loading
Hỏi Đáp Phật Pháp

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 31-07-2017

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ thầy.
Thưa thầy con xin trình pháp, hy vọng điều con chia sẻ sẽ hữu ích.
Thiền tứ niệm xứ không phải là một phương pháp hướng dẫn về việc niệm thân như thế nào, niệm thọ như thế nào… Thiền tứ niệm xứ là mô tả cái thực của bậc giác ngộ. Như vậy tâm khai thị của bậc giác ngộ là tâm vô ngã. Người nghe pháp tức đang nghe cái thực thì không thể để cái lý trí bản ngã nghe cái thực rồi thực hành được vì cái hiểu đó không đúng với điều mà bậc giác ngộ muốn chỉ bày. Do đó người nghe pháp cũng phải với thái độ vô ngã thì mới thực chứng được điều mà bậc giác ngộ mô tả về cái thực.
Vấn đề không phải là học hỏi kiến thức về cái thực mà là khám phá cái thực mà bậc giác ngộ đã khai thị. Vì cái thực nơi mỗi người và bậc giác ngộ là giống nhau, cho nên không phải là học hỏi kiến thức để biết thêm thông tin mà là khám phá cái có sẵn nơi chính mỗi người. Bậc giác ngộ chỉ chỉ ra cho chúng ta cái chúng ta đang có mà lại không biết chứ bậc giác ngộ không cung cấp thêm thông tin gì khác về con người và cuộc đời của chúng ta.
Tại sao là buông xả mà không phải là thực hành tinh tấn miên mật?
Vì ai thực hành, ai tinh tấn? Còn buông xả là rời đi cái bản ngã lăng xăng muốn biết, muốn được để trả tâm về với bản chất thanh tịnh trong sáng như nó vốn là. Như vậy là không có rèn luyện để tâm đạt được trạng thái thế này hay thế kia vì cái tâm tự nó đã hoàn hảo rồi (khi hữu sự nó ứng ra cũng hoàn hảo và khi vô sự nó rỗng lặng cũng hoàn hảo). Ý đồ của bản ngã muốn thế này thế kia thực ra mới làm hỏng đi cái hoàn hảo để chỉ thấy bất toàn. Trở về với cái tâm hoàn hảo sẵn có tự nhiên thì mới tùy duyên thuận pháp được. Hoàn hảo không phải là một tiêu chuẩn mà là sự hòa đồng với vận hành của pháp.
Tóm lại thực hành thiền tứ niệm xứ là khám phá thực tại vì Niết-bàn hay Luân hồi sinh tử là ngay nơi thực tại thân, thọ, tâm, pháp. Mà cốt lõi là không có ai khám phá cả, tâm tự khám phá pháp nên tâm pháp đều vô ngã vậy thôi. Chánh niệm tỉnh giác là biểu hiện cơ bản nhất của tánh biết thấy pháp hay tướng biết thanh tịnh. Khi thực sự chánh niệm tỉnh giác thì tánh tướng dung thông. Hữu sự thì ứng ra, vô sự thì rỗng lặng trong sáng đó cũng là hoạt dụng tự nhiên của pháp vậy.
Thưa thầy nguyên lý tu tập con chỉ thông suốt tới đây.
Con thành kính tri ân thầy. Con chúc thầy luôn mạnh khỏe.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 30-07-2017

Câu hỏi:

Thưa thầy kính mến,
Đầu thư con xin chúc thầy luôn mạnh khoẻ ạ. Thầy đã bắt đầu vào khóa Thiền 17 rồi đúng không ạ. Chúng con ở Hà Nội dù vẫn nghe online và thực hành hàng ngày nhưng thật lòng mà nói vẫn rất khao khát được nghe trục tiếp từ thầy hơn ạ. Thôi đành chờ tháng 11 thầy lại ra Bắc ạ.

Thưa thầy, hôm nay con muốn tâm sự với thầy về vấn đề giáo dục trẻ em bị tự kỉ, tăng động (tên viết tắt là VIP) cũng là xin sự chia sẻ từ thầy.

