Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 22-06-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con thấy có nhiều cửa ngõ để vào đạo. Người ham mê sắc đẹp thì cho họ thấy xác chết, bất tịnh. Người mê đồ vật đẹp đẽ long lanh thì cho họ thấy sự xấu xí sự tàn lụi của cái đồ vật đẹp đó, người thích vui chơi quen sống hạnh phúc thì cho họ thấy sự khổ, sự chết, sự bệnh,....
Riêng đối với con, con đã mang chứng khổ tâm từ nhỏ, lớn lên làm gì cũng trắc trở, đi đến đâu cũng bị phá, ăn không được ngủ không yên, lại thấy cái chết của những người thân yêu, thấy cuộc đời đâu đâu cũng là bất tịnh,... nói chung con ngấm cái khổ quá nhiều rồi mà lại bắt con quán khổ nữa đúng là chịu hết nổi, chết cũng không được. Nay con tự suy ra, con phải quán Niết bàn, lấy cái an vui tối thượng của Phật pháp làm lẽ sống, mang lại niềm vui cho những người xung quanh, làm những việc mình cảm thấy vui để không còn là một người bi quan chán sống. Có câu "Đời này buồn thì đời sau cũng buồn", nên con nghĩ ngược lại, khi đời này con tìm được niềm vui chân thực thì đời sau và mãi mãi, con sẽ có niềm vui chân thực.
Khi cái chết đến, đối với người quen với lạc mà đã biết khổ thì họ sẽ không bị dính mắc vào trần thế họ sẽ giải thoát, đối với người quen với khổ nếu họ biết về lạc tối thượng thì họ sẽ ra đi với tâm thái không chán ghét, oán trách cuộc đời nữa và dĩ nhiên họ sẽ giải thoát.
Con xin trình thầy, con cám ơn thầy.
Ngày gửi: 22-06-2022
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy!
Thưa thầy, thầy cho con xin hỏi việc quá tin vào đạo, sùng đạo, nương nhờ vào đạo cũng là một loại dính mắc phải không ạ?
Ngày gửi: 22-06-2022
Câu hỏi:
Thưa Thầy, trưa nay con mới test covid xong, nhìn thấy bộ test hiện hai vạch mà trong tâm con không một chút lay động, con chỉ biết là việc trước mắt là phải làm thế này, thế kia. Cũng nhờ Thầy khai thị mà con an nhiên trong Pháp vị, con xin cảm ơn Thầy nhiều lắm. Thưa Thầy mặc dù đã thấy rõ chỉ có Pháp hiện tại, nhưng trong con vẫn còn một số tập nhiễm như đánh cờ con chưa buông bỏ được. Theo hiểu biết của con là muốn từ bỏ một Pháp thì phải thấy được vị ngọt và sự nguy hại của Pháp đó, chẳng lẽ phải đợi đến lúc đó con mới có thể buông bỏ, hay tại trình độ tinh tấn, chánh niệm con còn yếu nên bị tập khí dẫn đi, xin Thầy hướng dẫn thêm cho con. Con cảm ơn Thầy (nếu có Pháp đối trị nào Thầy chỉ luôn cho con với).
Ngày gửi: 22-06-2022
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con xin được trình bày sự thấy biết của mình ạ! Bà ngoại của con đã ốm nặng mấy năm rồi, thường xuyên phải nằm 1 chỗ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người nhà giúp. Con rất thương ngoại nên thường hay làm nhiều việc phước thiện hồi hướng công đức cho bà, mong ngoại sớm thoát khỏi cảnh đau bệnh khổ sở đó. Mỗi lần nghe ngoại nói “không biết khi nào ngoại tỉnh lại để làm việc phụ mấy đứa con” là con rất đau lòng. Đến hôm nay tình trạng của ngoại con đã rất xấu, sẽ ra đi bất kì lúc nào, thì con nghe ngoại con nói là “bệnh này là trời cho, thà chết sướng hơn!” con bỗng nhiên chợt thấy rõ lời Thầy giảng về sự dính mắc của người chết trong buổi trà đạo vừa rồi. Ngoại con vốn là người phụ nữ rất đẹp, lại tử tế giỏi giang và yêu thương con cháu, nhưng có lẽ bà bị dính mắc vào sắc thân và các mối quan hệ gia đình quá nhiều. Và con đã nhận ra nhờ những năm tháng bệnh tật cuối đời đã giúp ngoại con tiêu bớt dần dần sự dính mắc ấy. Con đã nhận ra sự cay đắng mầu nhiệm của cuộc đời ngoại con rồi Thầy ơi. Và con tin rằng khi chết ngoại con sẽ được siêu thoát, không phải nhờ vào sự hồi hướng phước đức của con mà vì ngoại con đã thực sự gỡ được ràng buộc của mình. Con thấy vậy là đúng không ạ, xin Thầy chỉ giúp con!
