Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 08-05-2022
Câu hỏi:
Thấy và Buông!
Con kính chào Sư ạ!
Sau một thời gian nghe pháp Sư giảng và chiêm nghiệm với bản thân mình, con thấy với bản thân Tu là Thấy và Buông, Thấy ra đến đâu Buông ra đến đó.
Đầu tiên, con thấy cái Tư tưởng đầy tham, sân, si... con buông nó ra và con thấy mình tự do dần trong mối quan hệ gia đình, công việc, xã hội... thấy mình bao dung và thoải mái nhiều hơn.
Thứ tiếp, con thấy cuộc sống duyên khởi tự nhiên xung quanh, thấy ra cái Tâm thức phân biệt của chính mình, do sự tương giao, trùng trùng duyên khởi Căn, Xúc, Trần và đây Chính là Thế giới do Tâm khởi, nơi Mình và Vạn pháp tương giao theo Quy luật tự nhiên (năm luật mà Đức Phật khai ngộ). Tất cả pháp trong thế giới tự nhiên giống như những cơn sóng và Bản Tâm giống như nước bao trùm tất cả (điều này do con đang mường tượng vậy) nên con Buông tất cả sự phân biệt chỉ còn lại sự tương giao giữa Pháp với Pháp, sai khác do Thức, còn chung quy lại cùng một Bản Tâm.
Và cuối cùng, càng buông con càng thấy an nhiên và hạnh phúc bấy nhiêu, đây chính là hỷ, lạc trong thiền đề cập phải không thưa Sư? Và khi Buông thì con đang trở về suối nguồn tâm linh nơi mà đức Phật gọi là Niết-bàn? Và hướng Tu của con là đúng hướng phải không Sư?
Con xin cảm ơn Sư!
Ngày gửi: 07-05-2022
Câu hỏi:
Con chào Thầy. Con xin đảnh lễ và tri ân Thầy.
Con viết thư này mong Thầy có thể chỉ dạy cho con làm sao ứng xử với những rối bời trong tâm con. Con bị dính mắc với ba mẹ con rất nhiều. Họ sống không hòa thuận, hay xung đột từ xưa giờ. Con đã lớn nhưng mỗi lần nghe họ lớn tiếng là cả người con như cứng hết lại, tâm con co rúm, con rầu rĩ và xuống tinh thần rất nhanh. Những trải nghiệm như vậy cứ lặp đi lặp lại từ nhỏ đến giờ. Con để ý từng cử chỉ của ba và mẹ. Ba mà suy tư suy nghĩ là trong con suy luận đủ thứ rồi rầu rĩ theo. Với mẹ con cũng vậy. Nhất là từng nhất cử nhất động khi xung đột của họ làm con đau khổ rất nhiều. Họ vui con vui, họ khó chịu con khó chịu, đau khổ. Đã có lúc con không thể nào chịu nỗi không khí ngột ngạt, khô khan ở nhà, con không chấp nhận, trách móc, đổ lỗi cho họ rất nhiều. Giận dữ những người con yêu thương nhất làm con bị xung đột nội tâm rất nhiều. Con đã bị rối loạn tiêu hóa, giấc ngủ, ăn uống, cảm xúc lên xuống điên loạn. Thời gian qua con có thiền nhiều hơn, cố gắng đọc Pháp, bấu víu Pháp, sự trách móc đã giảm nhiều, con cũng hết rối loạn, sinh hoạt lại bình thường hơn, nhưng vẫn rất nhạy cảm với những xung đột của họ.
Gần đây có lúc mệt mỏi quá, con tác ý thôi kệ họ, họ đau khổ kệ họ, những vết thương lòng của họ hành hạ họ kệ họ. Mặc kệ họ. Chỉ tương tác thôi mà không can thiệp vô sâu quá. Tâm có nhả ra đôi chút, con có thấy nhẹ nhõm hơn. Nhưng con lại không nỡ, mọi việc nhanh chóng lại như cũ. Thiền có giúp con là con bớt trách móc họ, nỗi đau của con ở mỗi đợt không kéo dài quá lâu như trước (1,2 ngày thay vì cả tuần như trước), con đã chấp nhận hơn tình trạng của họ.
Nhưng suy nghĩ, cảm xúc chi phối con mạnh nhất là về ba mẹ. Làm sao để họ có cuộc sống tinh thần tốt hơn? Làm sao để mình không bị chi phối quá nhiều bởi chuyện của họ? Mình nên làm gì đây? Con cũng không dám đi đâu xa, lúc trước con vào chùa ở được 8 tháng, con thấy rất hợp với sinh hoạt ở chùa. Giờ về rồi, mỗi lúc muốn vào chùa lại nhưng con không đành để ba mẹ sống buồn, vô vị ở nhà. Con tự nhủ coi như đây là môi trường thực tập của con. Với suy nghĩ đó, việc ở nhà của con có việc để làm hơn. Nhưng đôi lúc con cảm thấy quá mệt như lúc này.
