Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Bạch sư! Con có thể cúng dường thức ăn mặn nhưng đúng pháp tam tịnh nhục để dâng cúng đến kim thân Đức Phật được hay không? Xin cho con hỏi thêm một câu nữa, một người hàng xóm nhờ con dẫn vào chùa để làm từ thiện. Con giới thiệu với thầy trụ trì đây là cô của con. Lúc đó tác ý của con là muốn giới thiệu nhanh, gọn và xem người hàng xóm như cô của con. Sau đó trở về thì con lại áy náy vì sợ đã tạo nghiệp không nói thật. Con đối trước Đức Phật sám hối thì con có hết tội không?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
- Tự mình dùng tam tịnh nhục hoặc dâng cúng chư Tăng v.v... thì vẫn đúng Pháp, nhưng cúng Phật thì chỉ nên cúng hương hoa để tỏ lòng tri ân và tôn kính là được, không nên dâng cúng vật thực. Thực ra cách tôn kính cao thượng nhất là hành theo Pháp và sống thuận Pháp chứ không đòi hỏi phải cúng dường bất cứ gì khác.
- Nếu biết mình sai lầm, dù nhỏ hay lớn, đều có thể sám hối và sửa sai thì không còn mặc cảm tội lỗi nữa, nhưng về nhân quả thì sẽ tùy sai lầm có tác hại nhiều hay ít, nặng hay nhẹ mà có hậu quả tương ứng. Có thể làm giảm hậu quả xấu bằng cách làm nhiều việc thiện ngược lại với nghiệp xấu đó. Ví dụ đã phạm tội trộm cắp thì nên làm nhiều việc bố thí v.v...
Câu hỏi:
Con kính lời chúc sức khỏe quý Sư! Hôm nay con có thắc mắc xin được quý Sư chỉ dạy. Gần đây con có đọc một số tư liệu về Thiền, trong đó có thiền chỉ và thiền quán, xin quý Sư cho con biết rõ hơn về vấn đề này và trong khi hành thiền thì tiến trình diễn ra như thế nào? Xin cảm ơn quý Sư!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thiền chỉ tức thiền định và thiền quán là thiền tuệ. Hai pháp thiền này có rất nhiều điều vi tế không thể trình bày trong giới hạn của mục hỏi đáp này. Vì vậy xin giới thiệu đạo hữu đọc cuốn "Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ" của HT. Hộ Pháp và cuốn "Thiền Phật Giáo, Nguyên Thủy Và Phát Triển" của HT. Viên Minh, ngay trong mục Thư Viện của trang Web này. Khi đọc có những chi tiết nào không hiểu rồi hỏi thì sẽ dễ trả lời cụ thể từng vấn đề hơn. Chúc đạo hữu sớm hiểu ra thiền định và thiền tuệ.
Câu hỏi:
Có thật là có địa ngục không?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
"Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không". Vậy có hay không xin bạn vui lòng hỏi lại chính mình, trong đó sẽ có câu trả lời chính xác nhất.
Câu hỏi:
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. Đầu thư con kính chúc Quý Thầy dồi dào sức khoẻ để dìu dắt chúng con trên đường đạo. Kính thưa Quý Thầy, con chính là người đã được Quý Thầy giải đáp câu hỏi ngày 02.07.09 về đạo Cao Đài. Thú thật mỗi lần vào trang web con thường đọc lại lời giải đáp của Quý Thầy để dùng đó làm kim chỉ nam, con đã quy y chùa Hoằng Pháp và được pháp danh Tịnh Giác. Con thấy Quý Thầy trả lời nhửng câu hỏi một cách trung thực không phân biệt Nam Tông, Bắc Tông, Đại Thừa, Tiểu Thừa gì cả lòng con rất kính phục. Nay xin Quý Thầy cho phép con hỏi thêm vài câu:
1) Cách đây vài tháng một buổi chiều tự nhiên vợ chồng con điện lên người bạn ở tỉnh Bình Phước nhờ tìm xem trên đó có chùa nào khó khăn và cần kinh sách hay không và con đã được toại nguyện. Con đã cúng dường tài vật nhiều lần cho 2 chùa, nhưng lòng con rất áy náy vì vị trụ trì thường hay nói con có duyên, thực lòng con không muốn cầu gì cho bản thân cả chi mong cho Quý Thầy có tài vật để sinh sống mà phụng sự PHẬT PHÁP ở vùng sâu vùng xa mà thôi. Xin cho con hỏi duyên mà 2 vị Thầy Trụ Trì nói là thế nào?
