Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Dạ, con thành kính tri ân thầy từ bi chỉ dạy cho con bài học nữ giới mà con đang trải nghiệm. Cánh cửa vô ngại đã hé ra cho con thêm một chút ạ. Con kính đảnh lễ thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trước khi giải thoát hoàn toàn chúng sinh phải trải qua nhiều cảnh giới, tình huống và trạng thái khác nhau để hoàn thành bài học giác ngộ. Tại sao đức Phật dạy ngay nơi thực tại thân-tâm-cảnh mà thấy ra thực tánh pháp? Vì ngay đó là bài học duy nhất mà mỗi người tự mình ngộ ra chân tính (thực tính chân đế). Chỉ cần vọng động muốn trở thành thì liền rơi vào sinh tử.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, điều con chiêm nghiệm khi ứng dụng pháp hành là: Chân lý là vắng bặt dấu vết của cái ta ảo tưởng. Tự do là thoát khỏi ngục tù giam hãm bởi ảo tưởng của cái ta. Kính Thầy dạy dỗ thêm cho con ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vắng bặt cái ta thật sự thì tốt rồi nhưng dù còn cái ta cũng không sao. Chỉ cần thấy hành trình hoạt động của nó là được. Vắng bặt cái ta khi chưa thông suốt được hành trình sinh diệt, nhân quả, khổ lạc, chân giả... của ngã và pháp thì nó vẫn còn tái sinh.
Trên lý thì phân biệt ngã và vô ngã để thấy cái gì huyễn cái gì như , nhưng trên sự thì ngay đó có ngã thì thấy có ngã, không ngã thì thấy không ngã chứ không cần cố gắng vô ngã, vì cố gắng vô ngã cũng chính là ngã!
Nếu chỉ có cái chân thôi thì người ta không biết đó là chân. Nên cái ngã bày ra cái giả để qua cái giả mới biết cái chân. Đó là điều vi diệu không thể nghĩ bàn của pháp. Chung quy "thấy" mới là chính yếu, còn vô ngã thì muôn đời đã là thế rồi. Giống như có vàng giả mới biết giá trị của vàng thật, còn vàng thật tự nó nằm ngoài mọi giá trị. Thực ra không có gì để chứng ngộ cả, chỉ là thấy ra sự thật mà thôi, đó chính là Vipassanà hay Kiến Tánh vậy.
Câu hỏi:
Con thành kính đảnh lễ thầy. Thưa thầy, nhân câu hỏi về kinh Dược Sư, con xin hỏi thêm về chuyện tu học của nữ giới. Sinh ra là nữ giới quả thật có quá nhiều khó khăn hơn nam giới. Ngay khi Phật còn tại thế cũng như vậy rồi. Thế nên trước đây làm phước thiện lớn nhỏ gì con cũng nguyện không bị tái sinh làm nữ giới nữa. Sau này con mới biết còn mong muốn trở thành là còn đau khổ nên thôi, nhưng vô cầu mà chưa được vô ngại, bởi thật sự con vẫn thấy rất khổ sở. Con xin thỉnh thầy chỉ dạy. Con xin tri ân thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con thấy rất khổ sở là vì còn có cái ta muốn hết khổ. Chỉ khi nào con thấy, biết, hiện quán, thực chứng bản chất thật của cái khổ thì con mới vô ngại được. Nếu con nhận ra rằng chính cái khổ giúp con thấy, biết, hiện quán, thực chứng bản chất thật của nó thì con sẽ không còn thấy khổ sở như vậy nữa.
Câu hỏi:
Bạch Thầy, cho con xin hỏi. Thầy giảng trong kinh Bahiya có câu: "Thấy như thực thấy, nghe như thực nghe,... không có ông trong đó, không có ông mai sau..." Nếu con luôn thận trọng chú tâm quan sát khi làm việc, sống trọn vẹn ngay hiện tại tức "như thật" với cái đang là, không có con trong đó, không có con mai sau thì con có đang rơi vào đoạn kiến không? Kính xin Thầy khai thị cho chúng con! Trân trọng cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu con đã thực sự quan sát trọn vẹn thực tại đang là thì đâu còn "kiến" nào để thường hay đoạn? Đoạn kiến chủ yếu là quan niệm hay chủ trương chết là hết khổ, xuất phát từ tâm sân đối với pháp bất như ý. Ví dụ một người đau khổ vì thất tình muốn tự tử, trong thâm tâm người ấy nghĩ rằng chết để chấm dứt toàn bộ khổ đau này. Còn nếu con có đoạn kiến tức là không chấp nhận thực tại thì làm sao gọi là trọn vẹn "như thực" với thực tại đang là được?
