Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 28-09-2021
Câu hỏi:
Dạ thưa Sư Ông, con vừa nghe tin mẹ con mổ khối u, phát hiện ác tính. Điều này đồng nghĩ là sẽ hóa trị và chỉ sống thêm được 1,2 năm nữa thôi. Con bây giờ cảm thấy bàng hoàng quá Sư Ông ạ. Cứ nghĩ đến việc Mẹ sẽ không còn nữa là con thấy sợ hãi quá. Thưa Sư Ông giờ con phải làm sao để đối diện với thực tại tàn nhẫn này ạ. Kính tri ân Sư Ông ạ.
Ngày gửi: 28-09-2021
Câu hỏi:
kính thưa thầy!
Con nặng về kiêu mạn, con cần tu pháp gì để giảm thiểu kiêu mạn ngủ ngầm.
Đôi khi con thấy mình rất khiêm tốn, nhưng khiêm tốn đó không phải là thực, sâu trong đó là một mục đích nào đó, một cái ngã mạn nào đó thích sự khiêm tốn, chứ không phải tự nhiên.
Con thấy được lợi ích lớn khi nghe pháp của thầy. Con cám ơn thầy, kính mong thầy sống lâu, khỏe mạnh.
Ngày gửi: 28-09-2021
Câu hỏi:
Kính bạch Sư Ông!
Con xin được trình bày cùng Sư Ông một vài cảm nhận.
1. Hai hôm nay con gặp chuyện ngoài ý muốn. Nếu như trước đây con sẽ bị cuốn theo cảm xúc dẫn đến hành động cảm tính, tự gây thêm nhiều áp lực cho mình. Thì bây nhờ nghe Pháp của Sư Ông con đã nhớ thận trọng chú tâm quan sát những cảm xúc trồi lên sụt xuống của mình. Con nhận ra sự việc này xảy ra không phải để “làm khổ” con mà là để nhắc nhở về những điều mà con vẫn đang còn bị bám chấp. Con thôi kháng cự lại hoàn cảnh nữa mà chấp nhận điều đã xảy ra. Hiện tại dù con chưa đưa ra quyết định ngay nhưng con cảm thấy bình thản vì dù quyết định thế nào giờ con thấy cũng không quan trọng nữa. Chưa phải quyết ngay thì thôi không nghĩ đến, đến khi cần quyết thì dù chọn điều gì thì con cũng sẽ nhận được bài học tương xứng với lựa chọn đó mà thôi. Nhờ đó con thấy mọi sự trở nên nhẹ nhàng và thấm thía hơn hai câu thơ của Sư Ông: “Tự do là ung dung trong ràng buộc, Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau.”
2. Trước đây con là một người không coi trọng tiền bạc, ghét sự bon chen để mưu cầu danh lợi, phải nói rằng con có tâm xem thường những người chỉ luôn biết đến tiền. Con luôn đề cao lý tưởng rằng phải được làm công việc yêu thích, không bị gò bó, bản thân phải vừa cảm thấy thoải mái mà vừa phải lợi ích cho mọi người thì mới có ý nghĩa (vì con thích cảm giác giúp đỡ người khác và cho rằng mình là người tốt bụng). Nhưng trên thực tế thì lại không tìm được công việc hoàn hảo như vậy: khi con làm công việc lương cao thì con thấy mệt mỏi vì nhàm chán, khi con đổi sang công việc thú vị hơn thì con cũng cảm thấy khổ sở vì thiếu tiền. Rồi một ngày con bỗng nhận thấy bản thân mình thực sự không hề hơn gì những người chỉ làm việc vì tiền. Nếu họ dính mắc vào tiền bạc và danh lợi thì bản thân con cũng bị dính mắc vào lý tưởng và sự cầu toàn thái quá, vào cảm giác thoải mái và vào “nhu cầu làm người tốt” của bản ngã. Con nhận ra tính chất 2 mặt của bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống, nếu quá nghiêng về thái cực nào cũng đều dẫn đến mất cân bằng. Chỉ có sự trung dung, khách quan mới có thể khiến con người ta nhìn nhận mọi sự việc một cách sáng suốt. Điều này con cảm thấy giống với con đường Trung đạo mà Phật giáo hướng đến.