2) Con muốn cúng dường 2 chiếc xe gắn máy mới cho 2 vị Thầy Trụ Trì làm phương tiện hoằng pháp thì cúng như thế nào, xin Quý Thầy chỉ dẩn cho con, có phạm giới luật hay không?
3) Tứ vật dụng là gì?
4) Con thưòng cúng dường 2 cách, bỏ vào thùng Tam bảo hoặc bỏ vào phong thư cúng riêng cho Thầy trụ trì, vì con nghe nói tiền Tam bảo không thể sử dụng cho cá nhân, mà thời buổi bây giờ đi đâu cũng cần tiền cả. Vậy xin hỏi việc đó có sai giới luật hay không?
5) Dâng y là dâng đồ gì? Con mua đồ bộ màu xám tro 2 túi ở chùa may gói chung với bàn chải đánh răng, xà bông, khăn mặc và 1 phong thư hiện kim gói thành 1 gói rồi dâng đến tất cả quý thầy ở trong chùa. Cúng dường dâng y như vậy có đúng không?
Sau cùng con cầu ơn trên ban cho Quý Thầy dồi dào sức khoẻ để dìu dắt chúng con trên đường đạo. Nam-mô A-di-đà Phật.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Lẽ ra anh nên hỏi vị ấy để tìm hiểu xem vị ấy dùng từ duyên với nghĩa gì mới phải. Có thể vị ấy muốn nói anh có duyên với Phật Pháp, hoặc có duyên với vị ấy.
2) Anh có tâm dâng cúng xe thuyền cho quý thầy có phương tiện đi lại hoằng pháp là tốt chứ đâu có tội gì. Nếu quý vị ấy dùng sai mục đích thì quý vị ấy có tội, chứ không phải là anh.
3) Tứ vật dụng là: y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc ngừa chữa bệnh.
4) Ngày nay Phật tử không biết dâng bốn món vật dụng như thế nào cho hợp với quý thầy nên đã thay bằng tịnh tài (tiền trong sạch) để quý thầy tự sắm tứ sự cho hợp với mình, nên tịnh tài này cũng được gọi là tứ vật dụng. Theo tôi nghĩ Phật tử cúng với ý tốt tức không tội. Quý thầy dùng sai thì quý thầy mới có tội.
5) Dâng y là dâng y cà-sa cho chư Tăng. Nhưng trong lễ dâng Pháp y nhiều người đã dâng y cà-sa nên dâng vật dụng như anh làm cũng được.
Câu hỏi:
Kính bạch Sư. Trước đây ba con tu theo Đại thừa nên con hay tụng Bát-nhã Tâm kinh, nhưng thật sự con không hiểu gì về nghĩa lý trong kinh đó cả. Thưa Sư có phải trong đó nói về vô ngã, và như vậy có vô ngã phải không? Con kính xin Sư chỉ dạy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con vào mục Thư Viện đọc cuốn Thực Tại Hiện Tiền, phần cuối thầy có giảng bài kinh Bát-nhã từng câu một khá rõ ràng. Hy vọng con sẽ hiểu được ý nghĩa bài kinh đó. Trong tất cả kinh điển Đại thừa, bài kinh đó gần với giáo lý Phật giáo Nguyên Thủy nhất.
Câu hỏi:
Kính bạch Sư. Gần đây con có đi đặt bát chư Tăng với một người bạn. Cũng là chùa Nam Tông, nhưng con thấy có một điều lạ là chư Tăng ở đây cứ để yên cho Phật tử đặt tiền vào bát và thậm chí còn cho chạm tay vào bát nữa, mà theo con biết thì thường quý sư không cho đặt tiền vào bát. Như vậy thì có đúng giới luật không thưa Sư? Và người đặt bát đó có phước hay không? Kính mong sư chỉ dạy. Con cám ơn Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng theo giới luật Phật thì vị sư (tỳ-kheo hay sa-di) không được nhận tiền bạc, châu báu. Muốn dâng tịnh tài cho một vị sư thì chỉ tác bạch thôi rồi gởi cho người kappiya của vị ấy giữ giúp để khi vị ấy cần vật dụng gì thì người kappiya sẽ thay mặt thí chủ dâng cúng vật ấy. Trong trường hợp dâng cúng cho chư Tăng hoặc cho chùa mà không có kappiya ở đó thì vị trụ trì hoặc một người đại diện Tăng có thể nhận để giao lại người thủ quỹ của chùa vì đó không phải nhận cho cá nhân vị ấy. Nhất là trong trường hợp để bát thì vị sư không nên nhận, và người Phật tử hiểu đạo cũng không nên dâng như vậy.
