Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Cảm ơn Thầy đã trả lời thư của con. Con muốn xin ý kiến của thầy tiếp hai điều:
1. Nhiều người khuyên con nên tốt nghiệp đại học xong rồi xuất gia thì sẽ tốt hơn vì như vậy trình độ văn hóa của mình đã được thẩm định 1 lần. Theo thầy con có nên hoàn thành chương trình học đại học trước khi xuất gia không ạ?
2. Con đọc trong Vi Diệu Pháp thấy nói 4 ngoại trần sắc, hương, vị, xúc có thể là do thủ cảnh thủ có thể là phi do thủ cảnh thủ. Nhưng thinh trần thì chỉ có phi do thủ cảnh thủ thôi. Xin thầy giải đáp vì sao lại có sự khác biệt đó ạ.
Xin cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Có bằng đại học rồi xuất gia thì thuận tiện hơn nếu con muốn theo học các trường Phật học hay đại học Phật giáo và về sau có thể làm được một số Phật sự cần có học lực, học vị. Nhưng cũng chưa hẵn có bằng cấp mới giác ngộ giải thoát được. Vậy tùy sự nhận thức và ý nguyện của con mà quyết định.
2) Sắc, hương, vị, xúc là những đối tượng (cảnh) cụ thể có thể "nắm bắt" trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng âm thanh chỉ có thể "nắm bắt" gián tiếp qua những điều kiện trung gian mà thôi.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy!
Theo như con hiểu thì trong thiền quán vẫn có định được gọi là sát na định, nghĩa là tâm vẫn phải gắn chặt trên một đối tượng một cách liên tục. ở đây nếu con chọn hơi thở làm đề tài thiền quán thì tâm con cũng phải liên tục gắn trên hơi thở. Nếu nó chỉ theo dõi hơi thở vài giây xong lại chuyển sự chú ý sang đối tượng khác thì có được gọi là sát na định không ạ?
Con kính mong Thầy chỉ dậy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tất nhiên trong thiền quán vẫn có định đó là sát-na định hoặc tùy thời định, nghĩa là định bám sát theo diễn biến của đối tượng dưới hình thức chánh niệm, chứ không cần an chỉ định. Trong thiền định không nên tuỳ tiện chuyển đối tượng vì như vậy không thể định được, trừ phi định đã thuần thục. Nhưng trong thiền tuệ thì đối tượng tự chuyển chứ không nên chọn đối tượng mà chuyển vì như vậy là đối tượng đã bị tạo chứ không phải là đối tượng tự nhiên nữa. Nều chánh niệm tỉnh giác đúng thì khi đối tượng chuyển sát-na định vẫn không mất.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy. Con hiện đang ở ngoài Bắc (Hà Nội) nhưng có nguyện vọng vào Nam xuất gia theo Phật giáo nguyên thủy thì có khó khăn và phức tạp gì về địa lý và thủ tục không ạ?(Con đã xin phép cha mẹ).
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nên vào Nam tìm một ngôi chùa Nguyên Thuỷ thích hợp rồi xin vị trụ trì cho xuất gia. Tuy nhiên không ai cho xuất gia ngay cả mà cần phải có thời gian làm công quả để tìm hiểu, thử thách, nếu được thì mới cho làm giới tử để thực tập oai nghi tế hạnh, học kinh luật và nghi thức xuất gia. Một thời gian (từ 1 đến 3 năm) sau nếu học tốt và có phong cách thích nghi đời sống xuất gia mới được cho thọ giới Sa-di v.v...
Câu hỏi:
Kính thưa thầy!
Con chọn hơi thở làm đối tượng thiền quán thì nên chọn toàn bộ hơi thở hay chóp mũi hay phồng xẹp bụng? Con thấy đối tượng toàn bộ hơi thở khó định tâm hơn.
Kính mong Quý Thầy chỉ dậy!
