Kết quả Tìm Kiếm: Có 202 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'kinh điển & sách hay'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Thưa thầy, con không tìm thấy sách "Sống trong thực tại" trong Thư viện của trang nhà. Con phải tìm ở đâu kính bạch thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vì cuốn Sống Trong Thực Tại trước đây có đăng rồi, nhưng nay thầy đang sửa lại cho hoàn chỉnh để xuất bản nên sau khi xuất bản thầy mới cho đăng lại.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy cho con hỏi, những bộ kinh nào do chính Đức PHẬT thuyết? Con muốn nghiên cứu những KINH điển này ạ. Đạo PHẬT có quá nhiều kinh, con nghĩ Đức PHẬT không thể thuyết nhiều như thế và nếu có cũng không ai nhớ nổi để viết lại vì thời đó không có chữ viết như bây giờ. Con cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sau đây là vài cách giúp con nhận ra Kinh nào do Phật thuyết:
1) Kinh Phật thuyết bằng ngôn ngữ Pāli vì Đức Phật dùng ngôn ngữ này để thuyết pháp. Đó là Kinh nguyên thủy nhất của Phật giáo. Tuy nhiên Tam Tạng Pāli gồm chánh tạng do Phật thuyết, còn các chú giải vẫn do người sau dùng để giảng giải chánh tạng.
2) Kinh Luận viết bằng tiếng Sanskrit xuất hiện khoảng 200 năm đến 600 năm sau đức Phật Niết-bàn của các Phái Tiểu Thừa không còn nguyên vẹn lời Phật thuyết. và Kinh Luận Sanskrit xuất hiện 600 năm đến 1000 năm sau đức Phật Niết-bàn do chư Tổ Đại Thừa biên soạn nhằm phát triển giáo pháp đức Phật theo quan điểm triết học hoặc tín ngưỡng của họ. Các Ngữ Lục Thiền Tông xuất hiện sau 1100 năm đức Phật Niết-bàn.
3) Đức Phật đối cơ mà thuyết pháp nên tất cả Kinh Phật thuyết đều là những pháp thoại dài nhất là khoảng 1 đến 2 tiếng đồng hồ, không có Kinh nào Phật thuyết kéo dài ngày này qua ngày khác.
4) Kinh do Phật dạy thường chỉ thẳng vào sự thật để người nghe có thể nhận ra ngay. Do đó tất cả Kinh Luận nhiều tập có hệ thống luận lý học hay siêu hình học đều do người sau biên soạn rất công phu để trình bày hệ thống triết học tôn giáo của mình. Loại Kinh luận này không phải do đức Phật thuyết. Những Kinh Luận này đôi khi phù hợp với lời Phật dạy đôi lúc trái ngược lại.
5) Dù là Kinh Phật thuyết hay người sau biên soạn thì cũng đều là ngón tay chỉ mặt trăng, chỉ nên nương theo ngón tay để thấy mặt trăng, không nên chấp vào ngón tay, như chính đức Phật đã dạy trong Kinh Kalama về niềm tin đối với Kinh Điền.
Câu hỏi:
Kinh bạch thầy, xin thầy từ bi giảng cho con hiểu rõ từ "chư hành" trong bài kệ: "Chư hành vô thường, thị sanh diệt pháp, sanh diệt dĩ diệt, tịch diệt vi lạc"
Kính chúc thầy pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, Phật sự viên thành.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Câu Phật ngôn trên có nguyên văn trong Kinh Dhammapada Pali như sau:
Aniccà vata sankhàrà : Chư hành vô thường (Các hành vô thường)
Uppàda vaya dhammino : Thị sanh diệt pháp (có tính sinh diệt)
Uppajjhitvà nirujjhanti : Sanh diệt dĩ diệt (Sinh rồi lại diệt)
Tesam vùpasamo sukho : Tịch diệt vi lạc (Hành diệt mới lạc)
Chư hành còn gọi là pháp hữu vi (sankhàrà) có hai loại: Một là pháp hữu vi tự nhiên do duyên sinh, như nước do duyên hòa hợp hai khí H và O mà sinh ra. Pháp hữu vi tự nhiên này có tính chủ yếu là vô thường (Sabbe sankhàrà anicca'ti). Hai là pháp hữu vi tạo tác do nghiệp sinh, như hành động tạo tác nghiệp thiện ác mà có. Pháp hữu vi tạo tác có tính chủ yếu là khổ não (Sabbe sankhàrà ca dukkha'ti). Chư hành tức tất cả pháp hữu vi (hữu tướng, hữu tác) đều có ba tính chất vô thường, khổ não, vô ngã.
