Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 09-09-2022
Câu hỏi:
Dạ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Dạ ngày mai 10.9 con đến lúc 2h chiều tại chùa để sư ông khai thị giúp con vài vấn đề được không ạ?
Ngày gửi: 08-09-2022
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ Sư Ông,
Con thưa Sư Ông, một năm nữa lại qua đi, vào thời điểm này năm ngoái, con cũng đã viết đôi dòng để trình pháp với Sư Ông như một “món quà” con tự dành riêng cho mình vào tuổi mới.
Con thưa Sư Ông,
Đã hơn một năm từ khi con hiểu được Pháp của Sư Ông, con đã thôi ngần ngại khi đối diện những bài học Pháp đưa đến, dù đôi khi đó là những bài học thật khó khăn làm con chao đảo trên đường tu. Trên hành trình quay về với chính mình để tự khám phá lại nội tâm, con đã bớt dần sự né tránh khi nhìn thấy những bất thiện dù thô hay tế từ bên trong mình. Con đã biết cười và bao dung nhiều hơn với “cái ngã bèo nhèo” của con. Con thương cho sự vô minh của mình, và thương cho những bất thiện vẫn còn đầy rẫy trong con… để từ tình thương cho chính mình đó, con biết thông cảm nhiều hơn với sự sai sót của người khác.
Con thưa Sư Ông,
Con từng ngạo mạn nghĩ rằng con đã chán ngán chuyện tình yêu, sự chán ngán đã đủ để con từ bỏ và tập trung tâm ý cho đường tu. Nhưng như Sư Ông luôn chỉ dạy, Pháp sẽ đến để giúp con đập tan đi ảo tưởng về chính mình. Pháp đã đến để cho con biết rằng con vẫn còn có thể rung động đó thôi. Có những đêm con chìm trong sự đau khổ vì nhớ thương một người, thì có lúc con lại bật cười vì nhớ đến lời dạy của Sư Ông, và mỉm cười vì thấy mình mang ơn Pháp quá nhiều, con tưởng chừng như Pháp đang thì thầm với con: “bớt ảo tưởng đi, nghe chưa?”. Con nghiễm nhiên đón nhận và bình thản quan sát nỗi buồn và dằn vặt của nội tâm như cách Sư Ông vẫn luôn chỉ dạy, và đến giây phút này đây, con thật mừng vì mình đã thoát khỏi được sự chi phối của tham ái dành cho đối tượng con thương.
Con thưa Sư Ông,
Con vẫn thường tự hỏi, đời tu của con sẽ ra sao khi không gặp được Pháp của Sư Ông và không đủ duyên để lãnh hội từng lời Sư Ông dạy. Có lẽ, con lại trôi lăn theo một mong cầu sở đắc nào đó, rồi loay hoay với những tham dục của người tu mà luôn được khoác lên mình bằng những mỹ từ bóng bẩy, hay ho.
Khi ứng dụng lời Sư Ông dạy vào cuộc sống hằng ngày, càng lúc con càng thấy rõ mình có chánh kiến nhiều hơn, như một người đã dần bỏ được những cặp kính màu méo mó mà mình đã cố chấp mang vào suốt bao năm tháng qua. Và thật thú vị thưa Sư Ông, khi chánh kiến rõ ràng hơn, thì con cũng thấy được mình bớt dần thái độ đối kháng với đúng - sai/tốt - xấu của chuyện đời.
Con thưa Sư Ông,
Con từng cố gắng tìm hiểu và học nhiều thứ giống Sư Ông, như: Lão Tử, Khổng Tử, Kinh Dịch…, vì có lúc con từng muốn mình có thể uyên bác và thông thái như Sư Ông. Thì sau một thời gian con thấy thật mệt, và con nhận ra, con là chính con thôi với những sở thích và đam mê học hỏi những điều hoàn toàn khác, làm sao con có thể giống Sư Ông được. Dù con hết sức cố gắng để chỉ có thể giống một phần rất nhỏ của Sư Ông, thì đó cũng chỉ là một bản copy bị lỗi, vì con đã đánh mất chính mình rồi. Sư Ông như cây cổ thụ với tán rộng bóng mát, thì con có vẫn có thể trọn vẹn là ngọn cỏ nép dưới bóng cây.
