loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 23-03-2021

Câu hỏi:

Con chào thầy!
Con không có câu hỏi nào, chỉ là con chia sẻ với thầy. Khi thận trọng, chú tâm, quan sát con thấy rằng, khi mà con làm việc với cái tâm trong sáng, làm chỉ là trọn vẹn với cái làm đó thôi thì rất thoải mái, không mệt mỏi gì hết, mà gặp khó khăn gì cũng tìm ra giải pháp rất nhanh. Nhưng đôi lúc con làm việc mà tâm con mong cầu kết quả ở tương lai, tính toán được mất hơn thua thì cả thân và tâm đều rất mệt mỏi, rất là nhức đầu. Những lúc như vậy con ngừng công việc lại, con biết con đang tham, con ngồi xuống thả lỏng thì một lúc sau cơn đau đầu không còn nữa, con không cần phải uống thuốc giảm đau như lúc trước.
Con chưa gặp thầy bao giờ nhưng con nghe pháp thoại thầy giảng rất nhiều. Nhờ vậy con được thầy chỉ ra những dính mắc. Con xin thầy cho con làm đệ tử của thầy. Con kính chúc thầy sức khoẻ!
Con xin tri ân thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 22-03-2021

Câu hỏi:

Thưa Thầy, con kính tặng Thầy và các bạn đạo:

Xin giã từ tham ái
Cùng bản ngã phù vân
Dũng cảm nhìn vạn pháp
Sự thật vốn trong ngần.

Con kính đảnh lễ và tri ân Thầy vô lượng!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 21-03-2021

Câu hỏi:

Kính trình thầy,

Chấp ngã, chấp pháp vẫn tâm ma
Nhị biên tương đối phải vượt qua
Tánh tướng vô ngôn chân diệu pháp
Nhận ra ngay đó chợt cười xòa!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 21-03-2021

Câu hỏi:

Con kính tặng Thầy và các bạn đạo:

Tâm tuệ bao trùm khắp
Ngã nhõng nhẽo vọng cầu
Ừ, thì cứ tạo tác
Nhân quả vốn nhiệm mầu

Con kính đảnh lễ và tri ân Thầy, kính chúc Thầy luôn vui vẻ, các bạn đạo luôn “biết yêu thương chính mình”.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 20-03-2021

Câu hỏi:

Thưa thầy, khi con chỉ cần sống với cái biết bản nhiên (có từ lúc sinh ra), ngay thấy liền biết mà không chấp trước thì không còn câu hỏi gì nữa phải không ạ? Con tri ân thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 20-03-2021

Câu hỏi:

Thầy ơi, trước đây con nghe kinh luận nói đến Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, A-tu-la, Thiên,... thì con nghĩ đấy chỉ là mê tín vô bổ và Phật giáo đơn thuần là tôn giáo, là ảo tưởng. Nhưng đến khi con học Kiếm đạo đến chiêu Tùng phong rút kiếm ra khỏi bao để chém tắt ngọn nến, con mới bắt đầu nghĩ làm sao để giải quyết được vấn đề vừa rút kiếm nhanh gọn chính xác mà vừa thong dong tự tại.
Từ đấy con mới đi sâu vào dịch thuật và nghiên cứu các tác phẩm kinh điển như Kiếm kinh của Du Đại Du, Bất động trí thần diệu lục của thiền sư Trạch Am Tông Bành phái Dương Kỳ tông Lâm Tế ở Nhật Bản. Con mới nhận ra vấn đề không nằm ở kỹ thuật mà nằm ở tâm thuật, tâm thuật thông thì kỹ thuật mới thông, tâm thuật chưa thông thì càng cố gắng càng thất bại. Con ngạc nhiên khi nhận ra là tại sao một tông phái của Phật Giáo lại có quan hệ với Kiếm Đạo và là nền móng để giác ngộ, giải thoát trong Kiếm Đạo.
Khi có một chút thu hoạch trong quá trình nghiên cứu Thiền Tông thì con lại bị thu hút bởi giá trị thực tiễn của Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Con lắng nghe pháp thoại của các thầy Thích Nhật Từ, Thích Nhất Hạnh,... về Bát Nhã Tâm Kinh. Cuối cùng con rất xúc động khi nghe được lời thầy dạy trong cuốn Thực Tại Hiện Tiền. Con đã thành tựu phép chém nến, đã biết thế nào là Thiền kiếm nhất như và thấy ngay giá trị thực tiễn của các khái niệm mà trước đó con vẫn mơ hồ như Kiếm bất quá đỉnh, Nhẫn bất hướng kỷ, Kiến phùng sáp châm, Tĩnh chỉ chi kiếm, Thủy trung chi nguyệt,... trong Kiếm đạo.
Con biết rằng Phật pháp có thể giải quyết được những vấn đề thực tiễn một cách đơn giản và tối ưu. Phật pháp có thể tạo ra được kết quả trong thực tiễn, Phật pháp tràn ngập khắp nơi và trong mọi hoạt động, không hiện tượng nào không phải là bài học giúp ta giác ngộ giải thoát, như sư Trích Thủy nói: "Tào khê một giọt nước thiền/ Bảy mươi năm trọn dùng liền chưa vơi/ Bao la mặt đất bầu trời/ Ngập tràn chốn chốn nơi nơi khôn cùng". Hoặc như kinh A-di-đà nói gió chim cũng thuyết pháp.
Kiếm đạo như vậy thì sinh hoạt hay làm việc cũng như vậy, tất cả đều trở nên chân thực, tươi mới và tràn đầy sức sống, những phong ba bão táp trong cuộc sống đều trở thành những thử thách thú vị trên hành trình giác ngộ, giải thoát.
Từ thực tại hiện tiền con trở lại kinh điển, thì con thấy tất cả đều có giá trị thực tiễn, chẳng qua trước đó con chưa nhận ra nên mới cho đó là mê tín. Nếu đắm chìm trong kinh điển mà không thấy thực tại thì kinh điển trở thành chướng ngại. Nhưng nếu nương theo văn tự bát-nhã và thực hành quán chiếu bát-nhã mà thấy được thực tướng bát-nhã thì kinh điển liền trở thành phương tiện hữu ích.
Lại nói về lục phàm tứ thánh, con thấy có người giảng A-tu-la, Thiên,... là người ngoài hành tinh. Nhưng đối với con, lục phàm tứ thánh trong kinh điển là sự mô tả những trạng thái khác nhau của tâm bằng bút pháp ẩn dụ nhân hóa đậm chất văn học, những trạng thái khác nhau của tâm giống như những lăng kính khác nhau mà đeo lên để nhìn nhận thế giới. Tâm sân hận đau khổ thì thế giới hiện tiền đều là Địa ngục; tâm xan tham đói khát thì thế giới hiện tiền là Ngạ quỷ; tâm tật đố phóng cuồng thì thế giới hiện tiền là A-tu-la; tâm chỉ trì ngũ giới với đủ loại niềm vui nỗi buồn thì thế giới là Nhân; tâm an vui tác trì thập thiện thì thế giới là Lục dục thiên; tâm ly dục sắc thì thế giới là Tứ thiền thiên; tâm ly sắc nhập không thì thế giới là Tứ không thiên; tâm tu theo Tứ đế mà thấy rõ sự thật là thế giới Thanh văn; tâm tự chiếu nhân duyên mà thấy rõ sự thật là thế giới Duyên giác; tâm tứ hoằng thệ nguyện và thực hành lục ba-la-mật là thế giới Bồ tát; tâm định tĩnh, trong lành, sáng suốt, không chấp trước phân biệt, khiến cho mọi hiện tượng hiện tiền đều là như thị tướng, như thị tính, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh, thì chính là thế giới Niết-bàn chân thực, tích cực, vốn viên mãn ngay tại đây và ngay bây giờ.
Những trạng thái khác nhau của tâm giống như những lăng kính có màu sắc chủ quan đậm nhạt khác nhau, màu sắc chủ quan của lăng kính càng đậm bao nhiêu thì màu sắc khách quan của thực tại càng bị lu mờ đi bấy nhiêu và ngược lại, nên tổ sư nói: "Tâm địa nhược không, Tuệ nhật tự chiếu".
Cuộc chiến giữa A-tu-la và Chư thiên rốt cuộc là sự nhân cách hóa cuộc chiến giữa tâm tật đố và tâm an vui mà bao giờ tâm an vui cũng giành chiến thắng, tâm tật đố tuy sinh ra sức mạnh chủ quan lớn lao nhưng vẫn không bằng tâm an vui sinh ra sức mạnh khách quan còn lớn lao hơn sức mạnh chủ quan. Một nhát chém được ta tung ra với tâm A-tu-la không thể hiệu quả và chính xác bằng một nhát chém được tung ra với tâm Chư thiên vì nhát chém của Chư thiên phù hợp với quy luật khách quan hơn. Và tất cả đều không bằng được một nhát chém ở trong Niết-bàn, khi mà thực tại được phản ánh một cách trung thực, chính xác nhất.
Thực tế thì những tập khí chủ quan làm sai lệch thực tại như Kinh, Cụ, Nghi, Hoặc đều là đại kỵ trong Kiếm thuật. Con thấy bút pháp ẩn dụ nhân hóa như vậy làm cho kinh luận trở thành một phương tiện giáo hóa rất sinh động, thú vị, hấp dẫn và không nhàm chán. Miễn sao mình không bị vô minh ái dục che lấp và không bao giờ xa rời thực tế thì đâu đâu cũng là giải thoát phải không thầy? Con đã hỏi thầy một vài lần và đều nhận được những lời khuyên rất hữu ích.
Con kính chúc thầy luôn mạnh khỏe, luôn chỉ dẫn chúng con vượt qua được những thử thách của cuộc sống.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 18-03-2021

