Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 21-08-2022
Câu hỏi:
Bạch thầy, con muốn trình bày điều này, có lẽ có thể nói do bản thân ngộ ra, đúng hay sai hay bất khả tri? Mong thầy góp ý.
Dạo này theo con nhận ra thì "đầu thai" không tồn tại, linh hồn đều không tồn tại, đó là hình tượng cho ước mơ bất tử của con người mà thôi, chính do tâm tưởng con người đã tạo nên tất cả. Con người tuy có thể A sinh ra B nhưng A và B đều chỉ có thể xem như sống một lần duy nhất vì A không có cái tưởng của B. Cái dẫn dắt B sinh ra từ A không phải là linh hồn theo sự điều động của vị vương nào ở cõi vô hình cả, đó là nhờ dòng duyên-nghiệp luôn có với mỗi một chúng sanh. Duyên-nghiệp không thể tách rời, là những tác động cả thiện lẫn ác mà con người tác động vào tự nhiên, xã hội, tác động ấy không thể bị mất đi mà luôn tồn tại, dòng tái sinh của duyên-nghiệp là diễn ra liên tục và sẽ có lúc dòng duyên nghiệp ấy sinh ra người B.
Ngày gửi: 21-08-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, hàng ngày trong cuộc sống cơm áo gạo tiền, con cũng tính toán, so đo, lo lắng phiền muộn. Nhưng hôm kia con bị bệnh, cơ thể rất mệt, mệt chưa từng thấy, lúc đó con nghĩ chắc mình sắp chết, nhưng con cảm thấy bình an đến lạ, tâm sáng suốt trong lành và niệm Phật rất hoan hỷ, con nghe pháp của Thầy hàng ngày, thưa Thầy như vậy là tốt phải không ạ, con cám ơn thầy ạ!
Ngày gửi: 21-08-2022
Câu hỏi:
Kính bạch Sư Ông.
Con đọc được câu hỏi của một bác hỏi về giữ hay bỏ em bé, nghe thấy thương em bé, mà cũng thương bác. Con xin phép Sư Ông, xin phép bác được chia sẻ một chút suy nghĩ của con ạ. Khi em bé đã xem được có nguy cơ dị tật hay không, tức là em bé đã lớn, đã có đủ hình hài, đủ bộ phận cơ thể, có nhịp tim đập rõ ràng, em bé ấy nghe được tiếng mẹ, cảm nhận được hơi ấm của mẹ, mẹ buồn con buồn, mẹ vui con vui, mẹ mệt con đói... Tử cung của mẹ là ngôi nhà an toàn và thương yêu của đứa trẻ. Người ngoài nhìn không rõ, chỉ thấy cái da bụng mẹ, nhưng máy quét siêu âm nhìn tường tận em bé. Và đó là một em bé biết quay đầu núp đi khi người khác soi, biết đạp, biết ngáp, biết co người, mấp máy môi miệng... Có lẽ ngành y giờ có cái hay mà cũng nhiều cái dở. Một đứa trẻ được sinh ra bị soi mói đủ điều. Con từng nghĩ, nếu ngày xưa thời mình đã có máy siêu âm, có xét nghiệm thì chắc gì mình được sinh ra, vì có chắc trong quá trình hình thành cơ thể, mình không bị lỗi tạm thời mà người ta soi ra rồi khuyên mẹ bỏ dù mình giờ bình thường? Trong quá trình hình thành đứa trẻ, có thể có nhiều điểm chưa hoàn thiện tưởng chừng như bị lỗi, sau đó sẽ dần hoàn thiện, có thể có trục trặc về vài điểm, rồi sau đó sinh ra bé ổn định lại. Sự vận hành của Pháp là kỳ diệu. Bạn con mang bầu siêu âm tim giai đoạn hơn 20 tuần có bất thường, sau vài tháng giờ về bình thường. Những bé ứ nước thận... sau sinh một thời gian kiểm tra lại thì thận đã bình thường. Chính bé nhà con, vì đầu cậu ta hơi to, nên đo một số chỉ số ở đầu so với mức giới hạn cũng là bất thường, xương mũi ngắn, xương đùi ngắn. Nếu như người khác sợ là bất thường đầu não, sợ là nguy cơ bệnh Down. Con không tin vào những con số, vì có bé đầu to hơn, có bé đầu nhỏ hơn, có bé mũi tẹt, có bé mũi cao, có bé đùi dài, có bé đùi ngắn rồi nuôi tiếp lại dài. Số liệu chung nói gì thì nói, chứ đối với người mẹ đứa con là vô giá, không tính toán có tật gì hay không thì tình yêu vẫn vậy. Con sinh bé ra, bé rất ổn và thương ba mẹ rất mực, bé hoàn toàn bình thường cả thể chất, và trí tuệ, bé đem lại rất nhiều niềm vui... Đã rất nhiều những trường hợp như vậy. Con nghĩ rằng mỗi đứa trẻ đều có quyền được sống, và là một nhân duyên rất lớn tới với ba mẹ. Biết bao đứa trẻ vác đi các viện khuyên bỏ rồi với tình yêu con vô hạn, bố mẹ vẫn sinh, bé sinh ra bình thường. Hoặc một số có tật vẫn còn sau khi sinh (tỷ lệ ít) họ vẫn chữa được, sửa được.
Lời khuyên của bác sĩ cũng là sự thử lòng của cha mẹ. Nếu tình yêu con đủ lớn sẽ vượt qua tất cả ạ.
Và trên hết. Đứa trẻ đó biết đau, biết giận và biết oán, biết thương chỉ là chưa biết nói thôi. Đó là một em bé như bao em bé đang được bế ẵm khác ạ. Chỉ khác là bé sinh ra rồi thì ẵm trên tay, bé chưa sinh thì vẫn đang ẵm trong lòng mẹ ạ, không có khác.
