Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 03-05-2020
Câu hỏi:
Con kính chào Thầy! Con xin Thầy chỉ dạy cho con trong quá trình thực hành pháp ạ.
Con có sống chung với người thân có tâm lý tiêu cực, hay nói những lời tiêu cực và hàng ngày con đều phải đối mặt với những lời tiêu cực (người thân con thì có lúc thái độ tiêu cực, có lúc thái độ yêu thương, tuy nhiên ý nghĩ tiêu cực vẫn là chủ đạo). Nếu như con không chấp, không dính mắc vào những lời người thân nói (tức là không có tái hiện lại nhiều lần), tuy nhiên khi câu nói tiêu cực phát ra từ người thân con, tạo nên 1 làn sóng vật lý, giống như đổ ập vào con, làm con bị "đơ" mất năng lượng.
Vậy Thầy cho con hỏi đây là quá trình gì? con phải thực hành như thế nào để những điều tiêu cực từ ý nghĩ, hành động của người thân không ảnh hưởng đến con ạ?
(người thân con sống không theo lý tính, vui đó, buồn đó, lên cơn tức giận đến cùng tột, xong lại nguôi ngoai trong ngày, tuy nhiên chủ đạo vẫn là tiêu cực từ ngày này sang ngày khác, con cảm thấy bị rút sạch năng lượng, và cảm thấy căng thẳng)
Con thực sự là một đứa con chậm lụt của pháp và chưa học ra được bài học của thương yêu vô điều kiện.
Kính Thầy chỉ cho con.
Con kính cảm ơn Thầy.
Ngày gửi: 03-05-2020
Câu hỏi:
Kính thưa sư ông,
Liệu có tái sinh hay không khi đó là thuyết và hầu như không ai nhớ được kiếp trước (nếu nó có thật)?
Hay là có hay không là việc riêng của nó còn mình cứ sống trọn vẹn với hiện tại này thôi ạ?
Vì nói có kiếp trước kiếp sau đều là thuyết chứ tự bản thân mỗi người không hề biết ạ.
Ngày gửi: 03-05-2020
Câu hỏi:
Bạch thầy,
Gia đình con có truyền thống không theo một tôn giáo nào. Nay con sắp về nhà mới và muốn lập bàn thờ Phật có được không ạ? Nếu được thì lập chung thờ Phật và thờ Gia Tiên trên một ban thờ được không ạ? Hay phải lập riêng ạ?
Con cảm ơn và Chúc thầy thân tâm an lạc!
Ngày gửi: 03-05-2020
Câu hỏi:
Con xin kính chào Sư Ông! Con có câu hỏi như sau mong Sư Ông khai thị giúp con ạ.
1) Khi thấy chỉ thấy, khi nghe chỉ nghe và khi biết chỉ biết, đây được coi là trả pháp về cho pháp, ta không tác động hay dán lên sự vật và hiện tượng sự hiểu biết và quan điểm của ta, hoàn toàn để pháp tự vận hành. Nhưng con xin ví dụ như sau:
Nếu thấy một người đang bị đuối nước, trong hoàn cảnh đang diễn ra, mình có thể tác động để cứu người đó. Nếu mình chỉ thấy và quan sát thôi chứ không làm gì thì con nghĩ là không được, phải cứu trường hợp này không thể để pháp tự vận hành được. Con hiểu vậy có đúng không, xin Sư ông giải thích giúp con để con có thể ứng dụng câu "khi thấy chỉ thấy, khi nghe chỉ nghe và khi biết chỉ biết" vào cuộc sống ạ.
2) Thế nào là tâm bất sinh ạ?
Con xin chân thành cảm ơn Sư ông!
Ngày gửi: 03-05-2020
Câu hỏi:
Con kính chào thầy! Con xin thầy cho con lời khuyên ạ.
