Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 12-06-2022
Câu hỏi:
Dạ thưa sư ông. Con kính chúc sư ông được nhiều sức khoẻ ạ. Con xin được cám ơn sư ông. Nhờ nghe pháp và thực hành những điều sư ông dạy con cảm thấy cuộc sống của con nhẹ nhàng thoải mái lắm ạ. Mặc dù vẫn còn nhiều tham sân nhưng con không còn bị nó trói buộc lâu như trước ạ. Giờ con chỉ mong có dịp vào chùa gặp sư ông để con xin làm học trò của sư ông. Mong sư ông chứng dám lòng thành của con ạ.
Ngày gửi: 11-06-2022
Câu hỏi:
Bạch Thầy, Thầy có thể phân biệt cho con sự khác nhau giữa trạo cử, hối hận (bất thiện) và tàm quý (thiện) không ạ? Vì khi con mắc một sai lầm nào đó, con liền trạo cử hối hận, sau đó con mới hứa với lòng mình là từ nay không làm vậy nữa. Bạch thầy, có phải trạo cử (bất thiện) làm duyên cho tàm quý (thiện) không ạ?
Và có cách nào khởi tàm quý mà không khởi tâm bất thiện trước đó không?
Con thành kính tri ân Thầy ạ!
Kính mong thầy từ bi giải đáp cho con ạ!
Ngày gửi: 11-06-2022
Câu hỏi:
"Con kính đảnh lễ Sư Ông, con có nghe là khi mình khóc là tâm đang ở trạng thái sân. Con không hiểu vì sao khóc là tâm sân ạ! Kính xin Sư Ông khai thị giúp con có phải lúc nào khóc cũng là sân hay không ạ?
Trả lời:
Khóc do khổ hoặc gặp nghịch cảnh là sân. Khóc do vui sướng khi được tài tình danh lợi là tham. Khóc do cảm động khi nghe một câu kinh, lời giảng là hỷ lạc. Khóc khi đến 4 cảnh động tâm là cảm động với lòng tri ân Tam Bảo."
(Thầy Viên Minh - Trích mục Hỏi Đáp)
Thưa Thầy, từ trước giờ con có hiểu lầm về phản ứng khóc hầu hết là tâm sân và tham. (Nhưng nay con biết thêm khóc có thể do hỷ lạc, do tín tâm.)
Chính vì vậy con quan sát trọn vẹn mỗi cơn xúc động trước những bộ phim tình cảm, những lòng thương khởi lên lúc người khác gặp khó khăn, hoạn nạn và đau khổ cùng cực, chính vì vậy mà tâm cân bằng không chảy nước mắt, nếu không quan sát hoặc cẩn thận chú tâm thì sẽ mất cân bằng và rơi nước mắt. Nếu như con cứ để nó trôi theo dòng cảm xúc và khóc vì thương người thì con tự hỏi, dòng nước mắt này lẽ nào là do tâm BI?
Ở đời, mọi người vẫn khóc vì điều này rất nhiều.
Nhưng có phải giữa người trọn vẹn chú tâm quan sát sẽ không khổ, còn những người không quan sát và cuốn theo cảm xúc sẽ từ lòng thương người (lòng bi) rồi bị đồng hóa mà chuyển sang khổ?
Con hiểu như vậy có đúng không ạ?
Con kính cảm ơn Sư Ông!
Ngày gửi: 11-06-2022
Câu hỏi:
Con cảm ơn Thầy đã chỉ bày cho con hiểu rõ những chỗ con chưa hiểu.
Con có thấy một người nói về một số nội dung liên quan đến Vi diệu pháp, không cần bám víu quá sâu vào lý thuyết là rất đúng.
Sách vở chỉ là thuật lại diễn biến của tâm, nếu mình có thể hiểu được tâm ý mình, cứ nhìn thẳng trực diện vô nó là rõ nhất, nhanh nhất, chân thực nhất. Giống như con nghe quảng cáo về cao lầu từ chồng con, con có thể tả lại vanh vách y như đã ăn rồi nhưng nó không thật như con thực sự được ăn nó.
Chúng con cảm ơn Thầy, Thầy đã chỉ cho chúng con cách để nhận được trực tiếp nguồn thức ăn tuyệt vời cho tâm!
Chúng con kính tri ân Thầy!
Ngày gửi: 11-06-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy, hơn một năm nay con có thói quen nghe pháp thoại của thầy mỗi ngày, nhờ ơn thầy khai mở, mỗi ngày con thấy tâm con định tĩnh, sáng suốt, trong lành dần, khi tâm sân hay tâm tham khởi, con đã có thể thấy rõ sinh diệt của chúng.
Gần đây con nghe được trong một bài pháp thoại thầy có dạy, phải cố gắng bỏ phương tiện sang một bên, và dù có chập choạng cũng cố gắng tự bước đi càng sớm càng tốt, nên con thử không nghe pháp thầy nữa mà tự mình đối diện với các pháp đến - đi, thì tâm con lại trở nên vọng động dữ dội hơn và thường bị tâm tham tâm sân cuốn đi một thời gian dài hơn mới nhận ra, kéo dài nhiều ngày liên tục không cải thiện hơn, con lại trở lại thói quen nghe pháp thầy mỗi ngày thì tâm con lại dịu trở lại.
Thưa thầy, trường hợp này con nên tiếp tục như thế nào ạ?
Con thành kính tri ân thầy.
Ngày gửi: 11-06-2022
Câu hỏi:
Con xin được kính đảnh lễ thầy,
Sáng nay con có ghé chùa và thật may mắn là trúng ngay thời gian hơn 10h sáng, thầy cùng các vị tăng đang làm lễ quy y cho các Phật tử.
