Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, <p>
Cho con hỏi về câu "Người không phân biệt chủ quan vị kỷ là người phân biệt minh bạch nhất." "Không phân biệt chủ quan vị kỷ" là Thể của Đạo, còn "phân biệt minh bạch nhất" là Dụng của Đạo phải không Thầy? <p>
Con xin tri ân Thầy và mong được sự chỉ dạy của Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con hiểu vậy cũng đúng. Tuy nhiên không phân biệt vị kỷ cũng có hai nguyên nhân: Một là không còn bản ngã thì đó là không phân biệt trong thực tánh. Hai là còn bản ngã thì không phân biệt trong khái niệm. Không phân biệt thứ nhất mới là thể tánh của Đạo, không phân biệt thứ hai vẫn là tướng dụng thôi. Phân biệt minh bạch cũng vậy, có minh bạch của lý trí và minh bạch của trí tuệ. Minh bạch của trí tuệ cũng là thể tánh của đạo, còn minh bạch của lý trí mới là tướng dụng trong tục đế.
Câu hỏi:
Thầy du hóa trong chiều rơi lặng lẽ,<p>
Phi trường ơi! Bao kẻ giấu niềm đau! <p>
Buồn hay vui cùng một nghĩa như nhau,<p>
Đi hay đến vẫn một màu nguyên thủy.<p>
Con đứng lại lòng bặt tăm ý nghĩ, <p>
Cổng ngoài kia lồng lộng chiếc Hoàng Y.<p>
Không - Thời gian làm nên cuộc chia ly,<p>
Tâm phiêu lãng khóc phân kỳ ảo mộng. <p>
Nắng vàng ôm từng bước chân đồng vọng, <p>
Thầy mênh mông giữa trời đất mênh mông.<p>
Phụng Hoàng bay còn rớt lại giọt KHÔNG,<p>
Cho sông suối xuôi dòng chung biển cả. <p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bước vân du biết nơi nào dừng lại
Gieo duyên rồi Chân Tính tự khai hoa
Không - Thời gian nào cũng phải nhạt nhoà
Nơi Tính Giác vẫn muôn đời Bất Tử.
Thế gian ơi, đời vẫn là cuộc lữ
Bước đi - về như huyễn cũng như chân
Thấy Niết-bàn trong sinh tử phù vân
Ai ngờ được bờ mê là Bến Giác!
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! <p>
Con là một Phật tử nhưng chưa tìm được thầy để quy Tam Bảo! Bạch thầy, con có một câu hỏi muốn tham vấn thầy! <p>
Số là con có học về tư tưởng và văn hóa phương Tây. Văn hóa phương Tây rất coi trọng tư duy cá nhân, độc lập tư duy. Nhưng khi con học về Đạo Phật thì thấy trong kinh điển và tư tưởng nói về sự vô ngã. Sự độc lập tư duy là nguồn gốc của khoa học hiện đại. Đặc biệt cái tôi cái nhân là nhân tố quyết định trong tư duy của kinh tế học, mỗi con người là Robinson trong cuộc sống. Hai cái nhìn Đông Tây khác nhau nhưng cuộc sống là một phải không thầy? Chính vì sự mâu thuẫn này mà người Anh truyền đạo cho con luôn nói rằng: "Chú lăng xăng quá!" Có phải đây đơn giản là góc nhìn Đông Tây - khoa học và tôn giáo - con không nên tìm cách thống nhất làm gì? Nhưng cuộc đời là một phải không thầy? Mong thầy khai mở cho con! <p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mâu thuẫn chỉ là hiện tượng bề ngoài, trong tận cùng của thể tánh thì vẫn không khác. Không phải là tìm cách đồng hoá hai hiện tượng mà là thấy ra hai mặt khác nhau trong một hiện tượng vẫn là bất nhị. Oxy và Hydro là hai chất khác nhau nhưng hợp lại thì duy nhất chỉ có nước mà thôi. Đông và Tây, khoa học và tôn giáo tuy hai mà một, giống như đồng tiền tuy hai mặt nhưng chỉ một đồng tiền thôi. Tách ra là phiến diện, hợp lại mới là toàn diện.