Con thưa Sư Ông,
Thật không gì thanh thản hơn là ngưng tìm kiếm sự thấu hiểu từ những người xung quanh, khi mình đã có thể quay về bên trong mà thấu hiểu chính mình.
Con đã chứng kiến nhiều những vị thuyết pháp thật tài tình, học kinh luật Pāḷi lưu loát… nhưng rồi khi xúc chạm việc đời, thì con thấy rõ họ hoàn toàn đánh mất mình để trôi theo tham ái và sân hận. Con luôn xem đó như tấm gương, như lời cảnh tỉnh mình để luôn nhắc mình giữ đúng hướng trên con đường ứng dụng Giáo Pháp, vì con biết mình còn rất non kém.
Dù bao nhiêu ngôn từ đi nữa, con vẫn không thể truyền đạt hết được sự xúc động, hoan hỷ mỗi khi được nghe một bài Pháp hay từ Sư Ông, và sự hân hoan khi nghĩ đến Sư Ông vẫn luôn hiện diện cùng hàng hậu bối chúng con.
Từ xa con kính xin đảnh lễ Sư Ông, và nguyện cầu hồng ân Tam Bảo luôn gia hộ cho Sư Ông luôn được minh mẫn, sức khỏe để hoằng pháp độ sanh, vì con tin rằng ngoài kia sẽ còn biết bao người cần lắm sự khai thị của Sư Ông để thoát cơn mê mờ.
Con xin đê đầu đảnh lễ Sư Ông.
Ngày gửi: 08-09-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy, con mong thầy giải đáp giúp con ý nghĩa của việc đi khất thực và nhận cúng dường ạ. Con xin cảm ơn thầy.
Ngày gửi: 08-09-2022
Câu hỏi:
Kính bạch thầy ạ! Con rất mong được thầy khai thị một vấn đề.
Cũng như vấn đề một con tàu với nhiều bộ phận, sau mỗi năm ra khơi bám biển nhiều linh kiện sẽ bị hư hỏng, rỉ sét, do đó cứ mỗi năm người ta sẽ thay một số bộ phận. Sau tầm 50 năm, hầu hết các bộ phận đã được thay. Khi đó liệu con tàu bấy giờ có phải là con tàu vào 50 năm trước hay không? Vẫn số hiệu đó, vẫn hình dáng đó, nhưng các bộ phận cũ đã thay bấy giờ thậm chí có thể ráp thành 1 con tàu khác, vậy hai con tàu bây giờ có phải là một không? Cũng như vậy, hầu như tất cả bộ phận của con người sẽ liên tục sinh tử, sinh ra tế bào mới và chết đi tế bào cũ, sau một thời gian một bộ phận cũ sẽ được thay một bộ phận mới, sau một thời gian dài ta hầu như có một cơ thể mới. Còn bộ não dù không thay về vật chất nhưng hầu như tinh thần đã thay đổi sau một vài năm, tâm tư sau nhiều năm gần như đổi thay rất rõ. Vậy ta bây giờ, và ta 10 năm trước, ta bây giờ, và ta 20,30,50 năm trước liệu có phải là một hay không? Liệu ta bây giờ có phải là một dạng luân hồi tái sinh của nhiều năm trước chăng? Và trạng thái tâm ta bây giờ chính là các cõi luân hồi mà xác thay cũ của ta đã tái sinh sao?
Mong được thầy chỉ bảo, khai thị ạ!
Sadhu Sadhu Sadhu
Ngày gửi: 08-09-2022
Câu hỏi:
Kính thưa sư ông từ khi thấy vô thường khổ vô ngã con bây giờ không thể sống một đời sống có gia đình nữa ạ, sân giận hầu như còn rất vi tế ạ.