Ngày nay tỉ lệ trẻ tăng động, tự kỉ tăng cao, nguyên nhân thì chưa thống kê được. Tuy nhiên con nhận thấy trẻ em giờ hầu như đều bị, chỉ là tỉ lệ cao hay thấp và dừng lại ở độ tuổi sau lên 3. Con không chuyên ngành giáo dục mầm non, nhưng từ khi con được trở về với Pháp thì con phát hiện ra rất nhiều khả năng lạ mà từ trước giờ con không bao giờ làm được như: con vẽ rất dở không phải người sáng tạo, tư duy hình học kém ấy vậy mà gần đây nhân 1 dịp vẽ theo trường phái Zen tangle mà con tự nhiên vẽ được tất cả, không hề định trước trong đầu mà vẽ như 1 luồng khí chạy qua con cứ thế con đưa bút, pha màu mà không ai nghĩ con chưa bao giờ học vẽ. Đại loại là từ khi ứng dụng thiền Vipassanā trên cả thân thọ tâm pháp cộng với pháp thầy bày cho, con thấy mình không còn tách rời giữa Đời và Đạo nữa...

Quay lại chuyện tự kỉ ở trẻ, con nhận thấy dường như các bậc cha mẹ và các tổ chức hiện nay chưa thực sự hiểu về chúng, coi chúng là 1 căn bệnh, 1 loạt trẻ khác thường và cần được "điều trị đặc biệt". Và con có biết các group cha mẹ của các bé đó, tội lắm Thầy a, con cái bị xa lánh đã đành nhưng con thấy vấn đề của Phụ Huynh còn trầm trọng hơn vì họ không hiểu nổi và chăm sóc nổi chúng, không tìm được sự bình an. Chúng lầm lì, đứa thì phá phách đủ thứ... Có rất nhiều stress từ họ, có người muốn buông xuôi thầy ạ. Con mới đọc tâm sự của 2 bà mẹ, nói muốn ôm con tự tử cùng vì thấy bất lực và không đủ sức để đi cùng con vì nó vẫn vậy, các bố mẹ khác thì bao tiền nong... Con chưa biết khuyên sao.

Con trình bày qua để thầy hiểu điều con muốn chia sẻ, con muốn hỏi thầy theo Phật Giáo và luật nhân quả thì bệnh của các bé này có thể nhận biết được là do nhân nào không ạ? Mà con thấy nó hợp với Duyên là xã hội phát triển hiện nay. Chứ ngày xưa đâu có.
Tiếp là, con muốn nghe lời khuyên của thầy cho việc giao dục các bé này trên tinh thần ứng dụng Phật học hay lối sống chánh niệm tỉnh thức thầy nói cho chúng ra sao ạ?

Con muốn chia sẻ thêm về cái nhìn nhận của mình về các bé này, theo con biết chúng bị sự kì thị lớn vì lí do chúng không giống với những gì mà xã hội, trường học, gia đình đề ra nên tự nhiên chúng bị đưa vào chế độ đặc biệt vì cha mẹ, cô thầy các bạn không hiểu được các bé đó nghĩ gì. Trẻ tự kỉ có thế giới riêng của chúng đúng không Thầy? Con biết điều này vì hồi bé con cũng có lẽ là 1 dạng tự kỉ - ám thị nhiều hơn ạ. Con luôn không có cùng suy nghĩ, muốn làm, muốn chơi, muốn học, muốn nói như các bạn, như cô bảo vì con không thấy hứng thú. Con phân biệt màu cũng khác các bạn và từ đó con luôn càng thu mình vào thế giới riêng của con. Con luôn có nhiều ước mơ lắm, nhưng hầu như con không có cơ hội để thể hiện vì con không đủ khả năng như các bạn trong lớp. Và con chỉ hạnh phúc khi tự sống trong ước mơ con tự vẽ ra. Đến khi con quan sát các bé đó cũng vậy, người ta nói tự kỉ là do não phải phát triển hơn não trái bất thường nên trẻ có xu hướng tốt hơn nếu cho tiếp cận âm nhạc, hội hoạ, thiên nhiên... hơn là con số, công thức... Đúng là hồi bé con còn nhận thấy nhiều lúc con nghe mà không hiểu thầy cô nói gì, nó thành 1 vùng "mờ - hay đen" luôn trong não con... không hiểu sao bé thế mà con còn tự thấy được điều đó. Nên con học mãi không vào, không thuộc nhưng đặc biệt rất thích tưởng tượng (dù tư duy hình học con rất kém). Theo nghiên cứu có nhiều trẻ tự kỉ có nhiều khả năng đặc biệt thầy ạ, có bạn lại nhớ con số và tính nhẩm siêu nhanh hơn cả bấm máy. Vừa rồi có 1 bài nói trên TED của 1 bạn tự kỉ gửi mẹ. Bạn nói bạn không ngủ được với gia đình là thảm họa nên thuốc thang, trị liệu liên tục nhưng bạn đó nói bạn thích bóng đêm, bạn thích ngắm trăng và khi không ngủ được với bạn rất thú vị, vì bạn có nhiều người bạn nhiều điều tuyệt vời với trải nghiệm không ngủ ban đêm đó... hay như không muốn đi ra ngoài, tiếp xúc kết bạn vì bạn thấy rất ngớ ngẩn khi phải thêm bạn mới mà không hiểu mình, bạn thấy lạc lõng với thế giới ba mẹ và mọi người vẽ ra, bạn ở nhà vì thế giới của bạn rất thú vị chỉ riêng bạn biết, bạn có gấu Teddy chơi, bạn được sáng tạo theo ý bạn... nhưng ba mẹ không chịu hiểu tham gia cùng bạn mà lôi bạn đi để rồi mỗi lần về bạn thấy tổn thương hơn...
Bài nói đó mạnh mẽ lắm, bạn nói mà cả thế giới thức tỉnh về cái nhìn về họ thầy ạ.

Không hiểu sao con muốn làm gì đó giúp cộng đồng các bé tự kỉ tăng động. Tuy nhiên về mặt duy thức học con chưa hiểu rõ lắm, hay về vô thức bên Phật giáo thì với đối tượng này mình nên hiểu toàn diện ra sao và có phương pháp nào vừa chế định lại vừa giúp họ được hoà hợp với thế giới của họ và thế giới chung hả thầy?

Con xin lỗi làm phiền thầy, vì con diễn đạt dài ạ.
Con xin tri ân Thầy, nguyện cho tất cả đều được sống an vui, hoà hợp và hạnh phúc ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 30-07-2017

Câu hỏi:

Kính thưa Sư Ông,

Dạ vâng, con là Phật tử cách đây vài ngày có gửi câu hỏi về tánh biết vốn trong sáng tự nhiên đây ạ! Chính xác như Sư Ông đã chỉ dạy, mình không cần phải giữ tánh biết mà cần nhận ra khi nào mây mù che đi, khi nào mây tan. Con xin kể thêm Sư Ông nghe một trải nghiệm gần đây của con. Khi con rối trí đầy suy nghĩ về chuyện mưu sinh, cơ quan, cấp trên... thì đây là trạng thái mây che đi tánh biết, đang cuốn đi theo dòng suy nghĩ, bất giác con nghe tiếng gà gáy, tự nhiên tất cả suy nghĩ lặng yên hết, chỉ còn duy nhất là tiếng gà gáy và tánh đang nghe tiếng gà gáy đó, trong lành định tĩnh, tâm tư và cả thân con bỗng nhẹ nhàng. Trạng thái này con gọi là tánh biết hiển lộ, mây tan bầu trời tâm lại trong sáng rõ ràng ạ. Kính thưa Sư Ông, con trải nghiệm như vậy có gì chưa đúng không ạ? Kính mong Sư Ông từ bi dẫn lối cho con đi đúng đường ạ. Con thành kính tri ân Sư Ông.

