Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Bạch Thầy, Gặp duyên biết được một người bạn và người đó đã giới thiệu cho con sơ về quý tự, theo con nghe được là quý tự tu theo Phật Giáo Nam Tông và thầy có biết về ngôn ngữ Tibetan... Vậy xin hỏi có phaỉ như vậy không?
Với Đạo Tâm của mình con muốn học ngôn ngữ từ thầy để trau dồi kiến thức tu học... Kính mong được biết.
Nam mô hoan hỷ vô lượng Phật.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Phật Giáo Nam Tông không sử dụng ngôn ngữ Tibetan của Tây Tạng mà chỉ sử dụng cổ ngữ Pàli ngày xưa đức Phật dùng để thuyết pháp tại Ấn Độ. Chùa thầy chỉ có dạy đọc kinh theo tiếng Pàli này thôi.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, có phải chánh niệm tỉnh giác là tâm rỗng lặng trong sáng hay biết các pháp tự nhiên mà không bị mệt, lại không phải mất công đi tìm kiếm ở đâu xa, tất cả là đã sẵn có? Kính thầy từ bi giảng giải cho con ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không riêng chánh niệm tỉnh giác mà tất cả yếu tố trong Đạo Đế không có yếu tố nào do cái ta ảo tưởng rèn luyện mà thành được cả, tất cả đều vô ngã, đều là pháp tự nhiên, sẵn có. Những yếu tố này luôn tự ứng để hóa giải sự lăng xăng tạo tác của cái ta vô minh ái dục. Nhưng khi cái ta vô minh ái dục còn lăng xăng tạo tác thì nó tưởng là nó đang cố gắng rèn luyện để tự hoàn thiện chính mình, mà không biết rằng nó đang hình thành Tập Đế, hành trình của luân hồi sinh tử, hoàn toàn trái ngược với Pháp Tự Nhiên vô ngã, vô vi của Đạo Đế. Những yếu tố Đạo Đế luôn Vô vi, Vô tác, Vô cầu, nghĩa là không do cái ta ảo tưởng lăng xăng tạo tác nữa.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, thỉnh thoảng trong khi đi bộ, hay ngồi buông xả con có cảm giác như không gian mênh mông vô tận và như bị mất hút vào khoảng không chẳng thấy thân đâu nên con sợ chết thì ngay đó con lại trở về trạng thái bình thường. Như vậy có phải con bị mất chánh niệm và đang mơ màng điều gì không ạ. Kính Thầy từ bi giảng giải cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tại vì con hay phân tích về những điều vừa trải nghiệm nên lý trí dễ xen vào suy tư, đánh giá về những sự kiện ấy. Dù chuyện gì xảy ra con chỉ nên nhận biết nó một cách khách quan trung thực thôi, và cứ để chúng như chúng là, không ưa thích cũng không sợ hãi. Có lẽ trước đây do pháp hành của con hơi nặng yếu tố định nên mới có hiện tượng đó, vì vậy sợ hãi khởi lên đã đánh thức con ra khỏi trạng thái do tưởng sinh (saññâmaya nimitta) để trở về với hiện thực. Khi tưởng của định mạnh thì chánh niệm tỉnh giác yếu đi. Chỉ khi nào thật sự mất hút cái ta ảo tưởng thì pháp tánh hiện ra rõ ràng trong một không gian mênh mông vô tận, không có ngăn cách giữa chủ thể và đối tượng, hay nói đúng hơn, khi cái gọi là chủ thể biến mất thì chỉ còn pháp giới tánh như nó là, rất trong sáng, tĩnh lặng và nhẹ nhàng thanh thoát, trong đó không hề có sợ hãi - như sợ chết chẳng hạn.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con ở trong trạng thái giống như lúc ngồi thiền đã lâu nhưng hôm nay con muốn hỏi thầy, xin thầy từ bi giảng giải cho con ạ. <p>
1. Trong lúc làm những việc như rửa chén, đi bộ, tập thể dục,… khi tâm con rỗng lặng trong sáng, con hay biết nhiều thứ bên ngoài cũng như trong thân, có khi con thấy rất bình thản, nhưng có khi biết nhiều thứ con thấy hơi mệt tâm.<p>
2. Những cảm giác như vibrant trong thân hay những nhịp đập trên cơ thể có chỗ bị stiff,… như vậy có bình thường không hay là con có bị bệnh gì? <p>
3. Nếu một lúc con hay biết nhiều thứ sanh diệt nhanh như vậy thì con phải nhìn đối tượng nào từ lúc sinh cho đến lúc diệt, hay chỉ biết được gì thì biết? <p>
4. Tham sân vọng tưởng rất nhiều, sự hay biết pháp bên trong bên ngoài như vậy thì con phải niệm cái gì hay chỉ mặc kệ chúng? <p>
Kính thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Nếu biết với tâm rỗng lặng trong sáng một cách tự nhiên thì không mệt, nhưng khi khởi lên cái tâm muốn biết thì liền có người biết và đối tượng được biết và mệt sẽ đến ngay.
