loading
Hỏi Đáp Phật Pháp

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 08-10-2016

Câu hỏi:

Bạch Thầy,
Nhờ có bài kệ của thầy có câu "Về chiêm ngoạn chính mình", thầy có giảng có ý thưởng thức ở trong đó. Con trước hay bị rơi vào trạng thái hôn trầm thụy miên, tức là hay chán chán không muốn gặp ai làm gì. Nhưng tự nhiên hôm nay con tự trở về chiêm ngoạn từ những cái nhỏ nhất trong đời sống tự nhiên con thấy khác hẳn ạ. Dạ con thấy thực sự hay là chiêm ngoạn chứ không phải hỷ lạc... sẽ tạo nên tham. Con cảm ơn Thầy rất nhiều.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 08-10-2016

Câu hỏi:

Thưa Thầy,
Con gặp khó khăn trong việc giữ gìn khẩu nghiệp. Mặc dù con liên tục nhắc nhở mình phải tỉnh thức mỗi khi nói, nhưng có rất nhiều lúc tập khí cứ kéo con đi, đến nỗi có những lúc con biết mình đang sân, đang si, đang nói những điều không nên hay không cần thiết phải nói - mà không sao dừng được.

Thậm chí có những lúc con nói ra trước cả khi con kịp cân nhắc. Cứ như một thứ thói quen trong đầu, nghe thấy là lập tức phản ứng. Hoặc là ý nghĩ vừa nảy sinh là lập tức nó biến thành từ ngữ và tuôn ra khỏi miệng.

Mỗi ngày con đều có những hối hận vì đã nói nhiều hơn điều cần nói.
Con phải làm sao bây giờ? Thầy chỉ dạy cho con với ạ.
Con cảm ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 07-10-2016

Câu hỏi:

Thưa Thầy,

Con xin lỗi vì bài này hơi dài. Nó diễn tả quá trình tâm của con từ lúc bất ổn đến lúc tự động an trong mối quan hệ đã hết nhân duyên với bạn con. Xin Thầy xem con đi có đúng hướng không ạ.

Con và một người bạn từng quý nhau nhiều, nhưng sau có bất hoà. Trước khi đi xa nhau, con đã xin lỗi bạn ấy. Sau đó con có vài lần nhắn tin thăm hỏi, nhưng bạn ấy không trả lời. Con biết là nhân duyên đã hết.

Gần đây, trong một cuộc họp mặt, con có gặp lại bạn ấy. Bạn ấy không hề chủ động quan tâm đến con, con nghĩ bạn ấy đã dứt khoát và tâm bạn ấy không có gì lấn cấn. Con cũng biết mình nên cho mọi việc qua đi cùng cách như thế, nhưng tâm con lúc đó lại rất gượng gạo và hơi xúc động, khiến con không muốn và không dám nhìn về hướng đám bạn có mặt bạn ấy. Con bèn nhắc mình nên chánh niệm, rằng thay vì để tạp niệm, luyến tiếc, ảo vọng chen vào, thì mình nên trọn vẹn với hiện tại, với mọi người. Rồi con nhắc tiếp mình về vô ngã - xem mọi người là bình đẳng, về luật nhân duyên nhân quả tự nhiên, vô thường - cái gì đã qua thì chấp nhận. Nhắc là nhắc thế, chứ tâm con vẫn gượng gạo.

Trong lúc con vẫn đang loay hoay với tâm mình để ứng dụng việc hành trì, hoặc thôi cứ quan sát biết nó đang bị như vậy, thì bất chợt con nhớ đến tứ vô lượng tâm. Con nghĩ đến tâm từ, rằng lý ra con không nên quan trọng hoá cảm xúc buồn của mình, mà nên trải tâm từ âm thầm mong bạn ấy luôn vui và thành công, vì bây giờ chúng con không còn trực tiếp ở bên cạnh giúp gì được cho nhau như xưa nữa. Con nghĩ tiếp, con cũng nên trải tâm hỷ, vì con thấy bạn ấy đang nói chuyện rất vui vẻ với một người bạn khác, mà khi xưa hai người này đã từng có thời gian dài không nói gì đến nhau. 

Trong lúc con âm thầm trải tâm từ và tâm hỷ một cách hài hoà, vô tư thì con bỗng dưng thấy tâm mình rất an, có thể nhìn về hướng có bạn ấy một cách từ từ, chung chung mà không còn cảm thấy phải gồng mình chiến đấu với sự dính mắc để mong được bình thường tâm nữa. Khi tâm an một cách tự nhiên tràn đầy tâm từ và hỷ, thì con cũng lờ mờ cảm nhận hình như sự dính mắc, buồn bã chỉ là trò đùa của cái tôi chứ nó cũng chẳng có thật đâu để mà dẹp.