Kính,
Con.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 30-07-2017

Câu hỏi:

Thưa thầy, con xin chia sẻ với thầy và các đạo hữu trên trang web một bài thơ nhỏ lần đầu viết. Con cũng xin cảm ơn thầy đã khai thị cho con và mọi người cùng thấy sự thật giản dị nơi thực tại đang là.
NGAY ĐÂY tâm cảnh vốn không hai
Chẳng thêm chẳng bớt chẳng thành ai
Hạnh phúc khổ đau ai người gánh?

Lặng lẽ pháp thân tự hiển bày.

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 30-07-2017

Câu hỏi:

Kính Bạch Thầy,

Con Trâm ạ, dạo gần đây con xem mục Hỏi - Đáp thấy có rất nhiều Đạo hữu đăng ký ghi lại Pháp Thoại của Thầy, con rất hoan hỷ. Cảm giác như một đại gia đình được che chở dưới bóng mát từ bi của Thầy.
Con vẫn sống, dù vẫn còn nhiều lúc thất niệm nhưng vẫn nhận ra và quay lại chánh niệm ngay thực tại theo lời dạy của Thầy. Vẫn chăm sóc con, làm mọi thật thận trọng, chú tâm, quan sát.
Mới đây có một công ty của Nhật mời con qua Nhật làm, cuộc sống sẽ sang một trang mới, qua bên đó làm 6 tháng thì con có thể đón con gái qua. Ai cũng bảo con phải hy sinh thời gian đầu khó khăn để cho tương lai tốt đẹp về sau. Nhưng trong con, con thấy rằng chẳng có gì là chắc chắn, giờ mọi thứ cũng tạm ổn, ở đây cũng có thể làm việc và phục vụ được vì con còn có thể đi dạy thiện nguyện tiếng Nhật. Ở bên này công việc ổn định nên có thể dành thời gian cho con, nói chuyện, dạy dỗ...
Qua đó thì sẽ bận rộn hơn nhiều, và chắc gì sẽ tốt, cũng không có gì đảm bảo tương lai con gái con... Nên con đã từ chối. Con nghĩ ở đâu cũng thế, cũng có khó khăn khác nhau. Do con từng sống bên Nhật nên cũng thấy được những mặt trái khác, chứ không hẳn tốt như mọi người vẫn nghĩ.

Thực sự giờ con nhìn nhận sự việc kèm theo tính không chắc chắn và vô thường nên cũng chỉ muốn trọn vẹn với công việc hiện tai, tùy thuận Pháp vận hành chứ không có ý xen vào tìm công việc khác hay thay đổi hoàn cảnh, môi trường sống gì cả.
Thầy ơi, suy nghĩ của con có bị thụ động không ạ? Hay bản ngã của con bắt đầu sợ những bất toàn trong đời sống rồi? Con thấy bao nhiêu bất toàn trong đời sống tự đến mà mình còn chưa đủ bản lĩnh để đối đầu thì mình cứ bình tĩnh đối đầu còn khi không tự dưng đi tìm cái mình biết trước là bất toàn rồi để làm gì.

Con xin thành kính đảnh lễ Thầy và mong được Thầy chỉ dạy thêm.
Kính
Con

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 30-07-2017

Câu hỏi:

Thưa thầy,

Cảm ơn thầy đã giải đáp thắc mắc của con. Tuy nhiên con vẫn chưa thực sự rõ ràng lắm. Ví dụ, con có thể giữ được sự tỉnh táo trong lúc tâm đang sân để kiềm chế không biến nó thành lời nói hay hành động có hại, nhưng con nghĩ sự tỉnh táo đấy không phải là chánh niệm, tỉnh giác, vì muốn thế phải có chánh tinh tấn. Mà đang sân thì làm sao có tinh tấn được? Nếu có tinh tấn, thì sân (pháp bất thiện) sẽ được đoạn trừ, như thế nó là tiến trình xảy ra khiến sân bị diệt, vậy làm sao quan sát được sân khi nó vừa sinh và đang trụ được ạ?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 30-07-2017

