Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Con cám ơn thầy đã chỉ dạy cho con. Như vậy khi bị phóng tâm, con chỉ nhìn và quan sát sự sinh khởi của nó phải không thưa thầy? Con kính thầy từ bi chỉ dạy. Con cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu niệm thân thì con chỉ cần biết có phóng tâm khởi lên rồi trở về trực nhận hiện trạng của thân. Còn nếu niệm tâm thì thường khi tâm hướng ra đuổi theo đối tượng của nó nên gọi là phóng tâm, do đó quay tâm về cảm nhận lại chính nó thì phóng tâm sẽ diệt. Vậy niệm tâm là tâm trở về thấy sự sinh diệt của chính nó. Cách hay nhất là con buông cái ta muốn biết muốn được đi thì ngay đó tánh biết sẽ rỗng lặng trong sáng và tự biết rõ thân, thọ, tâm, pháp một cách rõ ràng mà không cần chọn lựa nắm bắt đối tượng nào.
Câu hỏi:
Thưa thầy, con đang làm luận văn thạc sỹ về đề tài: Tư tưởng triết học Phật giáo trong Mi-tiên vấn đáp, được sự giới thiệu của cư sỹ Đàm Liên làm ở thư viện Quán Sứ. Con muốn hỏi thầy về tác giả Pitakabhaya soạn giả của Mi-tiên (hoàn cảnh xuất thân và sự nghiệp của Pitakabhaya). Mong thầy hồi âm sớm cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Câu hỏi:
Thưa thầy, trong cuộc sống đời thường, nếu bản thân không làm ra được tiền để lo cuộc sống hàng ngày cho bản thân và gia đình thì có bị gọi là bất tài, vô dụng không? Theo góc nhìn của Pháp và đạo Phật thì nhìn nhận về vấn đề này như thế nào ạ. Con mong Thầy chỉ dạy cho con được rõ, con cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Câu hỏi của con không rõ, bởi vì không thể nói chung chung như vậy được. Có rất nhiều trường hợp như: Có tài và kiếm ra tiền, có tài mà không kiếm ra tiện, bất tài mà kiếm ra tiền, bất tài và không kiếm ra tiền. Người có tài nhưng từ chối làm ăn bất chính thì vẫn có thể không kiếm ra tiền bằng người bất lương. Người có tài nên chỉ muốn làm việc lớn không chịu làm những việc nhỏ tầm thường để kiếm ra tiền nên đành chịu nghèo khó vân và vân vân... Vậy phải xem vì lý do gì không kiếm ra tiền mới được.
Một bà ngoại đã già không còn đi làm kiếm tiền cho con cháu nhưng lại ở nhà trông nhà cho con cháu đi làm chẳng lẽ cũng bất tài vô dụng? Ngược lại một thanh niên mạnh khỏe có khả năng lao động mà lười biếng không chịu đi làm giúp gia đình, chỉ biết chơi bời trác táng thì mới là bất tài vô dụng.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Con có nghe bài giảng mới nhất của Thầy, Ngày 1A. Con thấy âm thanh lần này người thâu để nhiều echo quá, nên hơi vang, khiến hơi khó nghe. Kính xin thầy hoan hỷ xét lại. Con đã học hỏi rất nhiều từ những bài giảng của Thầy. Kính xin cám ơn Thầy
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cám ơn con. Vì mới thay loa nên ban thu âm chỉnh chưa quen, lúc đầu quá trầm sau lại quá vang nên thâu không rõ.
Câu hỏi:
Dạ thưa Thầy, cho con hỏi. Khi thở vào, biết là đang thở vào, thở ra biết là đang thở ra. Nhưng biết hơi thở từ lúc mới bắt đầu hít vào trong từng sát-na, rồi biết hơi thở ra cho đến hết hơi thở trong từng sát-na, hay là chỉ biết thở vào rồi thở ra chứ không cần phải quan sát thật chi ly từng sát-na ?
Cũng như khi đi, biết là đang đi. Hay là phải biết chi ly từng sát-na như biết đang dở chân lên, biết chân đang bước tới, rồi bàn chân đang đặt xuống mặt đất, bàn chân tiếp xúc với mặt đất, và biết sự khởi đầu cũng như sự chấm dứt trong từng bước chân?