Câu hỏi:
Đầu tiên con xin cám ơn Thầy về thư trả lời của Thầy.
Con xin có hai câu hỏi liên quan đến pháp hành kính mong Thầy rộng lòng từ bi giảng giải.
- Câu hỏi 1: Liên quan đến khái niệm về một vị thầy.
Trong hầu hết các tài liệu mà con đã đọc nói về thiền trong Phật giáo, kể cả Thiền tông, Mật tông, và thiền Nguyên thủy đều nhấn mạnh đến vai trò của một vị thầy, xem đó như là một điều kiện tiên quyết cho một người muốn dấn thân vào con đường tu thiền. Điều này đã gây không ít bối rối cho các hành giả cư sĩ tại gia, mặc dù họ có thể tiếp cận được các nguồn kinh sách thông qua mạng lưới thông tin hiện đại như ngày nay, hoặc được nghe các bài pháp thoại từ các giảng sư giàu kinh nghiệm (ví dụ như mạng Trung Tâm Hộ Tông chẳng hạn). Thật ra, trong giới cư sĩ cũng có người được trang bị một trình độ học vấn nhất định, giúp họ có được phương pháp luận khoa học khi tiếp cận vấn đề. Bản thân con mặc dù không trực tiếp được Thầy hướng dẫn nhưng thông qua mạng Internet con cũng tiếp thu được cơ bản nội dung pháp hành mà Thầy muốn truyền đạt. Các thắc mắc cũng đã được Thầy tận tình giúp đỡ tháo gỡ. Như vậy bản thân con xem như đã có một vị thầy chưa? Kính mong Thầy rộng lòng từ bi giảng giải. Việc kề cận một vị thầy còn mang một ý nghĩa tâm linh nào khác nữa không?
- Câu hỏi 2: Liên quan đến cái đau trong hành thiền.
Các thiền sư thường có lối giải thích và cách thức xử lý cơn đau trong lúc tọa thiền rất khác nhau. Bản thân con thì thích vận dụng theo lối tư duy “minh” và “vô minh" của Thầy để giải quyết vấn đề này. Cụ thể như vầy:
- Minh:
(1) Ngồi lâu thì phải đau (qui luật nguyên nhân – kết quả). Không có một tư thế hay oai nghi nào của con người mà không dẫn tới đau khổ, cho dù đó là một tư thế nằm thoải mái nhưng trước sau gì rồi cũng phải thay đổi huống hồ chi là ngồi lâu.
(2) Nhờ tư duy như trên nên tâm ít phản ứng hơn với cơn đau, điều này giúp cho thân tâm dễ kham nhẫn hơn.
(3) Cơn đau là một sự thật (chân đế) nó nằm trong bốn xứ (Thọ) để cho hành giả quán niệm nên không cần thiết phải dùng bất kỳ một phương pháp “Tự kỷ áp thị” nào để quên nó đi.
(4) Khi cơn đau tới hạn chịu đựng thì cứ tại đây, bây giờ thay đổi tư thế (trong thận trọng chú tâm quan sát) mà không một chút lo lắng vì sợ mất “định” .
(5) Thời gian từ lúc ngồi cho tới lúc đau là bao lâu không trọng, vì cơ địa mỗi ngưới khác nhau, ngay cả trong một con người do bị chi phối bởi luật vô thường nên thời gian dẫn tới cơn đau mỗi lúc mỗi nơi cũng khác nhau. Việc ngồi rất lâu mới thấy đau chẳng nói lên một thành tựu nào về giải thoát, mà đó chẳng qua là sự thích nghi của cơ thể theo cơ chế phản xạ có điều kiện.
(6) Con rất thấm thía câu nói của Thầy “Đừng biến hành thiền thành hành khổ”
(7) Đau đớn và an lạc đều là pháp nên tâm quan sát phải bình đẳng. Điều này giúp cho hành giả tiến gần hơn với tâm buông bỏ, xả ly.
- Vô minh:
(1) Đẩy cao cái ngưỡng chịu đựng cơn đau rồi xem đó như một thành tựu thì đó chẳng qua là biểu hiện của tự ngã.
(2) Ở trình độ thấp kém này mà muốn thấy được sự sanh diệt trong từng sát-na của cơn đau như có thiền sư từng giải thích thì vô minh.
(3) Khi tâm quan sát không còn rỗng lặng trong sáng mà cứ muốn tiếp tục quan sát cơn đau trước sau gì cũng dẫn tới tham sân.
Con hiểu như vậy thưa thầy có đúng không? Kính mong Thầy rộng lòng từ bi giảng giải. Con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Ngày xưa chưa có phương tiện truyền thông nào khác ngoài phải đi, nhiều khi rất xa, để tìm thầy học Đạo, hoặc ít nhất cũng đi hành cước để tham vấn xem sở tu sở chứng của mình đã thuận Pháp chưa. Ngày nay vai trò vị thầy chính là những nguồn thông tin giúp mình học Đạo, như kinh điển, pháp thoại audio, video v.v... Và để kiểm tra sở tu sở chứng của mình thì có thể gặp thầy qua điện thoại, internet có gắn camera là thầy trò có thể đối diện trình thiền hỏi Pháp thoải mái. Vậy không tiện hơn sao? Tin, học và hành theo một vị thầy có thể sai, lại phải đi tìm vị khác xa xôi, chi bằng cứ nghiên cứu học hỏi cho sâu rộng rồi khi đã có đủ trình độ nhận thức mới thấy vị thầy nào hay cứ đến tham vấn. Quan trọng là khai mở, giác ngộ, chứ không phải là hành theo vị thầy nào. Các vị Phật Độc Giác không học ai cũng vẫn tự mình giác ngộ thì có sao đâu. Tất nhiên vai trò vị thầy theo nghĩa rộng, hoặc thiện bằng hữu, thiện trí thức là những sự hỗ trợ rất cần thiết trên đường học Đạo. Nhưng cuối cùng vô sư trí vẫn là vị thầy tối hậu của mỗi người. Đức Phật đã xác định là sau khi Như Lai viên tịch Tứ Chúng nên nương tựa vào Pháp chứ không nên nương tựa vào vị thầy nào. Pháp (thực tánh) sẵn có nơi mỗi người, hãy quay lại mà thấy (Ehipassiko), không phải tìm đâu xa, không do vị thầy nào ban tặng. Cho nên Đức Phật mới dạy "Tự mình là nơi nương nhờ của chính mình, không ai khác là nơi nương nhờ được" (Attàhi attano nàtho, ko hi nàtho parosiyà).
2) Những điều anh nhận thức trong câu hỏi 2 đều đúng, nếu như đó không phải phát xuất lý luận thuần lý trí mà từ thấy biết qua trải nghiệm thật sự trên thực kiện. Chúc mừng anh.
Câu hỏi:
Thưa thầy, con có được nghe thầy thuyết Pháp vài lần. Nhưng trước đó, con cũng học được rất nhiều từ sách của thầy cũng như các vị thiền sư nổi danh như Ngài U. Jotika, Ngài Pandita, Ngài Achan Cha... Có nhiều điểm con không tán đồng. Rồi sau vài năm thực hành miên mật, và đọc lại kinh điển, nhiều điểm con đồng ý kiến, nhưng có những điểm khác con vẫn thấy Đức Phật đúng hơn. Vậy là sự thấy biết của mỗi hành giả là khác nhau và cũng thay đổi liên tục phải không ạ?
Nếu mình chấp vào một kinh nghiệm nào đó, hoặc một vị thầy nào đó, hay ngay cả kinh điển là một sự không sáng suốt phải không ạ?
Theo như con thì, ngay cả học kinh điển cũng cần phải đọc trọn vẹn cả ít nhất cũng là 2 tạng hoặc tốt thì cả 3 tạng luôn, cùng vớí sự thực hành chăm chỉ dài dài, may ra mới có sự hiểu biết tạm thời nào đó phải không ạ?
Con xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy. Kính chúc thầy dồi dào sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng vậy, như thầy thường nói tu học là qua trình điều chỉnh nhận thức và hành vi, nên cuối cùng bậc Đại Giác được xưng tán là bậc Minh Hạnh Túc, nghĩa là trí tuệ và đức hạnh đã hoàn chỉnh. Thực ra Kinh Điển và các vị thiền sư chỉ gợi ý để mỗi người tự khám phá ra sự thật. Lúc đầu lý trí phân biệt đúng sai theo kiến thức, quan niệm, tư tưởng hay bảng giá trị nào đó, rồi trải nghiệm qua tri kiến thực tế, người ta điều chỉnh dần những sai lầm để nhận thức và hành động đúng hơn.