Con viết quá dài, con biết ơn Thầy đã đọc. Mong Thầy từ bi chỉ giáo cho con những hiểu biết đúng trong hoàn cảnh này, và cách con đi qua đoạn đường này thế nào ạ.
Con xin tri ân và đảnh lễ Thầy.
Ngày gửi: 07-05-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy nhờ Thầy cho con lời khuyên căn cơ của con có nên xuất gia gieo duyên hay có cần phải xuất gia thọ mấy trăm giới luật hoặc việc ăn uống trong ngày có cần tiến tới ngày ăn một bữa không ạ. Con xin tri ân Thầy
Ngày gửi: 07-05-2022
Câu hỏi:
Thầy cho con hỏi thế nào là "vạn pháp giai không, nhân quả bất không"
Ngày gửi: 07-05-2022
Câu hỏi:
Con kính chào thầy, con tên Trần Ngọc Danh, con kính nhờ thầy giúp đỡ cho con gái của con tên: Trần Ngọc Ái Duyên sinh năm 1998, hiện đang bị bệnh đang điều trị trong bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, giường số 28 phòng hồi sức cấp cứu. Mong quý thầy cầu nguyện hộ trì cho con con mau lành bệnh. Con chân thành cảm ơn các thầy.
Ngày gửi: 07-05-2022
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy.
Gần đây con nhận ra điều này, con xin trình với Thầy ạ
Sự vận hành của các cơ quan trong cơ thể là tự nhiên, hợp lý với mỗi người. Chỉ có tâm trí là sai lầm mà khó nhận ra.
Hôm trước con ăn trưa hơi no, đến đầu giờ chiều lại thèm ăn kem. Khi ý muốn ăn kem nổi lên rất mạnh, con chợt dừng lại và cảm nhận tình trạng tiêu hóa của mình. Con thấy bụng đang đầy, cho nên con quyết định không ăn kem lúc ấy. Sau 1 thời gian, bụng đã không còn đầy, và ý muốn ăn kem cũng tan biến.
Con nhận ra, chỉ nên ăn mỗi thứ vừa phải, tránh ăn no quá.
Tâm tham nó rất mạnh, tuy vậy, nếu vượt qua được 1 lần thì những lần sau sẽ dễ vượt qua hơn.
Có lẽ, còn nhiều những sự chi phối vô thức mà nếu mình không bước đi từ những bước nhỏ, mình sẽ không bao giờ nhận ra được.
Con nhờ Thầy chỉ bảo thêm ạ.
Con cảm ơn Thầy ạ.
Con Tuấn Anh.
Phú Thọ.
Ngày gửi: 07-05-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, hôm nay con phát hiện ra, mục đích tu học, nghiên cứu, kiếm tiền,... không gì là không phục vụ cho bản thân con, tâm ích kỷ, tâm chỉ nghĩ đến bản thân mình là chính. Càng tìm hiểu để cho hết bệnh thì bệnh càng nặng thêm. Con có đọc trong chuyện nhân quả, bệnh trầm cảm là do nguyên nhân mặc kệ nỗi đau của người ta mà ra, mình như không nghe không thấy. Mà con thấy con còn mặc kệ bản thân con nữa, không nghe cơ thể mình kêu cứu, chỉ lo mục đích gì đó của mình mà thôi. Quả thật bị trả báo là đúng lắm.
Nay con phát tâm phục vụ lợi tha trong tâm là chính, còn bên ngoài tùy pháp đến chuyển hóa ngoại cảnh để con càng được phục vụ lợi tha trong sáng suốt còn bệnh mặc kệ nó có hết hay không. Đó chắc gọi là "buông cái bệnh" ra cho nó yên, đừng phiền đến nó nữa như con nghe nhiều người bảo con như vậy. Đến giờ con mới hiểu.
Con xin trình thầy, con cám ơn thầy.
Ngày gửi: 07-05-2022
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy
Đệ tử xin được trình bày chiêm nghiệm bản thân về Tứ Y Cứ.
Y Pháp bất y Nhân.
Y Nghĩa bất y Ngữ.
Y Trí bất y Thức.
Y kinh Liễu Nghĩa, bất y kinh Bất Liễu Nghĩa.