Nếu bao nhiêu chuyện chung quanh cùng xảy ra một lúc, thì con biết hết, nhưng không khởi tâm suy luận hay phán xét. Khi chỉ còn một mình con, thì cái biết về hơi thở hoặc cái biết về đi đứng sẽ như thế nào như con đã hỏi ở trên, xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con. Con kính lạy tạ ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra đối tượng thở hay đi chỉ là yếu tố phụ, tâm thấy biết sự kiện thở hay đi mới là chính yếu. Nếu tâm con có tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác đúng mức thì tất cả thực tánh pháp tự hiển lộ, nhưng khi con khởi tâm tìm kiếm chi ly thì ý niệm của bản ngã lý trí đã xen vào rồi làm sao thấy được thực tánh? Con chỉ cần thấy biết với tâm rỗng lặng trong sáng là được, còn lúc đó đối tượng nào đến thì chính tâm rỗng lặng trong sáng sẽ tự thấy thực tánh chứ không phải cái ta lý trí đầy ắp khái niệm thấy.
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con đọc sách của Thầy Viên Minh có nói "Pháp được khai thị bởi Đức Thế Tôn là thực tại hiện tiền (thấy ngay lập tức), không có thời gian, hãy hồi đầu mà thấy, ngay trên đương xứ mà mỗi người có thể tự mình chứng nghiệm". Con cũng đọc về Tứ niệm xứ, về thân, thọ, tâm, pháp... Con muốn hỏi rằng, khi con đi xe máy trên đường và trong lòng con có nhiều lo lắng thì con phải quán "đương xứ" như thế nào đây?
Con xin đa tạ Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu con chú ý đến thân thì đương xứ lúc đó là động tác đi xe máy, vì vậy lúc đó con chỉ cần trở về trọn vẹn trong sáng với việc đang đi xe máy, việc trở về đương xứ lúc đó gọi là niệm thân. Khi con niệm thân thì tâm đang trọn vẹn với thân nên nó không còn lo lắng nữa.
Nếu con chú ý đến tâm thì đương xứ lúc đó là trạng thái tâm "lo lắng", vì vậy lúc đó con chỉ cần trở về cảm nhận từ bên trong sự lo lắng ấy, việc trở về đương xứ lúc đó gọi là niệm tâm. Khi con sáng suốt biết rõ tâm thì lo lắng cũng không còn nữa.
Việc trở về chánh niệm tỉnh giác nơi đương xứ này rất nhanh, nếu con thể nghiệm đúng thì chỉ trong vòng mấy sát-na là tâm con liền rỗng lặng trong sáng lại ngay. Lúc đó con sẽ chứng nghiệm được thế nào là trở về với đương xứ. Hãy thể nghiệm để thấy chứ đừng lý luận gì cả.
Câu hỏi:
Mô Phật! Kính thưa Thầy, <p>
Hiện nay con đang phấn đấu tọa thiền ở mức thời gian 1 giờ 15 phút. Khoảng 10 - 15 phút trước khi xả thiền, dù không cố ý nhưng các nhóm cơ chân, cơ mông, cơ bụng dưới, cơ lưng dưới của con tự nhiên co lại do phản xạ đau, tê. Trong 10 - 15 phút đó nó co rút khoảng 3 đến 4 lần. Mỗi lần co rút xong thì hơi dễ chịu 1 chút.
Thưa Thầy, con có cần chống lại phản xạ tự co, rút đó không? Kính mong Thầy từ bi giải nghi cho con.
Con chân thành cảm tạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tại sao phải phấn đấu ngồi lâu? Chủ yếu là có ngồi với tâm rỗng lặng trong sáng hay không chứ không cần biết ngồi bao lâu. Nếu tâm con rỗng lặng trong sáng và ngồi được 2 giờ một cách tự nhiên thoải mái thì tốt, nhưng nếu con phấn đấu để kéo dài thêm 15 phút thì không ích gì. Cố gắng quá có thể đưa đến đau cơ và thần kinh tọa đồng thời dễ làm cho tâm căng thẳng. Nên thư giãn buông xả và làm một vài động tác nhẹ để lấy lại bình thường.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy!