Trên đường về, con tận dụng nghĩ sâu hơn về trải nghiệm này (vì con sợ về đến nhà sẽ quên tuốt mất) thì cảm nghiệm được trong bài giảng nào đó của thầy, có nói về một quy trình mà nếu giải thích trong trường hợp của con sẽ là, ban đầu buồn nhưng không nhận ra do mình đang dính mắc. Kế đó, nhận ra được sự dính mắc của bản ngã, nhưng vẫn chưa hết buồn, vì vẫn còn phải dùng ý chí của bản ngã để chiến đấu với bản ngã. Cuối cùng, nhận ra chính sự dính mắc là trò lừa của bản ngã, vì dính mắc không có thật, nên chỉ cần thấy ra sự không thật đó, thì tâm tự động bình thường. Chưa bao giờ con cảm nhận được lời đó của Thầy (nếu con nhớ đúng) rõ ràng như thế.

Con tự động đi hướng như vậy có ổn không thầy? Hay là cái bản ngã của con nó lại lừa gì con? Con thấy nó gian xảo kinh khủng lắm Thầy.
Con xin cảm ơn Thầy rất nhiều!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 07-10-2016

Câu hỏi:

Dạ kính bạch Thầy, con thấy là cứ tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác đi rồi tính gì thì tính. Cứ vậy đi rồi đọc Tứ Diệu Đế, Bát Thánh Đạo, rồi 10 điều này, 62 điều nọ,... có đúng không Thầy? Chứ nhiều lúc đọc rồi phóng tâm lạc giữa rừng lý thuyết cái này đúng cái kia sai, cái kia được nhưng chưa thật sự là đích đến cuối không biết có kết quả gì không lại còn chóng mặt hơn nữa. Do vậy nên cứ tinh tấn chánh niệm tỉnh giác rồi tính gì thì tính phải không Thầy, là gần như đã đủ phải không Thầy?

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 07-10-2016

Câu hỏi:

Con kính chào Thầy. Con xin Thầy hoan hỷ trả lời cho con về Ngài Bồ Đề Đạt Ma ngồi quay mặt vào vách núi 9 năm là sao ạ? Con xin cám ơn Thầy.

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-10-2016

Câu hỏi:

Con xin đảnh lễ Thầy.
Con khoảng một tháng nay đã được nghe nhiều bài pháp của Thầy giúp con nhận ra nhiều điều. Bao lâu nay con cứ nghĩ mình đọc nhiều, nghiên cứu nhiều kinh Phật là cách giúp hoàn thiện bản thân. Nhưng qua bao nhiêu năm, con vẫn cảm thấy bản thân mình không khắc phục được các tập khí của mình và vẫn luôn cảm thấy mình có nhiều tính cách không tốt mà không thay đổi được. Nay nhờ các bài pháp của Thầy con đã quán sát tâm của mình và nhận ra tất cả vấn đề của con đều là do bản ngã của con quá lớn dẫn đến những tính cách không tốt hiện tại con đang mang. Nay con mong được Thầy hướng dẫn con, khi đã nhận ra như vậy thì bước tiếp theo con cần làm gì để có thể từ từ giảm bản ngã của bản thân để trở về với tự tánh chân thật.
Con mong Thầy hoan hỉ hướng dẫn con.
Xin cảm ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-10-2016

Câu hỏi:

Con chào thầy ạ!
Thầy hoan hỷ giải đáp giúp con với: bản chất của bùa chú, ngải... là gì, sao nó lại có thể điều khiển người khác trong trạng thái vô thức ạ? Có cách nào để phòng tránh nó không? Con đang hoang mang khi thấy xung quanh mình nhiều người bị mắc phải bùa ngải và bị chiếm đoạt tài sản.
Con cám ơn thầy ạ. Kính chúc thầy luôn an lạc!

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-10-2016

Câu hỏi:

CON ĐANG Ở SUỐI THÔNG, ĐƠN DƯƠNG GẦN PHI NÔM, THẦY CHO CON HỎI ĐƯỜNG HAY LIÊN LẠC CỦA NGƯỜI NÀO CÓ THỂ HƯỚNG DẪN ĐƯỜNG LÊN CHÙA ĐỊNH QUANG PHI NÔM.
CON CẢM ƠN THẦY.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-10-2016

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ Thầy.