Tại con chỉ mới nghiên cứu bề ngoài nên thấy vậy chứ bản chất đâu có khác. Hơn nữa tôn giáo Đông phương không hẳn là Đạo Phật. Đạo Phật có cái nhìn toàn diện chứ không phiến diện như tư tưởng Đông Tây, hay khoa học và tôn giáo. Lý vô ngã rất thâm sâu không như con nghĩ là mâu thuẫn với cái tôi tư tưởng độc lập của phương Tây.
Con hãy nghiên cứu và chiêm nghiệm thật rõ để thấy ra cái thực trước khi kết luận giống hay khác, hoặc ai đúng ai sai. Nếu con có đầu óc khoa học thì nên thực nghiệm, không nên suy luận theo giả thuyết, hay y cứ vào lý giải của thầy.
Có hai cái "tôi": Tôi như là cá thể (individual) gồm những cá tính tất yếu ở mỗi người. Và "tôi" như là cá nhân (personal) do tưởng tượng tạo ra. Vô ngã là không có cái tôi ảo tưởng tự dựng lên cho mình chứ không phải không có yếu tính của một cá thể độc lập. Nếu tư tưởng xuất phát từ cái tôi ảo tưởng thì chỉ là vọng tưởng. Nhưng nếu tư tưởng xuất phát từ trải nghiệm thực (tri kiến thực nghiệm) của mỗi cá thể thì mới đáng tôn trọng. Thực ra hầu hết tư tưởng đều không độc lập, nó vay mượn từ những kiến thức hay thông tin bên ngoài (của người khác, của truyền thống, của hệ tư tưởng đã có sẵn) rồi nhào nặn lại mà tưởng là tư tưởng độc lập của mình, nhưng nó chỉ là tư tưởng củ rích và vá víu mà thôi. Tư tưởng chân chính mà Đạo Phật gọi là chánh tư duy của mỗi người thì hoàn toàn tôn trọng, nhưng tư duy lầm lạc của cái tôi ảo tưởng thì dù độc lập cũng chỉ là rác rưởi. Ngay cái tôi cá thể tuy độc lập nhưng cũng không có gì độc đáo bởi vì tính chất của sự thật thì muôn đời đời vẫn vậy. Ví như hai cây xoài tuy độc lập nhưng thực tế tính chất vẫn như nhau. Vì vạn pháp có tính chất chung nên rốt ráo mà nói thì vẫn không thật có cái tôi đơn lẻ. Vậy thực tế, suy cho cùng, có cái gọi là tư tưởng độc lập không?
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, <p>
Khi bố thí, cúng dường, cung kính, đảnh lễ đến các bậc xuất gia, tâm con hoàn toàn tĩnh lặng, không hoan hỷ, cũng không mong cầu phước. Thường quan sát hoạt động của tâm, nên bằng sự trực nhận thấy biết, con thấy có những vị thực hành không đúng Pháp, sai giới luật như khoe khoang sự tu tập chứng đắc của mình, nói dối, tu để tăng trưởng bản ngã, v.v… thì con lại không muốn cúng dường, đảnh lễ những vị này. Con muốn hỏi là: <p>
1. Không biết con như thế có phải con đang thực hành Pháp với tâm phân biệt hay không?
2. Khi hồi hướng cho thân nhân, con chỉ hướng tâm đến những người đó. Con ít khi đọc lời kinh to lên, vì khi đọc kinh, con thấy mình đọc theo hội chúng như máy móc, còn tâm thì hoàn toàn bị phân tán nên con không đọc theo. Như thế có đúng không ạ. <p>
Kính xin Thầy chỉ dạy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Có hai loại phân biệt: Phân biệt theo nghĩa cố chấp một bên của một thực thể hai mặt, và phân biệt theo nghĩa thấy rõ hai mặt của một thực thể nhưng không chấp một chiều.
