Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Lành thay! Con đã hiểu ra rất nhiều điều qua câu trả lời rất tổng thể của thầy, con cũng biết là có nhiều vị Phật không phải chế giới chi tiết như Đức Phật Gotama, đó là thời kì thiện pháp phổ biến nên tự các vị ấy đã thấy điều gì là bất thiện pháp nên không thực hành. Chính vì thời tuổi thọ con người là 100, ác pháp rất phổ biến, nên Ngài đành phải chế giới, là pháp chế định. Nhưng ý của con ở đây là, trên nền tảng giới trong sạch, người ta dễ dàng có được sự thận trọng, chú tâm, quan sát hơn. Mặt khác, chính con cũng thấy là nếu con đến một nơi toàn cảnh đẹp, chánh niệm tỉnh giác gần như là biến mất. Có phải vì vậy mà ngay trong thời Đức Phật, Ngài thường tán thán các trú xứ xa vắng, thời ấy chắc chắn là có nhiều vị có căn cơ cao hơn thời nay. Vậy thì, ngày nay, trong môi trường ngoài đời nhiều dục lạc, mà thực hành sự chánh niệm, hay biết có phải là quá khó? Kính thưa thầy, con hoàn toàn tán đồng (vì con cũng thực tập liên tục) rằng khi đã có sự thận trọng, chú tâm, quan sát một cách sáng trong, rỗng lặng thì Giới, Định, Tuệ đều có đủ. Thưa thầy, vì phiền não thì luôn luôn có, cái chết thì chẳng chờ đợi ai, nên phải thực hành luôn và ngay. Con rất tán thán tinh thần này của Thầy! Thấy là thấy ngay tại đây, chứ không phải đi đâu hết. Kính tri ân thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng là giới định tuệ chế định nếu được thực hiện tốt có thể giúp tạo điều kiện cho giới định tuệ tự tánh phát huy. Nhưng lắm lúc cũng ngược lại, khi quá câu nệ hay lệ thuộc vào giới định tuệ chế định người ta có thể phát triển bản ngã mà quên đi tính sáng tạo và vô ngã của giới định tuệ vốn có trong thực tánh chân đế của tâm. Nói chung ai còn cần đến giới định tuệ chế định thì nên hành theo cho nghiêm túc, ai có thể đã vượt qua được giai đoạn chế định để đi thẳng vào thực tánh pháp thì chỉ cần tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, hay sáng suốt định tĩnh trong lành là được. Con có thể vào mục Pháp thoại nghe bài giảng ngày đầu tiên ở Adelaide, thầy nói rất rõ về điều này.
Câu hỏi:
Thưa thầy, con muốn hỏi thầy một việc không liên quan gì đến Phật pháp, mong thầy giúp con. <p>
Con gái con năm nay mới 16 tuổi đang học lớp 11 nhưng đã vướng vào chuyện yêu đương dẫn đến học hành sa sút, chúng con đã khuyên cháu nhưng không có kết quả. Gần đây cháu sống thu mình không nói chuyện với ai trong gia đình, không chia sẻ điều gì, thậm chí còn tránh mặt bố mẹ. Có vài lần con cũng nói chuyện về giới với cháu nhưng thất bại. Xin thầy cho con lời khuyên. Con tri ân thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có thể vì bị ức chế tâm lý nên cháu đang ở một giai đoạn khởi đầu của chứng trầm cảm. Ngày nay thầy thấy cha mẹ và con cái quá xa cách nhau. Tuổi teen thì quá sôi động, phóng túng và nông nổi, còn cha mẹ thì lại muốn cầm cân nẩy mực nên hai thế hệ thiếu sự cảm thông và chia sẻ với nhau về những vấn đề tế nhị trong đời sống. Đôi lúc cha mẹ quá nghiêm khiến con sợ nên không dám bộc lộ tâm sự. Cha mẹ ít khi vui đùa với con cái như là những người bạn thân nhất của chúng mà chỉ sợ con cái hư hỏng nên tuy có ý tốt nhưng lại xử sự với chúng thiếu tế nhị có thể gây tổn thương hay mặc cảm tội lỗi. Khi nào cha mẹ là những nhà tư vấn đáng kính yêu và tin cậy để con cái có thể bộc lộ tâm sự thoải mái và xin lời khuyên mà không sợ hãi thì cha mẹ mới thành công. Như vậy trước hết cha mẹ phải thương yêu và thông cảm với sự non dại đáng được tha thứ của con cái để giúp chúng nhận thức được vấn đề và có thể chuyền hóa tình yêu thành thái độ cao đẹp và lành mạnh hơn.
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ Thầy từ phương xa.
