loading
Hỏi Đáp Phật Pháp

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 03-04-2019

Câu hỏi:

Dạ thưa thầy, con là thợ làm bánh mì, cách đây 3 hôm trong lúc làm bánh và con trọn vẹn với nó như những gì con đã được học từ thầy thì con tự nhiên thấy ra 1 điều, con xin trình bày mong được thầy chỉ thêm cho con.

Trong khi con hoàn toàn trọn vẹn với việc làm (không tham, sân, si...), không suy nghĩ tùm lum (có khi là đố kị, không hài lòng với những người làm chung...) thì con chợt thấy để làm ra 1 cái bánh thì mình chỉ có duy nhất 1 vai trò là trợ duyên cho nó, để nó có sự hữu dụng trong bữa ăn cho mọi người, còn ngoài ra thì từ quá trình nó là 1 cái hạt lúa mì, rồi nó được trồng, nhờ tự nhiên mà nó tự phát triển thành cây lúa... cho tới khi được xay ra bột để mình làm, rồi trong quá trình làm của mình thì công sức của mình cũng không là bao so với tự nhiên, cái bánh nhờ có đất, nước, lửa, gió và tất cả mọi điều kiện xung quanh (khí hậu, thời tiết, máy móc)… mà được tạo ra, vậy mà mình thì lại cho nó là công sức của mình, rồi mình chấp vào nó, cho là mình tạo ra nó rồi sinh lòng tham, sân, si cũng ở đó.
Từ việc đó nên con lại thấy ra được nhiều vấn đề khác trong cuộc sống mình nữa, ví như mình trồng một cái cây, một ngày tưới nước cho nó 1-2 lần, còn lại nó lớn cũng chính nhờ tất cả các yếu tố tự nhiên (kể cả nước của mình tưới cho nó) vậy mà mình lại cướp công của tự nhiên, cho rằng cái cây đó là của mình; rồi cái thân mình cũng vậy, ngày ăn 2 bữa, mà thức ăn đó cũng từ tự nhiên cho mình rồi mình cũng chấp nó là của mình nữa thầy.

Thực ra nói nó không phải là của mình cũng không đúng vì mình mượn nó từ tự nhiên để học nên mình chính là người cần phải có trách nhiệm với nó, chính mình phải thương yêu, bảo vệ nó. Nhưng khi đã biết là có trách nhiêm, thương yêu và bảo vệ nó thì hơn ai hết mình phải hiểu nó, phải biết đâu là cái đúng, cái cần cho nó chứ không phải như trước đây là mình cứ làm theo bản ngã, thích gì thì ăn đó, rồi làm việc, ngủ nghỉ, chơi bời… tất cả mọi thứ mình ép nó để tự thoả mãn cái bản ngã, nhiều khi vui, buồn, không vui, không buồn hay không hài lòng chuyện gì đó mình cũng đem nó ra mà trút lên hết, nghĩ tới đây sao con thấy thương nó, thấy mình có lỗi với nó, với tự nhiên quá thầy ạ.

Từ những cái thấy trên con đã nhận ra được hầu như mọi thứ trong cuộc sống là mình vay mượn từ tự nhiên (đất, nước, lửa, gió, kim loại, không khí…) để làm cái dụng cho con người mình sống và học tập, con bỗng thấy quý mọi thứ xung quanh mình, từng giọt nước mình uống (trước đây con có thói quen lãng phí nước vì nghĩ kệ nó, để nó chảy ra ngoài thêm tí cũng không sao, tiện cho mình và tiết kiệm thời gian… nhưng bây giờ con đã bớt được tính cách đó, thà đợi thêm chút cho nó đầy rồi tắt hoặc ráng canh thời gian đầy của nó chứ không bỏ đó để đi làm việc khác), từ đó con cũng thấy ra được vô số thứ trong đời sống hàng ngày mình phải thay đổi. Thật lòng khi con thấy mình sai nhiều quá con cũng hơi nản thầy ơi, sai quá trời sai bây giờ sửa sao hết đây. Nhưng mà con cũng nhớ đâu đó Phật có dạy, bởi vì sai nên mới phải sửa (giống như trong kinh Phật dạy 1 tôn giả câu “quét bụi trừ bẩn”, bởi vì tâm trí mình có nhiều bụi nên mới phải quét, càng có thêm bụi thì càng phải quét) nên con cũng tập quét thầy ạ.
Con không rõ là cái thấy của con đó có phải là tính Vô Ngã của Pháp không nhưng con lại thấy nó có phải hay không cũng không quan trọng nữa, quan trọng là con thấy mình thanh thản hơn với mọi sự việc, quý trọng những gì mình đang có, những gì mình mượn của tự nhiên, từ đó mà thận trọng, chú tâm, quan sát hơn trong từng việc mình làm như lời thầy dạy.
Phần trình pháp của con hơi dài, mất nhiều thời gian của thầy, mong thầy chỉ bày cho “cái thấy” của con để con biết đâu là đúng, là sai. Con cảm ơn thầy! Con mong thầy nhiều sức khoẻ để giúp đỡ con và mọi người trên con đường học tập.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 02-04-2019