Cái phân biệt thứ nhất hàm nghĩa chấp trước một chiều, gọi là phân biệt nhị nguyên, còn cái phân biệt thứ hai là phân biệt rõ ràng hai mặt nhưng không chấp bên nào mà có cái nhìn như thị hay bất nhị. Nếu con chỉ thấy mặt xấu mà không thấy mặt tốt của vị Tăng ấy thì con phân biệt nhị nguyên. Nếu con thấy cả mặt xấu lẫn mặt tốt của vị Tăng ấy mà không chấp trước, vẫn có tâm từ thì đó là tâm vô phân biệt, là cái nhìn bất nhị thấy pháp như pháp đang là.
2) Con hồi hướng như vậy là đúng.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, nghe đĩa Thầy giảng tại chùa Pháp Luân Huế có nói: Đức Phật tiếp xúc với người ngoại đạo. Ngài hỏi: <p>
"Thầy ngươi dạy gì?" <p>
"Bạch Đức Cồ Đàm, Thầy con dạy phải thường biết. Thế Đức Cồ Đàm dạy gì?" <p>
Đức Phật trả lời: "Như Lai cũng dạy biết, nhưng không cần lúc nào cũng phải biết". <p>
Lúc đó trong buổi trà đạo buổi sáng ở chùa Bửu Long, sư NT có nói: "Có thể Đức Phật nói về cái biết Paramattha". <p>
Bạch Thầy, con hiểu ý sư nhưng Thầy có thể cho con một ví dụ để rõ hơn được không ạ. Xin Thầy từ bi giảng giải cho chúng con biết. Con kính cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cái biết mà đạo sĩ nói là cái biết ý thức của bản ngã, cái biết của "tôi tư duy nên tôi hiện hữu", nó có sinh có diệt theo đối tượng, nên bản ngã luôn muốn duy trì nó thường xuyên thì mới không mất cái tôi hiện hữu. Còn cái biết mà Đức Phật nói là tánh biết của tâm vốn không sinh diệt và vô ngã nên không cần phải duy trì. Sự đến thì ứng ra biết ngay, sự đi thì nó trở về không, dù ứng ra tướng dụng hay trở về tánh không thì nó vẫn không sinh không diệt. Ý thức giống như sóng, tánh biết giống như nước. Sóng có sinh diệt tuỳ duyên tác động bên ngoài, nhưng tánh nước thì không thay đổi.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, <p>
Con có một người bạn, hiện anh ấy sống một mình, đã ly hôn vì người vợ yêu người khác, 2 người con đang bước vào tuổi trưởng thành ở cùng với vợ anh ấy. Anh ấy là người cha rất đỗi yêu thương con, dù cách xa về địa lý nhưng vẫn quan tâm đến chúng. Nhưng hai người con này càng lớn lên càng không hề quan tâm đến cha, còn có những lời nói, hành động làm anh ấy rất đau lòng. Mỗi lần như vậy, sức khỏe anh ấy lại bị ảnh hưởng, nhẹ thì phải uống thuốc nhiều hơn, nặng thì cấp cứu ở bệnh viện. Nhiều lúc quá đau khổ, anh ấy có ý định sẽ không quan tâm gì đến chúng nữa, nhưng lại thấy không thể làm được như vậy vì các con là ruột thịt của anh ấy trên đời. <p>
Xin thầy cho con hỏi anh ấy phải làm sao để thoát khỏi sự đau khổ này? Con kính cảm ơn thầy, mong thầy luôn mạnh khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu anh ấy thâm nhập Phật pháp thì sẽ tự điều chỉnh thái độ tâm lý của mình dễ dàng, còn nếu anh ấy sống với những tư tưởng đầy dính mắc trong mối quan hệ gia đình, những quan niệm đạo đức khuôn sáo, hoặc lòng tự ái của người chồng người cha trong địa vị gia đình quá cao, thì bị tổn thương và đau khổ là lẽ đương nhiên. Vậy muốn không đau khổ thì anh ta cần điều chỉnh thái độ tâm lý trong nhận thức và hành vi của mình, biết tính chất giả tạm của những mối quan hệ, biết bản chất của cuộc sống là vô thường, khổ, vô ngã, biết yêu thương chính mình, biết trở về với chính mình... là được thôi. Nếu được, con đề nghị anh ấy nên nghe pháp thoại trong trang web này để thay đổi quan niệm sống thì sẽ tự hoá giải những khổ đau tâm lý đang trói buộc đời anh.
