loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 28-05-2019

Câu hỏi:

Thầy kính mến! Thế là đã 03 năm con biết đến pháp của thầy. Con đã nghe pháp thoại từ khoá 4 đến khoá 18, đọc cuốn "Thực tại hiện tiền và Sống trong thực tại, tuyển tập thư thầy". Nhưng khoảng gần một năm trở lại đây con không nghe pháp thoại nữa. Nhưng mục hỏi đáp thì không ngày nào con không đọc. Trước khi biết đến pháp của thầy con quy y Quý Thầy bên thiền tông, nhóm chúng con có khoảng 10 người thường trì Kinh Pháp Bảo Đàn và nghe quý thầy bên thiền tông giảng pháp. Con thấy pháp thầy giảng và bên thiền tông không chống trái nhau mà ngược lại bổ trợ cho nhau rất tốt. Phía kinh điển Pali minh bạch rõ ràng qua Tứ Diệu đế, chỉ rõ khổ, nguyên nhân của khổ, niết bàn và con đường đi đến niết bàn. Phía Thiền Tông chỉ rõ bản chất của từng niệm (thấy được tánh ở nơi mình). Một bên sự rốt ráo, một bên lý rốt ráo bổ xung cho nhau. Đến một ngày con vừa làm xong một việc tự nhiên con thấy mọi khái niệm, quan điểm trong con ngưng bặt chỉ có một sự thanh thản nhẹ nhàng khoảng 30 phút. Rồi cách đây khoảng 10 ngày vào buổi trưa con chuẩn bị ngủ, khi nằm xuống con lại thấy một sự tĩnh lặng không có một khái niệm, hình tướng nào tồn tại chỉ có sự yên lặng nhẹ nhàng trạng thái này kéo dài được khảng 30 phút thì con trở lại bình thường. Từ những trải nghiệm trên con thấy việc tu tập không bị vất vả như trước. Thời gian thất niệm giảm dần, nghi ngờ xuất hiện rất ít. Kinh điển hiểu nhanh hơn trước, có một số điều mình không hiểu nay lại thấy rất rõ ràng. Những điều con trải nghiệm ấy có gọi là kiến tánh đước không thầy. Vì bây giờ con thấy việc tu tập rất rõ ràng, khi thất niệm biết thất niệm, khi chánh niệm biết chánh niệm. Tự mình có thể điều chỉnh việc tu tập sao cho phù hợp với từng lúc, từng nơi.
Con cảm ơn thầy rất nhiều!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 28-05-2019

Câu hỏi:

Dạ con kính đảnh lễ Thầy!

Con nguyện xin Tam Bảo gia hộ Thầy và Tăng chúng nhiều sức khỏe để hoằng pháp độ sinh.
Dạo gần đây con có nhiều thắc mắc trong đời sống, cũng là những cơ hội để con học tập và nhìn nhận cuộc sống.
Người thân con dạo này bị bệnh và cần nằm viện, đôi khi con thấy mình cũng đang già và chết đi qua từng ngày, lúc đó con thấy mình phải nhanh nhanh lên, giác ngộ nhanh lên để tránh được cái khổ của tâm khi tuổi già gần đến. Nhưng nghĩ lại cũng không đúng, con thấy không làm được gì, mong giác ngộ nhanh là đã xa rời thực tại đang diễn ra từng giây phút.
Nhưng đôi lúc nghe chuyện thiền cũng thấy các hành giả rất tinh tấn, lần lượt hành thiền để giải quyết các mâu thuẫn trong nội tâm. Con cũng có nghe về hai con đường, định và bát-nhã. Có người hợp với định, có người hợp bát-nhã, người có định lực mạnh thì hành thiền và giác ngộ, người theo hạnh bát-nhã tự hỏi nhiều và chứng ngộ có thể đến bất cứ lúc nào trong cuộc sống.
Con không phải là người có định lực mạnh, cũng chưa có chứng đắc bậc thiền nào, nhưng nhờ nghe pháp đã thấy ra thực tại, bớt vọng tưởng hơn.
Con chưa rõ mình đang ở giai đoạn nào trong tiến trình tu tập, có thể là chưa đến lúc, chưa có khả năng để có định lực mạnh... nhưng với hiện tại bây giờ con cũng không mong gì hơn hiện tại, khi nghĩ không mong gì hơn hiện tại con lại thấy liệu là mình không mong gì hơn có đúng hay không?
Khi nghĩ đến đây con thấy mình vẫn còn tự hỏi là mình còn hoài nghi, nếu đã thấy thực đến cốt lõi thì hoài nghi sẽ không nảy sinh để hỏi.
Vậy là con chưa thấy đến cốt lõi.
Con thấy những suy nghĩ như trên cũng làm con hơi căng căng một chút, ý thức lại được thì mới thư thả hơn.
Thưa thầy với những nhận thức trên con có cần điều chỉnh lại ở đâu không? Con thấy rất biết ơn Thầy, biết ơn Pháp, biết ơn những nhân duyên đang tuôn chảy quanh đây, kể cả những thứ có vẻ là khổ đau do con chưa thông suốt.
Con kính đảnh lễ Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 28-05-2019

