Hỏi Đáp Phật Pháp
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 08-09-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con thấy trên mục Hỏi Đáp nói có thể tháng 11 Thầy sẽ đến Melbourne. Con mừng quá! Nhưng khi hỏi thăm những bạn bè chung quanh không ai biết tin này, con lại buồn. Có lẽ hội Phật tử Nguyên thủy ở xa nơi con cư ngụ. Thưa, nếu Thầy biết địa chỉ nơi Thầy sẽ đến, Thầy cho con. Chẳng biết con có đủ phước duyên nghe Thầy giảng Pháp không, vì con không biết lái xe (dù con đã có bằng lái 4 năm rồi, con cù lần lắm!) và con còn lo chăm sóc Mẹ già. Con cảm ơn Thầy. Kính.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy sẽ thông báo cho con khi có địa chỉ cụ thể của trụ sở Hội Phật Giáo Nguyên Thủy ở Melbourne. Con cứ nghe Pháp Thoại của thầy thì thế nào cũng gặp thầy mà.
Ngày gửi: 08-09-2011
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, tuy con chỉ là đứa bé 11 tuổi nhưng con đã biết suy nghĩ. Lúc nghe tin tiệm vàng Ngọc Bích bị cướp ở Bắc Giang, con vốn tính tò mò nên đã vào mạng tìm hiểu. Nhưng khi xem xong thì con rất run sợ. Buổi sáng mỗi khi lên lầu lấy đồ cho cha mẹ con đều sợ hãi. Tối đến con càng sợ, khi gia đình vào phòng hết con lại nghe tiếng bước chân. Khi đó con luôn niệm A-di-đà Phật nhưng vẫn không hết sợ. Đến bây giờ, nghe tin Luyện đã bị bắt nhưng con vẫn còn sợ. Vậy xin thầy cho con biết làm thế nào để hết nỗi sợ hãi này. Con xin cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sự sợ hãi của con là do con bị ám ảnh bởi vụ cướp của giết người quá tàn nhẫn ở Bắc Giang, cộng thêm với những tưởng tượng của con. Sự sợ hãi được nuôi dưỡng bởi những đối tượng này như "món ăn" của nó. Vậy bây giờ con đừng cho nó "ăn" nữa thì hết sợ hãi. Không cho ăn nghĩa là con đừng quan tâm đến đối tượng đó nữa mà trở lại quan tâm chính sự sợ hãi của con. Nghĩa là con hãy lắng nghe, quan sát lại chính sự sợ hãi mỗi khi nó khởi lên đi tìm đối tượng nuôi dưỡng của nó. Khi con quay lại lắng nghe, quan sát sự sợ hãi tức là con không còn cung cấp thêm món ăn cho nó vì vậy nó sẽ tự diệt. Con niệm Phật cũng được nhưng không phải để trấn áp sự sợ hãi vì như vậy con chỉ làm cho nó bị dồn ép vào bên trong rồi nó cũng sẽ trờ lại mạnh hơn. Chỉ nên niệm Phật để con bình tĩnh sáng suốt hơn hầu có thể lắng nghe quan sát sự sợ hãi một cách rõ ràng hơn. Thấy biết rõ ràng sự sợ hãi cũng chính là thấy biết rõ ràng về bản thân con. Khi con luôn biết mình thì sẽ không còn sợ hãi nữa.
Ngày gửi: 08-09-2011
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, khi nào thì con có thể được biết chương trình đi giảng dạy của thầy ở Úc vào tháng 11 năm nay? Nếu biết trước thì con sẽ thông báo cho các bạn của con sắp xếp thời gian đến đảnh lễ thầy và nghe thầy giảng. Các bạn con hiện đang định cư tại thành phố Inala, Brisbane.
Con kính thư, Anh Pham.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy cũng chưa rõ, vì còn tùy vào thủ tục visa. Khi nào có chương trình cụ thể thầy sẽ thông báo.
Ngày gửi: 08-09-2011
Câu hỏi:
Chào Thầy ạ. Con muốn tham gia khóa thiền thứ 8 của thầy Viên Minh vào mỗi buổi chiều chủ nhật bắt đầu từ ngày 4/9/2011. Nhưng hôm nay con mới biết. Vậy chủ nhật tuần sau 11/9/2011 con bắt đầu theo khóa học này được không ạ, nếu theo học con cần làm thủ tục gì? Con xin chân thành cám ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không cần làm thủ tục gì cả, chỉ cần con đến đúng giờ học thôi. Buổi giảng đầu tiên ngày 4/9 vừa rồi con có thể nghe lại trong mục Pháp Thoại (Khóa giảng lần 8).