Ngày gửi: 22-06-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con xin tổng hợp cách tu của thầy trong trường hợp con ứng dụng, nếu có giúp ai được giống con thì quá tốt vì giờ con thấy rất khỏe dù là người bình thường hay trầm cảm, tâm thần:
Cứ sống đúng với hoàn cảnh của mình trong niềm hân hoan, mọi thứ đúng hết, cái sai của mình cũng đúng, người ta chửi mình, người ta đang có quan niệm sai xấu... cũng đúng luôn. Đúng với trật tự đang vận hành hết cả. Quan trọng là lúc đó nhìn lại trạng thái của mình là gì, đúng tốt là rỗng lặng sáng suốt nhìn cái sai, chưa đúng cần chuyển hóa là tham sân si trỗi dậy ngập tràn trong người giận mình hay ghét đối tượng gì đó.
Cái thứ hai là nghỉ ngơi, mệt cứ nghỉ, nghỉ ngơi không phải là một cái tội, nghỉ ngơi là thiền định chân chính để phục hồi sức khỏe như đói ăn cơm vậy, nghỉ ngơi đủ rồi thì trạng thái rỗng lặng xuất hiện lúc đó mới làm việc khác tốt được.
Cái thứ ba là phải thận trọng, nói đúng làm đúng là tu hành rồi, (cái này con vẫn chưa làm đúng hoàn toàn được), không phải ở Niết-bàn xa xôi phương nào, nói đúng làm đúng là Bát Chánh đạo. Khi trong người rỗng lặng trong sáng mới làm được thận trọng này. Cái này con thấy rõ nhất, khi kẹt vào khái niệm - quan kiến - định kiến - thành kiến... mà làm thì nhất định là ẩu tả, đổ bể trong tham sân si.
Ghét người khác khi người đó sai xấu, thực chất là chưa biết mình cũng có tính đó, cũng làm y chang người đó thôi. Chưa kể đến thiếu từ bi gì mà trước mắt là mình chưa thấy ra chính mình là chủ yếu mới ghét người ta vậy thôi. Khi không ghét người ta thì sáng suốt mới có mặt và hành động đúng rồi từ bi mới đi theo sau.
....
Con chỉ nhớ được nhiêu dù còn nhiều thứ rất hay mà thầy dạy.
Con xin trình thầy, con cám ơn thầy.
Ngày gửi: 22-06-2022
Câu hỏi:
Dạ, con kính bạch Thầy.
Xin Thầy giảng giúp con.
Trong cõi Vô sắc giới ngũ uẩn và 7 tiến trình Tâm, ngũ uẩn vẫn có phải không ạ? Khi thiền vào cõi Vô sắc giới thì còn Thọ, cảm giác đau đớn của thân xác không ạ? Con xin cám ơn!
Ngày gửi: 22-06-2022
Câu hỏi:
Thưa sư ông
Sư ông cho con hỏi ạ. Con với gia đình hay cãi nhau vì gia đình con cứ bắt con lấy vợ để nối dõi tông đường, nhưng cứ nói đến chuyện đó con lại nổi sân lên, tuy con biết lúc đó đang sân nhưng con không thể nào dừng sự sân đó lại được ạ. Mong sư ông chỉ bảo cho con với ạ.