Con xin cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu con chọn hơi thở để định thì sao gọi là đối tượng thiền quán? Hành giả thiền định thường chọn cửa mũi hoặc phồng xẹp ở bụng vì như vậy dễ định tâm hơn. Nhưng trong thiền tuệ hay thiền quán thì nên theo dõi động tác thở toàn thân, vì như vậy tâm không rơi vào định, mà chỉ thấy trạng thái diễn biến vô thường sinh diệt của động tác thở mà thôi. Trong thiền tuệ không có cái gọi là hơi thở, vì hơi thở chỉ là một khái niệm, không có thực tánh, nên không thể làm đối tượng cho thiền tuệ được. Hành giả không thể thấy biết cái gọi là hơi thở mà chỉ có thể trải nghiệm những trạng thái nóng, lạnh, chuyển động, xúc chạm, sự co duỗi nơi toàn thân v.v... mà thôi. Vậy con cần lưu ý sự khác biệt của đối tượng thở trong thiền định và thiền tuệ để biết thật sự mình đang hành thiền gì. Định là chuyên chú tâm (tầm tứ) vào một đối tượng cố định, rồi qua tưởng đối tượng ban đầu được biến đổi thành một tướng khái niệm gọi là thiền tướng (nimitta) để an trú tâm trong trạng thái tĩnh chỉ gọi là nhất tâm. Trong khi thiền tuệ hướng tâm trên thực tại hiện tiền (chánh niệm), với thấy biết trong sáng quan sát trạng thái động của thực tại đó để nhận ra bản chất tự nhiên của nó (tỉnh giác) chứ không phải để định tâm.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy!
Xin Thầy cho con hỏi 10 phiền não và 10 kiết sử giống hay khác nhau?
Con cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mười phiền não và mười kiết sử nói chung có tính chất giống nhau.
1) 10 phiền não là nguyên nhân đưa đến đau khổ trầm luân phổ biến cho tất cả chúng sanh, đó là: Tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, hôn trầm, trạo cử, vô tàm, vô quý. (Đôi lúc còn triển khai tham thành Dục ái, hữu ái, sắc ái, vô sắc ái).
2) 10 kiết sử là những trói buộc chúng sanh trong luân hồi sinh tử, khiến cho không giác ngộ giải thoát được, đó là: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái, sân hận, sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, trạo cử, vô minh. 10 kiết sử được sắp xếp theo thứ tự từ thô đến tế, từ thấp lên cao, từ dễ mở đến khó mở. Vì vậy:
- Mở được thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ gọi là bậc nhập dòng pháp
- Giảm được thêm sân hận và ái dục gọi là bậc thuận dòng pháp
- Mở được cả 5 trói buộc trên gọi là bậc không quay lại
- Mở được cả 10 trói buộc gọi là bậc hoàn toàn giác ngộ giải thoát.
Câu hỏi:
Xin Thầy hoan hỷ giảng dạy cho chúng con thấu hiểu bài kệ sau đây của Đức Phật:
Thấy như thực thấy
Nghe như thực nghe
Xúc như thực xúc
Biết như thực biết.
Ngụ ý của bài kệ này như thế nào? Hàm chứa điều gì, xin thầy chỉ dạy. Kính cám ơn thầy nhiều. Kính chúc thầy sức khoẻ dồi dào, thân tâm an lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thấy, nghe, xúc, biết tức kiến, văn, giác, tri nên gọi chung là tri kiến. Như vậy bài kệ này nói đến tri kiến như thực (yathàbhuta ñàna-dassana). Thấy là nhãn thức, nghe là nhĩ thức, xúc dùng trong bài kệ này ứng dụng chung cho tỷ thức, thiệt thức, thân thức, và biết là ý thức. Nếu tâm rỗng lặng, trong sáng không bị lý trí vọng thức hay tình cảm tham sân xen vào thì khi thấy, nghe, xúc, biết pháp đều như thị như thực, gọi là thấy biết thực tánh (paramattha). Nếu tâm bị che lấp bởi lý trí, tình cảm thì chỉ thấy biết qua ý niệm, quan niệm, thành kiến, hay cảm tình ưa ghét v.v... nên sẽ là cái thấy chủ quan, không như thực, hay nếu có đúng thì chỉ đúng theo khái niệm chế định (paññatti). Cái biết này gọi là kiến thức. Tóm lại, tri kiến là thấy biết trực tiếp, thực tế và vô ngôn, còn kiến thức là một số thông tin vay mượn đã được mã hoá qua ngôn ngữ. Vậy không nên tin vào kiến thức mà cần phải thấy biết như thực theo bài kệ Phật dạy. Đó là cốt lõi của thiền Vipassanà Nguyên Thuỷ và thiền Kiến Tánh của Thiền Tông.