Con đang làm việc trong một dự án cộng đồng đó là làm sách về Nhân Quả và bài học về các vĩ nhân trên thế giới (tụi con đã gửi tặng thầy 1 bộ rồi đó ạ - Sách Gieo hạt cùng Vĩ Nhân). Đây là một môi trường làm việc rất quan trọng trong việc tu tập, tuy nhiên có những vấn đề cũng khiến con phải suy ngẫm lại về quy định trong đội nhóm liệu như vậy đã thật sự ổn chưa ạ:
1. Các thành viên đều được hướng đến việc phải nghe pháp thoại, đọc nhiều sách (càng nhiều càng tốt, nghe và đọc của nhiều vị để có góc nhìn đa chiều), sau đó mỗi tuần sẽ có một vài bạn lên chia sẻ cho cả nhóm về pháp, hoặc bài học của mình. Trước quy định đó thì phân nửa thành viên đồng ý và một nửa thì không. Bên phía đồng ý thì lập luận rằng phải có nghe nhiều thì chánh pháp mới ngấm vào người thành của mình, và chia sẻ - tranh luận để làm rõ vấn đề, để tất cả mọi người đều tập tư duy chủ động. Còn về phía các bạn không đồng ý thì có lập luận rằng, nghe pháp nhiều sẽ trở thành lý thuyết, quan trọng vẫn là thực hành và trải nghiệm thì mới có bài học, hơn nữa mỗi người sẽ có mức độ hiểu biết, góc nhìn và trải nghiệm pháp khác nhau, vậy thì cùng nhau tranh luận thì cũng không có kết quả gì.
Thưa thầy, như thầy đã nói, quan trọng là chúng ta nhận ra được nguyên lý bài học cho mình, chứ không nên biến nó thành một khái niệm để phân tích theo lý trí. Như vậy việc hướng mọi người đến một cách tu tập chung như thế sẽ gây sự khó chịu và áp lực cho những bạn không có cùng quan điểm và theo thời gian các bạn ấy có dấu hiệu nản chí và cảm thấy mặc cảm vì không được tinh tấn như những bạn tu tập khác. Con xin phép thầy cho con lời khuyên để có thể dung hòa đội nhóm ạ.
2. Về nội dung sách, tuy sách đều hướng con người đến sự lương thiện, sống đạo đức, trí tuệ (Nhân duyên tốt sẽ ra quả tốt, nhân duyên xấu sẽ ra quả xấu). Nhưng con vẫn cảm thấy nó đang đặt ra khuôn khổ và hướng về khái niệm. Liệu như vậy có tốt không ạ? Mặc dù theo rất nhiều phản hồi rằng, quyển sách nhỏ đã giúp nhiều người có được ý thức và hành vi tốt hơn. Con xin phép thầy cho con lời khuyên về vấn đề này.
Con cảm ơn thầy rất nhiều ạ!
Ngày gửi: 02-05-2020
Câu hỏi:
Thưa thầy, ba con mới mất tuần trước. Hôm nay là cúng 7 ngày. Chỗ con ở bị Covid-19 rất nặng, mức độ lây lan rất nhanh. Gia đình giờ chỉ còn mẹ già. Tụi con muốn chuyển má tới một thành phố khác ở, chỗ đó không bị dịch nặng như ở đây. Nếu dọn đi như vậy trước 49 ngày thì thầy nghĩ sao? Có ảnh hưởng gì tới ba con không? Và chúng con cần làm những gì?
Con cảm ơn thầy và kính chúc thầy sức khoẻ.
Ngày gửi: 02-05-2020
Câu hỏi:
Con kính chào thầy!
Con xin thầy chỉ dẫn cho con điều này. Con thấy thầy hay nói người ta sẽ học ra bài học để giác ngộ. Vậy là bản ngã ở mỗi người học để rồi nhận ra và đầu hàng trước sự thật hay sao ạ? Con kính cảm ơn thầy!
Ngày gửi: 02-05-2020
Câu hỏi:
Con kính chào thầy!