Ngày nay luật không nhận tiền bạc chỉ có chư Tăng Miến Điện còn giữ tốt nhất, ở các nước khác thì có vị giữ có vị không. Do sinh hoạt trong thời đại chúng ta việc gì cũng cần tiền mà mỗi vị phải có một người kappiya đi theo thì rất tốn kém bất tiện. Những vị lớn còn có người lo, nhưng các vị mới thọ tỳ-kheo hoặc còn sa-di thì khó có người kappiya luôn đi theo bên cạnh để phục vụ, vì vậy ở một số nước, chư sư được giữ "tịnh tài" dưới hình thức "tứ vật dụng" do khi dâng cúng thí chủ có tác ý dâng tứ vật dụng chứ không có tác ý dâng tiền bạc. Cách giải quyết giản dị này đỡ gây rắc rối cho chư sư, cho kappiya và cho thí chủ. Tuy nhiên nhiều vị kỹ lưỡng về giới luật không chấp nhận cách này.
Thôi thì cứ cho là có thể nhận "tứ vật dụng" dưới hình thức tịnh tài cho thích ứng với thời đại, nhưng phải để tịnh tài trong bì thư và phải tác bạch là "tứ vật dụng" thì còn thông cảm được. Nhưng để tiền vào bát một cách lộ liễu thì không nên, vì mục đích đi bát là để khất thực chứ không phải xin tiền như những người ăn xin giả dạng nhà sư. Khổ một nỗi những người tín đồ ít biết giới luật của chư Tăng thấy việc để tiền là tiện lợi nhất cho họ nên họ ưa để tiền hơn vật thực hay vật dụng. Có lẽ điều này các chùa nên chỉnh đốn lại việc đi bát cho đúng luật, và nên giảng giải cho Phật tử nhiều hơn về giới luật chứ không thể trách người có tín tâm được.
Câu hỏi:
Kính bạch Sư. Con thấy trong hạnh bố thí là mình tích tụ ba-la-mật, không được có sự phân biệt trong khi bố thí. Con có một người bạn thích làm việc bố thí, không tính toán thiệt hơn. Nhưng có lần vì chướng duyên với mấy cô tu nữ nên người ấy quyết định chỉ cúng dường đến chư Tăng chứ không cúng dường đến mấy cô nữa. Như vậy, việc bố thí ba-la-mật của người này có thành tựu hay không? Con muốn khuyên bạn nên giải oan trái với quý cô nhưng sợ không khéo nói thì sẽ đụng chạm. Con phải khuyên như thế nào cho phải? Kính mong Sư chỉ dạy. Thành kính tri an Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bố thí cúng dường là một trong 10 hạnh ba-la-mật. Ba-la-mật là những yếu tố vượt thoát ra khỏi trói buộc, nhất là trói buộc của bản ngã. Bản ngã có nhiều thuộc tính trong đó xan tham, ích kỷ là biểu hiện rõ nét nhất. Vì vậy trước tiên cần phải vượt thoát tính xan tham, ích kỷ bằng cách giúp đỡ, san sẻ, biếu tặng, cúng dường. Phục vụ cũng được xem như bố thí sức lực. Nhưng mục đích cuối cùng của bố thí là xả ly để không vướng mắc vào ý niệm ngã chấp: Ta và của ta. Nếu bố thí để được phước thì người ta sẽ chọn đối tượng nào đem lại nhiều phước báu nhất, nhưng đó không phải là bố thí ba-la-mật. Khi nào bố thí để dứt lòng xan tham, bủn xỉn, keo kiệt thì mới vượt thoát được sự trói buộc của bản ngã ích kỷ. Nếu bố thí mà bản ngã tăng trưởng thì hoàn toàn ngược lại với ý nghĩa vượt thoát của ba-la-mật. Con không nên nói bố thí để tích tụ ba-la-mật vì bố thí ba-la-mật chính là xả ly. Chỉ có bản ngã mới tích tụ thôi.