Câu hỏi:

Kính Thưa Thầy!
Câu chuyện của con hơi dài nhưng còn nhiều người tu sai đường cần được giúp đỡ, nên con kể cụ thể một chút mong Thầy hoan hỉ cho con.
Có một gia đình có 4 mẹ con theo đền Tứ Phủ. Mỗi năm hầu đồng và cúng bái tốn kém gần 100 triệu đồng trong suốt gần 10 năm nhưng vẫn không thoát khỏi bế tắc trong cuộc sống và cuối cùng họ bỏ đền đó. Sau khi bỏ Đồng Thầy thì gia đình họ bị xáo trộn rất nhiều và họ không dám tự bỏ các bàn thờ trong nhà vì Đồng Thầy đã lập cho họ một “cửa điện” trong chính nhà họ. Họ tìm đến con và nhờ con giúp. Con đã mạnh dạn dẹp bỏ bàn thờ Tứ Phủ và thay vào đó một bàn thờ Tam Bảo và hướng dẫn cho gia đình họ tu tập từ ngày 6/6/2017. Đến nay đã gần 2 tháng trong gia đình họ mọi chuyện cũng yên ổn dần, nhưng họ lại đem đến cho con quá nhiều phiền phức. Họ theo đồng đền lâu năm nên rất mê tín. Họ nghĩ con có quyền lực gì đó nên mới thắng được ông Thầy của họ, với lại con giúp không mất tiền nên ngày nào họ cũng gọi điện và nhắn tin nhiều lần kể cả lúc nửa đêm. Người mẹ thì nhờ con giúp đỡ công làm ăn buôn bán nhưng cũng biết giới hạn nên không làm phiền con. Còn cô con gái (trước là học trò của con thời cấp 2) thì muốn con dạy cho tu để có quyền lực. Thậm chí họ mất ngủ họ cũng nhắn tin nhờ con giúp đỡ lúc 12 giờ đêm, trẻ con quấy cũng gọi con. Con giải thích thế nào họ cũng không nghe. Con đành nhờ một Sư Cô đến giải thích với họ là con tu giải thoát nên không có khả năng gì cả và cũng không biết gì về làm ăn cả. Nếu gia đình có nhu cầu như vậy thì hãy tìm người khác. Cô con gái vẫn không nghe, hằng ngày vẫn gọi điện, nhắn tin nhiều lần với nội dung nhảm nhí hoặc trách móc, giận hờn, có lúc thì muốn con dạy trì chú, bắt ấn. Con không nghe máy và cũng không đọc tin nhắn thì cô ấy chạy đến nhà. Con mời người mẹ lên nhà và nói rõ mọi chuyện rồi nhờ người mẹ khuyên ngăn con gái đừng quấy rầy con nữa nhưng cô gái vẫn không nghe. Trưa hôm qua, khi thấy cô gái nhắn tin sẽ lên nhà con thì chồng con dắt hết xe vào nhà khóa cửa trước để cô gái đó tưởng nhà con đi vắng. Nhìn thấy chồng con phải giả vờ khóa cửa để tránh phiền hà con thấy mình đã sai, sai nhiều điều. Đến 2 giờ chiều con mở cửa và ngồi dạy học ở phòng khách thì cô gái đó đến đi vào theo cửa sau rồi lên giường con ngủ hơn 2 tiếng. Cả nhà con như bị đóng băng, chồng con thì nằm yên trên võng lặng lẽ xem ti vi, con gái con thì trốn trên gác không dám xuống. Vừa dạy học con vừa suy nghĩ: con đã sai rất nhiều trong cách giải quyết các vấn đề, vì con để bản ngã xen vào mọi chuyện nên mới có hậu quả này, con cũng rất ngây thơ khi hy vọng gia đình này sẽ tu đúng, tu tốt. Nếu bây giờ con vẫn giải quyết nhẹ nhàng thì sự phiền toái sẽ đi đến đâu? Còn nếu con kiên quyết cắt đứt mối nhân duyên này thì có quá đáng không? Có thiếu lòng từ bi không? Phân vân suốt 2 tiếng đồng hồ, con quyết định cho học sinh nghỉ và gọi cô gái ra nói chuyện rồi cấm không cho cô gái đó đến nhà con nữa.
Con vẫn áy náy là mình thiếu sáng suốt nên giải quyết vấn đề chưa tốt thì sáng nay Sư Cô con nhờ giúp nói với con rằng con thiếu từ bi nên giải quyết theo cách sân, nếu con không từ bi níu kéo cô gái đó lại lỡ cô gái đó quay lại “Hầu đồng” thì con sẽ bị đổ nghiệp theo.
Thưa Thầy! Con phân vân ở chỗ, khi phiền não đến tức là đang giúp mình có cơ hội tu tập, nhưng vì đạo lực của con đang yếu có thể chưa kịp học ra bài học của mình đã bị cuốn theo chiều gió. Hơn nữa sự việc lại liên lụy đến nhiều người xung quanh con không biết nên giữ vững lập trường của mình hay nghe lời Sư Cô?
Vẫn còn mấy gia đình muốn thoát ra khỏi “đồng bóng” nhưng con không dám giúp? Như vậy có nên không?
Kính Xin Thầy hoan hỉ Chỉ Dạy! Con Thành Kính Cảm Ơn Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 30-07-2017