Thưa thầy con xin trình pháp:
Nguyên lý để giữ được thăng bằng trong đời sống đó là trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại. Muốn trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thì phải thấy ra những nguyên nhân đánh mất thực tại. Nguyên nhân đánh mất thực tại là do quá khứ chi phối, tương lại chi phối và đặc biệt là bên ngoài chi phối. Chỉ cần thấy ra chứ không cần tìm kiếm, không cần rèn luyện để đạt được. Vì khi thấy ra pháp ảo cũng sẽ đồng thời thấy ra pháp thực và tất yếu là sẽ sống với cái thực. Như vậy cốt lõi của vấn đề là phát huy cái thấy, cái thấy là thấy biết pháp chứ không phải chỉ là mắt thấy. Thiền tứ niệm xứ giúp mỗi người phát huy cái thấy, chính xác là tánh biết thấy pháp. Thiền tứ niệm xứ bao gồm: niệm thân, thọ, tâm, pháp.

Tuy nhiên thân, thọ, tâm, pháp chỉ là khái niệm tục đế. Không thể tách ra để niệm, theo từng mức độ mà niệm thân hay thọ hay tâm hay pháp là tùy duyên. Nói chính xác là không niệm gì cả. Mà là tánh biết tự thấy, tự ứng. ví dụ: khi đi trọn vẹn với cái đi, khi đau trọn vẹn với cái đau, khi sân thì biết nguyên nhân đưa đến sân, sân sinh lên rồi diệt đi. Như vậy niệm thân, thọ, tâm, pháp chính là thường biết mình, biết mình trong tất cả các hoạt động đời sống. Thường biết mình chính là trọn vẹn tỉnh thức với thực tại. Thực tại thì luôn biến động nhưng trên mỗi tình trạng của thực tại thì tánh biết vẫn luôn trọn vẹn tỉnh thức với thực tại đó (Thời – vị - tính), ví dụ: khi ngồi thì biết ngồi thì đó là niệm thân nhưng thực ra không ai niệm theo kiểu ta biết thân ta đang ngồi và ta đang niệm thân. Mà chỉ đơn giản là tâm trọn vẹn tỉnh thức với thân đang ngồi và tất yếu là tâm sẽ tự động cảm nhận được các tình trạng của thân như: dễ chịu, đau mõi… khi không có khoảng cách giữa thân và tâm thì tâm sẽ trọn vẹn tỉnh thức trên tâm như là một thực thể thống nhất. Như vậy chỉ cần loại trừ đi cái niệm sai lầm là được, vi dụ:

1. Khi đã biết thân, thọ, tâm, pháp thì bỏ khái niệm thân thọ tâm pháp đi. Như vậy khi tiếp ứng không cần phải khái niệm hóa đây là thân, đây là thọ, đây là tâm, đây là trói buộc.

2. Không cần phân tích tìm hiểu thân, thọ, tâm, pháp vì đó là lý trí bản ngã cản trở tánh biết thấy pháp.

3. Bỏ đi cái ta tu tập, cái ta thấy pháp, cái khả năng trí tuệ của ta thấy được pháp đang vận hành.

Loại trừ đi những sai lầm chính là tiến trình giản dị lại, giản dị đến không là gì cả tức là loại luôn cả cái ta là gì cả thì chỉ còn lại tánh biết thấy pháp. Pháp là gì thì tánh biết sẽ tự thấy pháp ấy như vậy chứ không cần phải lập trình (ta niệm thân, ta niệm thọ…). Chỉ có bản ngã mới lập trình. Ví dụ: khi ăn thì cái ăn là nổi trội thì tánh biết sẽ trọn vẹn tỉnh thức với cái ăn ở mức độ nổi trội hơn. Hoạt động trọn vẹn tỉnh thức này là hoạt động tự nhiên của tánh biết, mà tánh biết là pháp nên đây cũng là hoạt động tự nhiên của pháp chứ không phải của ai cả. Chỉ cần buông ra những cái ngăn trở (niệm sai lầm) thì tánh biết sẽ tự động trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại. Còn thực tại là cái gì thì tánh biết cũng sẽ tự động trọn vẹn tỉnh thức trên cái ấy (pháp ấy), chứ không có cái ta nỗ lực trọn vẹn tĩnh thức trong thân thọ tâm pháp. (lập trình).

Con thành kính tri ân Thầy đã khai thị và đọc trình pháp của con. Con chúc Thầy luôn mạnh khỏe.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-10-2016

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy!
Con xin nhờ Thầy giải đáp giúp con. Con không hiểu sao con ngồi thiền thì con hay bị đau chân và có tâm lí không muốn ngồi. Nhưng khi con ngồi yên lặng quan sát mọi thứ thì thấy mọi việc trôi qua trước mắt con lúc này tâm rất tĩnh lặng, nhìn mọi cảnh vật bao la rộng lớn và con rất thích ngồi như thế. Vậy liệu có phải tâm con đang có sự lựa chọn hay không? Con làm như vậy là đúng hay sai? Con mong Thầy giải đáp thắc mắc giúp con. Con cảm ơn Thầy và chúc Thầy nhiều sức khỏe!

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »