Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 28-09-2021
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy,
Gần đây con thường thiền vào buổi sáng và nghĩ đến các lời dạy của Thầy trong lúc thiền cũng như trong khi đối mặt với nhiều việc trong đời. Con nhận ra mình có thay đổi. Con thường cảm thấy muốn tránh xa những nguy cơ hoặc hành động có thể dẫn đến xung đột, tranh cãi, dù vì bất kỳ lý do gì. Trong công việc, con phụ trách một số việc mà thường phải góp ý và chỉ dẫn. Trước đây con thường nghĩ là mình cần làm mọi cách có thể để việc được thành tựu đúng lúc đúng chất lượng và mọi người cần làm theo đúng trách nhiệm. Nhưng giờ con thấy rằng mọi việc đều có nhân duyên và mọi người có những ưu tiên khác nhau và tâm lý khác nhau. Vì vậy, con vẫn góp ý, chỉ đạo khi cần thiết nhưng không còn nhất định phải theo ý mình và cố gắng tránh tranh cãi càng nhiều càng tốt. Nếu việc không thành thì là không thành thôi. Mà thực ra nếu thành thì con cũng thấy là nhân duyên mọi người và mọi sự gặp nhau đúng lúc, còn mình chỉ góp một ý kiến khiêm tốn. Con băn khoăn liệu như vậy có phải là con đang tiêu cực đi không? Liệu có phải là có nhiều việc vẫn nên cần con cố gắng làm nhiều hơn và lên tiếng nhiều hơn hay không? Thực sự thì con cảm thấy mình cũng không còn nhiệt tình thúc đẩy và tranh đấu vì mọi việc như trước. Chỉ là thấy mọi việc đều đến như nó là thôi. Xin thầy chỉ dạy thêm cho con cách hành xử trong cuộc sống và công việc.
Kính tạ ơn thầy.
Lê Kim Thái
Ngày gửi: 27-09-2021
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,
Con vừa nghe bài giảng của thầy về “đúng, sai, thiện, ác”. Theo sự hiểu biết của con thì đúng, sai, thiện, ác có hai phần: một phần thuộc về thế gian pháp (tương đối tùy duyên thuận pháp), và phần còn lại là xuất thế gian pháp (tuyệt đối nhưng cũng tùy duyên thuận pháp).
Ví dụ:
1) Như mình đang đi đường đúng chiều. Bất chợt có người say rượu lái xe ngược chiều đang lao tới mình, thì mình đành phải tránh bằng cách lái xe ngược qua làn bên cạnh khi không có người nếu không thì cả hai sẽ chết.
2) Có tên ăn cướp vào xóm mình dò hỏi coi nhà nào có nhiều tiền, nếu mình không nói dối mà nói ra sự thật thì mình cũng rất là vô minh.
Con nghĩ trong cuộc sống này thì mình phải tùy cơ ứng biến. Giữ giới mà không bị kẹt trong giới cấm thủ vì Phật pháp là phải thiên biến, vạn hóa. Không nắm chân đế, nhưng cũng không lìa tục đế “pháp giới dung thông”. Xin thầy chỉ dạy thêm nếu con hiểu sai.
Ngày gửi: 27-09-2021
Câu hỏi:
Thưa sư cho con hỏi là con tụng quyển kinh hộ trì Paritta theo từng ngày trong tuần như vậy được không ạ?
Ngày gửi: 27-09-2021
Câu hỏi:
Thưa Thầy! Hiến tuổi thọ cho người khác là có xảy ra hay không? Trước đây con có đồng ý hiến 10 năm tuổi thọ cho người con thương yêu. Và người ấy bảo giả sử con thọ 60 tuổi thì con sẽ chỉ thọ 50 tuổi vì hiến đi 10 năm tuổi thọ.
Con hiện đang 40 tuổi. Và có ý xuất gia khi con gái con trưởng thành, khoảng 10 năm nữa. Con cố gắng sống tốt hơn và tập thực hành một số việc của người xuất gia trước xem mình có làm được không. Như là con đã tập dần hạnh ăn uống không sát sinh và quen dần vui với điều ấy được 1 năm rồi. Con cũng học chú Thủ Lăng Nghiêm sợ sau này trí nhớ kém và cũng hoàn thành... Dạ thưa Thầy! Vậy con xuất gia khi tuổi xế chiều có nhiều trở ngại gì cho con không? Và con thật không biết chọn cho mình nơi nào để tu tập. Rất mong Thầy chỉ dạy thêm cho con. Con cảm ơn Thầy rất nhiều! Nam mô Bổn Sư Thích Ca Ni Phật!
Ngày gửi: 27-09-2021
Câu hỏi:
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!
Con xin chấp tay, cúi đầu đảnh lễ Thầy.
Dạ kính Thầy, hôm nay con xin phép chia sẻ 2 bài học quý giá mà con đã thực chứng, một là học từ Thầy, một là học ở trên mạng 4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ. Hai bài học con sắp kể ra đây có vẻ mâu thuẫn nhưng nó là như vậy.
