Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Kính chào thầy, con là Thiện Tấn, con có 1 vài nghi vấn, xin thầy hoan hỉ giải đáp. Hoài nghi có phải là bất thiện pháp hay không? Ta có thể đối trị hoài nghi bằng pháp gì? Những bậc chưa chứng thánh quả thì không ai có thể tránh khỏi hoài nghi có đúng không? Kính tri ân thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nghi hoặc là tâm phân vân, lưỡng lự hay do dự bất quyết, một trong những yếu tố của tâm si nên dĩ nhiên là bất thiện. Nghi hoặc khác với nghi ngờ. Nghi hoặc là sự bất định do tâm si, trong khi nghi ngờ là thái độ sáng suốt không vội tin nhận điều gì khi chưa thấy đúng sự thật.
Khi con nhìn một đối tượng với tâm lu mờ lơ đễnh, không quyết tâm thẩm tra, khảo sát kỹ để thấy rõ thì tâm sẽ không nắm vững đối tượng ấy nên mới phân vân lưỡng lự và bất ổn. Ví dụ như khi con chọn lựa 1 trong 2 món đồ nhưng vì không quan sát kỹ tính chất của mỗi món nên con phân vân không biết chọn món nào.
Bậc thấy pháp hay vào được dòng pháp (pháp tánh chân đế) thì không còn phân vân nghi hoặc về pháp chân đế nữa. Nhưng dù là một vị Alahán vẫn nghi ngờ thông tin về một sự kiện mà vị ấy chưa chứng kiến, nhưng đây chỉ là phương diện tương đối của tục đế mà thôi.
Câu hỏi:
Thầy kính. Con thực sự rất bất ngờ và xúc động khi dịp vào SG vừa rồi Thầy tặng gia đình con câu kệ trên thư pháp: "Chuyện gì đến sẽ đến/ Chuyện gì đi sẽ đi/ Tuỳ duyên mà ứng xử/ Vô ngại, Tâm xả ly". <p>
Con cũng vô cùng tri ân Thầy vì Thầy là vị Thầy duy nhất và đầu tiên có ảnh hưởng tới nhận thức của chồng con khi đến với Đạo Phật.
Nhưng con chưa hiểu hết ý nghĩa của bài kệ này.
Kính mong Thầy từ bi giải nghĩa để con hiểu thật rõ ràng.
Con vô cùng tri ân Thầy. Con kính chúc Thầy luôn mạnh khoẻ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con vào đọc sự chia sẻ của chị Như Trung mới đây trong Hỏi Đáp ngày 24/10/2011 thì sẽ hiểu, thầy có giảng ý chính của bài kệ mà chị ấy đã trích lại. Bài kệ ấy không có thâm ý gì cả, nó cũng giống như bài kệ mà chị Như Pháp trích trong thư chị viết cho thầy mới đây (Thư gởi Thầy 38), ý đã hoàn toàn rõ ràng như vậy thôi. Con cứ sống tùy duyên thuận pháp rồi sẽ hiểu ra 2 bài kệ ấy ngày càng thâm sâu thêm.
Câu hỏi:
Kính thưa sư:
Con đã học và hành theo pháp của sư được mấy năm, qua các thư mục ở trang web Trung Tâm Hộ Tông. Con thấy giáo pháp này phù hợp với con và bước đầu có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên vì ở xa không được gặp sư để học hỏi. Nay, sư cho phép con được hỏi: <p>
Nhật hành của người cư sĩ theo Phật giáo Nguyên Thủy (ở chùa Bửu Long) phải như thế nào, ví dụ: hàng ngày, giờ nào tụng kinh và tụng kinh gì?... (ngoài việc tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác trong hữu sự hay sáng suốt, định tĩnh, trong lành trong vô sự). Kính mong sư chỉ dạy. Con xin cảm ơn sư, chúc sư mạnh khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra tụng kinh cũng chỉ là một trong những phương tiện tu tập tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người. Nếu con có thể sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành hoặc thận trọng, chú tâm, quan sát hoặc tinh tấn chánh niệm, tỉnh giác thì không tụng kinh cũng được. Thay vì tụng kinh giờ đó con có thể nghe giảng qua mục pháp thoại trong trang web này thì hiệu quả cũng giống như tụng kinh hay còn hơn thế nữa.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con là 1 du học sinh hiện đang học tập ở nước ngoài. Cuộc sống bôn ba đã dạy cho con rất nhiều điều: không nên mừng vội khi mình gặp may hay thành công, cũng như không nên buồn hay chán nản khi thất bại. Chính vì thế trước mọi sự việc con đều bình thản đón nhận. Thế nhưng thưa thầy, cuộc sống của con bây giờ khi ai hỏi con thích cái gì thì con cũng không thể trả lời được, tương lai con muốn làm gì con cũng không thể trả lời được. Vậy có phải con đang mất phương hướng không ạ? Con phải làm thế nào để có thế tìm được cách sống của mình? Thầy có thể chỉ hóa giúp con được không? <p>
