loading
Hỏi Đáp Phật Pháp

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 13-10-2016

Câu hỏi:

Thưa Thầy,
Con muốn có ví dụ về cách giải quyết để tâm bằng phẳng không trụ 2 bên, không ngăn động cũng không thiên về tịnh. Ví dụ như lớp học ồn ào cô giáo dùng thước gõ lên bàn thật lớn hay đứa trẻ khóc thật lớn để nhõng nhẽo thì bà mẹ quát lớn hơn như vậy để ngăn động về tịnh thì tình huống càng xấu hơn. Vậy trong những trường hợp đó thì giải quyết ra sao? Nếu mình chỉ ngồi im để quan sát có được không Thầy, nếu bỏ mặc chúng ồn ào và khóc lóc như vậy thì lại dính vào tịnh nữa rồi.
Mong Thầy cho con ý kiến.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 13-10-2016

Câu hỏi:

Con xin đảnh lễ Thầy,
Con chỉ mới được nghe pháp Thầy gần đây nên con nhiều điều thắc mắc xin Thầy vui lòng giải đáp giúp con.
Con được thấy Thầy hướng dẫn khi làm bất cứ việc gì thì ta chỉ cần biết trọn vẹn đang làm việc đó thôi. Con chưa hiểu rõ cho lắm, cho nên con tự nghĩ cách thực hành như con đang đi con nghĩ trong đầu đang đi, con đang chạy xe nghĩ trong đầu con đang chạy xe. Nhưng khi làm vậy con lại thấy có vấn đề, vì chẳng lẽ con chạy xe 10 phút thì con cứ nghĩ trong đầu con đang chạy xe, đang chạy xe hay sao? Như vậy thì có vẻ như đó chỉ là vọng niệm không phải đúng với cái biết mà Thầy đang dạy. Con rất muốn được thực hành đúng pháp nên con xin Thầy hoan hỷ dạy cho con.
Con cảm ơn Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 12-10-2016

Câu hỏi:

Thưa Thầy, con xin được hỏi thêm về việc đánh giá một hành vi là thiện hay bất thiện ạ. Liệu có khi nào mình có tâm thiện nhưng hành động của mình lại làm tổn hại đến mình hoặc đến người không ạ? Ví dụ như người mẹ muốn giúp con mình học tốt hơn nhưng không biết cách nên vô tình khiến nó bị căng thẳng chăng hạn ạ?

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 12-10-2016

Câu hỏi:

Con xin thành kính đảnh lễ Thầy ạ!

Thầy ơi, Tính đến nay con ngồi thiền trường sinh học cũng khoảng 6 năm. Nguyên do đưa con đến với môn học này do sức khỏe không tốt, con hay bệnh lắm, học môn này thì khi bệnh chỉ cần chăm chỉ ngồi thiền là hết bệnh không cần phải uống thuốc gì cả. Tuy nhiên sự thật là có nhiều người khỏi bệnh nan y nhưng cũng có nhiều người bị tâm thần. Chính bản thân con cũng thấy rất mệt mỏi, căng thẳng chứ không có sự an ổn, nhẹ nhàng khi ngồi thiền. Từ khi có duyên lành nghe Pháp Thầy giảng, con không cố gắng gồng lên ngồi thiền cho đủ 1 giờ đồng hồ như trước nữa kia nhưng vẫn duy trì khoảng nửa tiếng mỗi ngày với ý nghĩ là thì mình cứ ngồi buông ra không mong cầu gì là được. Tuy nhiên vì con thấy sâu xa trong cái gọi là duy trì, không mong cầu nghe có vẻ "hợp pháp" ấy là cái mong muốn không bệnh, không cần uống thuốc, lo sợ lỡ nghỉ ngồi thiền mà bệnh thì phải uống thuốc... Vậy nên con quyết định nghỉ không ngồi nữa ạ.

Con đang bị cảm cúm. Nghẹt mũi không thở được. Lúc như thế thì thường nghĩ và tìm cách này cách khác như xông hơi, tập thể dục... làm sao cho hết cảm, nghẹt mũi, cứ cố hít vào mà mũi tịt lại càng thêm tịt. Ngay lúc đó con thấy như là: bản ngã đây chứ đâu. Cứ kệ đi, cơ thể vẫn có không khí bằng cách thở mồm đấy thôi, thì dần dần mũi cũng thông. Thầy ơi, bản ngã nó ở mọi lúc mọi nơi thế hả Thầy?

Ngay khi thức giấc nằm nhắm mắt con có ý tưởng hình dung sẽ viết mail trình Thầy những điều này, con cảm thấy trước mặt con một vùng bao la rộng rộng mà con vẫn thấy con thở, vẫn thấy mũi đang nghẹt, tay con vẫn để trên bụng nghe ấm ấm. Cứ để im vậy thì cái vùng rộng rộng ấy có lúc tiến lại gần hơn mặt con hơn, có lúc lại tiến ra xa. Một lát sau thì hết. Đó là gì vậy hả Thầy?