Ngày gửi: 08-09-2022
Câu hỏi:
Con xin kính đảnh lễ Sư ông,
Sư ông giải thích cho con ý nghĩa của câu: "trầm không trệ tịch" với ạ. Có phải là trường hợp mà một người quá phụ thuộc vào việc an trú trong "tánh không" không ạ? Hệ quả của việc này sẽ là gì ạ?
Ngày gửi: 08-09-2022
Câu hỏi:
Bạch thầy!
Trường hợp một người chú bị bệnh nặng, khối u phổi, gãy xương, di căn thận, con nên làm gì để có thể trợ giúp họ về mặt tinh thần vậy ạ? Con đắn đo vì căn cơ trình độ mỗi người mỗi khác, nên con nghĩ thôi cứ để chú rõ biết và chiêm nghiệm ra bài học cho chính mình, về thể xác thì có các y bác sĩ tận tâm cứu chữa, con cũng mong cầu cho chú tỉnh thức, bình an vượt qua khỏi bạo bệnh, con làm vậy có đúng không thưa thầy? Con tri ân công đức của thầy.
Ngày gửi: 08-09-2022
Câu hỏi:
Thưa Thầy con xin hỏi:
Con tu tập theo sự chỉ bảo của Thầy, thường soi sáng chính mình. Nhiều lúc con thấy được sự tương giao lạ kỳ của vạn vật, mọi thứ đều thuần khiết, không có chống đối, tất cả vũ trụ như cùng 1 vũ điệu. Những lúc đó tâm con có sự an vui, thơ thới, có lúc thì sâu lắng, lặng yên lạ kỳ. Cái thấy cái biết rất rõ ràng, trong sáng. Con không dục hỷ trong những trạng thái này. Nhưng thỉnh thoảng con lại bị tham sân si, phiền não chi phối. Thưa Thầy, có phải lúc đó con lơ là Chánh niệm tỉnh giác hay đó chỉ là tập khí của quá khứ tự động khởi lên?
Con thành kính tri ân Thầy.
Ngày gửi: 07-09-2022
Câu hỏi:
Con thưa Thầy,
Thầy cho con hỏi để Quy Y với Thầy tại chùa Bửu Long thì cần chuẩn bị những gì ạ? Và trong khoảng thời gian 9-12 tháng 9 này thì con có thể tới chùa vào thời điểm nào để Quy Y được ạ.
Con kính đảnh lễ Thầy ạ.
Con Tuấn Hà Tĩnh.
Ngày gửi: 07-09-2022
Câu hỏi:
Con xin kính đảnh lễ Sư Ông,
1. (1) Bình thường con tu hành lúc ngủ dậy trong tâm lâu lâu, thỉnh thoảng phát ra một tư tưởng: "Tu để làm gì?", (2) còn bình thường lúc thức đôi ba khi tự nhiên trong tâm con lại tự nhiên phát sinh lên ý nghĩ: "Tu để làm gì, có được gì không?". (3) Trong lúc sống hằng ngày thỉnh thoảng lại có một tiếng nói bên tai con: "Tu làm gì, có được gì đâu, đừng tu nữa", khi 3 thứ tâm này khởi sinh con cũng chỉ biết nó vậy thôi chứ không làm gì, chỉ biết là không biết nó là tâm gì.
Nên con xin hỏi 3 thứ tâm này là gì? Và chúng có phải là Nghi trong Kiến Hoặc, Nghi và Giới Cấm Thủ không ạ?
2. Cho con hỏi 3 trạng thái tâm Tham vi tế, Sân vi tế, Si vi tế là gì ạ?
Kính mong được Sư Ông giải đáp,
Con xin cảm ơn Sư Ông, chúc Sư Ông thân tâm thường an lạc!
Nam Mô Phật
Nam Mô Pháp
Nam Mô Tăng