Ngày gửi: 07-09-2011
Câu hỏi:
Con tụng kinh mà đọc thầm không ra tiếng, và con tụng nơi con buôn bán chứ không ngồi trước bàn thờ mà tụng. Cho con xin hỏi như vậy có được không? Xin thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con được biết
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Được con. Tụng kinh niệm Phật là tùy vào thành tâm hay nhất niệm của con chứ không tùy thuộc vào hoàn cảnh. Ở đâu tâm thanh tịnh thì ở đó thanh tịnh. Ngồi trước bàn thờ hay đọc oang oang nhưng tâm không thanh tịnh thì cũng như không. Nhưng nếu con biết ứng dụng tâm thanh tịnh vào hành động, nói năng, suy nghĩ trong giao tiếp, buôn bán, ứng xử hàng ngày nữa thì con mới xứng đáng là một người Phật tử chân chính và an lạc.
Ngày gửi: 06-09-2011
Câu hỏi:
Dạ thưa Thầy, vừa rồi gia đình con có người trong dòng tộc sau ba đời loạn lạc đã tìm về lại được quê nhà qua sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm. Đối chiếu và truy ra căn nguyên thì mọi điều đều đúng thật. Dạ chỉ có vấn đề là nhà ngoại cảm nói rằng trên dương thế ông cụ đã được minh oan nhưng ở cõi âm thì chưa, phải làm lễ tế... Và thêm lâu sau cũng có người gặp và nói ra vanh vách những điều y như vậy với con.<p>
Là một Phật tử, con nghĩ mọi chuyện là bình thường, âm hay dương cũng vậy, việc đều do nghiệp mà thành và cũng theo nghiệp mà tan. Nhưng là phận làm con cháu con không thể không có chút lo nghĩ băn khoăn phải nên như thế nào. Dạ con xin Thầy không chê cười mà chỉ dẫn cho con thấy được như thực chuyện xảy ra. Dạ con xin kính tạ Thầy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giải oan dương thế chỉ một phần, còn duyên nghiệp thì nhiều mặt, do đó giải được một nỗi oan ở dương gian không có nghĩa là giải được nghiệp quả của người ấy đang gặt ở cõi âm. Giải oan và giải nghiệp là hai việc khác nhau. Tuy nhiên, cúng tế cũng không thể giải nghiệp được, luật nhân quả nghiệp báo rất công minh liêm chính, không thể cầu xin hay đút lót bằng lễ phẩm mà được.
Theo Phật giáo, muốn trợ duyên cho người âm thì chỉ có một cách tốt nhất là làm phước để hồi hướng công đức cho họ, nhất là làm phước trai Tăng để vừa được phước cúng dường vừa nhờ ân đức Tam Bảo hỗ trợ cho người âm có đủ phước để được siêu sinh. Do ý nghĩa lễ trai Tăng mà dần dần biến thành trai đàn chẩn tế qua nghi thức tế đàn mà các tôn giáo khác thường dùng trong tế lễ. Tóm lại nên làm gì có nhiều phước đức để hồi huớng cho người âm tốt hơn là quá nặng phần nghi lễ không cần thiết.