Con xin thầy chỉ dẫn giúp con điều này ạ! Thời đại ngày nay thực phẩm ô nhiễm và độc hại nhiều quá, gây ra bệnh tật và như con thấy nó góp phần làm con người si mê hơn. Con đang sống tại gia, con có thể chủ động ăn uống được. Nhưng con thấy quý sư xuất gia, có gì ăn nấy như vậy thì sẽ dễ mắc bệnh hơn và như con thấy với phần đông mọi người khi mắc bệnh đều nổi sân đối kháng với khổ thọ, sân si càng dày thêm. Con có ý muốn xuất gia mà trước tình trạng này con chưa biết nên như thế nào.
Con xin thầy từ bi chỉ dạy!
Con kính tri ân thầy!
Ngày gửi: 02-05-2020
Câu hỏi:
Bạch Thầy,
Con là một bác sĩ. Khi đọc tiểu sử của những bác sĩ lỗi lạc, họ luôn tận tâm chữa bệnh không màng danh lợi. Bản thân con thì muốn kiếm tiền để lo cho gia đình được đầy đủ hơn. Hôm nay, khi vô tình đọc lại tiểu sử Yersin, ông viết: "Đòi tiền để chữa trị cho bệnh nhân thì chẳng khác nào nói với người đó rằng: tiền hay mạng sống?". Tâm trí con cứ rối bời Thầy ạ!
Ngày gửi: 02-05-2020
Câu hỏi:
Con kính chào Thầy!
Qua soi sáng bản thân và 2 người khác con thấy ra một nguyên lý của tâm nhưng không biết có đúng không?
Người đầu tiên là cha con, bản thân ông là một người lăng nhăng đã ngoại tình với nhiều phụ nữ và làm cho mẹ con đau khổ rất nhiều. Nhưng khi thấy mẹ con nói chuyện mà chỉ cần hơi lâu một chút với một người đàn ông là lập tức ông cực kì ghen rất dữ dội rồi sau đó về nhà có thể thậm chí là đánh mẹ.
Người thứ 2 là một anh quản lý chỗ làm cũ, anh này khi có bạn gái vẫn đi lăng nhăng với nhiều cô gái khác. Khi có một bạn nữ mới vào làm anh này cũng quen thành người bắt cá 2 tay. Và khi thấy bạn nữ này thân mật với một nam nhân viên khác anh ta cũng cực kì tức giận đến nỗi đánh vào cái tủ, mặc dù chính anh ta là người sai trước.
Và bản thân con, dù chưa trải qua tình cảm nhưng trong quá trình soi sáng chính mình con thấy ra được tâm cả thèm chóng chán, thấy ra được mình có một cái tâm kinh khủng đó là muốn đến với một ai đó đều vì nhục dục. Muốn có liền và cũng chán rất nhanh. Dễ dàng thích nhiều người một lúc. Có một thời gian con dằn vặt vì điều này, bây giờ những tập khí này vẫn rất sâu dày nhưng con nhẫn nại đối diện với nó. Biết mình đầy tập khí xấu như vậy nên con cũng chấp nhận một mình để hoá giải vì thực ra con cũng lãnh quả của tập khí này đó là rất kém duyên trong tình cảm. Nhưng con thấy ra được thêm một tập khí rất nặng nề là cực kì lo lắng sợ hãi bất an về vấn đề ngoại tình. Cực kì ghen tuông và nghi kỵ, luôn lo sợ sẽ bị phản bội dù chưa quen ai. Con biết có lẽ mình đã gieo tập khí về nhục dục lăng nhăng từ kiếp quá khứ nên mới tái sinh làm con cha mình vì cộng nghiệp.
Nguyên lý mà con thấy ra đó là chúng sanh nào gieo ác nghiệp về điều gì thì luôn lo lắng bất an sợ hãi người khác làm điều tương tự như vậy đối với mình.
Tại sao lại như vậy thưa thầy? Xin thầy giai đáp giúp con nguyên lý này. Con xin cám ơn Thầy!