Câu hỏi:

Con xin trình pháp ạ: Khi tâm không trọn vẹn với thực tại, nó khó chịu, nó tìm kiếm, nó hướng đến các thú vui, hoặc muốn thoát khỏi cảm giác khó chịu... Tóm lại là nó lục tung mọi thứ lên. Bây giờ con đã thấy đó là khổ, con biết mình đang bị ngũ uẩn điều khiển, khi đó con trở về lắng nghe đau khổ, lúc đầu lắng nghe đúng là đau khổ thật, quá khó chịu để cam chịu, nhưng cứ tiếp tục lắng nghe, tâm hồn nhiên đón nhận khổ đau mà không tạo tác gì thêm, tánh giác tự chiếu. Thật vi diệu thay tâm lại tỉnh sáng ra (thấy biết trong sáng) khổ tự tan biến.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 26-05-2019

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ thầy
Thưa thầy con xin trình pháp về niệm pháp.
Gần đây con thấy pháp có sự mới mẻ và con nhận ra đó chính là nguyên lý niệm pháp mà thầy đã từng nói đến.
Niệm pháp như hiện tại con thấy thì nó chính là sự vô lý của bản ngã. Thực tại đang là như vậy, chuyện đến đi đang là như vậy. Cái bản ngã tự dưng khởi lên nhận thức theo quan niệm xã hội, đạo đức hoặc quan niệm cá nhân rồi phân ra đúng sai thiện ác chủ quan, rồi vui trong đó, khổ trong đó. Cái vô lý của bản ngã chính là tưởng là, cho là, phải là, sẽ là mà cái đó chẳng liên hệ gì với thực tại đang là. Niệm pháp chính là thấy ra trói buộc và buông xuống gánh nặng.
Như con thấy phải đi đúng con đường Đức Phật dạy thì mới có thể thấy ra điều này. Thầy dạy đừng có diệt tâm, đừng có ức chế tâm, đàn áp tâm mà chỉ thấy nó như nó đang là thôi thì đó chính là niệm tâm. Thực hành đúng thì kế tiếp sẽ là niệm pháp. Thực hành đúng ở đây chính là đúng nguyên lý. Không có bước 1 rồi đến bước 2 vì không có ai là Thầy tánh biết.
Con xin cám ơn thầy đã đọc.
Con xin chào thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 26-05-2019