Nếu đứng về LÝ mà nói thì KInh Điển là tiêu chuẩn đúng nhất, ý kiến của các vị thiền sư cũng chỉ là mức độ nhận thức và kinh nghiệm giới hạn của những vị ấy. Tuy nhiên đó là những bằng chứng cụ thể giúp chúng ta khám phá ý nghĩa của Kinh Điển dễ dàng hơn. Mỗi vị thiền sư có thể giúp chúng ta thấy ra một khía cạnh của chân lý muôn màu muôn vẻ. Có điều cả Kinh Điển lẫn các thiền sư đều không thể giúp chúng ta thấy hết sự thật. Đó chỉ là bản vẽ khái lược hay những tấm gương điển hình (sample) thôi, chưa phải là sự thật trọn vẹn. Mỗi người phải tự mình khám phá sự thật trọn vẹn ấy ngay trong sự tương giao của đời sống.
Như vậy, về SỰ thì Kinh Điển và các vị thiền sư đã khai sáng và giúp chúng ta vững tin hơn trên đường Đạo, nhưng sự trải nghiệm trong đời sống thực mới giúp chúng ta thể nghiệm được sự thật đó một cách cụ thể, chính xác và toàn diện. Lúc đã khám phá ra LÝ TRONG SỰ và SỰ TRONG LÝ thì chúng ta dễ dàng thấy được điều nào đúng điều nào sai, trong Kinh Điển, ở các vị thiền sư, và ngay nơi chính mình. Vậy đừng vội kết luận đúng sai, cứ khám phá thực địa rồi tự mình sẽ thấy.
Câu hỏi:
Thưa sư cho con được hỏi, Kinh điển gồm có Pali tạng và Hán tạng đúng không ạ? Theo con hiểu là Pali tạng có giá trị chân thật hơn Hán tạng và là kinh Nguyên Thủy của đức Phật khai thị, có đúng không? Con vẫn thường tin tưởng ở kinh Pali. Con cám ơn sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nói đúng. Tạng Pali tương đối trung thực với lời Phật dạy hơn các kinh Sanskrit, Hán Tạng hay Tạng Tibet được trước tác sớm nhất là 200 năm sau đức Phật Niết-bàn. Như vậy về phương diện lịch sử cũng như tính trung thực với lời Phật dạy thì độ tin cậy của kinh Pali cao hơn. Tuy nhiên, những kinh điển sau Pali vẫn có rất nhiều điều trung thực với lời dạy của đấng Giác Ngộ, đó là do sự thực chứng của các vị Tổ trước tác các kinh luận về sau. Như vậy, còn một yếu tồ khác nữa ngoài tính lịch sử và tình nguyên thủy của giáo pháp đó là tính giác ngộ. Kinh điển dù là nguyên thủy hay phát triển về sau thì quan trọng là có chỉ ra được "mặt trăng chân lý" hay không. Nói cách khác là qua kinh điển đó con có giác ngộ được Sự Thật hay không. Đôi lúc một lời nói sai lại giúp con thấy đúng. Vậy quan trọng không phải ở lời nói mà ở chỗ có thấy được sự thật lời nói ấy muốn chỉ hay không. Kinh điển Pali thật tuyệt vời nhưng con đừng quá lệ thuộc vào ngôn ngữ, giáo điều mà qua đó con phải khám phá ra Sự Thật. Khi đã thấy Sự Thật con sẽ biết ngay lời nào nói đúng lời nào nói sai chứ không còn quan tâm đó là kinh điển nào nữa. Chúc con thấy ra Sự Thật.
Câu hỏi:
Kính thưa sư, bên Bắc tông có kinh Vu Lan báo hiếu cha mẹ gồm hai phần, một phần kể về ngài Mục Kiền Liên xuống địa ngục tìm mẹ, một phần Đức Phật dạy hàng đệ tử về công ơn cha mẹ. Có vị Hòa Thượng pháp sư thuyết pháp nói rằng không có việc ngài Mục Kiền Liên xuống địa ngục mà do ngài nhớ những chuyện mẹ ngài đã làm nên mới xin nhờ Đức Phật dạy cách để mong hồi hướng cho mẹ. Qua đây con muốn hỏi những kinh điển mà không do Phật thuyết hay do mọi người hư cấu thêm bớt vào thì có phải là kinh không? Mọi người đọc tụng làm thế nào phân biệt được? Ngoài ra giữa kinh Nam tông và Bắc tông có nhiều khác biệt, xin sư chỉ dạy để chúng con hiểu rõ đâu đúng đâu sai để được học theo đúng lời Phật dạy. Con cảm ơn sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Kinh Vu-lan báo hiếu là do người sau soạn ra, trong đó một phần có dựa trên sự kiện có thực vào thời đức Phật, như việc Ngài Moggallana nhớ lại kiếp xưa bất hiếu với mẹ, và thấy ngạ quỷ sống đói khát đau khổ nên hỏi Phật làm thế nào để giúp cho hạng chúng sinh này thoát khỏi cảnh khổ. Đức Phật dạy đặt bát cúng dường chư Tăng để hồi hướng phước trợ duyên cho loài ngạ quỷ này được nương phước lực và tâm lực mà thoát khỏi cảnh khổ của mình. Còn những chuyện khác, như Đức Phật quỳ lạy đống xương mà khóc vì thấy đó là cha mẹ mình trong kiếp quá khứ, hoặc Ngài Mục-kiền-liên đem cơm xuống địa nguc.. cơm biến thành than v.v... là hư cấu. Người sau soạn kinh này chủ yếu là để khuyến khích lòng hiếu thảo đối với cha mẹ nên cũng tốt, nhưng muốn báo hiếu thật sự thì phải làm cho đúng pháp mới có kết quả, nếu chỉ cúng giỗ hoặc cầu nguyện không thôi thì không được lợi ích gì cả.
Câu hỏi về KInh Nam Tông và Bắc Tông hơi rộng, thầy đang viết về điều này trong Chương 10 cuốn sách Sống Trong Thực Tại (Thực tại hiện tiền 2), con nhớ đón đọc. Có một điều dễ nhận nhất là Kinh Nam Tông viết bằng tiếng Pali, và cố gắng giữ trung thực lời dạy của đức Phật. Kinh Bắc Tông viết bằng tiếng Sanskrit lâu sau đức Phật Niết-bàn, cố gắng triển khai lời dạy đức Phật cho hợp với căn cơ trình độ mọi người.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Trong Kinh Phật Giáo Nguyên Thủy, có đoạn nào Đức PHẬT BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI nói về Đức Phật A-di-đà và Đức Phật Di-lặc không? Vì mới đây trên trang web con thấy 1 vị Thầy ở nước ta cho rằng chỉ có duy nhất 1 Đức PHẬT BỔN SƯ mà thôi còn những vị kia là do hư cấu. Con đang là Phật Tử tu theo Tịnh Độ nên lòng con rất bâng khuâng, con không biết nên ngừng hay chuyển tông khác. Con sực nhớ tới Thầy. Vì chỉ có Phật Giáo Nguyên Thủy mới giữ gìn và không sửa đổi lời nói của Đức PHẬT. Xin Thầy cho con 1 lời khuyên. Chúc Thầy nhiều sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Theo Tam Tạng Kinh Điển Pāli nguyên thủy thì không có Kinh nào nói đến Phật A-di-đà cả. (Nhưng Đức Phật Thích Ca có thọ ký cho một vị tỳ kheo trong hội chúng của Ngài với lời tiên đoán là vị ấy sẽ thành Phật tương lai hiệu là Di-lặc). Kinh Di-đà xuất hiện đồng thời với sự khởi nguyên của Phật Giáo Đại Thừa, khoảng 600 năm sau Phật Niết-bàn. Kinh Di-đà có nguồn gốc bằng tiếng Sanskrit, ngôn ngữ này được người Bà-la-môn đặt ra phỏng theo ngôn ngữ Pāli hàng trăm năm sau Phật Niết-bàn, nên trong thời Đức Phật chưa có ngôn ngữ này.
Để hiểu thêm về nguồn gốc ngôn ngữ Sanskrit đạo hữu nên đọc cuốn "Pāli is the mother of Sanskrit" của Harbir Angaree (Ngôn ngữ Pāli mẹ đẻ tiếng Sanskrit, Hữu Minh dịch, trên trang phatgiaonguyenthuy.com ). Và để hiểu thêm về pháp môn niệm Phật xin đạo hữu vui lòng xem thêm cuốn " Thiền Phật Giáo: Nguyên Thủy và Phát Triển", phần đối chiếu Pháp môn niệm Phật A-di-đà với Pháp môn niệm Ân Đức Phật trong Phật Giáo Nguyên Thủy.