Đây cũng là lần đầu tiên con gặp thầy ở ngoài đời thực nên con rất xúc động, con chỉ đứng ở ngoài để theo dõi buổi lễ và nhìn thầy từ xa.
Con xin gửi tới thầy cùng các bạn đạo bài thơ:
Sáng cuối tuần thong thả
Tâm buông xả nhẹ nhàng
Đi ngang Bửu Long tự
Gặp sư phụ trụ trì
Tâm vô cùng hoan hỷ
Con xin được trình pháp với thầy một điều là sâu trong con còn phân biệt tốt xấu và pháp đã cho con đương đầu với một người mà theo tiêu chuẩn của con hay xã hội là "xấu xa, ghen ghét, đố kỵ" đủ cả. Có khi thì người đó nói dối con, lừa tiền con rồi còn giả vờ tử tế với chính con,... con đều bỏ qua không phản ứng nhưng lâu ngày người đó vẫn không thay đổi.
Chính điều này đã làm con thất vọng cũng như không còn kiên nhẫn thêm nên buông xả xem sao thì lập tức con thấy thoải mái và cảm thông với người đó, con cảm ơn pháp đã vận hành thật kỳ diệu.
Đúng là: "Tâm không động không sầu, là phúc lành cao thượng" phải không thưa thầy?
Tại sao con lại muốn người khác theo ý mình cơ chứ?
Con nhận ra thì ra mình đúng là tự rước họa vào thân và cảm thấy thật buồn cười ạ.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật!
Ngày gửi: 11-06-2022
Câu hỏi:
Con Đảnh Lễ Sư Ông!
Vì ở xa nên con không tham gia các buổi trà đạo được, con xin gửi câu hỏi này cho buổi trà đạo ngày mai, chủ nhật ngày 12 tháng 6 năm 2022 ạ.
Sư Ông dạy Tánh Giác của mỗi người vốn hoàn hảo, không sinh không diệt. Con quan sát cuộc sống thấy nhiều trường hợp khó hiểu quá, mong Sư Ông minh giải giúp con ạ:
1. Những người già (kể cả vài vị có tu hành và đã giác ngộ) khi bị bệnh người già như đột quỵ, hoặc té ngã tổn thuơng não bộ, lúc đó người đó không còn biết gì nữa, phải sống cuộc sống thực vật. Khi đó Tánh giác của người đó đã đi đâu ạ, vẫn còn đó hay đã mất đi ạ?
2. Những lúc con ngủ say, không còn biết gì về xung quanh cả. Lúc đó Tánh giác của con ở đâu ạ?
3. Sau khi chết, Tánh giác con người sẽ thế nào ạ?
Phải chăng Tánh giác cũng phụ thuộc vào thân tứ đại, thân thể bình thường thì Tánh giác bình thường, thân thể biến đổi, tổn thuơng thì Tánh giác cũng biến đổi theo ạ?
Con xin cảm ơn Sư Ông đã dành thời giờ cho con!
Ngày gửi: 11-06-2022
Câu hỏi:
Bạch thầy,
Con phát hiện ra một số nội dung quan trọng của Vi diệu pháp như tâm hay tâm sở thực ra là gọi tên cho rõ, còn khi thực hành chánh niệm tự động sẽ nhận biết được, thậm chí nhận biết không cần qua định danh. Từ đó con thấy không cần thiết phải đi quá sâu hoặc bám víu vào những kiến thức này, chỉ cần thực hành đúng là đủ.
Kính thầy.
Ngày gửi: 11-06-2022
Câu hỏi:
Con kính bạch trên Sư Ông,
Hồi nãy dự lễ đặt bát tâm con đã khởi lên 1 số vọng niệm tiêu cực. Do lúc đó con làm hơi nhanh và bất cẩn, nên con sợ bánh chocopie dâng Chư Tăng bị nhàu nát, rồi lại sợ Tứ vật dụng khi bỏ vào phong bì bị rách nữa ạ. Những vọng niệm tiêu cực đó không quá nghiêm trọng nhưng nó khiến con có ít nhiều phân tâm khi nghe tụng kinh ạ. Con thấy rằng đằng sau vọng niệm đó ẩn chứa “cái tôi”, và “cái của tôi”, tuy nó biện minh rằng sợ Chư Tăng không nhận được đồ dâng, nhưng thật ra mình chỉ biết lo phần dâng “của mình” chứ không phải “của người khác”, có lẽ vì vô thức còn sợ quả phước không trọn vẹn ạ.
Con xin không thêm không bớt, chỉ xin trình bày lên Sư Ông những vọng niệm như vậy xen vào trong buổi đặt bát ạ.
Mong Chư Tăng, Tu Nữ cùng các Thí Chủ được an vui lâu dài!
Ngày gửi: 11-06-2022
Câu hỏi:
Dạ THẦY. Con có thắc mắc là Tâm con người trải qua 7 tâm sở biến hành.
Còn các em bé cũng như vậy, các em có phiền não không thưa Thầy? Con nhớ câu:"Nhân chi Sơ Tánh Bổn Thiện"
Và Thầy đã chỉ con:
Bảy tâm sở biến hành luôn có mặt trong các tâm hiện khởi. Trường hợp các em bé thì phần lớn là tâm vô nhân dị thục (tâm quả bẩm sinh), thể hiện như bản năng tâm-sinh-vật lý tự nhiên - chưa có nhân tạo tác nhiều.
Con vẫn chưa hiểu đoạn trên. Con mong Thầy giảng kỹ giúp con.
Dạ. Vậy trong 7 tâm sở Xúc, thọ, tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn, tác ý, Tâm các em vô nhân là ở giai đoạn nào ạ? Và giai đoạn nào thì các em tạo tác nghiệp ạ?
Con xin cám ơn Thầy.