Câu hỏi:

Thưa Thầy, bấy lâu nay nghe Thầy khai thị "Trong nghe chỉ nghe, trong thấy chỉ thấy, không sở tri, sở đắc gì cả, cứ để rỗng lặng trong sáng mà khám phá" giờ con mới hiểu ra. Cũng nhờ nghe để "tâm nó tự tu" nên tiến trình tu học nó nhanh hơn. Con xin cảm ơn Thầy.
Thầy cho con hỏi, năm nay Thầy có lịch hoằng pháp ở Quảng Nam Đà Nẵng không thầy? nếu có cho con biết thời gian địa điểm.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 02-04-2019

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ thầy.
Thưa thầy nhờ nghe pháp thoại và tự mình quan sát lại chính mình con nhận ra được điều này mà con thấy quá hay nên trình pháp với thầy, cũng như tự con thức tỉnh mình.
Bản ngã có 2 dạng, một dạng là hữu nhân và một dạng là ngủ ngầm. Bản ngã biểu hiện trong đời sống thường nhật của mỗi người gồm cả hai dạng này.
Bản ngã hữu nhân hiện hành thì ảo tưởng nhất. Có một loại ảo tưởng chấp thân, thọ, tâm và pháp bên ngoài là ta, của ta và khi hòa vào lý trí ý thức, sử dụng năng lực của ý thức (tư duy) để thực hiện các mưu đồ (khuynh hướng) nên gọi là hữu nhân. Trong mối quan hệ thì biểu hiện bản ngã dạng này rất dữ dội, nhưng trong cơ cấu của bản ngã thì bản ngã hữu nhân này rất khờ dại. Bản ngã ngủ ngầm cùng với vô thức thì tinh vi hơn nhiều vì nó hoạt động tự động và bản chất của nó lại là ảo. Nói cho chính xác thì bản ngã hữu nhân chỉ biết nghe và làm theo còn bản ngã tự động vô nhân mới là người phía sau xúi dục, định hướng… Tuy nhiên bản ngã hữu nhân hiện hành thì muôn đời không sao phát hiện ra được bản ngã ngủ ngầm, có lẽ nhiều nhất là tạm thời đóng băng bản ngã ngủ ngầm lại là hết sức cố gắng.
Tu là điều chỉnh nhận thức và hành vi, cũng là phát huy trí tuệ và đạo đức và cũng là giác ngộ giải thoát. Nhờ có bản ngã mà tánh biết phát huy và đồng thời cũng giúp tướng biết thanh tịnh. Cái bản ngã ở mức độ ngủ ngầm là một huấn luyện rất hay, để thấy ra thì đòi hỏi tánh biết phải trực nhận cái thực, để chuyển hóa, lập trình lại cái hoạt động của tướng biết cho đúng mức. Ngoài ra không thể nào khác. Con xin cám ơn thầy đã đọc.
Con xin chào thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 02-04-2019

Câu hỏi:

Dạ, con kính chào Thầy! Thầy cho con hỏi lần lượt 5 câu hỏi:
1/ Tâm con có một việc rất lạ nhưng con chỉ thấy nó trong vấn đề về tìm đạo. Ý là cái tâm con tự động biết cái nào đúng hơn khi có sự lựa chọn trong việc tìm đạo để giúp mình hết khổ. Ví dụ giữa phương pháp thiền hiện nay và thiền thật sự của thầy chỉ dẫn tự động tâm con biết thiền của thầy là đúng v.v... Khi nghe lời thầy giảng con hiểu được và trong quá trình trở về thì con mới biết tâm con mang nặng tâm si. Nên những lời giảng của thầy con cứ nghe vậy mà làm theo chứ không cần nghi ngờ. Và quả thật bệnh trầm cảm, sự khổ đau của nó đã có phần giảm đi. Con không biết đây có phải là Tuỳ Tín Hành không? Nhưng con có đọc trong sách hay nghe thầy trả lời ở đâu đó là không nên theo chỉ vì tin. Đối với một người đang ở trạng thái tâm si nặng như con thì giờ đây con biết rằng những điều thầy giảng là Chánh Pháp nên con chỉ biết nghe rồi làm theo. Con không biết đây có phải là sự nương tựa tiêu cực không?