Nếu hiễu theo cách có một số Kinh Liễu Nghĩa và một số Kinh Bất Liễu Nghĩa thì câu hỏi đặt ra là Sự thật mà Đức Phật khai thị sẽ có nhiều cấp độ Sự thật sao?
Đệ tử chiêm nghiệm, đối chứng Tứ y cứ này với cái nhìn về Mười nền tảng của đức tin chân chính trong Kalama Sutta, Tăng chi bộ kinh thì thấy rõ hơn vấn đề. Tứ y cứ giống như phần tóm lược Mười nền tảng đức tin.
Riêng phần Y Kinh Liễu nghĩa bất Y Kinh Bất Liễu nghĩa là phần Đức Thế tôn chỉ ra thái độ cho người đọc Kinh sách. Hành giả phải quán sát, suy tư và thể nghiệm những điều học trên chính tấm thân một trượng này. Chỉ khi nào sau kiểm nghiệm thấy được sự thật thì mới đặt niềm tin bất động và thực hành theo. Hay nói cách khác kinh dù chỉ một câu khi qua thực chứng thì mới trở thành Kinh Liễu nghĩa. Liễu nghĩa hay không thì tại người chứ không phân biệt ở loại kinh.
Tới đây đệ tử nhớ Thầy từng giảng về cách Trương Vô Kỵ học được các tuyệt chiêu bí kíp giấu trên Thánh hỏa lệnh cảa Minh giáo. Chỉ luyện những gì thấy biết rõ ràng an lạc trên thân. Còn những gì khó hiểu rắc rối quá thì cứ bỏ qua!
Vậy tầm cầu ngàn bí kíp võ công thượng thừa cũng đâu bằng hiểu rõ qua thực nghiệm chỉ một chiêu thức phải không thưa Thầy.
Mà chiêu đó Thầy dạy là Vô chiêu!
Ngày gửi: 07-05-2022
Câu hỏi:
Dạ thưa Sư Ông,
Con mạn phép viết lá thư này để giải bày suy nghĩ non nớt của con với Sư Ông.
Duyên Pháp của con là từ Bắc Tông, từ những bài thuyết Pháp khoá tu một ngày an lạc, con biết đến Sư Cô Liễu Pháp. Vì có hảo cảm với Sư Cô, con bắt đầu tìm hiểu về Đức Phật, lúc ấy con không hiểu vì sao Đức Phật biết được 2 tầng thiền Ngài chứng là không phải Niết-bàn, hoặc làm sao Ngài biết đó không phải điều Ngài tìm. Và tại sao Ngài biết khái niệm Niết-bàn trước khi chứng Niết bàn?
Thế là vô tình một lần con chân ướt chân ráo tham gia khoá thiền Vipassana 10 ngày của một vị Sư Nguyên Thuỷ. Con định bụng tìm câu trả lời, nhưng rồi con không có dịp để hỏi. Cũng khoá thiền ấy con gặp được bạn cư sĩ bảo con biết Sư Cô là học trò của Sư Ông. Từ ấy con tìm nghe Pháp của Sư Ông, con nhận thấy mình “hợp” với Sư Ông. Con tự nghĩ rằng tin vào sự vận hành của Pháp chính là câu trả lời về Đức Phật phải không Sư Ông?
Ngoài nghe Pháp Sư Ông, con vẫn nghe Pháp những vị Thầy Bắc Tông, người đã dắt con đến với Đạo. Và kỳ diệu thay, điều con thấy là cả Sư Ông, những vị Sư / Sư Cô, những vị Thầy / Cô đều đang thuyết cùng một Pháp, một Kinh, một Giới. Giống như tất cả nước đều chảy về biển cả.
Tuy Phật Pháp chia chẽ nhiều nhánh Nguyên Thuỷ, Bắc Tông, Mật Tông, Thiền Tông,… Con tin rằng duyên Pháp của mỗi người khi trổ quả cũng đều chảy về biển cả. Vì vậy con thấy rằng cư sĩ không cần phân biệt hay khinh khi.
Sơ tâm của con đến với Phật cũng vì khổ của thế gian, không đẹp đẽ gì, nhưng nhờ cái xấu xí ấy con mới biết xấu đẹp là chỉ một.
Con chúc Sư Ông và mọi người thân tâm an lạc.
Ngày gửi: 07-05-2022
Câu hỏi:
Dạ Sư Ông!
Con có đứa e con dì vì áp lực học tập đã thắt cổ tự tử, chết tại ký túc xá.
Dạ gia đình dì muốn đến tại ký túc xá cầu siêu, nhưng ban quản lý không cho.
Dạ Sư Ông hướng dẫn giúp gia đình dì con có cần phải đến tại ký túc xá cầu siêu không.
Dạ con cám ơn Sư Ông!