Câu hỏi:
Kính bạch Sư. Con xin phép được hỏi hai vấn đề, kính mong Sư chỉ dạy. 1. Nếu người con sanh trong một gia đình suy đồi về đạo đức, nhưng người con lại là người hiếu thuận, có bổn phận phải hướng cha mẹ vào con đường hành thiện lánh ác, nhưng cha mẹ không nghe theo. Vậy thì người con này có mang tội bất hiếu không? 2. Con nghe nói nếu một người muốn nguyện thành Phật mà không ở trong thời kỳ đức Phật còn tại thế thì nguyện này không thành tựu vì người chứng minh thiếu năng lực để tiếp nhận lời nguyện cao quý đó. Như vậy thì làm sao để lời nguyện đó được thành tựu? Kính mong Sư chỉ dạy. Con xin thành kính đảnh lễ quý Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Vì thương yêu cha mẹ người con đã cố gắng hết lòng tạo điều kiện cho cha mẹ hiểu đúng chánh Pháp để bỏ ác làm lành mà vẫn không được thì đó không phải lỗi của người con. Tuy nhiên người con không nên chán nản, phải tìm nhiều phương tiện khác hoặc đợi thời cơ thuận lợi để giúp cha mẹ mình thoát khỏi đường ác. Nếu điều đó làm không được nhưng những bổn phận khác của người con đối với cha mẹ vẫn chu toàn thì người ấy vẫn là người con hiếu.
2) Nguyện thành bậc Toàn Giác có ba giai đoạn: một là nguyện trong tâm, hai là nguyện thành lời cho người khác biết, ba là nguyện trước một vị Phật và được vị Phật ấy thọ ký. Tất nhiên hai giai đoạn đầu ai cũng có quyền phát nguyện, nhưng chỉ chắc chắn thành tựu khi đã được một vị Phật thọ ký.
Câu hỏi:
Kính bạch quý Sư. Con muốn hỏi trong các bổn phận của con cái đối với cha mẹ có một điều là duy trì truyền thống gia đình, nối dòng nối dõi. Nhưng nếu người con này lại có ý xuất gia, không làm công việc này được thì có phải là người con bất hiếu không? Kính mong quý Sư chỉ dạy cho con được rõ. Kính chúc quý Sư an vui, mạnh khoẻ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nối dõi tông đường là đạo hiếu theo phong tục người Trung Hoa. Người Hoa xưa quan niệm rằng không có con kế thừa là tội bất hiếu lớn nhất. Phật giáo không nói như vậy. Phật có dạy một trong những bổn phận của con cái đối với cha mẹ là gìn giữ nề nếp gia phong của gia đình. Ý nói rằng con cái không nên phá hủy gia phong đạo đức mà ông bà cha mẹ đã khổ công tạo dựng được cho nề nếp tốt đẹp của gia đình. Đó mới là hiếu thảo chứ nếu sinh được cho cha mẹ một đứa cháu nối dòng mà lỡ gặp hạng "phá gia chi tử" thì liệu có là hiếu thảo được không? Con nghĩ thế nào?
Câu hỏi:
Kính bạch quý thầy! Con là một Phật tử. Con nghe nói là có viên ngọc lợi (không phải là ngọc xá-lợi Phật). Nguời ta nói rằng, khi để viên ngọc này trong nhà thì không sợ có loại bùa ngãi nào có thể xâm phạm vào người hoặc nhà của mình, có thật như vậy không? Xin quý thầy hoan hỉ giải thích giùm con. Nam-mô A-di-đà Phật.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Theo thiển ý của thầy, nếu con có nghiệp oan trái với ai đó thì mới bị người ta trù ếm bùa ngải, nếu không, con sợ làm gì vì con không thể bị hại một cách vô cớ được. Khi đã tạo nhân oan trái thì phải gặt quả nên không có phép mầu gì ngăn cản được nghiệp quả phải đến. Cho dù có ngọc gì đó có thể giúp con tránh được lúc này thì cũng phải trả lúc khác thôi. Tốt nhất là con nên có thái độ đúng đắn để ngừa bệnh và chữa bệnh, ví dụ như:
1) Thường sám hối lỗi lầm của mình hoặc xin lỗi người mình mạo phạm.
2) Thường làm những việc phước thiện nhất là việc làm trực tiếp hay gián tiếp sửa chữa lỗi lầm của mình.
3) Tập đón nhận nghiệp quả một cách bình thản.
4) Chiêm nghiệm để học ra bài học của nhân quả nghiệp báo.
Đó mới là những viên ngọc quí giúp con tự vệ tốt nhất không gì sánh bằng.