Ngày gửi: 06-09-2011
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! Con Minh Tưởng đây ạ! Con có nghe chú Nguyên Hạnh nói tới đây thầy sẽ mở thêm một khoá học dạy về Kinh Dịch nên con mừng quá vì sau khi tham dự khoá tu thiền 7 ngày con đã muốn tìm hiểu về Kinh Dịch để có thêm cơ sở để tin tưởng vào "Pháp" nhiều hơn và cho cái bản ngã trong con bớt toan tính đi để có thể tuỳ duyên trong cuộc sống này. <p>
Từ ngày con về đã có nhiều thay đổi lớn trong con cũng như những mâu thuẫn trước đây tự nhiên được hoá giải mà chẳng cần môt sự toan tính nào ngoài tấm lòng chân thành của con với mọi người, con cảm thấy vẫn áp lực cũ thậm chí hơn nhưng con lại thấy cuộc đời thật thú vị vì sự vận hành không thể chính xác được hơn của Pháp. Con xin tri ân Thầy vô cùng và con xin phát nguyện sẽ sống tuỳ duyên thuận pháp, vô ngã vị tha đúng như những gì con đã học ở Thầy. <p>
Thầy ạ! Đợt vừa rồi vào chùa học Đạo dù chỉ ở được 21 ngày nhưng con thấy quý Thầy và chú Nguyên Hạnh lắm! Thích nhất là những buổi sáng cùng uống trà với Thầy và Huynh Đệ được Thầy nhắc nhở và sách tấn, rồi những buổi đi quét rác với 2 chú Nguyên Hạnh và Nguyên Giác, mà con nhận ra rằng nhờ đi quét rác theo cách thận trọng, chú tâm và quan sát thì những điều con vừa học dường như sáng tỏ hơn nhiều nữa. Thầy và chú Nguyên Hạnh cố gắng giữ gìn sức khoẻ nha! Mà nhất là chú Nguyên Hạnh vì con thấy sức khoẻ chú yếu quá mà còn phải dậy sớm đánh chuông nên không có nhiều thời gian để tập bài thể dục dưỡng sinh! Mong rằng đợt tới đây sau khi học xong khoá học về Kinh Dịch thì chú sẽ đỡ lo hơn! Mong Thầy cho con biết lịch học sớm hơn khoảng 2 tuần để con có thể thu xếp được không ạ! Con cũng đang nghe "Những quy luật tinh thần" và "Lão Tử Đạo Đức Kinh" của Thầy giảng hay quá! Con kính chúc sức khoẻ của Thầy và mọi người trong chùa ạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tại chú Nguyên Tánh đề nghị thầy dạy Kinh Dịch, nên chú Nguyên Hạnh mói nói vậy, nhưng thầy thấy hiện nay thầy không có đủ thì giờ để dạy Kinh Dịch cho tương đối đầy đủ được. Thực ra sống tùy duyên thuận pháp là đã bao hàm Dịch lý trong đó rồi. Câu nói trong Kinh Dịch: "Dịch vô vi giả, vô tư giả, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố" có nghĩa là sống với tâm sáng suốt định tĩnh trong lành và thường thận trọng chú tâm quan sát thực tại thì liền thấy ra đạo lý của Dịch trong trời đất. Đó cũng là nguyên lý của Tứ Niệm Xứ, qua chánh niệm tỉnh giác (= vô vi, vô tư, tịch nhiên bất động) mà thấy ra lẽ biến dịch vô thường vô ngã của vạn pháp (= cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố). Như vậy chẳng phải thầy đang giới thiệu cho các con học Dịch ngay trong đời sống rồi đó sao? Vậy còn phải học Dịch trên lý thuyết suông làm gì nữa?
Ngày gửi: 06-09-2011
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,
Con là người mến đạo Phật đã lâu nhưng có duyên và yêu một người theo đạo Chúa. Chúng con sắp tiến hành hôn lễ và con phải học giáo lí để theo đạo. Như vậy nếu con cứ theo đạo Chúa (Rửa Tội, Thêm Sức...) và nhận biết rằng đó là nghiệp của mình thì có vấn đề gì không? Con cái của chúng con có nên để cho chúng được rửa tội không?<p>
Ở công ty con, mọi người hay đem đạo Phật ra chế giễu, đem các vị sư ra bôi nhọ... nhưng con không phản ứng gì. Như vậy là nên hay không nên? Con nghĩ mình chưa chứng ngộ được cái gì, lại đi đôi co với phần đông như vậy cũng chẳng giải quyết được việc gì, lại còn hại đến bản thân. Như vậy con nghĩ đúng hay sai?<p>
Con xin cảm ơn thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tôn giáo khác với tổ chức tôn giáo và người theo tôn giáo. Nhiều người quá hời hợt khi đánh giá một tôn giáo qua hình thức tổ chức hay qua những người theo tôn giáo ấy. Một người sống thông hiểu đạo lý là người có tầm nhìn thấu suốt được các tôn giáo nhưng có thể anh ta không theo một tổ chức tôn giáo nào, hoặc vì hoàn cảnh của mình mà anh ta theo một tổ chức tôn giáo nào đó, nhưng điều này không nói lên phẩm chất trí tuệ và đạo đức của anh ta. Nhiều người theo đạo Phật nhưng lại có niềm tin kiểu Thiên Chúa, và ngược lại.