Dựa theo câu Thầy trả lời cho một Phật tử ngày 28-12-2011, con chưa rõ lời giảng của Thầy: "2)... trong bản chất vẫn có thể thấy được tốt xấu theo thể, tướng, dụng riêng của mỗi pháp. Vậy con phải thấy rõ đâu là quy định tốt xấu theo quan niệm tục đế, đâu là tốt xấu trong bản chất của thực tánh chân đế". Kính thưa Thầy, xin Thầy cho con vài thí dụ TỐT XẤU TRONG BẢN CHẤT CỦA THỰC TÁNH CHÂN ĐẾ.
Thành kính tri ân Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Ví dụ một đóa hoa người này cho là đẹp, người khác cho là xấu thì đó là tốt xấu theo quan niệm tục đế. Nhưng cái hoa ấy có chất độc nên có thể gây tử vong cho người này, mà cũng có thể bào chế thuốc trị bệnh cho người kia. Đó là tốt xấu trong tánh, tướng, thể, dụng riêng của mỗi pháp chân đế.
Câu hỏi:
Thưa thầy, chúng con có chuyện này muốn được thưa thầy. Chúng con cũng sắp lập gia đình và muốn mua một mảnh đất nhỏ, bọn con đang phân vân có cần phải chọn hướng đất hợp với tuổi hay không. Con cũng thấy có một bộ môn nghiên cứu về điều này như phong thủy, con cũng thấy có những điều ảnh hưởng tinh tế lên khu vực mình đang sống mà mình không cảm nhận được hết, như là đất lành đất dữ, có phạm vào đất của người âm không, bị những ảnh hưởng vô hình khác, có những chỗ ở hay xẩy ra ốm đau tai nạn, thậm chí là lên cả một khu vực...
Con xin được thầy chỉ bảo về điều này.
Năm mới chúng con xin chúc thầy được mạnh khỏe cùng với sự tri ân.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không có cái gì hoàn toàn xấu hay tốt. Tốt xấu chỉ là tương đối. Một con ngựa chứng có thể quật ngã một anh nài tầm thường, nhưng sẽ trở thành con ngựa quý của anh nài tài ba. Mảnh đất xấu với người thiếu đức, nhưng lại trở nên tốt khi người hữu đức làm chủ. Một ngọn gió có thể làm người này trúng bệnh, nhưng lại làm cho người kia khỏe khoắn ra. Một chỗ đất xấu làm cho con phải chịu đựng nhiều khó khăn, trở ngại nhưng lại trui rèn cho con bản lãnh hơn trong rất nhiều đức tính. Ngược lại nếu con cứ muốn một mảnh đất mà mọi thứ đều tốt cho con thì lắm khi lại đánh mất nhiều phẩm chất quý giá khác trong đời. Vậy, quan trọng không phải là đất tốt hay xấu mà người ta có học được điều gì cho nhận thức đúng đắn và hành vi lương thiện từ điều xấu hay tốt đó không mà thôi.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con không phải là một đệ tử siêng năng trau giồi và thực hành Phật pháp. Con may mắn đươc thầy tiếp chuyện vài lần tại chùa Kỳ Viên vào khoảng năm 1985 (lúc đó con 21 tuổi). Ngày đó con đến với thầy chủ yếu vì muốn biết thêm một số kiến thức về Phật giáo và để khoe với mọi người rằng mình là người am hiểu nhiều lãnh vực. Ngày đó (1985) con không thực hành những gì thầy dạy hay là những gì con đọc trong những cuốn sách thầy tặng con mà phải đợi cho đến gần 20 năm sau. Con đã sống ở Mỹ được 17 năm, và những năm sau này, cuộc sống của con an lành hơn chỉ vì con đã thực hành lời thầy dạy "Sáng suôt, định tĩnh, trong lành" và con rất thích câu thầy dạy "Sáng trong và lặng lẽ/ Giản dị mới uyên thâm" (hy vọng là con không nhớ lầm những câu thầy dạy). Khi con có dip về Việt Nam con sẽ nhờ người viết thư pháp viết những giòng chữ này và đem về Mỹ treo trong nhà. Con biết là biết cái hay của triết lý nhà Phật đã khó mà thực hành lại càng khó hơn (như trường hợp của con đã phí phạm đến 20 năm rồi mới chịu thực hành Phật pháp).<p>
Thưa thầy, con có một đứa con năm nay 4 tuổi, con rất muốn khi lớn lên nó sống trong tinh thần Phật giáo. Con băn khoăn không biết cách nào là tốt nhất để dạy nó. Thầy có thể hương dẫn cho con cách nào không. Con cám ơn thầy rất nhiều. Mặc dù vùng con sinh sống cũng có một số chùa Bắc tông, nhưng từ xưa đến giờ, con rất it khi lên chùa. Nhưng con nghĩ trẻ em thì mình phải cụ thể hơn bằng cách dẫn nó lên chùa thường xuyên hơn. Không biết suy nghĩ của con có đúng không? <p>
Con mong thầy luôn khỏe mạnh va con mong sẽ được thầy tiếp chuyện khi con có dịp về Việt Nam.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giáo dục con cái cũng chính là giáo dục chính mình. Nuôi dạy con cái nên người thì chính cha mẹ cũng nên người. Không phải chỉ dạy con mà còn học từ con bài học làm cha mẹ. Cha mẹ cần học cách thận trọng chú tâm, lắng nghe quan sát với tâm hồn thật sáng suốt, định tĩnh, trong lành để khám phá chính mình, để thấy rõ thể chất và tinh thần của con cái, để hiểu biết bối cảnh gia đình, xã hội mà con cái và mình đang sống trong đó. Mọi thứ đều thành tựu từ nhiều yếu tố nhân và duyên đầy đủ, chứ không phải chỉ chú trọng một chiều. Nhiều người chỉ biết lo kiếm tiền để cho con cái được sống tiện nghi sung sướng mà không biết rằng hành động như thế chỉ làm cho con cái hư hỏng. Quá kỳ vọng ở sự thành đạt của con cái trên đường học vấn, công danh, sự nghiệp cũng phá hủy khả năng bẩm sinh đích thực của chúng.