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy.
Trưa nay con đọc câu trả lời của Thầy cho một Đạo hữu ngày 24/5:"...chỉ thấy. Đừng phê phán đúng, sai, tốt, xấu chủ quan theo lý trí bản ngã thì ngay đó pháp hoàn hảo. "Tự nhiên câu trả lời của Thầy đánh động trong tâm can của con rất mạnh. Sau đó một lúc con nằm nghỉ trưa, vừa nằm xuống tự nhiên con thấy con như có một lớp vỏ được bỏ ra ngoài con, chỉ còn lại con một con người rất thật tự vận hành, con cảm nhận được sự vận hành của sự thở, cảm nhận được toàn thân, cảm nhận được những niệm vô nhân trong đầu con cũng đang tự vận hành. Con cứ để kệ như vậy thì con đã rơi vào giấc ngủ rất nhanh. Trong khi ngủ con lại tiếp tục nằm mơ thấy con làm việc nọ, việc kia nhưng đã vừa bỏ được cái vỏ bản ngã điều khiển ra ngoài mà chỉ có con người rất thật tự hoạt động nhưng làm thì chính xác, sáng suốt, bình an lạ thường. Con ngủ được khoảng 01 giờ thì tỉnh giấc. Khi tỉnh giấc con nhớ lại tất cả nên con ngồi vào máy viết gửi đến Thầy đây. Khi tỉnh giấc thì con thấy người khỏe khoắn, cảm nhận cũng thật, sáng suốt, bình an hơn mọi ngày. Một trải nghiệm rất lạ mà con chưa gặp bao giờ con mong Thầy giải thích thêm cho con sao trước lúc ngủ và trong lúc ngủ con có cảm nhận rất rõ, rất mạnh là con tự bỏ được lớp vỏ của mình và mình trở thành một con người rất thật, tự vận hành, tự hoạt động, giống như con được lột xác, trở thành như một người mới vậy ạ? Con rất mong Thầy chỉ dẫn cho con để con vững tin đi đúng con đường mà Thầy dày công chỉ dạy cho chúng con ạ.
Con xin tri ân Thầy ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 23-05-2019

Câu hỏi:

Dạ thưa Thầy!
Con xin trình pháp, cũng là chia sẻ một chút trải nghiệm của con biết đâu có thể giúp ích cho ai đó (tuy nói là “một chút” nhưng con đã phải đánh đổi bằng những năm tháng tuổi trẻ sống trong đau khổ, dằn vặt,… đủ cả… cho đến khi có duyên lành được Thầy khai thị)
Thường khi đứng trước những ngã rẽ trong cuộc đời buộc người ta phải đưa ra quyết định lựa chọn, và ta chỉ có thể chọn một ngã rẽ để đi. Thường ta sẽ băn khoăn, nên chọn lối rẽ nào đây, để tốt nhất, để sau này không hối hận? Và sau khi có lựa chọn “tốt nhất” để đi trên lối rẽ ấy rồi. Nhưng kiểu gì không nhiều thì ít ta cũng sẽ có chút hối tiếc, hoặc ân hận, giá như ngày đó ta chọn hướng khác thì giờ không phải như thế này… đại loại là như vậy.
Nhưng người ta lại không biết rằng bất kỳ mình chọn điều gì thì cũng đều giống nhau mà thôi, đều phải trả giá cho sự lựa chọn ấy như nhau thôi, khác là chỉ khác ở hình thức trả giá mà thôi. Như Thầy đã dạy, nếu mình chọn lửa, mình sẽ học bài học của lửa trước, xong rồi kiểu gì mình cũng phải học qua bài học của nước chứ đừng hòng trốn thoát. Ngược lại, ai chọn nước thì học bài học về nước trước, sau rồi cũng nếm trải tiếp bài học về lửa thôi. Đừng nghĩ mình chọn nước thế là xong.
Giống như con trước đây, làm người cư sĩ tại gia, con nhìn cuộc sống của người xuất gia mà ao ước giá mình được như vậy. Nhưng con đã không biết rằng pháp đang đưa ra cho con học bài học tại gia trước mà thôi. Và con cũng biết, không ít người xuất gia muốn trở lại làm người tại gia với đời sống cư sĩ bình thường, và chắc họ cũng chưa biết pháp đang muốn họ học thông suốt bài học xuất gia trước.
Thế nên bất kỳ điều gì đến với mình cũng đều là bài học mà pháp đưa đến cho mình học, nếu mình chểnh mảng lơ là không học cho tốt để bỏ lỡ thì rồi sau đó sẽ phải học lại thôi. Kiểu như đang học môn toán mà không lo học cho tốt chỉ mong nhanh hết giờ để học sang môn văn thì rốt cuộc thi rớt môn toán và rồi sẽ phải học lại ở một thời điểm khác. Còn môn văn thì đằng nào cũng nằm trong chương trình học rồi, không cần mong cũng sẽ phải học môn văn thôi. Chỉ sợ đến lúc học văn lại thấy nhàm chán và nghĩ có khi học môn toán vẫn thú vị hơn. Và nếu cứ là lựa chọn, tiếc nuối, giá như, hay mong muốn…mà không học được gì thì cứ quẩn quanh mãi vậy thôi.
Bởi vì cuộc sống trần gian này chính là trường học duy nhất để giác ngộ. Và chân lý không phải những gì cao siêu xa vời mà chính là ngay trong những hoạt động của thân, tâm, cảnh hết sức bình thường hàng ngày. Nếu ta chỉ chăm chăm nói chuyện chân đế mà coi thường tục đế thì cũng chính là đang bỏ mồi bắt bóng vậy. Bài học tục đế mà còn chưa học xong thì đừng nói chi đến chân đế, bởi đó chỉ là ảo tưởng mà thôi. Cùng lắm chỉ là thấy lý chứ không thể nào có lý sự viên dung.
Điều này chính là cái ý “trong chân đế không dính một hạt bụi, nhưng trong tục đế không bỏ một pháp nào”. Bởi vì bỏ pháp tục đế thì làm sao học ra bài học giác ngộ mà có chân đế? Kể cả những bậc đã giác ngộ, đã sống trong chân đế được rồi nhưng trong tục đế vẫn sống, vẫn sinh hoạt như bình thường. và thậm chí còn “bình thường” hơn cả những người bình thường khác. Bởi vì “bình thường tâm thị đạo”.
Con xin quỳ lạy đảnh lễ Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 21-05-2019

