định tục đế. Nếu tưởng tri và thức tri dựa trên khái niệm và kiến thức sai lạc thì mới gọi là vọng tưởng. Nhưng nếu được trí tuệ soi sáng thì vẫn đúng tốt. Tuy nhiên 2 loại biết này không thể thấy được thực tánh chân đế. Tuy cái biết của con có thể phân biệt rõ ràng nhưng đó là rõ ràng của pháp chế định tục đế mà thôi.
Tuệ tri (pajànàti) mới thấy được thực tánh chân đế. Đó là thấy biết của tâm (tánh biết) rỗng lặng trong sáng và hồn nhiên, chỉ thấy biết trực tiếp bản chất của pháp chứ không phân biệt qua khái niệm, kiến thức hay kinh nghiệm của lý trí. Con đã thấy qua kiến thức và kinh nghiệm nên chưa đủ tĩnh lặng trong sáng để thấy được thực tánh pháp như tuệ tri. Khi tâm con hoàn toàn rỗng lặng trong sáng thì con chỉ thấy biết pháp như nó là mà không phân biệt theo khái niệm chế định của tục đế.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,<p>
Con con có mua một bức tranh vẽ nét chân dung là người Ấn độ trên hình có ghi: Thái Tử Tất-Đạt-Đa. Hình ngồi hơi nghiêng một bên, áo vừa kín vừa hở, còn mái tóc cài đuôi công. Độ khoảng 2 tuổi. Con thấy bức tranh ngộ ngộ này, con lại không biết nên sơ ý treo vào phòng ngủ của đứa con trai nhỏ. Con làm như vậy là có mất thành kính không Thầy? Con nghĩ chỉ có hình Phật, hình Đản sinh và những vị Bồ Tát... thì trưng bày ở bàn thờ và nơi thanh tịnh khác, vì vậy kính mong Thầy hoan hỉ chỉ dạy cho con được tỏ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Để bất cứ hình tượng nào của bậc đáng tôn kính ở chỗ trang trọng với lòng tôn kính tri ân là được, dù trên bàn thờ hay trong phòng ngủ. Nếu để trên bàn thờ cho có lệ nhưng không có lòng tôn kính thì tốt hơn để trong phòng ngủ với sự kính yêu để luôn nhắc nhở mình nên hướng đến chân mỹ thiện.
Hình tượng được tô vẽ hoặc nắn ra theo trí tưởng tượng của con người chỉ biểu trưng cho một nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại do con người đặt tên để tôn thờ, cầu nguyện, ghi nhớ ân đức hoặc để noi gương thánh thiện... chứ đó không phải là nhân vật thật, vì vậy chính lòng tôn kính và sự hướng thiện tùy theo đức tin và trí tuệ của con người mới là chính yếu.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy.<p>
Khi nhìn một người, mình có cần phải biết người đó là đàn ông hay đàn bà? Hay mình chỉ biết là một người thôi? Theo Thầy thì cái nhìn nào đúng?<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tùy dụng ý của con, nếu muốn biết về phương diện tục đế thì con phải biết đó là đàn ông hay đàn bà, người hay vật, núi hay sông, ... theo pháp chế định. Còn nếu con muốn biết phương diện chân đế thì chủ yếu tâm con phải rỗng lặng trong sáng để thấy pháp thực tánh chứ không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng gì cả.