2) Những cảm giác như vậy cũng bình thường, tuy nhiên chúng có thể phát sinh do điều kiện của cơ thể lúc đó, hoặc do ảo giác tâm lý khi yếu tố tưởng trong định hơi nhiều.
3) Tùy tác ý chú tâm của con lúc đó trên đối tượng. Nếu đối tượng là cái toàn thể thì con cứ để mọi thứ đến đi sinh điệt một cách tự nhiên mà không cần để ý một đối tượng nào, còn nếu đối tượng là một sự kiện nổi bật thu hút sự chú ý của con thì con chỉ thấy sự sinh diệt của pháp đó mà thôi.
4) Không quan trọng là niệm cái gì hay đối tượng nào, nhiều hay ít, cũng không mặc kệ chúng, mà là tâm có chánh niệm tỉnh giác hay không. Tâm có chánh niệm tỉnh giác thì đối tượng nào cũng đều là thực tánh cả có gì mà phải ngại.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, khi con niệm Phật con nên tưởng đến Phật hay nên tưởng đến người con muốn hồi hướng, hoặc để tâm vắng lặng? Trong lúc niệm Phật, tạp niệm vẫn xen vào, con không biết niệm Phật như thế nào cho đúng. Khi tạp niệm khởi lên, con gắng đừng nghĩ đến thì con thấy trong người ray rứt khó chịu, chỉ muốn ngừng niệm Phật. Nhưng khi ngưng niệm Phật thì vọng tưởng khởi lên làm con càng khó chịu thêm. Vậy con phải làm sao, xin thầy từ bi giảng giải cho con. Kính thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
- Niệm Phật không phải là tưởng đến một đức Phật mà nhớ đến Ân Đức của chư Phật. Phật có 9 Ân Đức. Hai trong 9 Ân Đức ấy là vắng lặng thanh tịnh (Araham) và thấy biết sáng suốt (Sammà Sambuddho). Vậy niệm Phật là để tâm tĩnh lặng và trong sáng, còn việc hồi hướng là một chuyện khác.
- Niệm Phật giúp cho những người đặt niềm tin nơi Phật có thể thoát khỏi thất niệm, tạp niệm và vọng niệm. Khi đã thoát khỏi 3 niệm này thì tâm liền tĩnh lặng trong sáng. Lúc đó con có thể ngưng niệm Phật để lắng nghe, quan sát sự tĩnh lặng trong sáng ấy. Khi nào tâm khởi vọng niệm, tạp niệm hay thất niệm thì con lại niệm Phật, khi tâm vắng lặng trong sáng thì ngưng. Cứ hành như vậy cho đến khi thấy sự tĩnh lặng trong sáng rõ ràng và tự nhiên thì con nên chuyển qua lấy sự rỗng lặng trong sáng tự nhiên ấy mà quan sát hoạt động của thân, của cảm giác, của trạng thái tâm. Lúc đó con không cần niệm Phật để đối trị vọng niệm nữa, mà khi có vọng niệm con chỉ cần lặng lẽ quan sát nó mà thôi.