Câu hỏi:

Dạ Thưa Thầy!
Con muốn nói, muốn trình pháp rất nhiều mà rốt cuộc con lại không viết ra được điều gì. Con vừa viết một bài thơ tặng Thầy nhưng đọc lại thấy dở quá nên lại thôi.
Cứ mỗi lần con thấy ra, cứ mỗi lần trong con có trải nghiệm mới thì lời Thầy dạy lại càng trở nên chói sáng hơn bao giờ hết.
Sáng nay con đã thấy rõ một phần nguyên nhân của vô minh ái dục. Thấy sự tạo tác sâu dày của bản ngã.
Bản ngã là “tội nhân thiên cổ”, nhưng không có bản ngã thì cũng không có gì để giác ngộ.
Con hiểu thêm lời Thầy. Chúng ta đến thế gian này không phải để đạt được điều gì ngoài học bài học giác ngộ. Tuy nhiên bản ngã thì bằng hết cách này sang cách khác, luôn luôn chỉ muốn vừa lòng đẹp ý nó. Ngoài đời thì muốn vừa lòng kiểu ngoài đời, học đạo thì muốn “cướp công pháp”, “chọc gậy bánh xe pháp”, rồi thì đôi khi còn mượn cả sự thấy pháp để ngụy biện cho chính bản ngã. Nhưng dù bản ngã có làm mưa làm gió gì thì Tánh biết cũng đều thấy hết, biết hết. Và cũng chỉ thấy biết vậy thôi, không phán xét, không oán trách, không đổ lỗi, chỉ mỉm cười đầy từ bi và bao dung.
Bài thơ của con thì quá dở nên con không dám tặng Thầy cả bài, nhưng vẫn xin Thầy cho con được viết chỉ 4 câu thôi:

Thầy không là mặt trời
Mà sáng bừng chân lý
Thầy không là mặt trăng
Mà sáng trong hiền dịu

Con xin nguyện luôn được là đệ tử của Thầy!
Con xin quỳ lạy đảnh lễ Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 17-05-2019

Câu hỏi:

Con xin thành kính đảnh lễ Thầy!
Thầy kính!
Trước đây, khi mới bắt đầu nhận ra tánh biết. Có lúc con thấy hóa ra bây giờ thật thảnh thơi, con không còn việc gì cần phải làm nữa rồi. Vì tất cả đều là pháp, không có gì là con, là của con cả.
Nhưng rồi pháp đưa đến cho con quá nhiều bài học để con thấy, rồi thấy ra, và vì con nghe pháp Thầy giảng hàng ngày nữa, nên càng ngày con càng thấy mình bây giờ thật sự chỉ giống như một đứa trẻ lên ba chập chững bước ra nhìn thế giới bên ngoài đầy màu sắc. Khác chút là con vừa chập chững khám phá khu vườn tâm của chính con, vừa tròn xoe mắt khám phá thế giới bên ngoài. Mỗi ngày con lại khám phá ra thêm một chút mới mẻ trong khu vườn tâm của chính con, và sự tương giao giữa khu vườn ấy với pháp bên ngoài. Thực ra nói tương giao là con đang mượn tạm sự thật nơi Thầy đã chỉ ra để nói, chứ với con thì phần nhiều vẫn đang là các mối quan hệ thôi ạ.
Con hiểu, trong khu vườn tâm đó có đầy đủ tất cả các yếu tố tốt có xấu có. Thanh bình tĩnh lặng có, bão giông gào thét có. Từ bi, bác ái có, tham sân si, ngã mạn có… Và vấn đề vẫn không phải là cái nào tốt hơn cái nào. Không phải cứ thanh bình tĩnh lặng là tốt, sóng gió bão bùng là xấu. Không phải cứ định là tốt, động là xấu. Không phải cứ từ bi bác ái là tốt, tham sân si là xấu. Không phải cứ làm đúng là tốt, còn làm sai thì là xấu. Không phải cứ an vui là tốt, khổ đau là xấu. Bởi vì một khi vẫn còn là nhị nguyên thì vẫn là lựa chọn lấy – bỏ của bản ngã luôn muốn hoàn hảo (theo ý mình). Và “ý mình” thì luôn luôn thay đổi, và sự thay đổi này thực ra cũng là sự vận hành tự nhiên của pháp mà thôi. Thanh bình tĩnh lặng mãi thì quá nhàm chán, từ bi bác ái nhiều thì cũng giống như thuốc bổ, nhiều quá lại thành ra độc hại, kiểu như con dao 2 lưỡi. Cũng giống như thời tiết, khi mùa đông giá lạnh người ta thèm biết bao ánh nắng mặt trời sưởi ấm, vậy mà khi nắng mùa hè gay gắt người ta lại khổ cực phải chui vào phòng điều hòa tránh nắng vậy.
Một chút tưởng tượng, con nghĩ, nếu như cả thế gian này biến thành hoàn hảo không tỳ vết, mặt đất thanh bình tĩnh lặng, tâm mình thanh bình tĩnh lặng tịch tĩnh, tất cả mọi người đều từ bi bác ái, và tâm họ cũng thanh bình tĩnh lặng tịch tĩnh… Tất cả tịch tĩnh… con thấy giống như đó là một hành tinh chết vậy. Con không thấy có sự sống ở đó.
Vậy thì Tập đế có lẽ nào không phải là do tham, sân, si? Mà chỉ là do con người chưa biết cách CHĂM SÓC VÀ VUN XỚI khu vườn tâm của chính mình với đầy đủ các yếu tố thanh bình tịch tĩnh, từ bi bác ái, và cả tham sân si sao cho hợp lý.
Giống như nấu một nồi canh phải có đầy đủ gia vị, có thể có muối, đường, hạt nêm gì đó mỗi thứ một ít sao cho vừa vặn, hợp lý thì sẽ ngon.
Con hiểu như vậy, thấy như vậy có chỗ nào đúng và sai xin Thầy chỉ ra giúp con ạ.
Con xin cảm tạ Thầy!
Con xin đảnh lễ Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 16-05-2019