Kính Thầy. Chúc Thầy cùng các Sư, Ni sức khỏe, an lạc ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 12-10-2016

Câu hỏi:

Con kính bạch Thầy!
Con xin thành kính tri ân Thầy. Nhờ ơn Thầy, cha con đã qua được cơn nguy kịch rồi, tuy còn rất yếu.
Con biết ơn Thầy vô cùng! Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Thầy vẫn dành thời gian giúp đỡ con. Con rất cảm động trước lòng từ bi, sự chu đáo của Thầy trong mọi việc dù lớn, dù nhỏ. Điều đó tiếp thêm nghị lực cho chúng con trong đời sống và trong tu học.
Một lần nữa con xin thành kính tri ân Thầy. Con kính chúc Thầy nhiều sức khỏe.
Con kính thư. (Vài ngày trước con có gửi thư cám ơn Thầy nhưng nghĩ có thể Thầy chưa đọc nên con gửi lại ở đây).

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 12-10-2016

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy,

Con rất cám ơn và nghe rất nhiều bài giảng của Thầy trên youtube. Kính mong Thầy cho con một lời khuyên.

Con lập gia đình và đã có hai con trai 9 tuổi và 3 tuổi, hai vợ chồng con đều có việc làm ổn định và có một căn nhà nhỏ, cuộc sống tuy không giàu có nhưng tương đối tạm đầy đủ so với những người khác thiếu may mắn. Vợ con lúc nào cũng muốn làm giàu và mượn tiền ngân hàng mua thêm nhà cửa cho thuê kiếm tiền. Con có khuyên vợ con là đừng chạy theo đồng tiền nhiều quá, đôi khi mình tưởng sẽ hạnh phúc khi có nhiều tiền, nhưng thật ra sẽ khổ hơn. Hạnh phúc hay không là ở mình. Con có nói với vợ con là cuộc sống như vậy con đã hạnh phúc lắm rồi khi thấy con cái khỏe mạnh, việc làm ổn định. Vợ con nói là con không biết lo cho tương lai, và chỉ biết sống an phận, không biết phấn đấu. Lúc nào cũng chỉ lo tu, ở đời ai mà không muốn có nhiều tiền. Thế là hai vợ chồng cãi vã bất đồng thường xuyên. Con rất khổ tâm và chỉ biết làm thinh để con cái không thấy cha mẹ gây gổ. Con chỉ nguyện cầu cho vợ con một ngày nào đó tỉnh thức.

Kính mong Thầy cho con một lời khuyên giải thích với vợ con thế nào?
Con cám ơn Thầy và chúc Thầy bình an khỏe mạnh.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 12-10-2016

Câu hỏi:

Thưa Thầy,
Con xin phép trở lại với câu hỏi của con vài ngày trước về mong muốn của bản ngã và có đánh số 1, 2, 3, 4 các dẫn chứng mà Thầy có bảo lần sau con hỏi mỗi lần chỉ một câu thôi. Hôm nay Thầy cho con hỏi một lần nữa về sự muốn và chỉ lần này nữa thôi.

Một ngày 24 tiếng cũng khó nếu không đặt câu với từ muốn, cho dù là to want, to need, to wish, to hope, to demand…
Ví dụ như con kiểm soát được những mong muốn thuộc dạng biết đủ của con, thì con vẫn phải tương tác với rất nhiều mong muốn của người xung quanh: đi học thì có của thầy cô, bạn bè; đi làm thì có của sếp trên, đồng nghiệp; và mong muốn của những người trong gia đình có tần suất dày đặc không kém.

Nhà chồng con muốn một cái nhà rộng, to. Con đã thấy khổ.
Họ lại muốn bên trong bên ngoài bên trên bên dưới ngóc ngách chỗ nào cũng phải sạch như li như lau. Lại thêm khổ.
Kiếm được người giúp việc đã khó, không cho họ lau nhà bằng cây mà bắt ngồi lau bằng giẻ lại càng thêm khó. Làm được ít bữa họ nghỉ, lại càng thêm khổ.

Nếu con không cộng hưởng với cái khổ của mọi người mà chống khổ thì con tự cô lập.
Và vì con chống lại cái muốn của mọi người một cách thiếu nghệ thuật, thiếu sáng suốt nên con đã thật sự cô lập.

Nhiều người bảo con hư, con chấp nhận mình hư. Họ cũng bảo con sai rồi, con cũng biết mình sai. Nhưng giờ bảo con làm lại khác đi thì con không thể và cũng không muốn, như thuyền đã đi xuôi dòng, không thể tự vận động ngược lại, trừ khi phải gắn máy vào.

Nếu con cố gắng sống như một vai diễn trên sân khấu, cố hòa đồng, cố ngoan, thì phải cố muốn, thoải mái với các kiểu mong muốn, cho vui người vui mình.