3. Trước đây con cũng luôn cho rằng tất cả mọi sự đều phải nỗ lực mới tạo thành. Cho nên khi con bắt đầu tìm hiểu về Đạo, con thực sự không thể hiểu (và cũng ngầm không chấp nhận) rằng Tánh Biết là sẵn có ở mỗi người. Nhưng sau khi bản thân tự trải qua và ngẫm lại, thì những điều con nhận ra, đều xuất hiện rất tự nhiên, trong những khoảnh khắc tĩnh lặng không hề có sự chủ động suy nghĩ. Đồng thời việc này cũng khiến con nhớ lại những ngày còn là một đứa bé. Con đã luôn cảm thấy mọi sự con người trải qua như một vòng tròn, đi từ đầu đến cuối lại trở về cùng một điểm nhưng khi đó tuy hành động không thay đổi mà nhận thức đã khác. Cái này thật khó lý giải cụ thể vì con vẫn thấy mình kẹt trong ngôn từ. Nhưng với một đứa trẻ thì những suy nghĩ đó rõ ràng vượt ngoài tầm vóc, không thể do nỗ lực tư duy mà thành. Vậy liệu đó có phải là do khi còn nhỏ ta chưa vướng bụi trong mắt, nên Tánh Biết dễ dàng hiển lộ hơn không thưa Sư Ông?
Lần nào con viết cho Sư Ông cũng dài dòng quá. Nhưng thực sự là phước lành cho con khi hữu duyên biết đến Sư Ông từ những tuần đầu tiên khi thai nhi trong bụng vừa mới tượng hình. Đến nay con đã được hơn một nửa thai kỳ, ngày nào con cũng bật Pháp thoại lên nghe để thai giáo cho em bé, mà nhờ đó chính bản thân con cũng được vỡ ra rất nhiều điều.
Con xin kính chúc Sư Ông cùng toàn thể tăng ni chùa Bửu Long thật nhiều sức khoẻ!
Ngày gửi: 28-09-2021
Câu hỏi:
Con đảnh lễ thầy!
Như con biết có 6 loại thọ (3 thọ về thân và 3 thọ về tâm) Thầy cho con hỏi người giác ngộ có hết khổ tâm không ạ (Hỷ, ưu, xả?
Con cám ơn thầy.
Ngày gửi: 28-09-2021
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy!
Thưa Thầy cho con đc hỏi ạ: Cái biết chân thật là Tánh biết. Cái biết về mọi thứ xung quanh (ảo) mà cho là thật gọi là Tưởng (Tưởng trong Ngũ uẩn), có phải ko ạ?
Con xin cảm ơn Thầy!
Ngày gửi: 28-09-2021
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ thầy ạ.
Thưa thầy, con có điều muốn nói. Thời gian trở lại đây, khi hành những pháp dục lạc, càng ngày con càng thấy chán ngán những pháp dục lạc, càng ngày càng thấy không hứng thú với chúng nữa. Cứ mỗi lần kết thúc, con thấy những pháp ấy thật ghê tởm, thô thiển, hạ tiện, khiến con không muốn hành lại. Con thực sự đã quá nhàm chán những pháp dục lạc ấy, lúc hành đã không còn tận hưởng, không còn thấy ý nghĩa để hành nữa mà hành chỉ như một tập khí, một thói quen, một quán tính của tâm. Hôm nay con xin thoát ly những pháp dục lạc ấy, tập sống dần với hạnh của người xuất gia ngay tại nhà. Con xin thầy chứng minh cho con, và ban cho con một pháp danh để thọ trì. Từ đây trở về sau, con nguyện trọn vẹn sống trong tỉnh thức.