Cha mẹ lại thường xem con cái là con nít nên muốn chúng phải vâng theo những chỉ thị của mình. Ngày nay nhiều đứa bé còn rất nhỏ đã biết sử dụng những thiết bị điện tử còn giỏi hơn cha mẹ. Nên xem con cái bình đẳng với mình để chia sẻ thôi chứ không phải dạy dỗ chúng một cách chủ quan. Không nên bắt chúng phải đạt kết quả học vấn cao, hoặc có tiền cho con học trường chuyên chỉ để được chút hư danh, mà không biết như vậy chỉ tạo thêm áp lực cho con cái, do đó nhiều em học đến đại học thì không thể học được nữa, chúng buông thả và đi tìm những thú vui để tiêu khiển, rồi chìm đắm trong chơi game hay thậm chí hút chích xì ke ma túy. Con cái thiếu trải nghiệm cuộc sống, nhưng hãy khuyến khích chúng biết cách tự mình trải nghiệm, chiêm nghiệm và học hỏi từ cuộc sống ý nghĩa đích thực của nó, mình chỉ chia sẻ, gợi ý cho chúng tự nhận thức chứ không bắt chúng phải áp dụng những kinh nghiệm của mình, trừ phi là những kinh nghiệm có tính kỹ thuật.
Câu hỏi:
Kính đảnh lễ thầy! <p>
Bạch thầy, con đã học hỏi được rất nhiều từ thầy. Xin được tri ân thầy. Thưa thầy, thời gian gần đây, con có đọc lại Tạng Kinh, do hòa thượng Thích Minh Châu dịch thì thấy trong rất nhiều bài kinh, Đức Phật thường tán thán các vị tỳ khưu đi đên những trú xứ xa vắng, sống đời thiểu dục, tri túc và thực hành thiền định, thiền Tứ Niệm Xứ. Con cũng thấy trong nhiều bài kinh, Đức Phật dạy về Giới, tiết độ trong ăn uống, thu thúc lục căn, chánh niệm tỉnh giác, rồi ở đây có thể thực hành thiền định, hay thực hành Tứ Niệm Xứ... Nhưng con thấy, như những bài Pháp thầy dạy, thì hình như không nói đến thiểu dục tri túc, thu thúc lục căn, tiết độ trong ăn uống. Hay tại vì quần chúng, không có khả năng thực hành, nên có dạy họ cũng chẳng thực hành được? Thôi thì chánh niệm tỉnh giác: thận trọng, chú tâm quan sát được chừng nào tốt chừng ấy? Vì chính Đức Phật cũng dạy là Niệm thì tốt trong mọi trường hợp. Kính lễ thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đức Phật tùy căn cơ mà giảng pháp cho từng người, nhiều trường hợp một người chỉ nghe một bài kệ cũng đủ đắc đạo quả, vị khác chỉ nhìn cái khăn mà đắc đạo quả, trong khi học kinh luật chẳng nhớ gì cả. Do đó vào thời đầu căn cơ trình độ cao nên tuy đức Phật chưa ban hành giới định tuệ chế định mà rất nhiều vị đắc đạo quả Tứ Thánh. Về sau nhiều người căn cơ trình độ thấp hơn nên đức Phật phải vận dụng thêm giới định tuệ chế định thì họ mới hành được. Chính đức Phật kể lại rằng có nhiều vị Phật quá khứ không chế định giới luật mà tứ chúng trong thời kỳ ấy vẫn đắc đạo quả. Và chính đức Phật Gotama đã ban hành giới luật rồi mà vẫn dạy một vi tỳ kheo không cần giữ giới luật nào nữa, chỉ canh chừng cái tâm thôi, mà vị ấy lại đắc đạo quả, trong khi trước đó vị ấy giữ giới luật mà không đắc đạo quả được. Ngày nay cũng tùy trình độ căn cơ khác nhau nên người thì phải giữ giới luật, thu thúc lục căn, thiểu dục tri túc rất mực mà vẫn không đắc đạo quả gì, trong khi những người khác chỉ thận trọng chú tâm quan sát (minh sát) hay tinh tấn chánh niệm tỉnh giác (tuệ quán) là có thể giác ngộ giải thoát. Vậy ai căn cơ trình độ nào cứ tu theo mức độ của mình miễn sao giác ngộ giải thoát là được. Thực ra, trong lành, định tĩnh, sáng suốt và thận trọng, chú tâm, quan sát hay tinh tấn chánh niệm tỉnh giác là mức độ giới định tuệ mỗi người vốn đã có sẵn, cao hơn nhiều so với giới định tuệ chế định. Nếu không như vậy thì làm sao chư đại Thánh Tăng có thể đắc đạo quả trước khi đức Phật ban hành giới định tuệ chế định được?