Con thấy cái gì đó sai sai, và lẩn quẩn như con kiến leo cành cụt, leo ra leo vào.
Cụ thể do chống muốn nên con đã không là một người con hiếu lễ, một người vợ đủ nghĩa, một người mẹ gương mẫu.
Con chỉ biết chiều chuộng bản năng chống lại cái muốn của riêng mình, chỉ còn lại cái tôi, trong khi cái tôi không tồn tại độc lập.
Con mong nhìn thấy cái sai thật của mình để vững bước đi tiếp con đường còn lại, dù ngắn hay dài.
Kính thư.
(PS: con tưởng chừng như con được đọc tiếp quyển Thư Thầy Trò và con rất là trân trọng)

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 12-10-2016

Câu hỏi:

Thưa Thầy,
Khi chánh niệm tỉnh giác, thận trọng chú tâm quan sát trong mỗi hành động, trước mỗi hành động khởi sanh thì "ý muốn" trong tâm xuất hiện trước rồi mới đến hành động xảy ra, vậy phải biết ý muốn trong tâm trước rồi mới biết hành động theo sau đang xảy ra phải không ạ? Nhiều lúc hành động với phản xạ tự nhiên hay có những hành động tuy ta gọi là vô tâm vô ý nhưng thật ra ý xảy ra rất nhanh mà ta không nắm bắt được thì phải làm sao ạ?
Con thực hành chánh niệm tỉnh giác, thận trọng chú tâm quan sát còn yếu quá thầy ạ, có lúc do ngoại cảnh chi phối khiến con quên, có lúc do tâm sân khiến con không làm chủ được, có phải do nghiệp con còn dày phải không thưa Thầy? Con phải làm sao ạ?
Con cảm ơn Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 12-10-2016

Câu hỏi:

Thưa Thầy, con lâu nay vẫn theo dõi trang mạng của Huyền Không Sơn Thượng, nhiều khi con thấy có những bài thơ, ví dụ như:

"ta gánh sầu thu lên vai gầy tu sĩ
"nghe nỗi buồn rớt giọt giữa trang kinh
"thiên thâu đó mãi vo tròn hạt lệ
"ta bước qua, ngôn ngữ rụng vô tình
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

Con xin hỏi: như lời Phật dạy, "thấy cảnh, tâm không động". Với những bài thơ như vậy, phải chăng là có sự đối cảnh sinh tình không ạ? Và thầy có ngại rằng hàng Phật tử chúng con khi đọc thì có bị huyễn hoặc theo không ạ? Xin Thầy thứ cho những ý con đã có như vậy, và mong được Thầy giải đáp a, con đang mong đợi.

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 12-10-2016

Câu hỏi:

Thưa Thầy, nhân nghe lại bài giảng chủ nhật vừa rồi, các bạn hỏi lại về nhiệt tâm, cần mẫn, về định... nên con có dành thời gian thoải mái, tĩnh lặng thấy biết sự thở. Sau khi xong, con nghiệm ghi lại bài học thế này ạ, con xin trình pháp:

Sự thở vốn nhiệt tâm, cần mẫn, đều đặn không ngừng, không cần động lực, người hối thúc hay truyền cảm hứng, không dựa vào ai, không cần mong chờ ai giúp đỡ. Sự thở tự mình là điểm tựa vận hành của mình, không bị và không ảnh hưởng, dính mắc trực tiếp lên ai, chỉ có mối tương giao với các pháp (các bộ phận khác trong cơ thể) đang vận hành. Sự thở tĩnh lặng, vô ngại, có lúc khỏe lúc không, lúc thế này thế khác nhưng bản thân không xao động, không lo sợ, không cô độc và tìm sự che chở. Sự thở dù có thay đổi nhưng bản chất khí vẫn có đó. Sự thở không quay đầu tìm sự thở trước đó, không cố nắm giữ sự thở hiện tại, hay mau chóng muốn đến sự thở tương lai. Sự thở giống như 1 người bạn nhưng bền lâu, ở bên trong, có sẵn trong ta, không có tham sân si.

Trong cuộc sống, ta nên nhớ và lấy sự thở làm gương những khi thiếu nghiêm túc, nhiệt thành, cô độc, nuối tiếc sự chở che, muốn tìm cầu sự chở che khác, tham cầu, sân giận, nản, buồn chán, không nhớ dục tín tấn, không nhớ tin vào pháp tự vận hành theo luật tự nhiên.

Con xin cảm ơn Thầy ạ. Con cũng thắc mắc là:

1. Khi con ngồi rỗng lặng trong sáng cảm nhận sự thở, ý tưởng gì hay ho đến thì con biết nó đến, chứ không cố nhớ thì đây có phải là cách trải nghiệm, trực nhận chánh kiến và chánh tư duy bằng sự thở không?

2. Con làm vậy có bị lọt vào "thiền tưởng" gì không ạ?

Xem Câu Trả Lời »