Câu hỏi:

Thưa thầy, con là con ở giữa, có 1 người chị và 1 em trai. Con có đọc sách đâu đó nói là đứa con ở giữa thường là đứa có tính cách khoan hoà vì phải "kính trên nhường dưới". Trong công việc con cũng hay "nhường nhịn" nên cũng thuộc dạng lãnh đạo chịu "lãnh đạn" cho người khác. Con cứ tưởng đó là một đức tính tốt cho đến hôm nay con phát hiện ra là nằm dưới tính nhường nhịn của mình là 1 ẩn ức "cam chịu thiệt thòi" không nói ra thành lời. Đó là một thói quen hành xử lâu ngày "chai" lại đã tạo ra một vết sẹo tâm lý "tủi thân cam chịu". Quan sát thêm nữa thì thấy ra là có lẽ cách mình "nhường nhịn" là kiểu được giáo dục thói quen từ nhỏ theo quan niệm gia phong đạo đức, chứ đó chưa phải là cách ứng xử "nhường nhịn" do mình tự do lựa chọn. Đây có thể là một yếu tố "ngủ ngầm" trong vô thức, mà việc con thực tập quán chiếu "thân thọ tâm pháp" đã giúp con thấy ra được sự thật và mang cảm xúc ấy lên tầng "hữu thức". Giờ con chỉ quan sát mỗi khi nó nổi lên thôi còn khi nào nó đoạn diệt thì kệ nó. Con trình Pháp, nhờ thầy soi sáng giúp con tu tập tinh tấn. Con biết ơn Thầy.
Lan Anh - Canada

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 17-03-2021

Câu hỏi:

Kính thưa thầy, con xin trình pháp ạ!
- Khi tâm con an tịnh, dù hôm đó đang lái xe trên đường, tâm con mát mẻ khi nghĩ đến thầy Viên Minh & sư Giới Đức, con cảm nhận khoảnh khắc "thông tâm" đó rất rõ (dẫu là sinh diệt khi con tập trung vào việc khác phải làm sau đó!). Đúng là cái hạnh phúc lâng lâng, an vui như đang bay trên mây vậy! Con hoan hỉ chia sẻ với thầy ạ! Ngày nào con cũng nghe thầy giảng, thầy luôn trong tâm trí con, luôn soi sáng cho con trong mỗi mỗi cái thấy của mình. Khi nào con thắc mắc mà thật cần biết, thì con tự tin mở youtube là y như rằng, 10 lần đều đúng 9, thầy khai thị cho con ngay lúc đó luôn. Nên càng đi vào đạo, càng nghe thầy giảng, con càng có TÍN sâu = càng buông, càng xả, càng vô tư, vô tâm & rồi tâm càng an vui trong mọi nẻo đường con bước. Con hoan hỉ, thầy ạ!
- Con có cái thấy nữa là, khi tâm mình trong sáng, thấy rõ, biết rõ thì tự động cung kính, khiêm nhường, hiển nhiên làm bất cứ điều gì không hại mình - hại người, tự mình toát ra năng lượng từ bi làm rung động người đối diện trong từng cử chỉ, ánh nhìn, nụ cười làm họ hạnh phúc. Thưa thầy, có câu "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", khi người ở tần số này sẽ không bao giờ có chuyện bị người âm nhập đúng không ạ? Con biết, đây chỉ là lí luận. Xin thầy khai thị cho con rõ hơn, thầy nhé!
Con xin CẢM ƠN & BIẾT ƠN thầy cùng vạn người, vạn vật.
Con xin hồi hướng tất cả công đức, phước đức của con: kính chúc thầy đầy đủ sức khỏe trong từng hơi thở ạ!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 15-03-2021

Câu hỏi:

Con xin cúi đầu đảnh lễ Thầy!