Ngay khi con có tư tưởng nghi ngờ khởi lên thì lập tức cái ta ảo tưởng xuất hiện trong ý niệm "tôi", "con", "ông" rồi làm sao mà quan sát trọn vẹn thực tại đang là được. "Trong thấy chỉ có thấy, trong nghe chỉ có nghe" nghĩa là tuyệt nhiên không có ý niệm "ta" nào hết, vậy thường kiến đoạn kiến ở đâu ra? Tóm lại, thực tại đang là thì không thường không đoạn, chỉ khi nào cái ta ảo tưởng xen vào thì nó mới "phịa" ra chủ trương thường đoạn mà thôi.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, cũng như các Phật tử mới học đạo, con cũng rất mong muốn có cách nào đó để có thể học tụng Kinh Pali. Con xin phép chia sẻ với các Phật tử một số địa chỉ trang Web vừa có audio vừa có text để có thể học các bài kinh thông dụng. <p>
- Vào Youtub, gõ Pali Chants là sẽ tìm được. <p>
- Vào Google, gõ tên Bài Kinh bằng tiếng Pali cũng tìm được. <p>
Nhưng con cũng băn khoăn là cách đọc nào là chuẩn xác.
Kính mong Thầy chỉ dạy.
Con xin thành kính cám ơn Thầy. <p>
http://www.youtube.com/watch?v=S5JAVk3Qwi8&feature=youtube_gdata_player <p>
http://forestmeditation.com/audio/audio.html
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy có vào trang web con giới thiệu và thấy cách thể hiện của họ rất hay, Phật tử có thể download xuống để mở nghe cũng tốt. Tuy nhiên đó là giọng đọc kệ theo Thái Lan chứ không phải giọng tụng kinh quốc tế, hơn nữa chữ Pàli trong đó không có dấu nên không chính xác vì nếu không dấu thì có rất nhiều từ giống nhau nhưng rất khác nghĩa và khác cách phát âm.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Con xin đảnh lễ và vấn an Thầy.<p>
Con vẫn tin là mình đang sống theo sự hướng dẫn của Thầy từ khi con được Thầy chỉ dạy, nhưng thực tế thì không được như vậy. Con quen sống một mình thanh tịnh với những sinh hoạt trong đời thường: làm việc, tập thể dục, ăn đơn giản, ngồi thư giãn...
Mấy tuần nay có vài người bạn phương xa đến chơi. Không khí tịch tĩnh chung quanh và sinh hoạt hằng ngày của con bị thay đổi. Con muốn được trở về với sinh hoạt cũ.
Thưa Thầy, đây có phải là con đã không TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP? Có phải đây là tâm sân không? Và con đã để Ngã tung hoành? Con đã kẹt ngay THỌ trong thân tâm pháp dù đang chánh niệm tỉnh giác. Biết mà vẫn... Đây có phải vì con không VỊ THA? Hay chấp động tịnh? Kính xin Thầy chỉ dạy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thì con đã biết rồi đó. Chính vì con muốn nắm giữ một nếp sống đều đặn, yên ắng, không bị quấy rầy... nên con đã tự ràng buộc mình trong những điều kiện của chính mình và chính những điều kiện này quấy rầy con chứ không phải là những người bạn từ phương xa đến. Nhớ rằng thanh tịnh là thái độ chứ không phải trạng thái.
Khi con có một tình trạng lý tưởng để nắm giữ, một hình thức quy định để nương tựa, một tiêu chí thỏa mãn để mong cầu, một ý đồ hành động để trở thành... thì tự con đã ràng buộc chính mình vào đó. Nhưng liệu những điều này có phải là điều kiện tất yếu hoặc nhu cầu thiết thực không hay chỉ là sự thỏa mãn sở dục hoặc thị hiếu mà thôi?
Tùy duyên thuận pháp là tùy vào tình huống thực để ứng biến cho thích ứng với nguyên lý vận hành tự nhiên của pháp. Tự nhiên nghĩa là không chủ quan theo tư ý của mình. Chính vì con thiết lập một điều kiện chủ quan cho mình nên không thích ứng được với tình huống thay đổi bất ngờ. Đúng là con chấp ngã, chấp tịnh, chấp cảm giác của mình nên thiếu lòng vị tha.
Câu hỏi:
Con chào sư ông. Cách đây 3 hay 4 ngày gì đó con có gửi thư đến sư ông nhưng con vẫn chưa nhận được câu trả lời. Con rất mong nhận được hồi âm từ sư ông. Bây giờ tâm con rất rối, con mong sư ông hoan hỉ trả lời thư của con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Câu hỏi của con có tính cá biệt không phổ biến đối với mọi người nên sư ông sẽ trả lời riêng qua email, không để mất thì giờ của nhiều người khác.