Theo tôn giáo nào không quan trọng, mà quan trọng là tôn giáo đó có giúp con giác ngộ đạo lý của cuộc sống để con có thể sống một đời sống có ý nghĩa, có lợi ích cho mình và người hay không. Chuyện bình phẩm của người đời có thể là những phản ánh sự thật, cũng có thể chỉ là những câu chuyện mua vui, do đó con đừng để tâm làm gì. Có 3 hạng người: 1) Người không có duyên thì gặp toàn chuyện xấu nên họ không có niềm tin. 2) Người có duyên xấu thì gặp xấu cũng tưởng tốt nên thành mê tín. 3) Người có duyên lành thì gặp bậc chân tu nên họ có được chánh tín. Đó cũng là việc bình thường thôi.
Ngày gửi: 05-09-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Sư Ông Viên Minh, ngay tại giây phút con đang viết những dòng chữ này, con thật sự hoan hỷ khi con vừa mới nói chuyện với Bố Mẹ con về tất cả những gì con đã trải qua và sự trưởng thành khi thấy được pháp của Sư Ông để vận dụng vào cuộc sống của con. Con rất vui vì cũng có một ngày con tự tin nói với Bố Mẹ con lý do con lên chùa, rồi con quy y, rồi con mặc chiếc áo lam mỗi cuối tuần con về chùa Sư Ông. Con đã tìm ra cái mà bấy lâu nay mình đi tìm câu giải đáp. Con vô cùng biết ơn Sư Ông.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nói thật, lúc con mới đến chùa lần đầu xin ở lại ít hôm để ôn thi tốt nghiệp đại học hay gì đó, sư ông thấy con trong tình trạng hốt hoảng suy nhược đến đờ đẫn không hồn. Con nói là mất ngủ liên tục vì căng thẳng, không thể nào ôn bài được nữa. Sư ông thấy không ổn nhưng cũng cố gắng giảng pháp giúp con giải tỏa được chút nào hay chút đó. Thế rồi hôm sau con bắt đầu ngủ được, ôn bài tốt, và rồi thi có kết quả khả quan. Từ đó chủ nhật nào rảnh con đến chùa cùng vài người bạn, nghe sư ông giảng, quét dọn sân vườn, và nhờ vậy pháp đã dầ dần thấm nhuần vào con. Bạn con thông minh đã nhận ra pháp sư ông giảng rất nhanh, con tuy chậm hơn nhưng niềm tin lại vững, thế là có thầy có bạn con đã trưởng thành nhanh hơn trong pháp. Sau bài giảng đầu tiên khóa 8 (04/09/2011) sư ông thấy con hầu như đã thoát khỏi khuôn mặt đờ đẫn vô hồn ngày xưa. Nụ cười và ánh mắt chứng tỏ con đã hoàn toàn lấy lại tự tin vào chính mình trong cuộc sống. Chắc Bố Mẹ con cũng chia sẻ được điều đó. Sư ông chúc mừng con!
Ngày gửi: 05-09-2011
Câu hỏi:
Kính bạch sư, nếu phải đối diện với cái chết thì chỉ cần ghi nhận các pháp như nó đang là, có đúng không ạ? Con kính xin sư từ bi giảng giải cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Quan trọng là bây giờ con có thấy được các pháp như nó đang là không, còn lúc chết sẽ tùy thuộc vào thái độ thấy biết của con từ bây giờ. Con đừng quan tâm đến lúc chết phải làm gì, vì mọi chuyện đều do pháp vận hành, không phải do con, nó thuộc về nghiệp quá khứ, cho nên con không cần can thiệp được mà chỉ cần có thái độ thấy biết trầm tĩnh sáng suốt đối với pháp đang vận hành lúc đó (cận tử nghiệp) mà thôi.
Ý con nói đúng, nhưng con dùng từ ghi nhận theo thói quen người ta thường dùng thì không chính xác lắm. Không phải là ghi nhận mà là nhận ra, nhận biết, cảm nhận, trực nhận, nhận chân... thì đúng hơn. Trong ghi nhận có chủ ý của cái ta, vì trong đó hàm nghĩa có cố ý và cố gắng ghi nhận, còn nhận ra, trực nhận, nhận chân... là tánh biết có khả năng nhận biết một cách tự nhiên khi tâm rỗng lặng trong sáng, do đó không có người cố ý ghi nhận. Vậy lúc lâm chung tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành là tốt nhất còn pháp gì đến hay đến như thế nào trong cận tử nghiệp thì không quan trọng.