2/ Trong một bài pháp, Thầy có nói rằng việc lặp đi lặp lại trong thiền sẽ làm tâm nhàm chán. Có lần con hỏi thầy bệnh trầm cảm của con và con đang bị áp lực thêm nhiều thứ. Thầy nói rằng con cần thư giãn và nghe pháp thoại. Khi con dành hầu hết thời gian hoặc một khoảng thời gian nào đó trong ngày để chỉ ngồi thư giãn và nghe pháp thoại vậy thì có rơi vào trường hợp lặp đi lặp lại không? Mặc dù con hỏi vậy nhưng khi ngồi thì quả thật ngồi lâu sinh ra cảm giác chán và khó chịu khi ngồi quá lâu. Vì nếu không ngồi thư giãn thì tâm con lại lăng xăng và rất mệt mỏi. Trong trường hợp này con nên làm gì?

3/ Trong những câu hỏi gần đây của các Phật tử, con thấy có một chị nói rằng nhờ những lời dạy của Thầy đã giúp chị vượt qua nhiều giông bão cuộc đời, nhưng tới giờ khi sự việc xảy ra chị vẫn còn đau khổ và strees nặng. Theo con hiểu là do mỗi khi gặp khó khăn đau khổ thì chị nghe lời pháp như một liều thuốc kích thích đứng dậy hơn là thực chứng cứu cánh đích thực nên sau bao năm khi gặp chuyện vẫn khổ đau. Con không có ý xúc phạm chị, chỉ là qua trường hợp của chị đã làm con suy nghĩ lại, con nên trọn vẹn chấp nhận những khổ đau như chính nó đang là mới đúng lời dạy của thầy, hơn là xem pháp thoại thầy ra như một phương tiện để đứng dậy. Mong thầy chỉ dạy điều này giúp con.

4/ Khi những cảm thọ khổ đau có mặt, có những cái con phải gọi tên khái niệm tục đế của nó thì con mới có thể ở đó có mặt với nó, ko thì sẽ bị hồi hộp, sợ hãi, bất an rồi bị cuốn theo. Và như vậy, có những lúc có những cảm thọ khổ đau những con không hề biết tên gọi tục đế của cái cảm giác này gọi là gì thì bên trong con liền nẩy sinh ra sự mâu thuẫn. Con có nên tìm kiếm tên gọi cho cảm thọ đó không? Trong trường hợp này con nên làm gì?

5/ Thí dụ như có những lúc chạy xe ngoài đương, vô tình một chuyện buồn gì đó khởi lên, xuất hiện cảm thọ khó chịu. Lúc này tánh biết thấy nó nhưng con thấy một điều làm con thắc mắc đó là nếu con để thấy tự nhiên thì không thấy được sự sanh diệt của cảm thọ đó. Nhưng nếu có có sự chú tâm vừa đủ thì con thấy được sự sanh diệt của nó. Mà sự chú tâm này con nhận thấy có sự tác ý của con chứ không phải tự nhiên. Như vậy con có đúng không? Mong thầy chỉ ra giúp con!
Con xin chân thành cám ơn Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 02-04-2019

Câu hỏi:

Con kính chào Thầy!
Bạch Thầy con được tin từ các sư chùa Huyên không là Thầy sắp ra Huế, con xin phép thời gian nào là phải lẽ, cho gia đình chúng con có cơ duyên được đảnh lễ vấn an Thầy ạ?
Con xin kính lễ Thầy nhiều!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 02-04-2019

Câu hỏi:

Thưa Thầy, con đã được đọc bài "Kính Lễ Bậc Thầy Chân Tu Đạo Hạnh" của Thầy viết về Ngài Tăng Trưởng! Mạch nguồn vô lượng ân đức của Thầy cùng quý Ngài động dụng gội nhuần cho con. Đọc từng chữ, từng câu của Thầy mà con trọn vẹn như đang được cùng hầu Thầy và quý Ngài vậy. Nước mắt con giàn giụa mà thân tâm con thì phỉ lạc vô cùng, thưa Thầy.
Cảm niệm ân đức sâu dày mà Thầy và quý Ngài luôn khéo thương tưởng đoái hoài đến con, con xin thành kính dâng lên Thầy cùng quý Ngài mấy dòng thơ như vầy, ngưỡng mong Thầy cùng quý Ngài hoan hỷ cho tấm lòng tri ân mộc mạc của con.