Câu hỏi:
Thầy ơi, cho con biết có trang web nào dạy tiếng Pali không. Con cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con có thể vào những trang này để tham khảo:
http://minhhanhdp.brinkster.net/access_to_insight/LearningThePaliLanguage.htm
http://bsphamdoan.wordpress.com/2012/08/06/hoc-pali/
http://www.thuvienphatgiao.com/buddhistbook/detail/book-74/P%C4%81li-can-ban.html
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, <p>
Như vậy con xin được hỏi thêm Thầy là con nên làm thế nào thì mới thận trọng chú tâm quan sát ngay lúc các tâm sinh diệt ạ? Con không rõ là do con chưa tu tập đúng cách hay là con chưa thật sự hiểu đúng ý nghĩa của việc thận trọng chú tâm quan sát, nhưng con chỉ thấy rằng con thường không tự kiểm soát được mình. <p>
Cụ thể là lúc bình thường thì không có gì, nhưng mỗi khi con gặp phải một cảm xúc mạnh nào đó thì thường con như bị u mê hẳn đi mất một đoạn thời gian, đến tận lúc cảm xúc ấy tự nó qua đi thì con mới "tỉnh" lại được. <p>
Vậy con xin hỏi là con cần có phương pháp nào, hay là đọc sách nghe pháp thoại nào thì mới có thể thận trọng chú tâm quan sát một cách đúng đắn ạ? <p>
Con xin cảm ơn thầy và chúc thầy luôn mạnh khỏe ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tánh biết của tâm tự nó có thể ứng ra để tiếp xử đối tượng hay thích nghi hoàn cảnh:
1) Khi con có nhu cầu làm một việc gì thì tánh biết sẽ tự thận trọng chú tâm quan sát để làm việc đó. Thí dụ con cần rót nước sôi vào bình thuỷ thì tự động thận trọng chú tâm quan sát một cách tự nhiên. Hoặc khi con nghe ai gọi thì tự động thận trọng chú tâm lắng nghe. Đối với mũi, lưỡi, thân cũng vậy, khi ngửi, nếm, sờ chạm vào vật gì thì tự có thận trọng chú tâm ứng ra. Đó không phải là ý thức của cái ngã lý trí tò mò, suy đoán, phán xét, tìm cầu hay giải quyết điều gì.
2) Đối với ý, khi con cảm xúc, suy nghĩ, tưởng tượng, hồi tưởng v.v... thì ý thức hướng theo nắm bắt những đối tượng của nó mà quên chính mình, lúc đó ý thức chỉ biết đối tượng chứ không biết mình, nghĩa là chính mình thì để chìm trong vô thức. Tuy nhiên, khi đó tánh biết vẫn lặng lẽ biết hết điều đó nên đến lúc thích hợp sẽ nhắc ý thức quay về với thực tại thân tâm để trọn vẹn biết mình trở lại. Đó chính là bản chất tinh tấn (trở về thực tại), chánh niệm (trọn vẹn với thực tại) và tỉnh giác (biết rõ thực tại một cách trong sáng) của tánh biết.
3) Khi ý thức không để ý hay tập trung vào một đối tượng nào, nghĩa là không nắm bắt tướng chung hay tướng riêng của một đối tượng đặc biệt nào cả thì tâm tự trở về với tánh biết sáng suốt, định tĩnh, trong lành và lúc đó thì đối tượng là tất cả pháp, hay nói cách khác là pháp nào đến đi thì cứ đến đi, tánh biết đều biết mà vẫn không động. Ý thức của cái ta lý trí thì không thể làm được điều này.