Câu hỏi:
Bạch Thầy! Con cảm ơn Thầy đã trả lời cho con. Nay con xin Thầy dạy: Con đã học, thực tập thiền tứ niệm xứ nhiều năm và cũng có khinh an hỷ lạc (cục bộ) và nay con 50 con mới học được những bài PHÁP TUYỆT VỜI của Thầy..., con vô cùng hạnh phúc khi nhận ra "cái tu" bấy lâu nay là tu trên bản ngã. Con mới hiểu buông cái ta ảo tưởng, sống với tánh biết thấy pháp vận hành, sống tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha như Thầy dạy. Kính bạch Thầy, những sai lầm con đã gây tạo khi chưa thấy cái ta ào tưởng con phải trả, nhưng làm cách nào để "MINH" còn bên con trong dòng chảy luân hồi triền miên? Kính xin Thầy chỉ dạy. Và Tết này, xin cho con được đảnh lễ dưới chân Thầy. Cảm ơn Thầy vô cùng!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con khỏi lo "làm cách nào để" MINH luôn hiện hữu trong con, chuyện đó cứ để PHÁP lo. Chỉ cần biết bây giờ con đang sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha thì tánh biết của cái tâm rỗng lặng trong sáng luôn soi chiếu thực tại một cách tự nhiên, thấy rõ đâu là thực tánh pháp đâu là cái ta ảo tưởng, đó chính là MINH đang hiện hữu. Cái ta ảo tưởng mới luân hồi chứ MINH thì chỉ thấy nhân quả thôi chứ làm sao luân hồi triền miên được? Nếu con khởi lên ý niệm "làm thế nào để" thì liền lọt vào quỹ đạo muốn trở thành (= ái dục) của cái ta ảo tưởng (= VÔ MINH trong 12 nhân duyên sinh) rồi đó. Nhưng nếu con thấy rõ luôn cả ý niệm này của cái ta ảo tưởng thì chính là đang MINH vậy.
Câu hỏi:
Dạ kính bạch thầy cho con hỏi những bài pháp thầy giảng ở Brisbane và Adelaide chưa đăng đầy đủ ở mục Pháp thoại, những bài giảng ấy không giống những bài Pháp thầy giảng ở những nơi khác nên con rất mong những buổi giảng ấy được đăng đầy đủ ạ. Con cảm ơn thầy nhiều. Cầu chúc thầy sức khỏe ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Những bài pháp thầy giảng ở Melbourne đã upload đầy đủ. Ở Brisbane tất cả là 4 ngày. Một số nơi khác thì file ghi âm chưa rõ lắm (Adelaide) hoặc chưa gởi về (Sydney, Perth) nên chưa upload đủ. Khi nào nhận được sẽ đưa lên.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, thầy thường dạy chúng con hãy luôn sáng suốt quan sát phiền não tham sân mỗi khi chúng phát sanh. Nhưng đối với chính bản thân con, mỗi khi tham sân khởi sanh, dù cho con có nhận biết được chúng thì vẫn bị chúng đánh cho tơi tả. Khi tham sân qua rồi, nội tâm con như một bãi chiến trường của kẻ bại trận. Con cảm nhận như mình đang học những bài học đắt giá của đời mình. Con chưa đủ sáng suốt trước cám dỗ, chưa đủ bình tĩnh trước điều bất như ý. Tâm con dễ dàng bị chao đảo trước ngoại cảnh. Không biết con có dần trưởng thành hơn sau những thất bại hay không? Con vô cùng biết ơn thầy khi biết rằng thầy vẫn luôn lắng nghe và uốn nắn kịp thởi cho chúng con – những đứa học trò dại khờ. Con thành kính đảnh lễ thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nên nhớ rằng không có một vị Phật hay một vị Thánh nào chưa từng trải qua thất bại như con hiện nay mà có thể thành Phật hay thành Thánh được cả. Bài học giác ngộ của con chính là tình huống mà con đang trải nghiệm. Nhưng quan trọng không phải là tình huống nào đang đến với con mà là thái độ học hỏi của con đối với tình huống ấy như thế nào. Tình huống của đời con là bài hoc để con thấy ra sự thật chứ không phải để đạt được điều gì như ý. Đừng đặt ra một tình huống lý tưởng theo ý mình bởi vì chính lý tưởng ấy tạo ra sự thành bại, được mất, hơn thua, vui khổ. Hãy học bài học như nó đang là với trình độ hiện tại của con, chứ không nên đua theo những mẫu người lý tưởng để rồi có mặc cảm tự ti hay tự tôn. Không có sai thì không nhận ra cái đúng, vì chỉ có cái đùng từ nhận thức ra cái sai, chứ không thể bắt chước theo cái đúng lý tưởng.