Con xin kể câu chuyện của con, công việc của con là đi giao gas, phương tiện là 2 chiếc xe máy, một chiếc thì mới, một chiếc thì cũ kỹ, chủ có dặn dò nếu đi trong khu vực gần cửa tiệm thì đi chiếc nào cũng được, nhưng nếu đi xa thì lấy chiếc mới mà đi, sáng nay bà chủ có điện thoại cho con có khách hàng ở xa, như thường ngày, con hay đi chiếc xe cũ kỹ, với lại có vài lần con vẫn đi xa bình thường nên hôm nay con vẫn dùng chiếc xe cũ kỹ đó đi giao gas, nghĩ là không sao hết. Đi được 2/3 đường thì y như rằng, con đã gặp vấn đề không mong muốn, đó là xe bị xì lốp, ngay đó con thấy được giá trị lời dạy của Thầy, vì chủ quan, ỷ lại, không thận trọng, suy xét vấn đề đường xa, không lấy xe tốt mà chạy nên mới gặp vấn đề này. Tất nhiên cách giải quyết là gọi cho anh đồng nghiệp phải mất công chạy thay, gọi cho chủ, gọi cho khách, vấn đề đã được giải quyết nhưng trong sự miễn cưỡng, mất thời gian, con thấy phòng cháy hơn chữa cháy, nếu ngay lúc bà chủ gọi điện, con thận trọng, chú tâm, quan sát, suy xét vấn đề thì chắc chắn con sẽ không gặp phải vấn đề này. Đây là bài học thứ nhất.
Trước khi nói đến bài học thứ hai con xin chia sẻ 4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ mà con học được:
Quy tắc 1: Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp cả.
Quy tắc 2: Bất cứ điều gì xảy ra thì đó chính là điều nên xảy ra.
Quy tắc 3: Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm.
Quy tắc 4: Những gì đã qua, cho qua.
Cũng là câu chuyện con bị xì lốp xe, sau khi đã giải quyết ổn thỏa cho khách hàng, con đi vá xe, đến nơi người ta kiểm tra ruột xe rồi bảo xe không bị đinh găm gì hết, nhưng chỗ vá cũ bị rách một đường dài nên không vá được và phải thay ruột mới. Ngay đó con mới thấy giá trị quy tắc thứ 2, vậy là nếu như lúc này mình không gặp vấn đề này thì cũng gặp nó vào dịp khác, nếu lúc này tránh việc xe bị xì lốp thì lúc khác cũng phải gặp thôi, vấn đề sớm hay muộn cũng phải đối mặt với nó. Đây là bài học thứ 2.
Rút ra từ 2 bài học trên, con có thấy ra là: khi làm bất kỳ việc gì cũng thận trọng, chú tâm, quan sát, xem xét mọi việc kỹ càng để hạn chế thấp nhất rủi ro, chuyện không như ý xảy đến. Và sau khi đã làm tất cả, mà chuyện không như ý vẫn xảy đến với mình, thì hoan hỷ, chấp nhận nó như là việc cần thiết phải xảy ra, để tiếp tục thấy ra bài học, tiếp tục điều chỉnh thái độ và hành vi.
Con xin chia sẻ cùng quý đạo hữu ạ.
Ngày gửi: 27-09-2021
Câu hỏi:
Con ở xa muốn học thiền từ thầy thì có cách nào không thưa thầy?
Ngày gửi: 27-09-2021
Câu hỏi:
Thầy ạ, Tất cả chúng sinh đáng ra họ sống an lạc và giải thoát từ lâu rồi, nhưng vì sử dụng cái tâm không sinh không diệt này sai nên bị đau khổ, Thầy nhỉ?
Ngày gửi: 27-09-2021
Câu hỏi:
Con kính chúc thầy sức khoẻ, con rất biết ơn những bài pháp của thầy.
Trước kia con không biết thầy, con có nghe pháp của một vị thầy khác có nhắc đến tên thầy.
Vậy là con vào youtube tìm thầy, nghe pháp của thầy, mặc dù con không thấy ra sự thật như thầy dạy nhưng con vẫn rất siêng nghe để học hằng ngày.
Hôm nay con gửi cúng dường thầy và các quý sư trong chùa.
Hy vọng một ngày con được gặp thầy.
Ngày gửi: 27-09-2021
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ kính chào Thầy,
Vì Covid gia đình con không làm lễ xả tang ở chùa được, kính xin Thầy chỉ con cách xả tang ở nhà, gồm bài vị của người mất và quần áo tang. Nếu xả tang tại nhà mà không có thầy ở chùa đến cúng có ảnh hưởng đến người mất và người sống không? Con xin cảm ơn và xin kính chào Thầy.
Ngày gửi: 27-09-2021
Câu hỏi:
Con cám ơn thầy đã trả lời câu hỏi của con. Hôm qua con có hỏi thầy thì thầy bảo là con nên nghe pháp thoại, vậy mong thầy chỉ bảo cho con nên nghe từ bài nào ạ vì pháp thoại rất nhiều và nhiều chủ đề khác nhau. Mong thầy từ bi chỉ dạy giúp con.