Câu hỏi:
Thưa thầy. Theo con thấy thì Đại Tạng Kinh Việt Nam chưa dịch hai cuốn Culla Niddesa và Maha Niddesa trong bộ Kinh Tiểu bộ. Thưa thầy, nếu thầy đã xem qua hai cuốn này xin thầy cho biết có gì quan trọng về mặt tri kiến hay pháp hành không ạ? Vì con thấy ví dụ như bộ Vô Ngại Giải Đạo được dịch sau bốn bộ Nikaya của Hòa thượng Thích Minh Châu nhưng lại rất có giá trị về pháp học cũng như pháp hành...
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Theo thầy thì lời dạy của đức Phật dù ở Kinh nào cũng có giá trị cả. Nói cụ thể hơn, mỗi lời dạy có giá trị với mỗi người có căn cơ trình độ thích hợp. Có những vị thông thuộc Tam Tạng nhưng vẫn bị đức Phật gọi "Này tỳ kheo trống rỗng kia!". Ngược lại, có vị nghe chưa hết một câu kệ đức Phật hoặc một vị Thánh Tăng dạy đã đắc Đạo Quả liền. Năm vị Kiều-Trần-Như chỉ nghe bài pháp Tứ Diệu Đế mà vẫn đắc Đạo Quả Vô Sanh, lúc đó đâu đã có Tam Tạng! Kinh Điển chỉ có mục đích giúp chúng ta thấy ra sự thật. Nếu chỉ đọc một bài kinh trong bất cứ tạng nào, bộ nào mà đã thấy ra sự thật thì cứ ngay nơi sự thật đó mà tu thì vẫn được gọi là sống thuận Pháp. Nếu con chưa thấy ra thực tánh thì cứ học hỏi Kinh Điển, nhưng không nên nói Kinh này giá trị pháp học pháp hành hơn Kinh kia, hoặc cho rằng phải học cho hết chữ nghĩa trong Kinh Điển mới tu được, nếu vậy biết bao giờ mới thấy được điều Phật muốn dạy đây? Có câu nói rằng: "Ngôn giả bất tri, tri giả bất ngôn" nghĩa là còn chấp ngôn từ thì chưa biết, biết rồi thì không còn chấp ngôn từ nữa. Kinh Điển dù hay cách mấy cũng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng thôi. Nếu quá say mê chữ nghĩa trong Kinh Điển thì chẳng khác nào mãi chiêm ngưỡng bàn tay đẹp làm sao thấy được mặt trăng!
Phật Pháp tuy vô biên nhưng chỉ có một cốt lõi thôi, ai thấy được cốt lõi đó thì dù không biết nhiều ngôn ngữ Kinh Điển vẫn suốt thông Phật Pháp. Có vị tỳ kheo học ba tháng không thuộc một bài kệ mà vẫn đắc Đạo Quả Vô Sanh, có tuệ vô ngại giải, ấy là vì vị ấy đã thấy ra cốt lõi của Pháp.Thầy chỉ từ nơi câu "Không bước tới không dừng lại Như Lai thoát khỏi bộc lưu" mà thấy Pháp. Từ đó thầy chỉ học sống không bước tới không dừng lại thôi cũng đã thấy Phật Pháp thật thâm sâu vi diệu. Cũng từ đó thầy quên ngôn ngữ Kinh Điển, chỉ sống với Pháp thôi. Nếu con cứ hỏi thầy Kinh Điển thì thầy xin chào thua rồi đó. Có vị thiền sư khi thấy Pháp đã cảm hứng nói lên bài kệ như sau: "Giáo Pháp lưu truyền tám vạn tư, học hành không thiếu cũng không dư, năm nay tính lại chừng quên hết, chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ"
Câu hỏi:
Xin Chào! Đọc xong cuốn sách "Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt" tôi rất lấy làm vui và thích vì có cuốn sách hay bên mình. Do nơi tôi mua sách chỉ có tập 1 không có các tập tiếp theo, vậy cho tôi hỏi Trung Tâm Hộ Tông là có thể chỉ cho tôi nơi mua được những cuốn sách tiếp theo. Chân thành cảm ơn nhiều. My Linh
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đạo hữu có thể liên lạc với cô Như Nguyện, phòng phát hành chùa Tổ Đình Bửu Long, điện thoại: 01228608925; hoặc anh Thanh Nguyên, nhà sách Văn Thành, điện thoại: 0908585560. Nếu đạo hữu ở Huế xin liên lạc với chùa Huyền Không, điện thoại: 0543550138. Chúc đạo hữu như ý.