Câu hỏi:

Con xin đảnh lễ thầy ạ.
Bạch thầy con xin hỏi 2 điều sau ạ:
1- Bạn con theo học bên trường thiền và về xưng mình chứng đắc này kia, vậy nếu bạn con chưa thọ giới xuất gia mà chưa chứng đắc thiền gì đó mà xưng là mình chứng thiền vậy có gọi là phạm tội nặng không? Và nếu khuyên họ xuất gia chân chính thật sự thì có giác ngộ được không khi đã phạm tội đó?
2- Khi một người chưa thọ tam quy ngũ giới, chưa có gia đình mà họ đã tà dâm bên ngoài thì họ có thể xin xuất gia tu hành được không?
Con xin cám ơn thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 29-07-2017

Câu hỏi:

Con kính chào Thầy.
Con ở Quảng Ninh nhưng thường xuyên nghe các bài giảng của Thầy, thấy pháp thiền của Thầy giản dị, con rất ấn tượng muốn làm theo. Con xin Thầy nhận xét cho con xem cách con chánh niệm tỉnh giác có đúng không. Khi suy nghĩ khởi lên nhiều quá, con thường tưởng tượng mình không có đầu, thế là không còn chạy theo suy nghĩ nữa, thấy như nhìn bản thân mình để thấy mình trong các hoạt động... Con hành như vậy đúng không Thầy? Con xin Thầy chỉ dạy. Con kính chúc Thầy sức khỏe.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 29-07-2017

Câu hỏi:

Thưa thầy,

Con có một thắc mắc như sau. Mỗi tâm thức chỉ có một đối tượng duy nhất trong một thời điểm, như vậy khi đối cảnh tâm khởi lên hoặc không khởi lên tham, sân, si - thì cái gì là cái biết tâm đang hoặc không đang tham, sân, si? Nếu câu trả lời là tánh biết, thì theo con hiểu tánh biết chỉ hiển lộ khi tri kiến thanh tịnh, nhưng trong trường hợp đang tham, sân, si thì tướng biết đâu có thanh tịnh mà tánh biết hiển lộ được ạ?

Sở dĩ con đặt câu hỏi như vậy vì con chỉ minh sát được thân, thọ, nhưng khi muốn minh sát tâm, pháp thì không được, và thường phải có một độ trễ về thời gian để ý thức chợt nhận ra tâm, pháp vừa xảy ra nó là cái gì. Con mong thầy giải đáp thắc mắc này giúp con ạ.

Con cảm ơn thầy.

Xem Câu Trả Lời »