Con đang rơi vào tình trạng khủng hoảng sau hôn nhân tan vỡ. Trong lòng con bây giờ rất hỗn loạn, đau khổ, thù hận và tuyệt vọng nữa. Con chỉ mong mình có thể lấy được sự tĩnh tâm, thanh thản. Con muốn giác ngộ với đạo Phật để mình có được sự bình yên trong tâm. Thầy giúp cho con một vài gợi ý để con có thể giác ngộ đạo Phật. Bạn bè con cũng giới thiệu nhiều sách đạo Phật cho con nhưng con không biết cuốn nào thực sự có ích cho con.
Con xin cảm tạ thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đau khổ này sẽ giúp con thấy ra rằng hạnh phúc không lệ thuộc vào những thỏa hiệp có được từ điều kiện bên ngoài. Hạnh phúc chỉ thực sự có mặt khi nội tâm con độc lập, tĩnh tại và trong sáng, lúc đó chỉ tồn tại sự tương giao tự nhiên với mọi người mọi vật chứ không còn sự ràng buộc của những mối quan hệ đã được thiết lập.
Như vậy con nên trở về sống trọn vẹn trong sáng với chính mình để qua đó học ra những hoạt động của thân, của cảm giác, cảm xúc và của những phản ứng nội tâm v.v... mà bấy lâu con bỏ quên để đi tìm sự đáp ứng từ những điều kiện bên ngoài. Đức Phật là bậc đã giác ngộ chính mình và thấy rõ bản chất thật của cuộc sống, do đó toàn bộ giáo lý của Ngài chỉ nhằm mục đích giúp con người biết trở về giác ngộ lại chính mình để có đủ tĩnh lặng trong sáng mà thấy ra bản chất thật của đời sống.
Con nên vào Thư Viện trang web này để đọc và vào Pháp Thoại để nghe giảng thì con sẽ thấy ra ý nghĩa của cuộc sống và cách giác ngộ chính minh.
Câu hỏi:
Kinh Nguyên Thủy, Tiểu Thừa và Đại Thừa khác nhau như thế nào?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Kinh Nguyên Thủy kết tập 3 tháng sau đức Phật nhập Niết-bàn bằng ngôn ngữ Pàli. Kinh Tiểu Thừa kết tập sớm nhất là 200 năm sau đức Phật nhập Niết-bàn bằng tiếng Sanskrit. Kinh Đại Thừa kết tập sớm nhất là 600 năm sau đức Phật nhập Niết-bàn cũng bằng tiếng Sanskrit. Phật giáo được gọi là Nguyên Thủy vì chủ trương bảo nguyên giáo lý của Phật dạy. Tiểu Thừa và Đại Thừa được gọi là Phật giáo Phát Triển vì chủ trương triển khai giáo pháp của đức Phật cho phù hợp với căn cơ trình độ của quần chúng. Vậy sự khác biệt là ở cách vận dụng để triển khai giáo lý đức Phật, còn cốt lõi thì cả ba đều giống nhau.
Câu hỏi:
Thưa thầy, con gặp câu hỏi ăn chạy ăn mặn đã mấy lần trên mục Hỏi đáp này. Bản thân con cũng đã từng ăn chay trường 6 năm nhưng sau đó con không còn ăn vậy nữa. Theo con thì mình ăn chi cũng được miễn đừng khởi ý tham vì cái ăn ấy. Tuy nhiên nếu đi dự một đám tiệc mà có 2 mâm chay, mặn thì con lại cố ý chọn chay, con thấy được ý mình lúc đó. Thưa thầy, vậy có "hợp pháp" không thầy? Con kính chào thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Như vậy người ta gọi là "ăn chay tùy duyên", tức có gì ăn nấy không gượng ép để trở thành khuôn định, nhưng nếu khi ăn có cả hai thứ để tùy chọn thì thầy cũng như con có khuynh hướng ăn rau trái hơn. Ăn chay không phải chỉ ăn rau trái mà gọi là thanh tịnh, mà chính là ăn với tâm thanh tịnh (Trai giả tịnh dã, tẩy tâm viết trai). Và chủ yếu là ăn gì đừng tham đắm và cố chấp là được. Đức Phật không chủ trương phải hoàn toàn ăn rau trái nhưng cũng không có nghĩa là Ngài chủ trương phải chỉ ăn cá thịt. Cố chấp một phía là rơi vào nhị nguyên, vì vậy ăn cái gì ngay đó hợp duyên đúng pháp mới là trí tuệ.