Thường về nơi chỗ vắng
Thấy có trạng thái gì
Nhìn các pháp đến đi
Tùy duyên mà ứng biến

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 13-03-2021

Câu hỏi:

Dạ thưa Sư Ông! Sẽ rất dài, con mong Sư Ông cảm thông.
Con đã tính chia sẻ những cảm nhận nội tâm, hay những mâu thuẫn cảm xúc nhằm để Sư Ông giải đáp, chỉ dạy giúp con. Nhưng ghi ra một hồi con đã xoá đi hết vì con nhận ra dù có được chỉ dạy bao nhiêu lần nữa thì khi đối mặt với những tập khí – những cái có thực với chính mình thì mọi sự cố nhớ lại lời chỉ dạy nào đó đều gần như vô dụng trước tập khí.
Và Sư Ông cũng đã giải đáp cho một bản ngã muốn thoả mãn lý trí của con trước đây rất nhiều rồi.

Giờ đây con vẫn còn là một chúng sanh mang đầy tâm bệnh, đầy mê muội và đau khổ. Những tháng ngày của con gần như luôn sống trong những cảm giác chán nản, mệt mỏi, kiệt sức, tuyệt vọng cùng cực… Đôi lúc ý nghĩa tự tử vẫn luôn thấp thoáng xuất hiện.

Nhưng, con cũng đã nhận ra không có cách nào khác để THOÁT KHỔ ngoài con đường mà Đức Phật, Sư Ông hay những vị giác ngộ trước đã đi. Đó là tự trải nghiệm chính mình dù có là bao nhiêu kiếp sống.

Cuối cùng con đã hiểu lời chỉ dạy này của Sư Ông: "Nếu như hiểu thiền là điều chỉnh nhận thức và hành vi thì thực ra cuộc đời này ai cũng đang thiền". Đúng vậy, những điều con vỡ lẽ ra về bản thân mình và cuộc đời đến thời điểm bây giờ đều là những giây phút trải nghiệm sự thực. Mà để hiểu ra sự thực này luôn phải đánh đổi bằng tuyệt vọng, mất mát, tổn thương và nước mắt. Lại hiểu ra một lời chỉ dạy khác của Sư Ông: "Tham Ái chỉ được đoạn tận bằng Khổ Đau".

Vì vậy nếu một lúc con không đủ nhẫn nại mà tự tử, thì thực ra việc tự tử này cũng sẽ giúp con học ra bài học nào đó. Như tự tử không có ích lợi gì, điều mà bây giờ con chỉ hiểu qua lý trí. Tương lai không biết sẽ thế nào, dù sao có tái sinh bao nhiêu kiếp người con giờ đây vẫn chấp nhận. Con muốn hiểu chính mình là gì? Tại sao mình lại đầy đau khổ v.v...?

Dạo gần đây con có đọc được những câu nói của 2 người nổi tiếng đã qua đời mà con rất ấn tượng, con cảm nhận và thấy an ủi phần nào. Có lẽ vì nó xuất phát từ chính cuộc đời thực nơi họ. Con xin được chia sẻ:
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
“Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau… Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung.”
Ca sĩ Minh Thuận:
“Bị cấp cứu vì làm việc quá sức, tôi hoàn toàn không nghe thấy được nhịp đời xung quanh mình, chỉ có nỗi chán chường và cảm nhận hàng đống thuốc truyền vào cơ thể mình. Biết không? Nếu bạn rơi vào trường hợp như tôi, bạn sẽ hiểu rằng, thời điểm bạn khó khăn nhất, không ai có thể chia sẻ với bạn được điều gì cả. Phải tự bạn tìm cách vượt qua thôi. Đường tối hay đường sáng, gục ngã hoặc đứng lên, đều do tự bạn quyết định...”

Thưa Sư Ông con rất muốn được lên nông thiền một thời gian hoặc một dịp nào đó và đến đảnh lễ Sư Ông nhưng giờ vẫn chưa có dịp.
Do bệnh tật tâm lý nên con vẫn đang chật vật, vất vả trong việc học rất nhiều. Con không kiểm soát được việc học, thực ra khi quán chiếu con nhận thấy nếu tâm con không có những xung động quá mức, hay tiêu cực quá nhiều thì thực ra những kiến thức này nếu con có thể ngồi yên tập trung làm bài thì có lẽ nó sẽ không quá khó khăn. Nhưng bây giờ con phải chấp nhận mệt mỏi, đuối sức đến đâu cũng sẽ cố gắng đến khi nào ổn định lại được việc học này.
Bây giờ con chỉ mong mình đủ nghị lực có thể tiếp tục tồn tại để hoàn thành bài học mà Pháp mang đến.
Dạ quá dài, con không biết nói gì hơn ngoài lòng biết ơn Sư Ông! Mong Sư Ông luôn mạnh khoẻ và bình an.

Xem Câu Trả Lời »