Giống như người bệnh cần hỗ trợ thuốc để điều trị, cần xe lăn để di chuyển, cần nằm điều đưỡng hay nhiều phương tiện khác với mục đích có thể hồi phục sức khỏe để hoạt động lại bình thường. Trong khi đó người mạnh khỏe không cần những hỗ trợ đó mà vẫn đi đứng, làm việc, hoạt động bình thường và hiệu quả. Các hỗ trợ của giới định tuệ chế định cũng vậy, chỉ giúp cho người tu qua đó có thể phục hồi được sự tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, thận trọng chú tâm quan sát và trong lành định tĩnh sáng suốt vốn sẵn có nơi mỗi người để giác ngộ giải thoát mà thôi.
Câu hỏi:
Da bạch thầy cho con hỏi, sự giữ giới qua thân, khẩu, ý có phải giảm dần sự thô tháo không ạ? Con cảm on thầy, con kính đảnh lễ thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng. Trong giới định tuệ chế định thì giới đối trị phiền não thô, định đối trị phiền não trung, tuệ đối trị phiền não tế.
Câu hỏi:
Thưa thầy, sau khi đọc thư của thầy, con đã nhận ra và thấy mình đã sai. Con thành thật xin lỗi thầy, xin lỗi gia đình và chính cả bản thân mình vì những ngày qua con đã tự hành hạ mình vì những chuyện không đâu và đúng là những chuyện đó chẳng dính dáng gì tới con. Con xin hứa sẽ sống thật tốt, thực tế và trọn vẹn với bản thân mình. Con sẽ gởi thư đến thầy trong vài ngày nữa, hy vọng lúc đó tâm hồn của con đã hoàn toàn nhẹ nhàng và trong sáng. Con kính chúc thầy một ngày an lành và hạnh phúc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy cũng mừng cho con đã thấy ra được vấn đề của mình.
Câu hỏi:
Dạ, con sẽ làm theo lời thầy dạy. Con xin cám ơn thầy, cám ơn những lời dạy bảo của thầy, những lời khuyên vô cùng hữu ích và thật ý nghĩa đối với con. Con kính chúc thầy luôn khỏe mạnh và an lành.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy nhắc lại là trong đời sống của con còn biết bao chuyện để làm, ví dụ như rửa mặt, đánh răng, nấu cơm, ăn uống, giặt giũ, đi chợ, học bài, tập thể dục, lái xe, hít thở v.v.. và v.v... mà con lại xem thường vì không thấy ra chân giá trị của những sự kiện bình thường này. Nếu con biết sống trọn vẹn với những hoạt động thiết thực ấy thì đó chính là nguồn hạnh phúc bất tận, là sự sống đích thực của mỗi người. Thế mà con lại phí thời gian nghĩ về những chuyện không đâu ở bên ngoài, những chuyện mà thực ra không dính dáng gì đến con, chỉ là lòng tự ái của con vẽ vời thêm với những ảo tưởng để tự hành hạ mình mà thôi. Hãy sống cho thực, dù sự thực đó như thế nào. Đó là bí quyết của hạnh phúc, con biết không?
Câu hỏi:
Thành kính tri ân thầy, con hiểu những lời thầy dạy là:<p>
Lành thay Thuận Pháp/
Lành thay vô ngã/
Buông xuống cái ta/
Thấy ra tại đó.<p>
phải không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Phải con. Chúc con sống thuận pháp.