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ thầy.
Thưa thầy con xin trình pháp.
Khi buông lung, thất niệm thì thực ra là lúc cái ta xuất hiện. Khi cái ta xuất hiện thì mới có mình, có đối tượng, có cảnh ngộ này hay khác.
Khi tánh biết xuất hiện thì không có cái ta và các pháp vốn vô ngã. Bản ngã cũng vô ngã. Xuân hạ thu đông cũng vô ngã. Mọi sự vật, hiện tượng đều vận động theo bản tính của nó nên đâu có vấn đề gì.
Khi thấy ta sân, ta khổ thì thực ra là đang trong mối quan hệ. Cái ta xuất hiện chấp cái sân là ta sân, chấp cái khổ là ta khổ. Như vậy là tạo mối liên hệ với sân, với khổ. Còn sân như nó đang là thì chỉ là cái vận động của sân thôi, còn khổ như nó đang là chỉ là trạng thái thể hiện tính chất tự nhiên của nó thôi cũng có sao đâu.
Như con hiện tại chỉ có chánh niệm tỉnh giác hay không chánh niệm tỉnh giác. Khi chánh niệm tỉnh giác thì coi như xong rồi, đâu cần làm thêm gì nữa. Vì khi chánh niệm tỉnh giác tức là tánh biết rỗng lặng trong sáng xuất hiện, trọn vẹn trên thân thọ tâm pháp vì vậy mà bản ngã sinh thì thấy sinh, diệt thì thấy diệt, tâm thanh tịnh thì thấy thanh tịnh…
Khi gọi tên tâm này là sân, trạng thái kia là khổ là đang rơi vào cái ta tu, cái ta nhận diện thực tại qua khái niệm và chủ thể là cái ta đang chịu khổ, đang đối kháng, đang toan tính, đang tu tập… Cứ để yên cho tánh biết tự thấy thì đối tượng của cái ta là hoàn toàn ảo tưởng y như trong giấc mơ vậy. Còn cái ta cũng không có nhưng sở dĩ thấy có là vì có một cái tưởng xuất hiện dưới dạng tư tưởng. Cái tưởng này tưởng là mình, tưởng là mình hiện hữu, tưởng là mình vui, mình buồn… Như vậy trong thế giới hiện thực thì không có cái ta.
Trong sự tu học con có một cái mẹo. Sẵn đây con cũng muốn chia sẻ với mọi người. Có một lần tự nhiên tánh biết xuất hiện và không có khổ gì cả và nhờ nghe pháp nên con biết được là chỉ có bản ngã khổ chứ pháp không có khổ. Cho nên mỗi khi có chuyện rắc rối xảy đến hay phiển não gì đó thì con buông ra để yên cho tánh biết tự soi sáng. Nhờ vậy mà không bị bản ngã đánh lừa. Cho nên không khởi lên đối kháng, giải quyết… Cái mẹo này giúp con không đồng hóa với ngã và trở về với thái độ chánh niệm tỉnh giác vốn có sẵn. Con xin cám ơn thầy đã đọc.
Con xin chào thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 16-05-2019

Câu hỏi:

Dạ thưa Thầy!
Nay con muốn được trình pháp với Thầy!
Con thực tập lời Thầy dạy, chỉ biết mọi thứ như nó đang là. Trải nghiệm mọi việc một cách tự nhiên, không phán xét, không đưa tâm sợ hãi hay tính toán mưu cầu gì vào cả. Con chỉ thận trọng chú tâm quan sát mọi cảm xúc đến đi như thế nào.
Khi bệnh tật đến cũng vậy, con biết rằng có sinh rồi có diệt, cơn đau cũng là nhất thời. Con không sợ hãi mà chú tâm vào sự thở, xem diễn tiến của cơn đau, tiến triển của các biểu hiện bệnh đến đi ra sao.
Thật tuyệt vời lắm Thầy ơi! Con cảm thấy thoải mái và làm tốt việc thận trọng chú tâm quan sát, định tĩnh mình mỗi ngày mà không còn lo lắng, sợ hãi với bất kỳ nghịch cảnh nào đang đến cả!
Con cảm ơn Thầy nhiều lắm!
Con biết Thầy đang bận nên con chỉ viết thư này để Thầy vui cùng con.
Con mong Thầy nhiều sức khỏe!

Xem Câu Trả Lời »