Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 23-04-2022
Câu hỏi:
Con chào sư ông ạ!
Sư ông cho con hỏi ở melbourne úc châu có chùa nào tu tập theo phật giáo nguyên thủy ko ạ? Con rất muốn đến theo học ạ. Con cảm ơn sư ông ạ.
Ngày gửi: 23-04-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy, con thấy ngài Ajahn Chah cứ nhấn mạnh vô thường. Nhiều bài pháp của ngài thường nhắc đến vô thường. Cho đến hôm nay con mới ngộ ra. Quả thật vì chấp thủ nên không thấy vô thường. Mà cũng không thường ý thức mọi thứ là vô thường nên thường bị dính mắc chấp thủ. Khi điều tích cực đến thì quá vui. Khi tiêu cực đến thì quá buồn. Nếu nhận thức rằng được mất hơn thua, xấu tốt ở đời rồi cũng sẽ nhanh chóng đi qua thì không còn quá ham thích hay bám chấp nữa.
Con.
Ngày gửi: 23-04-2022
Câu hỏi:
Bạch thầy,
Con đang tự đọc kinh do hòa thượng Thích Minh Châu dịch, vừa rồi lại đọc lời thầy trả lời một đạo hữu về việc gặp thầy để thầy hướng dẫn học kinh. Con ở xa nên chưa có điều kiện gặp thầy trực tiếp, vậy mong thầy cho con một lời khuyên về việc này.
Kính thầy,
Ngày gửi: 23-04-2022
Câu hỏi:
Con xin kính chào Sư Ông!
Con xin bộc bạch với Sư Ông một số điểm thấy biết của con, mong Sư Ông cho con nhận xét định hướng:
Phật dạy "chỉ nơi Pháp hiện tại - Tuệ quán chính là đây" và Ngài dạy chúng ta trở về tuệ tri nơi Thân, Thọ, Tâm, Pháp của mỗi người.
Gộp hai điều đó lại, chính ngay nơi sự sống đang là trong từng khoảnh khắc hiện tại của mỗi người mà tuệ tri trọn vẹn thì sẽ thấy ra tất cả đều ở đó:Niết Bàn, Tịnh Độ, Cực Lạc, Chân Như, Đạo, Thượng Đế... đều ở đó cả.
vì đó là cái thực, nếu chúng ta bỏ quên cái thực tại đang là nơi chính mình mà chìm đắm trong cái không thực, mang tính giả danh như danh xưng, địa vị, cái tôi ảo tưởng v.v. sẽ phát sinh phiền não khổ đau ngay.
Bây giờ thì con đã hiểu vì sao Bồ-Đề Đạt-Ma khuyên: "trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật". Rồi những vị Tổ xưa đánh hét, hoặc chỉ vào cây Tùng ngoài sân, hoặc hỏi nghe tiếng suối đang chảy không v.v. khi có người hỏi Đạo là gì, Niết-bàn ở đâu. chỉ vì các Tổ muốn người hỏi quay về với cái thực nơi thân tâm cảnh của mình mà tuệ tri, tất cả chân lý đều ở đó.
con xin gửi bài thơ con làm khi nhận ra điều đó ạ :
Pháp
Nó chỉ là nó
Ngay giây phút này
Trong nơi sự sống
Diệu kì ngay đây
Nó chỉ là nó
Định nghĩa làm chi
Đến thì thấy rõ
Đi thì tùy nghi
Nó chỉ là nó
Lưu tâm làm gì
Nhạn qua hồ nước
Bóng hiện rồi đi
Nó là tự nó
Chẳng phải do ai
Duyên khởi trùng trùng
Tương sinh, tương diệt
Nó chỉ là nó
Chỉ vô thường thôi
Chỉ là vô ngã
Chấp thì "than ôi"!
Con xin cảm ơn những bài pháp thoại của Sư Ông đã khai sáng và truyền cảm hứng cho con!
Ngày gửi: 23-04-2022
Câu hỏi:
Kính bạch thầy. Con nghe lời thầy nhiều lúc thấy rất đúng. Mà nghe một thời gian sau nghe lại vẫn thấy đúng như phát hiện ra điều gì mới. Có phải con không tiếp thu được nên lần nào nghe cũng như mới phải không thầy?
Ngày gửi: 23-04-2022
Câu hỏi:
Dạ con kính thưa Thầy!