Câu hỏi:
Con cam on Su ve cau tra loi truoc, nhung con la nguoi khong biet gi ve Phat Phap, xin Su chi dan con bat dau nhu the nao? Su co noi la nuong nho nhung loi day chan chanh cua Duc Phat thi se thay su that, nhung lam sao con biet duoc nhung loi nao la nhung loi day cua Duc Phat? vi con thay nhieu Tong Phai, nhieu le nghi, nhieu chi dan, than oi kho lam con kho them.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nói làm thầy cũng thấy khó luôn. Thôi bây giờ con thử bắt đầu bằng lời dạy đơn giản nhất của Đức Phật: "Không làm các điều ác, nên làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, là lời chư Phật dạy". Câu này thì tông phái nào cũng công nhận nên con khỏi sợ kẻ nói xuôi người nói ngược. Để rõ hơn một tí, thầy xin định nghĩa một số từ trong Phật ngôn trên:
- Điều ác là những hành động, lời nói hại mình, hại người hoặc hại cả hai. Hại là làm tăng trưởng tham sân si và phiền não khổ đau cho mình và người.
- Điều lành là những hành động, lời nói không hại mình, hại người, làm đoạn giảm tham sân si phiền não khổ đau cho mình và người.
- Tâm trong sạch hay thanh tịnh là tâm không tham, không sân, không si hay nói cách khác là tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành.
Con có thể dễ dàng thực hiện lời dạy trên của đức Phật bằng cách rất đơn giản là con chỉ cần thận trọng, chú tâm, quan sát mỗi hành động, nói năng, suy nghĩ của mình thì con sẽ thấy ra sự thật nơi chính mình và cuộc đời. Nếu con có thể thận trọng chu toàn, chú tâm trọn vẹn và quan sát rõ ràng thì dù Phật Pháp mênh mông không sợ gì không giác ngộ được.
Câu hỏi:
Nhầm điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mong, con kính hỏi quý thầy một vấn đề có lẽ là một nỗi đau cho sự tồn vong Phật Pháp. Theo pháp lệnh tôn giáo hay một qui chế thanh qui trong Phật giáo có qui định hay không về một việc chùa Tăng nuôi chúng Ni trẻ tuổi? Và nếu có thì có như thế nào? Hiện nay vấn đề nầy đang thịnh hành làm gai mắt thiên hạ bởi cách sống chung của họ! Kính mong quý thầy khai thị.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong thời Đức Phật, chùa Ni không được ở quá xa chùa Tăng, để chư Tăng có thể đến chùa Ni giáo giới dễ dàng hơn, vì theo Bát Kỉnh Pháp thì Ni phải được sự giúp đỡ và hướng dẫn của Tăng. Nữ giới thường được xem là phái yếu nên cần sự hỗ trợ của nam giới đó cũng là chuyện thường tình. Nếu một già-lam rộng lớn cũng có thể chia ra hai khu vực riêng biệt cho Tăng và Ni, tuy nhiên giới luật và thanh qui mỗi bên có những điểm đặc thù, nên đều có sinh hoạt riêng, độc lập về một số phương diện nhất định. Khi đức Phật cho nữ giới xuất gia đã tiên đoán tuổi thọ của Giáo Pháp sẽ giảm đi một nữa chính là vì nguyên tắc "Tương trợ nhưng độc lập" giữa Tăng và Ni về sau sẽ bị phá vỡ dần. Điều này đòi hỏi ý thức của Tăng Ni và luật lệ của Giáo Hội can thiệp thì mới chấn chỉnh được.