Mong bác suy nghĩ kỹ ạ.
Nguyện cầu chư Phật, Bồ Tát, chư Thiên Thần Hộ Pháp gia hộ cho gia đình bác và em bé mọi điều tốt lành.
Con kính cảm ơn Sư Ông ạ.
Con có gì sai mong Sư Ông và bác thứ lỗi ạ.
Ngày gửi: 21-08-2022
Câu hỏi:
Thầy ơi, con nghe nói thầy sắp ra Hà Nội hay Huế phải không ạ, Thầy có thể cho con xin lịch trình được không ạ? Con rất mong muốn có cơ hội được nghe thầy và thầy Giới Đức giảng pháp trực tiếp. Hơn 6 tháng qua, con đã nhận được nhiều lợi lạc từ những bài pháp thầy giảng. Con rất mong có cơ hội được gặp thầy ạ. Giá mà con ở Sài Gòn, chủ nhật nào con cũng sẽ lên nghe thầy giảng pháp. Thầy thật gần gũi và hiền từ như ông con vậy.
Ngày gửi: 21-08-2022
Câu hỏi:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mô Ni Phật
Kính bạch Thầy,
Con có 2 thắc mắc về cận tử:
1/ Thời điểm "chết sinh học" (tim vừa ngừng đập, người vừa ngừng thở,...) và thời khắc lâm tử (tâm tái sanh) có phải là 1 hay sẽ cách nhau bao tầm bao lâu ạ?
2/ Trong giai đoạn này, nếu nhóm người sơ cơ, định và niệm yếu (hoặc không có định và niệm), hoặc nếu nhóm người hay quan sát hơi thở mà hơi thở lúc này không còn, thì theo kinh nghiệm của Thầy, 2 nhóm này nên quan sát hay niệm gì phù hợp với trình độ của họ để gom tâm lại hoặc làm cho tâm lắng dịu lại bớt ạ?
Con xin tri ân Thầy ạ!
Phật tử Trí Hải
Ngày gửi: 21-08-2022
Câu hỏi:
Nhà khoa học Albert Einstein nói về Đạo Phật theo quan điểm của ông: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”. Kính mong Sư Thầy kiến giải ạ!
Ngày gửi: 21-08-2022
Câu hỏi:
Thưa Thầy, nếu như siêu âm thai nhi mà phát hiện dị tật và bác sĩ khuyên bỏ đi, tránh gánh nặng cho gia đình và xã hội, tất nhiên xác suất không phải dị tật vẫn có nhưng thấp. Trong trường hợp này, thì chúng ta nên xử lý như nào là trí tuệ ạ? Con cảm ơn Thầy.
Ngày gửi: 21-08-2022
Câu hỏi:
Kính đảnh lễ Thầy,
Cho con hỏi nhân dịp Lễ Húy Nhật lần thứ 41 của Ngài Đại Trưởng Lão Hộ Tông con có thể Cúng dường ít tịnh tài qua tài khoản của Chùa được không ạ?
Con mong Thầy hoan hỷ, con kính chúc Thầy sức khỏe.
Ngày gửi: 21-08-2022
Câu hỏi:
Dạ! Kính bạch Thầy. Chiều nay 21 tháng 8. Sau khi thầy giảng xong, con lên bảo tháp. Con thấy khu hội trường đóng cửa không tham quan chiêm bái. Ở đó có Cô Nghi đang tập dượt cho một số cháu bé chuẩn bị cho ngày giỗ tổ. Bên cạnh đó khu vực có nhiều hoa vừa mới cắm xong (khu vực có sàn gỗ), có 1 Sư đang cùng 1 số người (có vẻ là người thân hay quen biết) đang mở đèn tạo dáng chụp hình. Lúc này tâm con sân, con nghĩ đó là nơi các sư và chú đã lau dọn sạch sẽ chuẩn bị cho ngày giỗ, khu vực vừa cắm hoa xong không nên mở đèn (hoa bị héo). Lúc này con quan sát tâm sân của con, nó dịu đi nhưng vẫn còn, con không biết là ngoài việc quan sát tâm sân lúc đó con có nên làm gì nữa không, vì con nghĩ cũng còn một số khách tham quan xung quanh, làm vậy có bị mất sự trang nghiêm không? Con lại nghĩ có cái tôi của con trong đó không? Con có tự đặt ra sự chuẩn mực trang nghiêm để rồi tự sân, tự làm khổ mình không, con có mắc lỗi "Phật tử không được bắt lỗi quý sư hay không"? Con chỉ nên quan sát cái sân của mình ngay lúc ấy, mọi việc khác để pháp vận hành, để nhân quả tự lo hay không? Câu hỏi của con có lẽ không phù hợp để đưa lên web, thầy chỉnh sửa lại nếu có đưa lên cho đại chúng xem. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ngày gửi: 21-08-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy, con năm nay 19 tuổi, theo con biết thì sát sinh là một việc nên tránh. Tuy nhiên, khi bắt gặp các côn trùng gây hại trong đời sống cụ thể như gián trong nhà, con rất sợ hãi và không biết phải đối phó với chúng như thế nào. Con đã giữ nhà cửa sạch sẽ nhưng khu con sống là chung cư nên đôi khi vẫn có những cá thể gián di cư đến nhà con. Con đã cố gắng không sát sinh bằng cách di chuyển chúng ra ngoài hành lang hoặc ban công nhưng đối với những con gián to và di chuyển nhanh thì con không thể làm điều đó. Con rất sợ hãi và không thể chung sống với chúng. Làm thế nào để con có thể tránh được việc sát sinh ạ? Con cảm ơn thầy, con chúc thầy nhiều sức khoẻ ạ.