Thưa thầy, cuộc sống của gia đình con không được hạnh phúc cho lắm. Mẹ của con giờ đang bệnh nặng, tuy nhiên lại không hề muốn chữa trị. Mẹ con luôn bảo với mọi người là giờ không muốn chữa trị, xác định tư tưởng để đón nhận nó. Mẹ con không chữa, cứ để kệ thế rồi còn bảo là chết sớm được thì càng tốt, được bạn bè đồng tu đưa tiễn mình... Phận làm con, con rất buồn trước suy nghĩ của mẹ con, con có cảm giác như mình là đứa con bất hiếu không thể làm gì để giúp mẹ được. Thưa thầy, con nên làm thế nào để mẹ con có thể thay đổi suy nghĩ được ạ? Con giờ ở xa nên không thể hàng ngày động viên hay ở bên cạnh mẹ con được. Kính mong thầy chỉ dạy cho con. Con xin cảm ơn ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Không ai biết trước được tương lai của mình, do đó xác định được tương lai hay không không quan trọng, mà vì tương lai bắt đầu từ ngày hôm nay do đó quan trọng là con có nhận thức đúng và hành động tốt ngay tại đây và bây giờ hay không mà thôi. Nếu con sống đúng tốt từng ngày thì tương lai của con chắc chắn là đúng tốt, còn nếu ngay bây giờ con nhận thức và hành động sai xấu thì dù có mơ ước một tương lai tốt đẹp cũng không thể nào có được. Mất phương hướng chính là không tự biết rõ mình ngày hôm nay.
2) Mẹ con có quyền quyết định thái độ sống của riêng mình. Nếu quyết định của mẹ con xuất phát từ nhận thức đúng tốt và bà cảm thấy an lạc trong quyết định của mình thì chính con mới tự đặt ra vấn đề cho mình, chứ mẹ con không có vấn đề gì cả. Thái độ của mẹ con chưa hẳn đã sai, biết đâu bà có lý do chính đáng để quyết định như vậy. Tốt nhất là con nên tìm hiểu xem vì sao mẹ con quyết định như vậy. Nếu mẹ con quyết định đúng thì con phải tôn trọng, nếu quyết định sai thì con phải khéo léo giúp bà điều chỉnh lại. Vấn đề là con có chắc chắn mình biết điều gì đúng và điều gì sai không?
Câu hỏi:
Kính sư, trong Hỏi đáp ngày 29/10/2011, có 2 đạo hữu hỏi về bệnh quên và tạp niệm của tâm, con rất cám ơn 2 vị và sự chỉ giáo của sư, 2 vị đã hởi giúp con. Giờ con xin sư dạy cho:<p>
Theo cuốn Thực Tại Hiện Tiền phần nói về tương giao của 18 giới, sư có đề cập rằng, trong Duy thức thì sở hữu biến hành tâm có 5, còn trong Vi diệu pháp thì có 7 (thêm nhất tâm và mạng quyền). Nhờ 2 biến hành này mà tiến trình tâm mới nhất quán, không trộn lẫn các tiến trình tâm khác nối tiếp, liên tục với vận tốc cực nhanh (sat-na). Trong VDP, tiến trình tâm là một chương quan trọng, có khảo sát mới nhận ra sự vận hành của tâm thức, còn trong DTH con không thấy đề cập đến. Con tìm trong mục lục sách Duy thức học của HT. Thích Thiện Hoa và Khảo nghiệm Duy thức học của HT. Thích Thắng Hoan cũng không thấy. Vậy có phải DTH không nói về tiến trình tâm mà chỉ có VDP mới đề cập mà thôi? Hay DTH cũng có đề cập nhưng dưới dạng khác, nếu vậy là dạng nào? <p>
Con kính mong được sư chỉ giáo. Con thành tâm đảnh lễ sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tuy đối tượng nghiên cứu của Vi Diêu Pháp (VDP) và Duy Thức Học (DTH) giống nhau nhưng cách trình bày khác nhau. VDP khảo sát sự diễn biến trong vận hành của Pháp (Tâm, tâm sở, sắc, Niết-bàn) cho nên trình bày tâm dưới dạng tiến trình động, còn DTH mô tả dạng thức trong cơ cấu của Pháp (định dạng các thành tố của pháp), nên trình bày tâm dưới dạng sự kiện tĩnh, do đó hai cách trình bày khác nhau. Ví dụ VDP mô tả tiến trình tâm qua ngũ môn với 17 sát-na tâm trong 8 công đoạn: 3 sát-na bhavanga đầu -->1 sát-na Ngũ môn hướng tâm --> 1 sát-na ngũ thức --> 1 sát-na tiếp thọ tâm --> 1 sát-na suy đạc tâm --> 1 sát-na xác định tâm --> 7 sát-na tác hành tâm --> 2 sát-na sao lưu vào bhavanga. Trong khi đó DTH trình bày dưới dạng cơ cấu thành 8 thức riêng biệt: 5 tiền ngũ thức + ý thức thứ 6 + mạt-na thức thứ 7 + a-lại-da thức thứ 8.
(5 thức thì bên giống nhau, còn tác hành tâm tương đương với ý thức, các công đoạn thuộc ý giới như ngũ môn hướng tâm, tiếp thọ tâm, suy đạc tâm, xác định tâm tương đương với mạt-na thức và bhavanga tương đương với a-lại-da thức).
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, con là một Phật tử mới sơ cơ, những thắc mắc về Phật pháp của con có vẻ còn ngớ ngẩn, mong Thầy hoan hỷ chỉ bày. Con xin hỏi: Tu theo Phật có thành Phật không? Có chứng đắc không? Thầy từng nói bản ngã là do ảo tưởng mà có. Vậy khi mất rồi, ai thọ quả báo, ai đi luân hồi sanh tử trong lục đạo? <p>
Con mong hồi âm của Thầy. Chúc Thầy nhiều sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Tu theo Phật Toàn Giác thì thành Thanh Văn Giác, còn tu như Phật Toàn Giác mới thành Phật Toàn Giác.
2) Có chứng đắc nhưng không có sở đắc. Chứng đắc là thấy ra được hay giác ngộ được, và vì tánh biết thấy pháp nên trong đó không có cái ta thấy, còn sở đắc là sở hữu được nên trong đó có cái ta của người sở hữu.
3) Khi mê muội, chính cái ta ảo tưởng tạo ra luân hồi sinh tử, nên nó cũng thấy "ta tạo nghiệp, ta gặt quả, ta luân hồi trong lục đạo". Nhưng khi giác ngộ ra cái ta chỉ là ảo tưởng, thì nói như Thanh Tịnh Đạo: "Không có người tạo nghiêp, không có kẻ gặt quả, chỉ có dòng nghiệp báo triền miên".
Câu hỏi:
Kính Sư, xin Su viết tóm tắt cho con được hiểu: <p>
1) Sự khác biệt giữa 5 loại định mà Sư giảng trong khóa 8.<p>
2) Tuệ danh sắc là gì?<p>
3) Có người nói bản ngã và ngã mạn rất vị tế, rất khó bỏ, ngay cả mấy vị Thiền sư càng cao càng không thấy được bản ngã vi tế, có đúng không sư? <p>
4) Con thấy nhiều vị tu hành lời nói không đi đôi với việc làm có phải là vì họ chưa thấy "thực tánh pháp" mà đức Phật chỉ dạy không? Con xin cám ơn sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Xin vui lòng vào mục Thư Viện xem cuốn chương 8 cuốn Sống Trong Thực Tại, sư có giảng rõ 5 loại định này.
2) Khi người hành thiền không còn thấy có cái ta hành mà chỉ có tánh biết đang thấy pháp thôi nên gọi là tuệ thấy danh sắc.
3) Đúng là bản ngã và ngã mạn rất vi tế, khó thấy khó bỏ. Đến bậc Tu Đà Hoàn mới không còn chấp ngũ uẩn là ta, và đến bậc Alahán mới hết ngã mạn. Thường những hành giả hay thiền sư dùng bản ngã để tinh tấn hành thiền thì đều càng ngày càng tăng bản ngã và ngã mạn. Nhưng hành giả hay thiền sư nào biết buông cái ta lý trí vọng thức ra để tánh biết tự thấy pháp thì bản ngã và ngã mạn dù chưa hoàn toàn đoạn tận thì cũng đoạn giảm chứ không tăng trưởng.
4) Đúng là ai chưa thật sự thấy "thực tánh pháp" thì lý thuyết và thực hành họ vẫn chưa đi đôi với nhau.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy.
Xin Thầy giảng rõ thêm câu dưới đây, con vẫn chưa hiểu thấu:
"Nếu có sự cứu độ thì một vị Bồ-tát chỉ có thể độ được “tự tánh chúng sanh”, nghĩa là những vọng nghiệp sinh khởi trong tâm do cái ta ảo tưởng tạo ra mà thôi". (Trích từ quyển Sống Trong Thực Tại, chương Ngay đó là bờ. Sư Viên Minh)<p>
Con kính đảnh lễ Thầy từ Sydney.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong Phật giáo chỉ có khai thị cho người khác khi người đó đã đủ duyên, mà Phật gọi là người ít bụi trong mắt, nghĩa là ít tà kiến và tham ái. Vì mỗi người có duyên nghiệp riêng và đó chính là bài học giác ngộ của riêng của mình. Phật khai thị nhưng mỗi người phải tự mình ngộ nhập, chứ không ái có quyền cứu độ người khác vì làm như vậy là cướp mất sứ mạng học bài học giác ngộ giải thoát của họ. Giống như cha mẹ, hay thầy cô chỉ giảng dạy và tạo điều kiện cho con em siêng năng học hành để lên lớp chứ không thể cho các em lên lớp theo ý mình hay theo lời cầu xin của con em được.
Tự mình thắp đuốc lên mà đi là phương châm của người tu Phật, nhờ vậy họ không ỷ lại vào quyền năng cứu độ. Thiền Tứ Niệm Xứ dạy rằng mỗi người phải trở lại ngay nơi thân tâm mình mà thấy ra thực tánh pháp chứ không nương tựa, không bám níu điều gì trên đời hay mong đợi sự cứu độ của bất kỳ tha lực nào. Thiền Tông cũng đề cao tinh thần tự giác tự độ khi Tổ Huệ Năng nói: "Tự tánh chúng sanh vô biên thệ nguyện độ", mà muốn vậy thì phải "Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật", chứ không trông chờ chư Phật, chư Bồ-tát đến ra tay cứu độ.
Có người cho rằng nói Bồ-tát cứu độ để không thấy do bản ngã mà giải thoát. Cho dù là như thế thì vẫn là thoát khỏi cái ta nhỏ để nương tựa vào cái ta lớn mà thôi. Còn nói "tự mình giác ngộ" có nghĩa là không phải cái ta ảo tường giác ngộ, mà cũng không ai giác ngộ giùm.
Câu hỏi:
Thưa Thầy, vì sao con hay quên, nhiều khi con mới nghĩ ra chuyện gì đó, con muốn nói, nhưng con đi xuống nhà sau để làm việc gì đó thì lại quên hồi nãy ở nhà trên mình nghĩ sẽ làm việc gì nữa. Con nhờ Thầy chỉ cách chữa chứng tâm bất định này. Con cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sở dĩ quên là do khi hành động nói năng suy nghĩ thiếu sự biết mình, thiếu sự trọn vẹn với từng giây phút để tâm không bị chi phối bởi những chuyện khác. Chỉ cần thận trọng, chú tâm, quan sát hoặc tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác đối với mọi hoạt động của thân tâm thì sẽ ít quên hơn.
Câu hỏi:
Thưa Thầy, vì sao con đang tụng kinh thì tâm có lúc lại nghĩ việc khác, đôi khi quên luôn cả lời kinh nữa. Con nhờ Thầy chỉ cách thực hành thế nào để từ từ cho tâm con được an tịnh khi tụng kinh. Con cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trước hết khi tụng kinh tâm phải thật thành kính và khi đọc tụng cần chú tâm lắng nghe lại thật rõ từng âm khi phát ra. Tụng cách đó vừa dễ nhớ từng âm tiết của lời kinh vừa chú tâm trọn vẹn vào bài kinh đang tụng. Mục đích của tụng kinh là để trang nghiêm thân khẩu ý và phát huy giới định tuệ qua sự thành kính, chú tâm, thâm nhập ý kinh v.v... mà loại trừ được các tập khí phiền não như tạp niệm, vọng niệm, thất niệm do tham sân si, hay tà kiến và tham ái.