Con xin phép nhờ Thầy khai sáng giúp con điều này ạ. Con là Phật tử quy y năm 2016 hiện tại con đang làm nghành Tóc ạ nhưng thu nhập bấp bênh hiện tại con đang có ý định mở quán Phở mặn bán nhưng lại lo tội phước. Nên con xin nhờ Sư Ông cho con được hiểu rõ hơn khi buôn bán thức chay, mặn ạ.
Ngày gửi: 23-04-2022
Câu hỏi:
Con thấy mình rất là có Phước được nghe pháp của Thầy. Con xin nguyện làm theo lời thầy hầu mong giác ngộ giải thoát, giúp đỡ mọi người để tạ ân Thầy và ân Chư Phật.
Ngày gửi: 23-04-2022
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con xuất gia được 8 năm luôn mong mỏi tìm con đường phù hợp với con nhất, và khi nghe pháp của Thầy 4 năm trước đến nay thì con sống và tu học an vui lắm, như cảm giác mãn nguyện với hiện tại về nhiều phương diện dù không có thành tựu gì mà cứ sống “tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha” như thầy thường dạy, nên con an vui dù có huynh đệ bên cạnh hoặc 1 mình, và cứ để tự nhiên, việc đến thì làm, không thì có khi ngồi chơi 1 mình. Tuy nhiên, lâu lâu con lại phân vân có nên cố gắng để học thêm gì đó nữa không, nhưng cứ nghe pháp thầy lại nhớ thầy nói: “Quên hết đi, chỉ cần luôn chánh niệm tỉnh giác và để pháp lo” thì con lại lười và không có động lực nghiên cứu như trước đây. Con sinh hoạt điều độ, cứ 20g30 đi ngủ, 2g30 thức để ngồi thiền và theo thời khóa của chùa đầy đủ, trưa 11g30 ngủ (lúc nào tỉnh thì dậy vì chùa con tới 14g mới chấp tác), và ăn ngủ đầy đủ. Thưa thầy, con nên thay đổi sinh hoạt không? Và nếu học thì con nên học thêm gì? Kính Thầy
Ngày gửi: 23-04-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy, khi con ngồi thiền, con không tạo ra thời gian để trở thành, con cứ để tự nhiên thì rơi vào hôn trầm rất nhiều, giờ con phải làm sao ạ.
Ngày gửi: 23-04-2022
Câu hỏi:
Con kính bạch trên Sư Ông,
Khoảng 2 năm về trước, khi con xem một video về nhà tâm lý học Carl Jung, thì thấy có câu nói này của ông: "Individuation is an exceedingly difficult task: it always involves a conflict of duties, whose solution requires us to understand that our “counter-will” is also an aspect of God’s will" (Thành toàn tâm thức là một nhiệm vụ hết sức khó khăn: nó luôn gắn liền với sự xung đột giữa các nghĩa vụ, và việc giải quyết sự xung đột ấy đòi hỏi ta phải hiểu rằng sự "đối nghịch" của ta cũng là một phần của ý Chúa).
Lúc mới đọc xong, con đã có ấn tượng với ý tưởng rằng "sự đối nghịch cũng là một phần của ý Chúa", nhưng con chưa thể giải thích vì sao. Đến nay, sau khi đã được học hỏi từ Sư Ông và các bậc Thầy tâm linh khác, con xin có suy nghĩ như thế này ạ: tham-sân-si vốn xuất phát từ ảo tưởng muốn nắm giữ, loại trừ, bóp méo dòng chảy của Tự Nhiên. Tuy nhiên, tham-sân-si cũng là một phần tất yếu trong tiến trình trưởng thành của chúng sanh. Nếu không trải qua vô minh, tham-sân-si, bản ngã... thì chúng sanh không thể thấy được vị ngọt, sự nguy hại mà xuất ly khỏi nó. Và đến lúc biết nó nguy hại rồi mới chịu quan sát mà nhận ra sự thật rằng nó là pháp duyên hợp, cũng chịu sự vô thường sinh-diệt nên tuy nó đối kháng dòng chảy của Tự Nhiên nhưng bậc Giác Ngộ đã có thể trọn vẹn với Tự Nhiên thì cũng thấy nó như một phần của Tự Nhiên vậy. Và do đó họ không nắm giữ tâm sân, cũng không cố gắng chèn ép nó theo các quan niệm đạo đức nữa, tức nói theo Đức Phật là "không bước tới, không dừng lại", còn nói theo trích ngôn trên của Jung là đã vượt lên được "sự xung đột về nghĩa vụ" rồi ạ.
Con hiểu như vậy có phải không thưa Sư Ông?
Con kính chúc Sư Ông trụ thế lâu dài, Tứ chúng hòa hợp an vui!