Namo Buddhāya
Ngày gửi: 22-06-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy, ở đời sống hiện nay con quan sát được 01 vấn đề nổi cộm thế này. Pháp khổ đến với mọi người một cách tự nhiên nhưng càng ngày xu hướng các chương trình khoá học, các lớp phát triển bản thân, các lớp học chữa lành mối quan hệ & đạo đức giá trị sống ngày càng mọc nhiều lên như nấm sau mưa. Họ liên tục tổ chức các sự kiện với những chiến lược marketing để lan toả với quy mô rộng lớn, các vị thầy mang danh phận người học đạo & rao giảng kiến thức Phật học ứng dụng đời sống nên rất thuyết phục bởi sự logic hoá đối với học viên. Hầu hết là các vị thầy này sử dụng lý trí để đúc kết các sơ đồ thành các công thức mượn từ Phật học rồi lái về cái gọi là tử tế, bình an & hạnh phúc tự thân. Học viên thì vui sướng & các vị diễn giả được gọi là thầy đó cũng nói ra rả từ ngày này tháng nọ mà không chút mệt mỏi với cái mác dưới nhãn hiệu là “ngập tràn tâm cống hiến” & “sự trăn trở”. Họ nghĩ ngôn từ có thể giảng giải chân lý nên đóng gói thành slide và nói sự thật từ nơi này sang nơi khác với người này đến người khác.
Con đã từng là 01 thành viên trong những phương pháp, công thức, sơ đồ đó một thời gian. Con nói đến đây không phải là phỉ báng hay chê bai họ đâu thầy ạ, nhưng khi thấy ra sự thật của khổ, vô thường & vô ngã của pháp tự nhiên ùa đến trong cuộc đời mình thì con mới hiểu ra được những sở học đó cũng chỉ là thu thập tích luỹ, hướng tới cái trở thành, dụng tư duy là chính. Vì chính con cũng đã từng rao giảng những điều lý tưởng đó. Đến đây con mới thực sự ngộ được câu nói mà thầy có dạy: “Thiền Không Phương Pháp”. Vì không có phương pháp thì không dựng lên hạnh phúc, không dựng lên bình an gì cả thì mới thấy được tánh chân thật, nhiều khi cái thấy đó phũ phàng hơn nhiều. Vì trong đó có cả sướng khổ, khoẻ mệt, hạnh phúc & bất hạnh chứ không phải nắm giữ 01 mặt tốt nhất định nào để trú trong đó cả.
Con xin chia sẻ trình pháp chiêm nghiệm của con & giờ đây con xin quay đầu là về với con đường nhất hướng mà Đức Phật vẫn dạy là xả ly, ly tham, đoạn diệt tham sân si ạ!
Con thực sự tri ân sự dũng cảm của thầy khi dám khai thị cho cuộc đời này sự thật phũ phàng, về khổ đau & về giác ngộ thôi, khác hẳn với những vị thầy tâm linh “hạnh phúc” trước đây của con.
Ngày gửi: 22-06-2022
Câu hỏi:
Con kính Sư!
Qua quan sát và chiêm nghiệm bản thân, con thấy gia đình có bố mẹ hoà thuận thì con cái có tính tình vui vẻ, hoạt bát, làm việc cũng tự tin năng động hơn; còn gia đình có bố mẹ ly dị hay thường mâu thuẫn cãi vã thì con cái thường có tâm trạng u ám, hay nhìn cuộc đời theo hướng tiêu cực, làm việc thì hiệu quả cũng không cao. Con thấy như vậy có đúng không ạ? Đó có phải là nghiệp của những đứa trẻ phải sinh ra trong gia đình như vậy không ạ? Làm sao để giúp những con người mà từ nhỏ đến lúc trưởng thành phải chịu ảnh hưởng từ môi trường sống của bố mẹ chúng, làm sao để chuyển hoá nỗi khổ niềm đau ấy trong khi thời gian đó có khi là nửa đời người?
Ngày gửi: 22-06-2022
Câu hỏi:
Thưa thày! Con thấy con còn nhiều tham sân si quá. Thấy ngay cái sân của mình khi đang sân. Tham khi đang tham. Con thấy nó tạo cho mình nhiều căng thẳng, bực dọc... Con cố gắng trọn vẹn với nó, nhưng sau đó lại như cũ. Con thấy rất hoài nghi. Có phải nếu tập khí của mình quá mạnh thì trước hết cần phải dùng các phương pháp chế định để làm mình dịu xuống. Ví dụ như ăn chay, bỏ uống bia rượu, v.v... không ạ?
Con xin tri ân thày!