Câu hỏi:
Kinh Thua Thay,
La mot thien gia, moi ngay lap ra cho minh thoi khoa tu. Thi du nhu moi buoi sang la phai ra ngoi hanh thien hay doc kinh vao may gio va ngoi bao lau. Va lo hom nao co cong viec dot xuat xay ra khong the theo thoi khoa bieu do thi trong long cam thay bat an, vi cho rang da bi giai dai hay de duoi hom do. The thi lam sao nguoi hanh thien vuot qua duoc nhung su bat an nay? Tu nhu vay co dung cach chua Thay? Con xin cam on Thay rat nhieu.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Người hành thiền mới sơ cơ thường tuân theo một thời khoá do một thiền viện, một thiền sư hay tự mình quy định để tự sách tấn, không giải đãi, dễ duôi. Điều này cũng tốt, nhất là với các loại thiền có sở đắc. Nhưng nếu hành giả là người đã thấy ra rằng thiền thật sự chỉ có thể thực hiện trọn vẹn tại đây và bây giờ thì người ấy có thể hành thiền ở khắp mọi nơi, mọi lúc, không cần quy định giờ giấc nào cả. Vì một khi đã quy định thì tất nhiên phải gặp trở ngại. Ví dụ đến giờ ngồi thiền thì có công việc, có khách khứa hay bệnh duyên v.v... lúc đó dễ sinh bất an, thậm chí có người còn sợ tội nữa. Vậy đơn giản là nếu chưa có thể hành thiền mọi lúc mọi nơi thì cứ theo quy định nhưng nên uyển chuyển một tí đừng quá cứng nhắc, đồng thời nên tập thận trọng, chú tâm, quan sát chính mình trong đời sống hàng ngày thì sẽ không còn bất an trong quy định giờ giấc nữa.
Câu hỏi:
Namo Buddhaya! Kinh le Tam Bao,
Thua Thay, con co hai cau hoi xin Thay vui long giang ro. Cam on Thay nhieu.
1- Chanh niem dang truoc mat la nhu the nao?
2- Trong sau coi: Troi, nguoi, atula, nga qui, bang sinh, dia nguc, thi loai qui than la loai gi va thuoc coi nao?
Qui than co than thong, ma than thong do cong phu thien moi dat duoc. Nhu vay sao goi la qui? la than?
Kinh chuc Thay phap the khinh an,chung sanh hang do.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Trước mặt có nghĩa là hiện tiền, tức hiện tại. Ám chỉ rằng chánh niệm luôn hiện diện, không thất niệm (niệm bị biến mất vào quá khứ hoặc tương lai). Đối tượng của chánh niệm là thực tại thân tâm ngay đây và bây giờ, không phải là một khái niệm hay tưởng tượng.
2) Quỉ thần nói chung là Atula. Như nói quỉ Dạ-xoa, thần núi v.v. Thực ra có hai loại Atula: Atula thiên thuộc cõi chư thiên thấp (nói theo thuật ngũ Đạo gia thì gọi là địa tiên) nhưng cao hơn cõi người, và một loại Atula ác đạo thấp hơn cõi người. Những loại Atula, Khẩn-na-la, Kim-xí điểu, Dạ-xoa, Long Vương v.v. tuy khác nhau về duyên nghiệp nhưng mức độ tương đương và cao hơn cõi người, được gọi chung là thần. Chính vì vậy mà những vị thần này có pháp thuật chứ không phải thần thông (Những loại thần này trước kia khi làm người cố gắng tập trung tâm luyện pháp thuật chứ chưa phải là thần thông của thiền sắc giới) nên họ không cần phải đắc định sắc giới.