Câu hỏi:
Thưa Thầy, gần đây con đọc trong mục này thấy mọi người hay hỏi Thầy về cách để can thiệp giúp đỡ người khác... con cũng có chút băn khoăn chưa tự giải được trong việc hành nghề y mà con cũng đang tham gia. Con xin hỏi Thầy. Từ ngày được Thầy hướng dẫn con đã phần nào biết thận trọng chú tâm quan sát trong mọi việc và buông xuống dần dần những mong muốn trở thành, thoát khỏi..., trong việc khám chữa bệnh con cũng có thái độ như vậy. Tuy nhiên, với thái độ quan sát con vẫn thấy rõ việc mong cho người bệnh khỏi bệnh là một việc luôn xảy ra từ việc khám đến cho thuốc hay động viên. Việc người bệnh luôn nghe theo thầy thuốc cũng là việc luôn như vậy. Thế thì chúng con tác động và can thiệp vào người khác liên tục rồi? Thầy ơi, con lúng túng vì chưa biết nên có thái độ và hành động như thế nào cho phải trong việc khám chữa bệnh? Kính mong Thầy gợi ý cho con. Con cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mong cho người bệnh chóng khỏi là tâm từ bi, khác với tâm mong muốn đạt được một tham vọng hay thậm chí là một ảo vọng. Khuyên người bệnh biết sống hợp dưỡng sinh, biết tránh những điều sai quấy trong cách sống, làm việc, ăn uống v.v..., khuyên họ không nên sợ hãi, biết nhẫn nại, biết chờ đợi v.v... không phải là can thiệp mà là giúp họ có khả năng nhận thức đúng để sống thuận pháp, vậy thì đâu có sai. Khi con làm việc với sự hiểu biết đúng đắn thì không gọi là can thiệp. Can thiệp là khi nào con làm một cách chủ quan theo ý mình chứ không theo quy luật của pháp tự nhiên.
Tất nhiên trong quá trình làm việc này con luôn lắng nghe quan sát để phát hiện sự sai lầm trong nhận thức và hành vi của con, nhờ vậy con có thể điều chỉnh nhận thức và hành vi ngày càng đúng pháp hơn. Tu tập chính là quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi để loại dần những sai lầm, vọng ảo, thì lẽ thật sẽ hiện bày. Vậy con phân vân làm gì cho bận rộn tâm trí thêm. Cứ thận trọng chú tâm quan sát thân tâm con trong sự tương giao với mọi hoàn cảnh thì con sẽ thấy ra sự thật, đừng quá lý luận theo lý trí, vì lý trí luôn đưa đến phân vân bất ổn.
Câu hỏi:
Thưa thầy! Con đang cảm nhận rằng việc quay trở lại và rõ ràng nơi thân, thọ, tâm, pháp là sự sám hối đúng mực nhất. Con hiểu như vậy có đúng không ạ? Con chúc thầy khoẻ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng rồi con. Lão Tử cũng nói: Trở về gốc gọi là TỊNH, tịnh gọi là PHỤC MẠNG, phục mạng là THƯỜNG, biết thường là MINH, không biết thường thì tạo tác sai quấy (Quy căn viết tịnh, tịnh phục mạng, phục mạng viết thường, tri thường viết minh, bất tri thường vọng tác hung). Chữ thường Lão Tử nói ờ đây có nghĩa là bình thường như thị (what is being) chứ không phải thường tồn bất biến. Đó là lý do vì sao đức Phật dạy trở về trọn vẹn với thực tại thân tâm (chánh niệm) với cái nhìn rỗng lặng trong sáng (tỉnh giác).