4) Khi tâm buông xả, rỗng lặng trong sáng thì đó chính là tự tánh không, vô tướng, vô tác, vô cầu của tánh biết. Nó thoát khỏi mọi hoạt động ý hành của cái ta lý trí để trở về với tự tánh, đó chính là cái tâm mà Đức Phật gọi là Trong Sáng (Pabhassara Citta). Tâm này thì không sinh, không hữu, không tác, không thành (Tiểu Bộ Kinh) nên Ngài cũng gọi là an trú Tánh Không (Kinh Tiểu Không, Đại Không), lúc đó Tâm không, Pháp cũng không. Hoàng Đế Nội Kinh cũng gọi đó là tâm "điềm đạm hư vô".
Vậy con cứ tuỳ nghi tuỳ duyên tuỳ pháp để việc đến thì tâm ứng ra tiếp xử, việc đi thì tâm trở về không, hay "Tuỳ cảm nhi ứng tuỳ ngộ nhi an" là được, đừng cố gắng loay hoay giải quyết theo ý thức của cái ngã lý trí mà chỉ làm cho vọng niệm càng tăng.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, có phải công việc là duyên là nghiệp? Thầy nghĩ sao về trường hợp không phải đi làm mà vẫn có tiền để sống ạ? <p>
Con xin cảm ơn Thầy ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đơn giản là tại nó như vậy. Cứ thấy mọi pháp là như vậy thì con sẽ thấy ra mọi ý nghĩa của chúng.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, <p>
Dạo gần đây con có một điều thắc mắc xin được thầy chỉ giáo ạ. Điều thắc mắc đó là theo xu hướng của thời đại, càng ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học/triết học về những điều Phật dạy. Con cũng biết là những việc đó không thật liên quan đến mình, nhưng nhiều khi do bắt gặp thì con vẫn có tham khảo tới. Mà sau khi tham khảo như vậy, thì con đối với kiến giải của những nhà khoa học cũng có nhiều suy nghĩ đắn đo, nào là xem họ có hiểu các khái niệm "đúng" với nghĩa của nó không, họ dựa theo tông phái Phật giáo nào (thường thì là Phật giáo Tây Tạng hay các chi phái Thiền tông),... Con cũng biết là không nên như vậy, nhưng có những thứ đã đọc rồi thì cũng khó mà không suy nghĩ đến nó được, mà "đạo tâm" của con thì lại chưa kiên định. <p>
Như vậy con xin hỏi Thầy, liệu con có nên đọc kinh sách học Pháp học để tự chứng cho mình không ạ? Hoặc không thì con có nên làm gì, hay không làm gì để đối trị với những suy nghĩ đắn đo của mình? Có một điều là con tuy vẫn thường cố gắng quan sát tâm sinh diệt, nhưng nhiều lúc con cảm thấy như mình bị chìm vào một "cơn" cảm xúc, một luồng suy nghĩ, đến lúc "tỉnh" ra thì tâm đã sinh diệt xong mất rồi mà con vẫn chưa quan sát được gì cả. Con xin Thầy chỉ lối cho con ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không có lối nào cả, sự sống tự nó đã là đường lối rồi, đó là đường lối hoàn hảo nhất có sẵn nơi mỗi người. Cứ ngay nơi sự sống của chính mình mà trải nghiệm, chiêm nghiệm, lắng nghe, quan sát, học hỏi thì con sẽ tự thấy ra sự thật muôn đời. Không cần khoa học chứng minh có Phật hay không, cũng không cần biết tông phái nào đúng nào sai để y cứ, vì toàn bộ chân lý đều nằm ngay trong sự sống này. Nếu con biết thận trọng chú tâm quan sát chính những gì đang trải nghiệm thì con sẽ thấy ra toàn bộ sự thật về chính mình và cuộc sống. Đó chính là đường lối duy nhất chỉ có nơi con, không lệ thuộc vào bất cứ đường lối của ai khác, vì đường lối nơi mỗi người là độc nhất không ai giống ai về mặt tướng dụng, dù rằng trong thể tánh chân lý vẫn luôn đồng nhất.