Namo Buddhaya.
Ngày gửi: 28-09-2021
Câu hỏi:
Thưa sư cho con hỏi chùa Bửu Long hành thiền Vipassanā theo phương pháp thiền sư nào (U Silananda, Mahasi, Pa Auk, S.N. Goenka, U pandita, Ajahn chah…) ạ?
Ngày gửi: 28-09-2021
Câu hỏi:
Bạch thầy cho con hỏi con có một tính khí rất lạ là hay nói lớn tiếng khi bực con cái hay vợ thường hay mắng vì thấy họ không tập trung nói về vấn đề chính nào đó đang nói mà cứ khư khư việc của mình rất ít lắng nghe, vậy là con nổi lên lớn tiếng, con thấy mình là người học Phật nhận thấy ngay lúc đang nói đó là sân, có kiềm chế ít lời lại hoặc quán xét mọi việc và đối tượng mình đang sân và có tác ý sao tính mình kỳ quá hè, tuy không có gì trầm trọng nhưng mỗi lần vậy con thấy hổ thẹn sao mình tệ quá. Con kính mong thầy chỉ cho con một pháp để đối trị tính khí đó. Con kính tri ân Thầy.
Ngày gửi: 28-09-2021
Câu hỏi:
Dạ! Con xin đảnh lễ Thầy với lòng thành kính!
Dạ con có nghi vấn như sau: Con có được đọc một số sách nói rằng "Tất ai cũng đều sẵn có PHẬT TÁNH trong mỗi người. Các con cứ tìm nơi thanh tịnh như chùa, thiền viện để tụng kinh, ngồi thiền rồi sau thì Phật tính sẽ lộ ra hay ngày nào đó sẽ thấy được Phật" và con hiểu câu này như sau:
- Con nên/phải TÌM lại tánh Phật trong mỗi người thông qua việc đọc kinh và ngồi thiền hoặc học kinh điển, ngồi thiền và tụng kinh mỗi ngày để cho Phật tính được hiển lộ. Cũng giống như con đang đi tìm vàng tại một cái mỏ vàng khi biết được vàng có ở trong mỏ vàng này.
- Hoặc Con thấy Phật tính ngay tại đây và bây giờ với cái thấy trong lành, định tĩnh và sáng suốt. Thấy sinh và diệt trong từng sát-na của dòng tâm thức, hay sống tùy duyên với vô ngã vị tha ở ngay hiện tại và thuận theo Đạo Pháp.
Dạ, con xin Thầy hoan hỷ khai thị cho con.
Con kính đảnh lễ Thầy.
Ngày gửi: 28-09-2021
Câu hỏi:
Thưa thầy,
Con lại có thêm thắc mắc mong được thầy chỉ dạy giùm con ạ. Con đang hiểu nông cạn như thế này không rõ đúng sai đến đâu: Mỗi người khi sinh ra liền xuất hiện một bản ngã (mà ta hay gọi là cái ta ảo tưởng) giống như trung tâm ảo trong vùng không gian ý thức của người đó. Bản ngã này ngày càng dày lên thêm theo những kinh nghiệm mà người đó góp nhặt theo thời gian sống. Người giác ngộ là người nhận ra sự chi phối của cái bản ngã này tới nhận thức, hành động của họ và khi nhận ra rồi họ không còn bị bản ngã cuốn đi nữa. Tức là người giác ngộ vẫn có những điều mong muốn/không mong muốn của họ nhưng không bị bản ngã đẩy những muốn/không muốn đó thành nỗi khổ của người đó có phải không ạ? Con đang chập chững học hỏi Phật pháp nhưng nhiều khi cảm thấy cô đơn vì không chia sẻ được với bạn bè người thân về những điều con quan tâm. Con rất mong được thầy chỉ dạy thêm ạ. Con cảm ơn thầy.