Mạch nguồn Như Thị khéo khơi thông,
Diệu Hữu bi hùng đức Chơn Không!
Theo Thầy con được cùng Cố Quận,
Cảm ứng Đạo giao nguyện một lòng.

Con đem hết lòng thành kính cúi đầu làm lễ dưới chân quý Ngài, cúi xin quý Ngài hằng thương tưởng chú ý cho chúng con.
Con,
Pakativijjā Nguyên Minh

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 02-04-2019

Câu hỏi:

Thầy tôn kính!
Con xin đảnh lễ ơn Thầy vì đã trả lời con và khai tâm mở trí cho con.
Thưa Thầy! Mấy hôm nay tuy đau bệnh, nhưng con luôn quay về thận trọng chú tâm quan sát thân, tâm và thấy ra nhưng điều như sau:
Đúng là những hoạt động bình thường của thân như đi, đứng, cúi, nằm trở qua lại, tự ngồi dậy tự đi được là một điều rất hạnh phúc. Và biết trân trọng những gì mà trước đây chưa từng biết trân quý. Con cũng thấy cái ảo tưởng tham cầu mong muốn khoẻ mạnh, muốn người khác quan tâm mình. Rồi tâm sân trách cứ người nọ. Yêu người này oán người kia. Nghĩa là vọng tưởng liên tục dấy khởi khi thì tham khi thì sân, đang làm việc này lại nghĩ đến việc khác. Thường thì rất ít khi trọn vẹn với thực tại đang là.
Nhưng con cũng rất tin rằng Thầy đã dạy chỉ thấy ra thôi. Không thêm tư ý tư dục gì hết, vọng tưởng không thật nên thấy ra thì nó sẽ tự mất. Và lạ thay con cứ nghe pháp thoại của thấy giảng không biết chán. Vì nghe hiểu và thấy an lạc và bổ ích. Có điều con cũng đã 60 tuổi rồi nên trí nhớ đã giảm nên nghe hiểu nhưng rất nhanh quên nên cũng gặp đôi chút khó khăn. Con viết lan man, vì khả năng văn phạm ngữ pháp mong Thầy chịu khó đọc và khai thị thêm cho con ạ.
Con luôn nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia Hộ để Thầy khoẻ và hoằng pháp như tình thương và ý nguyện của Thầy.
Con, Chân An Bình.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 02-04-2019

Câu hỏi:

Thưa Thầy, con là Phật tử của cô Liễu Pháp, con xin hỏi như sau:
Con đã nghe Thầy giảng về "thức" và có loại "thức" cứ nạp vào lưu trữ như cuốn album. Con đã thực tập thiền và thiền ở mọi nơi trong cuộc sống. Chứ không chỉ thiền khi ngồi an tịnh. Nhưng tại sao trong tiềm thức của con vẫn không buông bỏ được sự đau khổ khi nghĩ về cha (đã mất 11 năm), về mẹ (đã mất 16 năm), con hối hận thương tiếc vì lúc đó con không có khả năng tài chính như bầy giờ, cha mẹ con không có dịp tham dự các khóa tu thiền, tu bát quan trai, tu an lạc... như bây giờ và cứ thế nước mắt tuôn trào bất cứ nơi đâu. Đến mùa vu lan, đọc bài tác bạch con ngậm ngùi không đọc được chữ, Quý Thầy cũng đã hoan hỉ bỏ qua cho. Mặc dù đã nghe bao nhiêu lời dạy của Quý Thầy nhưng dường như cái khổ đau đó quá lớn không thể xóa nhòa được trong con.
Vậy con xin hỏi phần "thức" ấy có cách nào quên đi, mất đi hay cách buông bỏ nào để con đừng dung nạp như đã đang dung nạp như hiện nay.
Con cám ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 02-04-2019

Câu hỏi:

Kính bạch thầy cho con được hỏi.
Con hiện làm nghề môi giới bất động sản. Có người nhờ con tìm lô đất để mở nhà hàng kinh doanh hải sản tươi sống, vậy con có nên kiếm cho họ không? Việc con làm có liên quan đến nghiệp sát không? Kính mong thầy từ bi giải đáp.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 01-04-2019

Câu hỏi:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Con xin kính chào thầy.
Thầy ơi, con nghe nói hiện tại mình đang sống trong thời mạt Pháp. Vậy mạt Pháp là như thế nào ạ? Mong thầy giải thích cho con hiểu.
Con xin cảm ơn thầy.

Xem Câu Trả Lời »