Câu hỏi:
Thưa Thầy. Mấy hôm trước con bị một người thân đến tận nhà con trách móc, mạt sát con nhiều lắm, chẳng hiểu sao lúc đó con lại không buồn tức người này. Đến hôm nay thì con hiểu ra là vì con đã thấu hiểu được người này quá nhiều, bản chất ra sao, sự thật thế nào. Bản ngã người này không còn gạt gẫm con được nữa. Nếu lúc đó con phân bua, giải thích hoặc tức giận gây gổ lại thì chính là con tự khoác cho con thêm nhiều lớp vô minh bao bọc cho dày thêm hoặc là lúc đó con chưa học xong bài học đó của con. Nếu thế pháp sẽ cứ mãi đến hoài cho con học. Cũng giống như một em học sinh không lo ôn bài, đến khi đi thi thì lần nào cũng thi rớt. Thưa Thầy, không phải chỉ có sân thôi, mà tham hoặc si hoặc sợ hãi, ganh tỵ gì gì đi nữa, nếu mình thấu hiểu nó một cách triệt để thì lúc đó tự những thứ này không xuất hiện giống như một người tàn phế không còn làm hại được ai. Sẵn đây, con cũng xin đa tạ Thầy đã dạy rằng: "Tất cả các pháp bên ngoài đến như thế nào, dù là pháp thuận, pháp nghịch ra sao, pháp đúng sai ra sao, hoặc biện pháp xử lý như thế nào không quan trọng. Quan trọng là mình học ra được gì từ bài học đó." Hiểu được điều này con không còn loay hoay khổ sở như khi trước nữa. Con xin Thầy chỉ dạy thêm cho chúng con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thì đức Phật đã dạy trong Hạnh Phúc KInh:
Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu
Tự tại và vô nghiễm
Là phúc lành cao thượng.
Nhưng để được tự tại như vậy thì con cần học ra những bài học trải nghiệm trong cuộc sống. Chính nhờ con đã từng tiếp xúc với tính cách của người đó nên bây giờ con mới thản nhiên được. Nhưng bài học cuộc sống còn nhiều mặt khác nữa nên khi chưa hoàn toàn giác ngộ thì con vẫn còn thận trọng chú tâm quan sát để học những bài học mới từ cuộc đời.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, con đọc kinh Dược Sư thấy trong 12 lời nguyện của Phật Dược Sư, có lời nguyện thứ 8 viết: "Cho phụ nữ tái sinh thành nam giới". Con thành tâm mong thầy bớt chút thời giờ giảng giải cho con và các Phật tử được rõ lời nguyện này. Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong Phật giáo Nguyên Thủy không có Phật nào chuyên hành nghề Dược Sư mà tất cả chư Phật đều là Dược Sư vì quí Ngài đều có khả năng nói rõ bệnh phiền não của chúng sanh và chỉ cho sự chấm dứt bệnh khổ ấy như nhau cả.
Thực tế hơn nữa, nếu mỗi người biết sử dụng khả năng chánh niệm tỉnh giác ngay nơi tánh giác của mình thì có thể tự cứu mình ra khỏi mọi căn bệnh phiền não khổ đau. Cho nên tánh biết trong sáng của mỗi người cũng là một đức Dược Sư sẵn có trong mình vậy.
Người xưa trọng nam khinh nữ nên thường xem nữ đồng nghĩa với mềm yếu (liễu yếu), và xem nam đồng nghĩa với mạnh mẽ (rường cột). Những Kinh Luận do các Bộ Phái viết ra vào thời đó cũng dùng hình ảnh nam nữ theo nghĩa này. Vậy đức Dược Sư có thể "cho phụ nữ tái sinh thành nam giới" có nghĩa là tánh giác nơi mỗi người có thể biến tính buông lung mềm yếu thành tinh tấn dũng mãnh. Vậy mỗi người nên thường tinh tấn chánh niệm tỉnh giác để phát huy khả năng Dược Sư trong chính mình chứ không nên làm phiên đức Dược Sư ở bên ngoài.
Câu hỏi:
Thưa thầy, lúc trước sau khi học bài xong con có ngồi thiền trước khi đi ngủ. Trước tiên con quán lại cái thân mệt mỏi, cứ lặng lẽ quan sát nó một chút rồi thì cái nóng nực cũng dần biến mất, sau đó con rải tâm từ đến những người khốn khổ và có cái tưởng như mình đang tan chảy ra hòa nhập vào thiên nhiên này (cái tưởng này cũng do chủ quan của con chứ không phải tự nó phát sinh), rồi con không thấy mình đâu nữa, lúc đó có một sự hỷ lạc phát sinh rất lớn làm mát mẻ thân tâm. Đó là lúc con mới học thiền, còn sau này con được đọc sách và nghe giảng nhiều hơn nên cách thiền của con không còn rơi vào cái đó nữa mà chú tâm vô thực tại. Xin thầy chỉ dạy thêm. Con cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con từ bỏ những trạng thái định do cái tưởng chủ quan để chú tâm quan sát thực tại khách quan như vậy là một tiến bộ rất lớn. Nhiều người mong những trạng thái định đó và cố gắng để đạt đến như vậy mà không được hoặc đạt được thì kẹt vào sở đắc ấy, con có căn cơ thật tốt mới thoát khỏi sự hấp dẫn của những trạng thái định một cách dễ dàng để tự chuyển hóa vào minh sát tuệ, thầy chúc mừng con.
Khi cần con vẫn có thể ngồi hay nằm thư giãn buông xả hoàn toàn không cố gắng dụng công hay dùng tưởng để định tâm như trước đây thì tâm liền vào chánh định một cách dễ dàng, loại định này không do ý chí của bản ngã tạo tác mà thành. Còn bình thường con nên thận trọng chú tâm quan sát thực tại đang là (mọi hoạt động của thân tâm) một cách tự nhiên không cố ý sắp đặt chủ quan như những phương pháp tu dựng lên cái ta tu và đối tượng chọn lựa để tu.